Trong nhiều ngành - đặc biệt là ở những vị trí cấp thấp hoặc cấp dưới - bạn có thể phải đối mặt với hàng trăm người đang ứng tuyển vào cùng một vị trí. Để đảm bảo bạn có cơ hội gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng tính cách nổi bật của mình, điều quan trọng là phải hoàn thiện CV - công cụ được thiết kế để giúp bạn được phỏng vấn.
Cách viết thư xin việc ấn tượng cho người chưa có kinh nghiệm
- Cập nhật : 03/07/2024
Thư xin việc là văn bản quan trọng đi kèm với CV khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ đọc thư xin việc để quyết định xem bạn là người thế nào, có tiềm năng nào nổi bật hay không. Thông thường ứng viên có kinh nghiệm sẽ chiếm ưu thế hơn khi tìm việc. Tuy nhiên đây chưa phải là tất cả, bạn vẫn có thể tạo ấn tượng bằng các thế mạnh riêng của bản thân. Điều quan trọng là bạn có biết cách viết một bức thư xin việc tạo được thiện cảm và có sức hút. Vậy làm sao để có được điều này? Hãy tham khảo ngay một số gợi ý dưới đây từ CareerLink bạn nhé.
Thư xin việc cần chứa đầy đủ thông tin cơ bản
Một bức thư xin việc làm ở Thái Bình, Hà Nội hay bất kỳ nơi nào khác nên đầy đủ nội dung cơ bản, gồm thông tin người gửi và người nhận.
Phần thông tin người gửi nên viết chi tiết như họ và tên, tuổi, ngành học, chuyên môn, địa chỉ và cách liên hệ; Phần người nhận, bạn nên viết rõ họ tên và vị trí người lãnh đạo hoặc người chịu trách nhiệm tuyển dụng một cách rõ ràng và trân trọng.
Thông tin cơ bản giúp nhà tuyển dụng hình dung sơ lược được phần nào về bạn và phương tiện liên hệ khi cần thiết.
Chú ý bố cục thư xin việc hợp lý
Một bức thư xin việc có bố cục rõ ràng, hợp lý sẽ làm cho người đọc dễ chịu và dễ hiểu.
Thư xin việc thông thường gồm 3 phần: Chào hỏi - giới thiệu, nội dung chính và kết thúc. Phần chào hỏi chủ yếu bạn giới thiệu ngắn gọn về bản thân; Phần nội dung nêu rõ mục đích của thư và nói ngắn gọn về những điểm mạnh liên quan đến công việc mà bạn có; Phần kết thúc bày tỏ lời cảm ơn nhà tuyển dụng và mong muốn nhận được cơ hội công việc này.
Với những bạn chưa có kinh nghiệm càng chú ý hơn về bố cục thư bởi vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá mức độ hiểu biết cơ bản của bạn khi viết lách qua thư xin việc.
Nhấn mạnh trình độ học vấn và kỹ năng
Với người chưa có kinh nghiệm, cơ hội ứng tuyển thành công có thể thấp hơn. Điều này không có nghĩa là bạn từ bỏ mà thay vào đó cần cố gắng hơn nữa.
Khi viết thư xin việc, thay vì liệt kê kinh nghiệm, bạn có thể khéo léo nhấn mạnh học vấn và kỹ năng – hai yếu tố có thể giúp bạn hoàn thành tốt công việc. Lưu ý nếu bạn tốt nghiệp chuyên ngành liên quan công việc ứng tuyển và với thứ hạng giỏi thì càng cần “khoe” hơn nữa, ví dụ như Tốt nghiệp xếp loại xuất sắc khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên…
Việc đề cập đến học vấn và kỹ năng sẽ phần nào bù đắp cho phần kinh nghiệm còn thiếu hụt của bạn. Các nhà tuyển dụng giỏi sẽ biết cách nhận thấy điểm mạnh ở mỗi ứng viên để tạo cơ hội.
Viết về học vấn và kỹ năng trong thư xin việc bạn cũng nên lưu ý mức độ ngắn gọn, súc tích và lựa chọn ngôn từ phù hợp. Tránh viết quá tâng bốc bản thân, thiếu trung thực.
Đề cập đến những hoạt động ở trường, hoạt động xã hội
Một sinh viên năng động sẽ tham gia nhiều hoạt động học thuật và xã hội khi ở ghế nhà trường. Trường học cũng là môi trường tốt để rèn luyện bản thân vì có rất nhiều chương trình, nhiều hoạt động thích hợp cho sinh viên theo đuổi hướng đi của mình. Khi chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ không có nhiều trải nghiệm công việc để viết trong thư xin việc. Để tạo được ấn tượng và tiếp thị bản thân, bạn nên đề cập đến những dự án, hoạt động mình tham gia. Chẳng hạn bạn đã tham gia các hoạt động tình nguyện - xã hội hay dự án học thuật nào, đóng vai trò gì, bạn đã đạt được thành tựu nào, có giúp ích cho cộng đồng không. Sau cùng bạn nhấn mạnh bản thân đã được tích lũy kinh nghiệm hoặc thế mạnh như thế nào để đảm bảo làm tốt công việc sắp tới…
Bất kì doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt huyết và bùng nổ năng lượng tích cực.
Viết mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng
Dù chưa có kinh nghiệm nhưng bạn cũng cần xác định mục tiêu rõ ràng và kiên trì theo đuổi. Bạn nên chia sẻ điều này trong thư xin việc, bày tỏ mong muốn được được làm việc một cách nghiêm túc, gắn bó lâu dài với công ty, bạn sẽ nỗ lực từng ngày không chỉ giúp làm việc tốt, đạt thành quả cho bản thân mà còn góp phần trong sự tăng trưởng cho công ty theo khả năng của mình.
Thư xin việc chính là bản tóm tắt sơ lược về bản thân mà ứng viên muốn gửi đến nhà tuyển dụng. Một bức thư xin việc nên được viết với tinh thần trung thực, giàu năng lượng tích cực thì sẽ dễ tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Lưu ý bạn cần đảm bảo đến câu cú, chính tả, cách hành văn… vì chính những chi tiết này rất quan trọng, góp phần đánh giá năng lực và cách làm việc của bạn.
Đặng Hảo