Xuất khẩu vũ khí của Đức tăng lên 4,03 tỷ euro trong 6 tháng đầu năm 2016
Xuất khẩu cà phê của Costa Rica giảm 2,4% trong tháng 6
Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc trong quý 3 cao hơn 79%
Hàn Quốc đặt mục tiêu đầu tư năng lượng tái tạo trị giá 37 tỷ USD vào năm 2020
New Zealand: niềm tin kinh doanh lạc quan tăng trong quý II
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-03-2016
- Cập nhật : 19/03/2016
JETRO hỗ trợ DN Việt Nam xúc tiến xuất khẩu
Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM ngày hôm nay, 17-3, tổ chức cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư sản xuất tại Thái Lan, Malaysia, Singapore và tại Nhật cùng gặp gỡ các nhà cung cấp trong nước để tìm hiểu khả năng cung ứng.
Sự kiện diễn ra tại TPHCM với khoảng 120 doanh nghiệp trong nước và 60 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ Nhật Bản tại Việt Nam tham gia.
Có 23 doanh nghiệp Nhật Bản muốn mua, trong đó đáng chú ý đối tượng tham gia bên mua không chỉ là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Việt Nam mà còn có các đại diện của các tập đoàn lớn của Nhật trên thế giới đang sản xuất tại các nước trong khu vực như Canon Hi –Tech Thailand, Sodick Thailand, Sony EMCS Malaysia, Mitsubishi Electric Asia, Sharp Corporation, NEC Plasforms Thai…
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề sự kiện này, ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cho biết những năm qua JETRO tại TPHCM chủ yếu tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam với doanh nghiệp phụ trợ trong nước. Và đây là lần đầu tiên JETRO tổ chức việc kết nối các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản ở các nước trong khu vực với các nhà cung cấp trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nhà sản xuất để cung ứng cũng như xuất khẩu sản phẩm linh phụ kiện.
Ông Yasuzumi lưu ý đây là sự kiện rất quan trọng, và kết quả cuộc gặp sẽ giúp quyết định việc JETRO có thể tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc tương tự trong tương lai nữa hay không. Nếu các nhà sản xuất Nhật Bản ở các nước tham gia lần này đánh giá không thể tìm được nhà cung cấp trong nước thì rất khó để tổ chức các lần tiếp theo, ông Yasuzumi chia sẻ và cho biết việc tổ chức lần này, JETRO tại TPHCM cũng liên kết với JETRO của các nước để thực hiện.
Ông Yasuzumi cho biết sự kiện lần này JETRO phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp-Khu chế xuất TPHCM (HEPZA) và Trung Tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ (Sở Công Thương TP.HCM) tổ chức, và những doanh nghiệp trong nước tham gia sự kiện kết nối này cũng đã được chọn lựa và sàng lọc nên ông hy vọng các nhà sản xuất Nhật Bản có thể tìm được các nhà cung ứng Việt Nam phù hợp.
Ông Naoki Mori thuộc Công ty Sodick (Thailand), doanh nghiệp chuyên sản xuất máy chế tạo khuôn mẫu và máy ép nhựa, cho biết lâu nay linh phụ kiện sản xuất công ty mua tại chỗ (Thái Lan) và đây là lần đầu tiên Sodick tìm nhà cung cấp tại Việt Nam để xem có cạnh tranh hơn về chất lượng, giá cả.
"Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, có lợi thế về nguồn lao động kỹ năng với chi phí thấp và Chính phủ bắt đầu hỗ trợ cho các doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất, chúng tôi hy vọng sẽ tìm được các nhà cung cấp tiềm năng của Việt Nam để hợp tác", ông Mori nói.
Tương tự, đại diện của Mitsubishi Electric Asia cho biết hãng đã có nhà cung cấp ở Thái Lan và đang tìm hiểu khả năng của các nhà cung cấp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hay không.
