Thái Lan muốn xóa bỏ ngành công nghiệp tình dục
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản
Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Sớm thực thi và tăng minh bạch
Đại gia chăn nuôi lãi lớn nhờ bán đất
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-07-2016
- Cập nhật : 17/07/2016
Chi tới 13 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị
Hết tháng 6, cả nước chi 13,085 tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Kết quả trên dù có sụt giảm 6% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng nhóm hàng này tiếp tục là mặt hàng có trị giá kim ngạch nhập khẩu lớn nhất cả nước, chiếm 16,26% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Ngoài máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hết tháng 6, cả nước có một nhóm hàng khác đạt trị giá kim ngạch nhập khẩu hơn 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,623 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Cùng với 2 nhóm hàng trên, hết tháng 6, cả nước có 17 nhóm hàng nhập khẩu khác đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Một số nhóm hàng nhập khẩu lớn đang chú ý khác như: Vải các loại hơn 5 tỷ USD, tăng 1,7%; điện thoại và linh kiện đạt gần 4,8 tỷ USD, giảm 8,3%; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,816 tỷ USD, tăng 0,1%...
Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy sự thua sút về tốc độ tăng trưởng của các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực so với cùng kỳ năm 2015.
Như trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng hết tháng 6-2015 đạt mức tăng trưởng tới 36% so với cùng kỳ 2014; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 35%; vải các loại tăng 10,3%...
Tính chung đến hết tháng 6, tổng trị giá kim ngạch hàng nhập khẩu cả nước đạt hơn 80 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ 2015. Đây cũng là chiều hướng đi xuống mạnh khi hết tháng 6-2016, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng tới 17,1%.(HQ)
Điểm tên ngân hàng đạt lợi nhuận khủng
Đua tranh vị thế dẫn đầu
Tính đến hết quý II/2016, thứ hạng của nhiều ngân hàng đã thay đổi đáng kể. Trong số 3 ngân hàng TMCP dẫn đầu hệ thống, BIDV đang đứng đầu về quy mô tổng tài sản và huy động vốn.
Theo đó, tổng tài sản của BIDV là 888.000 tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank với 850.000 tỷ đồng, đứng thứ ba là Vietcombank với kế hoạch tổng tài sản hơn 765.000 tỷ đồng trong năm nay. Về quy mô huy động vốn, 6 tháng đầu năm, BIDV huy động được 820.000 tỷ đồng, VietinBank đứng thứ hai với 780.000 tỷ đồng, thứ ba là Vietcombank với 535.000 tỷ đồng.
.
Tuy tổng tài sản tăng mạnh nhờ thương vụ sáp nhập MHB, quy mô huy động vốn cũng dẫn đầu, song hiệu quả hoạt động của BIDV không cao bằng VietinBank và Vietcombank. Cụ thể, VietinBank đang dẫn đầu về thị phần tín dụng với dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 729.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tốt đã góp phần đưa lợi nhuận của VietinBank dẫn đầu hệ thống trong 6 tháng đầu năm, với 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Vietcombank đứng thứ ba về dư nợ tín dụng (437.580 tỷ đồng), song lợi nhuận lại đứng thứ hai, bám đuổi sát nút VietinBank với 4.193 tỷ đồng. BIDV tuy đứng thứ hai về dư nợ tín dụng (657.000 tỷ đồng), song lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3.600 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, sở dĩ Vietcombank đạt lợi nhuận cao là do 6 tháng đầu năm, ngân hàng này tập trung cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này giúp cho tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) tăng lên.
“Tăng trưởng cho vay vượt tăng trưởng huy động cộng với sự chú trọng của Vietcombank vào các phân khúc cho vay lãi suất cao như cho vay cá nhân. Đồng thời, Vietcombank có thế mạnh mạng lưới, nên có thể tập trung cho vay các mảng cho vay có lãi suất cao, như cho vay tiêu dùng. Điều này là nhờ hệ số cho vay/huy động ở mức hợp lý, trong khi tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung, dài hạn cũng ở mức thấp”, HSC phân tích.
Bên cạnh các chỉ tiêu lớn, với từng lĩnh vực, sản phẩm cụ thể, vị thế của top 3 ngân hàng này cũng khác nhau, bởi mỗi ngân hàng có một thế mạnh riêng, có ngân hàng đứng đầu về thanh toán quốc tế - tài trợ thương mại, có ngân hàng dẫn đầu về tín dụng đầu tư, có ngân hàng lại nổi trội về khách hàng doanh nghiệp.
