Sharp thua lỗ năm tài khóa thứ hai liên tiếp
Apple có thể phải hoàn trả 8 tỷ USD tiền trốn thuế tại châu Âu
Nửa tháng, tài sản của 400 tỷ phú “bốc hơi” 305 tỷ USD
Dệt may Việt Nam đón cơ hội từ những FTA thế hệ mới
TP.HCM: DNNN nộp ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh 17-07-2016
- Cập nhật : 17/07/2016
Các ngành xuất khẩu chủ lực đều tăng không quá 7%
Bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thêm khách hàng mới trong thời gian tới đang là sức ép với nhiều ngành, cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 đầu năm chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 12,8 tỷ USD, tăng 6%. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt 1,3 tỷ USD, hàng dệt may đạt 10,6 tỷ USD, vải mành và vải kỹ thuật đạt 0,2 tỷ USD.
.
Cùng thời điểm này năm trước, phần lớn các doanh nghiệp đều không phải lo về đơn hàng, nhưng nay thì khác, nhu cầu nhập khẩu từ EU, Nhật Bản sụt giảm đã tác động mạnh đến lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu. Trong khi đó, công tác tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới cũng rất gian nan và chưa dễ cho kết quả ngay trong năm.
Tổng CTCP Dệt May Hà Nội (Hanosimex), cung cấp vải sợi và đồ dệt kim xuất khẩu cho biết, Công ty đã chào giá và gửi mẫu các loai sản phẩm để tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Đức, Pakistan, Nhật Bản… nhưng chưa giao dịch nào thành công do vướng về giá, dù Công ty đã đưa ra giá chào thấp nhất.
Năng lực xuất khẩu sợi tăng lên, trong khi tìm khách hàng mới lại khó, cộng với giá xuất khẩu giảm, nhiều cái khó đang bó chân các doanh nghiệp sợi, khiến hiệu quả kinh doanh thấp.
Nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách đạt 6,3 tỷ USD, trong đó, da giày 5 tỷ USD, tăng 6,2% và túi xách các loại đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Nguyễn Trí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu CTCP giày Phúc Yên thừa nhận, xuất khẩu da giày đang bị chia sẻ đơn hàng vớicác nước được ưu đãi về thuế như Campuchia, Indonesia. “Xuất khẩu 6 tháng cuối năm thực sự chật vật, bởi ngoài đơn hàng giảm thì xu hướng khách hàng ký hợp đồng thời hạn ngắn hơn, để tìm kiếm các mối có giá rẻ hơn, vì thế, Công ty dự kiến xuất khẩu năm nay chỉ bằng với năm 2015”, ông Toàn nói.
Xi măng và clinker những năm gần đây, tuy có đóng góp một phần cho xuất khẩu, nhưng giá trị xuất khẩu cũng đang bị sụt giảm. Nếu 2014 đạt 860 triệu USD thì đến 2015 chỉ còn hơn 650 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu xi măng dù tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 8,85 triệu tấn, nhưng về giá trị thì chỉ đạt khoảng 325 triệu USD, không tăng do giá xuất khẩu giảm.
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), giá xuất khẩu xi măng trong 2 tháng gần đây ở mức 46,5 USD/tấn, giá clinker xuất khẩu ở mức 30 USD/tấn.
Tình trạng xuất khẩu tăng khiêm tốn cũng là thực tế của ngành nông sản, thủy sản. 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 6%, đạt hơn 15 tỷ USD.
Đánh giá về xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh cả cung trong nước và cầu nước ngoài cùng giảm sút, giá xuất khẩu duy trì ở mức thấp thì tăng trưởng xuất khẩu 5,9% là khá.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, một số thị trường khu vực có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm hoặc chỉ đạt mức tương đương năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,6%, Indonesia xuất giảm 13,6%, Ấn Độ xuất giảm 8%).
Nhìn vào kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, nhiều ngành hàng chủ lực đều có áp lực về hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm. Theo tính toán của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong xu hướng cầu giảm, các nhà nhập khẩu sẽ tìm đến các nhà sản xuất đặt tại các quốc gia có lợi thế về thuế, phí, vì vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành trong năm nay khó đạt 31 tỷ USD như đã đề ra từ đầu năm.
