9 tháng đầu năm 2018 thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trên 224.000 tỷ đồng; Vẫn thiếu vắng các nhà đầu tư Âu, Mỹ; 9 tháng, Việt Nam đón 11,6 triệu lượt khách quốc tế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-09-2018
- Cập nhật : 30/09/2018
9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6%
9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 do Tổng cục Thống kê công bố mới đây, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 2,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; Sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%. Tính chung quý III/2018, IIP ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 3,4%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.
Tính chung 9 tháng năm 2018, IIP ước tính tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 12,7%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 10,7%), đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9% (quý I tăng 15,7%; Quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,2%), đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,7%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; Riêng ngành khai khoáng giảm 2% (chủ yếu do khai thác dầu thô giảm 11,7%), làm giảm 0,3 điểm phần trăm mức tăng chung.
Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất của sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 9 tháng năm 2018 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; Sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 10% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 6,2% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 11,9%).(TCTC)
---------------------
Đẩy mạnh điện than sạch
Phát triển nhiệt điện than công nghệ sạch là một phần quan trọng trong chính sách năng lượng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam
Do chi phí nhiên liệu đầu vào thấp, công suất lớn, các nhà máy nhiệt điện than đã giải quyết được bài toán an ninh năng lượng cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Công nghệ sạch là xu hướng
Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU..., từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, nhiệt điện than đã chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nguồn điện. Đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, sản lượng nhiệt điện than chiếm trên 60% tổng sản lượng điện toàn cầu. Đến nay, mặc dù tỉ trọng nhiệt điện than thế giới đã giảm nhưng sản lượng vẫn chiếm khoảng 35%-40%. Qua đó cho thấy tầm quan trọng của nguồn điện này.
Tại châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cũng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh qua từng năm. Khi đó, điện than góp phần giải quyết được bài toán về một nguồn điện rẻ và phong phú. Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than đối mặt với khá nhiều thách thức, chủ yếu xung quanh vấn đề môi trường. Vì vậy, nếu giải quyết được vấn đề công nghệ - tức là sử dụng "công nghệ sạch", thân thiện với môi trường thì nhiệt điện than hoàn toàn có thể nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng xã hội.
Tại Malaysia - quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á - nhiệt điện than là một phần trong chính sách đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà chính phủ nước này theo đuổi. Do làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là ứng dụng công nghệ tiên tiến, Malaysia đang phát triển nhiệt điện than mà không gặp nhiều trở ngại.
Chỉ riêng khu tổ hợp Manjung (thuộc Công ty TNB, bang Perak - Malaysia) đã có 4 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất nguồn 3.100 MW, cấp điện cho hơn 20% dân số của Malaysia. Trong đó, nhiệt điện Manjung 4 với công suất 1.000 MW là nhà máy sử dụng công nghệ siêu tới hạn đầu tiên ở Đông Nam Á, giúp sản xuất điện có mức phát thải khí thấp hơn 10% so với mức khí thải trung bình thế giới.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: VIẾT TRUNG
Việt Nam nên học tập
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cùng với nhiệt điện, năng lượng tái tạo được Chính phủ ưu tiên phát triển với tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nguồn. Đến năm 2030, tổng công suất dự kiến đạt khoảng 55.300 MW, chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than).
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng trên thực tế, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng điện ở mức khoảng 10%/năm và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong điều kiện hiện nay, phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam là cần thiết. Theo các chuyên gia, nếu "từ chối " nhiệt điện than đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, khi thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, năng lượng tái tạo có suất đầu tư quá cao và khả năng ứng dụng vẫn còn hạn chế. "Vấn đề mấu chốt là chúng ta hướng tới đầu tư các nhà máy nhiệt điện than công nghệ sạch, thân thiện với môi trường" - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi khẳng định.
Nhiều nhà máy nhiệt điện than hiện nay của Việt Nam - nhất là các nhà máy thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Trong đó, một số nhà máy đã ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), công nghệ giảm phát thải carbon ra môi trường như: Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng... Các nhà máy nhiệt điện đầu tư từ những giai đoạn trước cũng đang được đầu tư bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy.
Tại hội nghị bàn về phát triển nhiệt điện than với công nghệ hiệu suất cao, thân thiện môi trường vào tháng 3-2018 giữa EVN và Trung tâm Năng lượng Than Nhật Bản, đại diện Trung tâm Năng lượng Than Nhật Bản cũng đánh giá cao công nghệ mà EVN đang sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, công nghệ đang phát triển không ngừng, từ siêu tới hạn và tiếp theo có thể là trên siêu tới hạn, cho phép các nhà máy nhiệt điện than ngày càng vận hành hợp lý hơn và sạch hơn. Theo TS Sacha Parneix, Tổng Giám đốc thương mại của GE’s Steam Power, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, hoàn toàn có thể phát triển nhiệt điện than "siêu sạch". (NLĐ)
----------------------
GDP 9 tháng tăng trưởng cao nhất 8 năm qua
Kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát, bên cạnh đó tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện
Ngày 28-9, Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố số liệu kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2018.
Theo báo cáo, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng cao, GDP trong 9 tháng đầu năm tăng cao nhất kể từ năm 2011. Cụ thể, GDP quý III ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá mức tăng này thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, điều đó cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng, tạo đà cho kinh tế nước ta phát triển trong những năm tới. Kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và lạm phát được kiểm soát
Tổng cục Thống kê cũng tính toán bình quân 9 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên. CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản tháng 9-2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Về doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới trong 9 tháng, ông Lâm cho biết cả nước có 96.611 DN đăng ký với tổng vốn là 963.400 tỉ đồng. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỉ đồng, tăng 3,8%. Nếu tính cả 1.881.900 tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2018 là 2.845.300 tỉ đồng.
Bên cạnh con số khả quan về DN thành lập mới, trong 9 tháng qua có 73.103 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Từ con số này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần lưu ý để tìm nguyên nhân, khắc phục khó khăn cho DN. Theo ông, cần rà soát bổ sung hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất hơn các điều kiện kinh doanh vốn vẫn đang là rào cản. (NLĐ)