Thứ hạng sẽ còn thay đổi
Dù thứ hạng của 3 ngân hàng lớn đã phần nào được phân định trong 6 tháng đầu năm, song lãnh đạo nhiều ngân hàng dự đoán, bức tranh lợi nhuận toàn cảnh năm 2016 của top 3 ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống cũng sẽ còn nhiều thay đổi, tùy thuộc vào số nợ xấu và số trích lập dự phòng rủi ro của từng ngân hàng.
“Phải đến cuối năm nay, khi các ngân hàng hoàn tất việc trích lập dự phòng rủi ro thì mới có thể biết được ngân hàng nào lãi cao, lãi thấp. Có ngân hàng 6 tháng đầu năm công bố lãi lớn nhưng là do trích lập dự phòng ít và 6 tháng cuối năm sẽ phải mạnh tay trích lập. Ngược lại, có ngân hàng công bố lãi thấp, nhưng nếu đã tập trung trích lập dự phòng rủi ro thì lợi nhuận 6 tháng cuối năm sẽ ‘xông xênh’ hơn. Ngoài ra, nếu năm nay, ngân hàng nào thu nợ tốt thì lợi nhuận cuối năm cũng sẽ tăng lên”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết.
Hiện tại, cả BIDV, VietinBank và Vietcombank đều bán một lượng lớn nợ xấu cho VAMC. Theo quy định hiện hành, việc trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 20%/năm. Việc trích lập này có thể thực hiện theo quý hoặc dồn lại cuối năm mới thực hiện. Vì vậy, chuyện ngân hàng lãi lớn nửa năm đầu, nhưng lại ‘rơi” mạnh trong 6 tháng cuối năm không phải là chuyện lạ.
Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến thứ hạng của top 3 ngân hàng lớn nhất hệ thống là hoạt động M&A. Hiện BIDV đã hoàn tất thương vụ sáp nhập MHB. Khi công việc “hậu sáp nhập” hoàn tất, có thể lợi nhuận của BIDV sẽ vọt lên. Ngược lại, lợi nhuận của VietinBank có thể sẽ chững lại bởi thương vụ sáp nhập PGBank. Trước đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank khẳng định, dự kiến việc sáp nhập PGBank sẽ hoàn thành trước tháng 9/2016.(BĐT)
VNR muốn bán hơn 7,4 triệu cổ phiếu Tổng công ty công trình đường sắt
Cầu dây văng An Đông, tỉnh Ninh Thuận là một trong nhiều dự án do RCC thi công đã được khánh thành cuối tháng 8/2015. (Ảnh: Báo Giao thông)
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR vừa thông qua phương án bán cổ phần của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt.
Theo đó, VNR chào bán 7.425.511 cổ phiếu, chiếm 48,04% số lượng cổ phiếu đang lưu hành thông qua bán đấu giá công khai ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong năm 2016.
Giá khởi điểm chào bán là 24.700 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt trụ sở tại 33 Láng Hạ, Hà Nội, có số vốn điều lệ là 154,573 tỷ đồng (mã chứng khoán RCC).
Theo báo cáo trong năm 2015, mặc dù thị trường không thuận lợi song Hội đồng quản trị RCC đã rất quyết liệt chỉ đạo Ban điều hành thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo các chỉ tiêu kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, đạt hoặc vượt kế hoạch ở một số chỉ tiêu quan trọng.
Tổng giá trị sản lượng đạt 800,308 tỷ đồng bằng 95,3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 58,93 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 45,875 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động 7.678.000 đồng/người/tháng...
RCC cũng hoàn thành việc cổ phần hóa 7 công ty TNHH MTV, trong đó Công ty nắm cổ phần chi phối (nắm giữ trên 51% vốn điều lệ). Thành lập Chi nhánh - Xí nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng 158. Rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành hệ thống quy chế quản lý nội bộ trong Công ty; quy chế phối hợp hoạt động với Ban kiểm soát và các tổ chức đảng đoàn. Hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2014 và tạm ứng chi trả 8% cổ tức năm 2015.