Kinh tế Mỹ nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Fed chưa thể tăng lãi suất
Doanh số bán lẻ tháng 6 tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến, sản lượng công nghiệp cũng tăng cao nhất 11 tháng đang củng cố kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi mạnh trong quý II. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, chừng đó chưa đủ để Fed tăng lãi suất.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tăng 0,6% trong tháng 6 sau khi tăng 0,2% trong tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng, qua đó nâng mức tăng so với cùng kỳ năm trước lên 2,7%.
Nếu không tính mua sắm xe ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và các dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ lõi tăng 0,5% trong tháng 6, tương tự như mức tăng của tháng 5.
Cả doanh số bán lẻ tổng thể và doanh số bán lẻ lõi đều tăng cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế với các mức tăng tương ứng là 0,1% và 0,3%.
Sự gia tăng tốt hơn so với dự kiến của doanh số bán lẻ lõi trong tháng trước cho thấy chi tiêu tiêu dùng tăng ít nhất là 4,5% so với cùng kỳ trong quý thứ hai, mức tăng cao nhất kể từ năm 2006, theo các nhà kinh tế.
"Trong khi các loại tăng trưởng này sẽ khó có thể cạnh tranh trong quý thứ ba, hầu hết các yếu tố cơ bản tích cực hỗ trợ người tiêu dùng vẫn còn tại chỗ, đặc biệt là tình trạng lành mạnh của thị trường lao động", Michael Feroli, một nhà kinh tế tại JPMorgan tại New York cho biết.
Trong một báo cáo khác, Fed cho biết sản lượng công nghiệp cũng tăng tới 0,6% trong tháng trước, sau khi giảm 0,3% trong tháng 5. Tính chung sản lượng sản xuất cũng tăng 0,4% trong bối cảnh sản xuất liên tục được mở rộng.
Những tín hiệu tích cực từ khu vực sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ đang củng cố cho kỳ vọng GDP quý 2 tại Mỹ sẽ tăng mạnh. Fed Atlanta đã nâng dự báo tăng trưởng GDP quý 2 tại Mỹ thêm 0,1 điểm phần trăm lên 2,4%. Được biết nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 1,1% trong quý đầu tiên.
Một điểm đáng chú ý nữa đối với kinh tế Mỹ nhu cầu trong nước tăng mạnh đang đẩy giá giá tiêu dùng cao hơn. Trong một báo cáo được công bố trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tiếp tục tăng 0,2% trong tháng 6 sau khi tăng tương tự trong tháng 5. Chỉ số CPI lõi (không tính thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,2% phần trăm trong tháng 6. Mức tăng này đã được duy trì trong 3 tháng liên tục.
Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tăng 2,3% trong tháng 6, cao hơn mức tăng 2,2% của tháng 5. Mức tăng này cũng cao hơn nhiều mức trung bình hàng năm là 1,9% trong 10 năm qua.
Cục Dự trữ Liên bang đặt ra mục tiêu lạm phát 2% và theo thước đo này, lạm phát hiện này đang ở mức 1,6%. Những lo ngại về lạm phát liên tục thấp là một trong những lý do khiến Fed vẫn giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6. Mặc dù nền kinh tế vẫn đang chuyển động tích cực, song giới chuyên môn cho rằng Fed khó có thể tăng lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 26-27/7 tới mà phải đợi đến cuối năm, thậm chí là sáng giữa năm sau phụ thuộc vào tác động của sự cố Brexit đến nền kinh tế Mỹ.
"Bình thường, điều này (những chuyển động tích cực của kinh tế Mỹ - PV) là đủ để Fed tiếp tục tăng lãi suất", Harm Bandholz - nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại Viện nghiên cứu UniCredit ở New York cho biết. "Nhưng các quan chức Fed muốn chờ đợi và đánh giá kỹ những tác động của Brexit đến triển vọng của nền kinh tế Hoa Kỳ trước khi tăng lãi suất một lần nữa"(TBNH)
Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu tôm vào Anh
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, bất chấp việc xuất khẩu tôm sang EU vẫn đang trong đà suy giảm, xuất khẩu tôm sang một nước quan trọng trong khu vực này là Anh vẫn tăng mạnh.
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Anh đã đạt trên 44 triệu USD, tăng 21,6%. Với đà tăng trưởng liên tục trong những năm qua, từ vị trí thứ 3 về nhập khẩu tôm Việt Nam trong khu vực EU, Anh đã từng vươn lên vị trí số 1 trong năm 2015 (5 tháng đầu năm nay, vị trí số 1 thuộc về Đức, Anh xếp thứ hai).
