Giá dầu cọ thô có thể tăng vào cuối năm nay, do nhu cầu tăng và nguồn cung thắt chặt.
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-08-2016
- Cập nhật : 28/08/2016
Mỹ có thể sắp tăng lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - bà Janet Yellen đã ra tín hiệu có thể vẫn tăng lãi suất năm nay.
"Tôi cho rằng điều kiện để tăng lãi suất ngày càng cao lên trong vài tháng gần đây", bà cho biết trong bài phát biểu hôm qua. Tuy vậy, bà không nói rõ về thời điểm. Phiên họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào cuối tháng 9. Họ cũng còn một cuộc họp nữa vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi trước kỳ bầu cử của Mỹ là không cao.Bên cạnh đó, sự mập mờ trong bài phát biểu của bà Yellen ám chỉ Fed sẽ đợi đến phiên họp tháng 12 để tăng lãi suất. Hồi tháng 5, Yellen cho biết mùa hè là thời điểm tăng lãi thích hợp. Nhưng sau báo cáo việc làm tháng 5 quá yếu, bà đã thay đổi quan điểm trên. Giờ bà thậm chí không đưa ra mốc thời gian nào nữa.
Đến tháng 6 và tháng 7, thị trường lao động lại hồi phục, tạo thêm hơn nửa triệu việc làm. Bà Yellen hôm qua nhấn mạnh vào sự cải thiện của thị trường và "tốc độ tăng trưởng vững chắc" trong tiêu dùng. Giới chuyên gia cũng đồng ý với việc này.
"Thị trường tiêu dùng đang rất tốt. Nhiều yếu tố trên thị trường lao động còn tốt hơn", Phil Orlando - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Federated Investors cho biết. Orlando tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.
Fed đã duy trì lãi suất gần 0% từ cuối năm 2008, và mới tăng nhẹ năm ngoái. Lãi suất thấp giúp các doanh nghiệp dễ vay vốn và thuê nhân công hơn. Nó cũng là nguyên nhân chính kéo thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh suốt 7 năm qua. Do nhà đầu tư không mấy hào hứng với trái phiếu lãi suất thấp.
Tuy nhiên, bà Yellen cho rằng nếu còn tiếp tục duy trì chính sách này, "nó có thể khuyến khích hoạt động mạo hiểm và làm tăng bất ổn tài chính". Sau bài phát biểu của bà Yellen hôm qua, chứng khoán Mỹ không có mấy phản ứng. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones chốt phiên tăng nhẹ.(Vnexpress)
Nhà đầu tư nước ngoài đua chốt lời tại Thế giới Di động
Nhiều quỹ ngoại đã bán ra lượng lớn cổ phần khi Thế giới Di động (Mã CK: MWG) đang ở thời kỳ huy hoàng nhất kể từ khi thành lập năm 2004.
Mekong Enterprise Fund II - một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thuộc diện lớn nhất tại Thế giới Di động đã liên tục thông báo thoái vốn trong những ngày qua. Theo đó, từ 19/8 đến 17/9, quỹ này sẽ bán ra 2,7 triệu cổ phiếu MWG theo phương thức thoả thuận. Đầu tháng 7, quỹ ngoại này cũng bán ra 2,5 triệu cổ phiếu MWG với giá thoả thuận khoảng 135.000 đồng một cổ phiếu thu về gần 340 tỷ đồng.
Mekong Enterprise Fund II là quỹ thuộc Mekong Capital đầu tư mạnh vào các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam. Từ rất sớm, quỹ này nắm 30% cổ phần tại Thế giới Di động. Tuy nhiên, trước thời điểm doanh nghiệp lên sàn, quỹ đã thoái bớt một phần vốn để chốt lời.
Tính đến đầu tháng 7 vừa qua, quỹ ngoại này còn nắm 16,04 triệu cổ phần - tương ứng 10,1% vốn của Thế giới Di động. Khi giao dịch sắp tới hoàn thành, Mekong Enterprise sẽ giảm sở hữu đáng kể xuống còn 7,39% - tương ứng 10,8 triệu cổ phần.
Một trường hợp khác là Quỹ Ntasian Discovery Master Fund cũng bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG hồi đầu tháng 7, khi mã này đang ở đỉnh giá, qua đó giảm sở hữu xuống 4,76%. Sau giao dịch, Ntasian không còn là cổ đông lớn nên việc thoái hết vốn khỏi Thế giới Di động hoàn toàn không phải báo cáo công khai.
Cùng với những giao dịch trên, em gái ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT công ty và một số lãnh đạo của doanh nghiệp cũng công bố bán ra hàng trăm nghìn cổ phiếu thời gian qua, thu về hàng chục tỷ đồng.
