"Đội bóng" 80 tỷ đô đủ sức thay đổi nền kinh tế của Bộ Công thương
FPT Shop: Lợi nhuận 4 tháng đầu năm tăng trưởng 36% so với cùng kỳ
Doanh nghiệp vẫn làm ngơ với phòng vệ thương mại
Kiến nghị bỏ thời hạn giấy phép kinh doanh
Thế kẹt của Gang thép Thái Nguyên
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-07-2016
- Cập nhật : 17/07/2016
Xuất khẩu dăm gỗ “tuột dốc”
Trái ngược với tình hình xuất khẩu khả quan trong những tháng đầu năm 2015, nhưng tháng đầu năm nay, xuất khẩu dăm gỗ ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ cả về lượng lẫn giá trị và dự kiến trong tương lai tình hình còn có thể tệ hơn.
Theo báo cáo nghiên cứu “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Chính sách-thị trường-sinh kế của hộ trồng rừng” do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phối hợp thực hiện vừa được công bố tại hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới” diễn ra ngày 15-7, tại Hà Nội: Trong 5 tháng đầu năm, tổng lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 1,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 248 triệu USD. Các con số này nhỏ hơn rất nhiều so với 2,98 triệu tấn và 430 triệu USD của cùng kỳ năm 2015.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Quang, Tổ chức Forest Trends cho biết: Hiện lượng dăm tồn, không xuất khẩu được rất lớn. Sụt giảm nghiêm trọng lượng dăm gỗ xuất khẩu đang và sẽ tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực không phải chỉ riêng cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia chế biến, xuất khẩu, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho dăm và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng. Điều này cũng tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ.
Theo ông Quang, điều đáng chú ý còn là, xuất khẩu dăm những tháng đầu năm nay không chỉ giảm về lượng và giá trị mà còn giảm về số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu. Cụ thể, trong năm tháng qua, chỉ có 64 doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu, giảm sâu từ con số 101 doanh nghiệp trước đó.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhìn nhận: Sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ dịp đầu năm nay có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là do giảm nhu cầu trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc bởi đây đang là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
“Hiện xu hướng giảm cầu dăm chưa có dấu hiệu chững lại và điều này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dăm và toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Phúc phân tích thêm: Thị trường thế giới về tiêu thụ dăm gỗ bị co hẹp, mức giá xuất khẩu giảm, trong khi đó giá dầu thô trên thế giới giảm lại kéo theo việc giảm chi phí vận chuyển. Điều này tạo động lực cho việc hình thành và phát triển nguồn cung dăm mới từ một số quốc gia khu vực châu Phi về phía châu Á, đặc biệt về thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu từ Thái Lan cũng tăng mạnh do cây đến chu kỳ khai thác. Tất cả các yếu tố này tạo ra sự dư thừa trong nguồn cung, dẫn đến hệ lụy giá dăm nhập khẩu giảm.
Theo một số chuyên gia, giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam giảm không chỉ bởi sự rớt giá của thị trường thế giới mà còn còn do một số vấn đề nội tại của chính ngành dăm. Đó là ngành dăm phát triển chưa đồng bộ, thiếu chiến lược dài hạn, chạy theo phong trào, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, phát triển mất kiểm soát, đặc biệt là đối với cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình ở vùng Bắc Trung Bộ.
“Tuy không phải là nguyên nhân quan trọng, song việc thuế xuất khẩu thay đổi từ 0% lên 2% kể từ 1-1-2016 cũng là một yếu tố khiến xuất khẩu dăm những tháng đầu năm nay thêm khó khăn”, ông Phúc nói.
Nhiều chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn, xuất khẩu dăm gỗ vẫn là một kênh thị trường quan trọng cho hàng triệu hộ gia đình trồng rừng và người lao động, trực tiếp góp phần vào cải thiện sinh kế. Hiện nay, vấn đề cần giải quyết nhanh chóng là đảm bảo chất lượng dăm xuất khẩu và tạo tiếng nói chung của cả ngành dăm, từ đó góp phần giảm thiểu nguy cơ ép giá từ người mua, gây thua thiệt cho ngành dăm nói riêng và cả ngành gỗ nói chung.
Phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu hàng cấm trị giá hơn 6 tỷ đồng
Lợi dụng nhập nguyên liệu gia công, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đưa thiết bị điện tử, động cơ ô tô, điện gia dụng... thuộc danh mục hàng cấm vào Việt Nam, đã bị Cục Hải quan TP.HCM phát hiện.
Lô hàng nêu trên do Công ty TNHH M. Việt Nam mở tờ khai theo loại hình nhập nguyên liệu để gia công tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TP.HCM.
Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo hàng nhập khẩu là vải, nguyên phụ liệu may mặc: dây kéo, nút bấm…, mới 100%; xuất xứ Hàn Quốc. Phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, Đội Kiểm soát Hải quan – Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư kiểm tra phát hiện toàn bộ lô hàng khai báo hải quan sai so với thực tế hàng hóa. Hàng hóa thực nhập là thiết bị điện tử, điện gia dụng, động cơ ô tô, thân xe ô tô bị cắt rời... đã qua sử dụng, mỹ phẩm các loại, thiết bị y tế. Trị giá lô hàng trên 6 tỷ đồng.
Theo Đội Kiểm soát Hải quan, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp lợi dụng loại hình gia công, SXXK khai báo là nguyên phụ liệu để gia công, SXXK nhưng thực tế là lợi dụng để nhập khẩu hàng cấm. Cuối tháng 4-2016, Chi cục Hải quan quản lí hàng gia công-Cục Hải quan TPHCM phối hợp với đội kiểm soát Hải quan,Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện kiểm tra và phát hiện một container hàng điện lạnh nhập lậu.
Lô hàng này cũng được doanh nghiệp khai báo hải quan là nguyên phụ liệu nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Hải quan phát hiện lô hàng có dấu hiệu nghi vấn nên mở kiểm tra thực tế. Kết quả phát hiện toàn bộ hàng hóa trong container là máy lạnh, tủ lạnh…đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu.(HQ)
Tăng thu gần 1 tỷ đồng từ mặt hàng trà nhập khẩu
Kiểm tra sau thông quan đối với 7 tờ khai nhập khẩu mặt hàng trà của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T.H. (ngụ tại quận Gò Vấp- TP.HCM), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã quyết định truy thu trên 960 triệu đồng tiền thuế.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, qua tra cứu trên dữ liệu của cơ quan Hải quan đối với các tờ khai thông quan trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 20-8-2015 nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T.H. khai báo mặt hàng là bột trà xanh, trà các loại... mã số 0902.10.90, 2008.30.10, 2101.20.10, 2101.20.90, 2103.90.90 thuế suất nhập khẩu là 0%, 10%.
Căn cứ Biểu thuế, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ T.H. đã khai chưa chính xác thuế suất nhập khẩu của mặt hàng bột trà xanh, trà khô các loại... Cơ quan Hải quan đã điều chỉnh về mức thuế suất về thuế suất nhập khẩu 40% và ấn định số thuế còn thiếu mà doanh nghiệp phải nộp bổ sung, tổng cộng trên 960 triệu đồng.
Thái Lan điều trần vụ chống bán phá giá thép không gỉ nhập từ Việt Nam
Sau khi nhận được Bản dữ liệu trọng yếu, các bên liên quan có quyền nêu ý kiến, lập luận của mình, đồng thời Cục Ngoại Thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tổ chức phiên điều trần đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan về việc Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan thông báo gửi Bản dữ liệu trọng yếu (Essential Facts) kết luận điều tra trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Theo đó, đối với Bản dữ liệu trọng yếu, DFT thông báo sẽ tạo cơ hội cho các bên liên quan gửi bản đệ trình nêu các ý kiến, lập luận dưới dạng văn bản tới DFT không muộn hơn 16h30 ngày 22-7 (giờ Bangkok).
Mặt khác, DFT cũng sẽ tổ chức phiên điều trần lúc 10h00 ngày 27-7 tại Tầng 16- Phòng họp số 1601 của DFT nếu các bên liên quan có yêu cầu bằng văn bản và gửi tới DFT không muộn hơn 16h30 ngày 22-7 (giờ Bangkok).
Văn bản yêu cầu bao gồm tên của người tham gia (chỉ được tối đa 3 người) và chỉ những người đã đăng ký mới có thể tham gia phiên điều trần này. Nội dung các bên mong muốn phát biểu tại buổi tham vấn cũng cần phải gửi tới DFT bằng văn bản không muộn hơn 16h30 ngày 22-7 (giờ Bangkok). Buổi điều trần sẽ được thực hiện bằng ngôn ngữ Thái Lan.
Trước đó, hồi tháng 9-2015, theo đơn yêu cầu của nguyên đơn là Công ty Thailand- German Products và Công ty Puerto The Millennium, DFT đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tra là ống thép không gỉ có mã HS: 7305.31.10.000; 7306.11.10.000; 7306.11.90.000; 7306.21.00.000; 7306.40.10.010; 7306.40.10.020; 7306.40.20.010; 7306.40.20.020; 7306.40.30.010; 7306.40.30.020; 7306.40.90.010; 7306.40.90.020; 7306.61.00.021 và 7306.61.00.02.