Trong năm 2016, RCC đặt mục tiêu phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thành việc thoái bớt vốn Nhà nước trong quý III/2016 để có điều kiện tham gia đấu thầu tìm kiếm việc làm cho người lao động. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đấu thầu tìm kiếm việc làm. Củng cố hệ thống đấu thầu từ Công ty tới các công ty thành viên.
Thực hiện các giải pháp ổn định và nâng cao năng lực tài chính. Chỉ đạo Ban điều hành làm tốt công tác quản lý và thu hồi công nợ, tiết giảm chi phí...
RCC cũng đặt chỉ tiêu đạt giá trị sản lượng trên 800 tỷ đồng. Thanh toán thu hồi vốn trên 650 tỷ đồng. Tìm kiếm việc làm trên 800 tỷ đồng, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động. Lợi nhuận trước thuế trên 20% vốn điều lệ. Cổ tức năm 2016 trên 12,5% vốn điều lệ...
Áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội thế nào?
Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố các khâu thủ tục, tính thuế trong việc thực hiện áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguộn NK.
Theo đó, đối với những mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá theo Quyết định 1656/QĐ-BCT, các tờ khai hải quan hàng hóa NK được đăng ký kể từ ngày 14-5-2016 (ngày có hiệu lực của Quyết định 1656/QĐ-BCT) mà DN chưa khai báo mức thuế chống bán phá giá thì cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế chống bán phá giá theo quy định.
Đối với việc khai báo trên tờ khai hải quan điện tử, việc khai mã áp dụng mức thuế chống bán phá giá thực hiện theo quy định tại điểm 1.94 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC.
Đối với việc khai trên tờ khai hải quan giấy, trên cơ sở tờ khai NK ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC, người khai hải quan khai thuế chống bán phá giá vào tiêu chí 27- thuế Tiêu thụ đặc biệt của tờ khai hải quan NK và phụ lục tờ khai NK. Đồng thời trên tiêu chí 27 sẽ được thay thế bằng “thuế chống bán phá giá”. Việc ghi trị giá tính thuế, thuế suất và số tiền thuế tự vệ phải nộp trên các ô tương ứng của tờ khai theo đúng quy định.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm thời sử dụng mẫu 02/HNK ban hành kèm theo Quyết định 723/QĐ-BTC để thu thuế chống bán phá giá trong trường hợp cơ quan Hải quan trực tiếp thu tiền mặt cho đến khi có mẫu biên lai mới, lãnh đạo Chi cục phụ trách trực tiếp ký và đóng dấu treo của đơn vị.
Trường hợp tờ khai có nhiều mặt hàng, không có thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng có thuế chống bán phá giá thì sửa ô “Tiền thuế Tiêu thụ đặc biệt” thành “tiền thuế chống bán phá giá”. Trường hợp người khai hải quan nộp tiền trực tiếp tại ngân hàng , kho bạc thực hiện theo quy định tại Thông tư 184/2015/TT-BTC.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra hồ sơ hải quan, giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận xuất xứ và các giấy tờ liên quan khác do nhà sản xuất phát hành để xác định nước xuất xứ, tên nhà sản xuất/XK tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn Hải quan các tỉnh, thành phố về căn cứ và phương pháp tính thuế chống bán phá giá, thuế GTGT đối với hàng NK bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Cùng với đó là thủ tục thu, nộp, hoàn trả, hạch toán thuế chống bán phá giá.(HQ)
Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải ký quỹ 10 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2016/NĐ-CP, trong đó bổ sung điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.
Doanh nghiệp phải có kho, bãi phục vụ kinh doanh với sức chứa tối thiểu là 100 container lạnh. Ảnh: H.Dịu
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Danh mục do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phải đáp ứng số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng nộp tại một tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có kho, bãi phục vụ kinh doanh với sức chứa tối thiểu là 100 container lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m². Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, chiều cao tối thiểu 2,5 m; có đường dành cho xe chở container di chuyển; có cổng ra vào và biển hiệu. Kho, bãi cũng phải có đủ nguồn điện và các thiết bị chuyên dùng.
Kho, bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê; phải nằm trong khu vực quy hoạch hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc trong khu vực do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới, trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công Thương, quy định để xây dựng kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh.
Kho, bãi mà doanh nghiệp đã kê khai để xin cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không được cho doanh nghiệp khác thuê toàn bộ hoặc một phần để sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.