Từ giữa năm nay, Thế giới Di động đã tạo ra hiện tượng khi cổ phiếu liên tục phá các kỷ lục kể từ khi niêm yết. Tính từ tháng 5 đến nay, MWG tăng trưởng tới 90% lên 143.000 đồng. Có thời điểm, cổ phiếu này đã lập đỉnh vượt 154.000 đồng. Hiện công ty đang được thị trường định giá khoảng 21.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Thế giới Di động vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số. Doanh thu 7 tháng đạt 23.278 tỷ đồng - tăng 80%, lợi nhuận sau thuế 981 tỷ đồng - tăng 71% so với cùng kỳ. Hệ thống siêu thị trên toàn quốc đã lên đến con số hơn 1.000.
Quỹ ngoại sở hữu lượng cổ phần lớn nhất tại Thế giới Di động lần lượt thoái vốn khi Thế giới Di động đang ở vị thế đỉnh cao khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng sẽ có một đợt thoái trào sau khi cổ đông ngoại rút vốn. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng Thế giới Di động không thể tăng trưởng nóng được mãi dựa trên tốc độ mở cửa hàng như vũ bão trong thời gian qua.
Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng những khó khăn của Thế giới Di động gặp phải thời gian tới đó là nguy cơ thị trường smartphone tiêu thụ chậm lại và những điểm yếu hệ thống bán lẻ khi thương mại điện tử lên ngôi. Tuy nhiên, Thế giới Di động đã và đang hoàn thiện mình, website công ty có tới 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Đồng thời, công ty cũng dự định tìm kiếm mở rộng thị trường Lào, Campuchia, Myanmar… dựa trên những cam kết giảm thuế của Hiệp định Thương mại Hàng hoá Asean (ATIGA). Tuy nhiên, lãnh đạo Thế giới di động cũng cho biết các bước đi đều được tính toán thận trọng.
Singapore đầu tư 1,7 tỉ USD vào Việt Nam
Trong tám tháng năm 2016, các dự án của các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 559 triệu USD, chiếm 20%. Tiếp theo là các lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải và nghệ thuật vui chơi, giải trí với tổng vốn đầu tư lần lượt là 229 triệu USD và 186 triệu USD.
Trong các nước khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nước dẫn đầu về số vốn đầu tư với 1,7 tỉ USD chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực này tại Việt Nam. Tiếp theo là Thái Lan, Malaysia và Brunei. Một số ít dự án còn lại thuộc Indonesia, Lào và Campuchia.
Các nước khu vực ASEAN đã đầu tư tại 32/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng Nai là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam, Hà Nội xếp thứ hai, tiếp theo là Bình Dương, TP.HCM…
Phát hiện hơn 160 tấn tôm đông lạnh hết đát nhập từ Ấn Độ
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM cho biết tình hình vận chuyển kinh doanh hàng giả hàng lậu ở địa bàn TP.HCM hết sức phức tạp.
Đối với buôn lậu thuốc lá chủ yếu từ Long An, Tây Ninh. Từ khi quy định vận chuyển từ 500 bao thuốc lá trở lên bị khởi tố hình sự, đối tượng vận chuyển xé nhỏ lẻ, sử dụng phương tiện nhỏ gọn hơn để hoạt động.
“Đối tượng vận chuyển buôn bán thuốc lá lậu rất sừng sỏ, ngoài đối tượng chuyên nghiệp còn dùng đối tượng không công ăn việc làm, sử dụng ma túy… Nên công tác chống buôn lậu thuốc lá gặp nhiều khó khăn” ông Kiếm nhấn mạnh. Hàng giả, hàng lậu phần lớn xuất xứ ở Trung Quốc và tập trung ở quận 1, quận 5, 6, Tân Bình,...
Theo ông Kiếm, sau khi bị lực lượng chức năng quyết liệt xử lý, các đối tựơng sản xuất hàng giả, hàng lậu giãn ra hoạt động các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như mặt hàng gas, phân bón…
Về vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian qua, QLTT TP.HCM phát hiện một số vụ điển hình như vụ hơn 160 tấn tôm đông lạnh hết đát từ Ấn Độ về Việt Nam. Các nguyên liệu dùng để sản xuất thực phẩm như khoảng 20 tấn đường, 130 tấn bột mì hết đát.
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng không kém phức tạp, thời gian qua, BCĐ 389 TP.HCM phát hiện các vụ vi phạm với hành vi chủ yếu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể là bột ngọt được nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan với quy cách 25 kg/bao, 50 kg/bao sau đó sang chiết ra bao bì 250 g, 400 g, 1 kg và ghi sản xuất tại Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.