Còn nếu tính những nước cung cấp tôm lớn nhất cho Anh, Việt Nam đang dẫn đầu trong 4 tháng đầu năm nay với giá trị 40,597 triệu USD.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng mạnh là nhờ người tiêu dùng nước này tăng sử dụng tôm nước ấm, trong khi nguồn cung tôm nước lạnh giảm và giá lên cao.
Brexit và lưu ý cho ngành gỗ
Các DN xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau.
Với Việt Nam, một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh, những tác động từ Brexit (việc Anh có thể rút khỏi Liên minh EU trong thời gian tới) đã bắt đầu được nhìn thấy. Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (ITTO), sự mất giá của đồng bảng Anh sau sự kiện Brexit là một tác nhân đáng kể, cộng với sự mất giá của TTCK đã làm sụt giảm khoảng 30% về giá trị cổ phiếu của ngành xây dựng nhà cửa tại Anh.
Đánh giá của Liên đoàn Thương mại Gỗ Anh (TFF) cũng cho thấy, Brexit sẽ tác động trực tiếp đến ngành xây dựng nhà, làm tăng khoảng 10-12% chi phí. Những điều này dẫn đến việc dừng thực hiện các dự án xây dựng trong tương lai, làm giảm sức mua đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới, không phải chỉ riêng ở Anh mà có thể ở cả các quốc gia khác trong EU. Đó có thể là những bất lợi mà DN gỗ xuất khẩu của Việt Nam cần cân nhắc khi có ý định đem hàng đến Anh.
Tuy nhiên, việc Anh rời EU hoàn toàn không có ảnh hưởng đến kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ Chương trình Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT VPA) giữa Việt Nam và EU. Bởi trong giai đoạn 2 năm đàm phán giữa Anh và EU sẽ không có bất cứ thay đổi nào về các quy định và chính sách của Anh có liên quan đến thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa Anh và các nước trong khối EU, cũng như giữa Anh và các nước khác như hiện nay.
Trong cuộc họp báo công bố kết quả đàm phán hồi tháng 4 vừa qua giữa Việt Nam và EU, hai bên đã cam kết thống nhất về lộ trình ký kết VPA dự kiến vào cuối năm 2016.
Như vậy khi đàm phán kết thúc, nếu Anh quyết định rời EU nhưng vẫn muốn duy trì mối quan hệ thương mại với các nước trong khối như hiện nay thì bắt buộc Anh phải áp dụng các quy định và chính sách về môi trường giống như các thành viên thuộc Khu vực Cộng đồng chung châu Âu, như hiện Na Uy đang áp dụng.
Theo đánh giá của các tác giả Kerstin Canby và Jade Saunders của Tổ chức Forest, điều này có nghĩa rằng Anh sẽ lựa chọn phương án tiếp tục áp dụng Quy định Gỗ của châu Âu (EUTR) đối với các sản phẩm gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ các quốc gia khác và việc duy trì chính sách cấm nhập khẩu các sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào Anh sẽ không thay đổi.
Cũng theo các chuyên gia này, khả năng Anh hoàn toàn rời khỏi EU và không áp dụng EUTR là rất nhỏ. Còn nếu điều này xảy ra, những tiêu chuẩn khác áp dụng cho việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ các nước nhiệt đới của Anh cũng sẽ không thay đổi trước năm 2018. TFF đã đưa ra nhận định rằng, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục áp dụng EUTR, bởi đây là quy định dựa trên nguyên tắc giảm rủi ro hiệu quả đối với các sản phẩm gỗ nhiệt đới được nhập khẩu vào nước này.
Hơn thế từ trước đến nay trong EU, Anh luôn là nước có vai trò rất tích cực trong đàm phán FLEGT VPA với nhiều quốc gia, do vậy Anh sẽ không dễ dàng từ bỏ vai trò tích cực của mình. Bên cạnh đó, khung chính sách hiện nay của Anh (độc lập với EU) có liên quan đến mua sắm công đã có cơ chế chấp nhận gỗ có chứng chỉ FLEGT.
Trong bối cảnh nhiều điều chưa rõ ràng và chưa chắc chắn về việc Anh sẽ rời EU như thế nào, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest, khuyến nghị các DN xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau. Bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, biến động tỷ giá, thay đổi thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được EU áp dụng.(TBNH)