Ông Hirotaka Yasuzumi cho biết phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản ở khu vực ASEAN tham gia lần này hoạt động trong lĩnh vực điện-điện tử và khuôn mẫu. Cả hai lĩnh vực này về cơ bản doanh nghiệp tại Việt Nam đều có thể tham gia nhưng ông nhìn thấy lĩnh vực khuôn mẫu có tiềm năng hơn.
Trước đó một ngày (16-3), các doanh nghiệp Nhật Bản này cũng đã tham dự hội thảo kết nối doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Nhật Việt – ASEAN được tổ chức tại TPHCM và tham quan một số nhà máy của doanh nghiệp TPHCM.
Theo báo cáo của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa trong khối chế tạo của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam năm 2015 là 32,1%. Tỷ lệ này dù có cao hơn Philippines (26,2%), nhưng lại thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (64,8%), Thái Lan (55,5%), Indonesia (40,5%) hay Malaysia đạt 36%.
Tỉ phú Lý Gia Thành: Kinh tế Hồng Kông tệ nhất trong 20 năm
Ngày 17-3, tại cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh của tập đoàn CK Hutchison Holdings ở Hồng Kông, tỉ phú Lý Gia Thành cho rằng nền kinh tế Hồng Kông đang ở trong trạng thái tệ nhất trong 20 năm.
Báo Straits Times cho biết ông Lý Gia Thành đưa ra nhận định trên sau khi hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s hạ triển vọng tín dụng của Hồng Kông từ mức ổn định xuống mức tiêu cực vào cuối tuần trước.
Ông Lý Gia Thành nói: “Ngày nay, kinh tế Hồng Kông đang trở nên xấu hơn... và ở mức tệ nhất mà tôi từng chứng kiến trong 20 năm qua. Doanh thu bất động sản và bán lẻ đang sụt giảm mạnh hơn thời kỳ đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng làm 299 người tử vong ở Hồng Kông vào năm 2003)”.
Ông cho biết: “Nếu không có sự ủng hộ của Trung Quốc lục địa, tôi tin rằng chỉ số Hang Seng chắc chắc đã giảm ít nhất 50% tính từ mức hiện tại”.
Hồng Kông đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi kinh tế toàn cầu suy yếu và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, ông Lý Gia Thành cũng cảnh báo các bất ổn chính trị có thể làm xấu đi triển vọng phát triển của Hồng Kông.
Ông kêu gọi các nhà chính trị phải nhìn nhận lại vụ xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông vào đầu năm mới và rút ra một bài học. Ông cho rằng hãy để người dân Hồng Kông, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành một phần trong chương trình nghị sự của chính quyền.
Kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy tập đoàn CK Hutchison Holdings, do ông Lý Gia Thành làm chủ tịch, lãi ròng 4 tỉ đô la Mỹ.
Tỷ phú Lý Gia Thành được tạp chí Forbes bầu chọn là người giàu thứ hai ở châu Á với tổng tài sản 30,6 tỉ đô la Mỹ.
Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu dầu
Theo đó, từ ngày 18-3, các mặt hàng xăng dầu sẽ được áp mức thuế nhập khẩu ưu đãi mới như sau: Xăng khoáng và xăng sinh học: 20%; dầu diezel và dầu diezel sinh học: 7%; dầu madút: 7%; dầu hỏa: 7%; xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay: 7%.
Như vậy với biểu thuế mới này, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu đã được giảm xuống so với quy định trước đó theo Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính. Thông tư 78/2015 quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính toán giá cơ sở xăng dầu trong nước là: 20% đối với xăng, 10% với dầu diesel và madut, 13% với dầu hỏa.
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với dầu sẽ giúp giảm chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của mặt hàng này.
Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu tại Thông tư số 48 nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các hiệp định thương mại song phương và khu vực.
Những ngày qua, người tiêu dùng đang rất bức xúc với mức chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu trong cách tính giá cơ sở. Mới đây, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo báo chí thừa nhận có sự chênh lệch giữa các mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Bộ Tài chính hứa sẽ nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch này trong giá cơ sở xăng dầu.
4.000 tỉ đồng xây cảng quốc tế Liên Chiểu
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản công bố kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư với số vốn 4.000 tỷ đồng.
Cảng Tiên Sa đang rơi vào tình trạng quá tải nên chính quyền Đà Nẵng muốn được đầu tư xây dựng nhanh cảng Liên Chiểu - Ảnh: Hữu Khá
Ngày 18-3, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công và đoàn công tác của các bộ ngành trung ương về rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Sia, tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng cho rằng, hiện nay cảng Tiên Sa đang là cảng tổng hợp hàng hóa và du lịch. Vì vậy, việc các tàu du lịch vào neo đậu thời gian dài, du khách qua lại dưới những giàn trục cẩu dỡ hàng đã ảnh hưởng đến việc bốc dỡ hàng và mất an toàn khu vực các cầu tàu.
Nếu nâng công suất lên 12-15 triệu tấn/năm sẽ xảy ra sự xung đột giữa khai thác du lịch và hàng hóa. Không những vậy, hệ quả tiếp theo là thiếu khu vực hậu cần sau cảng. Vì vậy việc đầu tư xây mới cảng Liên Chiểu là cần thiết.
Ngoài ra, theo ông Lê Văn Trung, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, việc xây dựng cảng mới Liên Chiểu là cần thiết, sẽ giải tỏa được bài toán kinh tế xã hội vì hiện nay tình trạng xe container chạy vào trung tâm TP để đến cảng Tiên Sa quá đông đã gây xung đột giao thông.
Nếu tiếp tục nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa thì tình hình xung đột giao thông sẽ ngày càng nặng thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lo lắng là nếu công suất cảng Tiên Sa tăng lên 15 triệu tấn/năm sẽ ảnh hưởng đến giao thông nội đô, lượng xe chở hàng hóa qua lại nhiều ẩn chứa tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Ông Tuấn cho biết quan điểm của lãnh đạo TP là muốn Bộ Giao thông vận tải có nghiên cứu, xem xét nâng cấp độ cảng Liên Chiểu thành cảng quốc tế trước năm 2020 để giảm tải hàng hóa cho cảng Tiên Sa và ủng hộ Đà Nẵng phát triển kinh tế lấy du lịch làm trọng tâm.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Công, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng cảng Liên Chiểu thuận lợi về độ sâu nhưng hạn chế về mặt bằng, tốn kém thêm đê chắn sóng nhưng cần thiết phát triển để giảm tải cảng Tiên Sa.
Được biết, để thực hiện dự án cảng quốc tế Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản công bố kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức hợp tác công tư với số vốn 4.000 tỷ đồng.
Khai nhập than củi, bên trong là rác điện tử
Ngày 17-3, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã khám xét, phát hiện 3 container có chứa hàng lậu thuộc diện cấm nhập khẩu.
Tại hiện trường, khi kiểm tra container của doanh nghiệp Cát Hi Viên (Bến Lức, Long An) được khai báo hàng là máy móc nông nghiệp đã qua sử dụng, đội kiểm tra phát hiện 6 xe máy đã qua sử dụng không thuộc diện cho phép nhập khẩu và một số hàng không khai báo như sữa, mỹ phẩm, rượu... đều có xuất xứ từ Nhật Bản.
Hai container còn lại được Công ty TMDV XNK An Hòa (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khai báo là nhập than củi từ Malaysia, nhưng kết quả kiểm tra cho thấy toàn container chứa hàng linh kiện điện tử như cục nguồn mạch điện tử đã qua sử dụng được nghi là rác điện tử, đây cũng là mặt hàng cấm nhập khẩu.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, toàn bộ lô hàng vi phạm này sẽ được giữ lại và đem đi trưng cầu giám định, khi có kết quả về chủng loại mặt hàng cụ thể sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.