Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-08-2016
- Cập nhật : 28/08/2016
'Thay máu' tập đoàn nhà nước: Cố 1 tý có 2,5 tỷ USD
“Tổng giá trị tài sản của các DNNN là hơn 5 triệu tỷ đồng. Nếu cải thiện được hiệu quả thêm một điểm phần trăm, thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính toán.
Vì thế, việc thay đổi cách quản lý vốn nhà nước với mô hình siêu ủy ban quản lý vốn được xem là cần thiết như một đợt 'thay máu'.
Phải làm tiền “đẻ” ra tiền
Thời gian gần đây, câu chuyện về quản lý vốn nhà nước do các “ông lớn” nhà nước nắm giữ tiếp tục được hâm nóng với chủ trương thành lập một “siêu ủy ban”.
Hiện nay, đồng vốn các DNNN sử dụng có hiệu quả còn thấp so với các nguồn vốn đầu tư tư nhân và thấp hơn nhiều so với đầu tư từ nước ngoài.
Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: DNNN, bao gồm cả DN cổ phần chi phối của Nhà nước chiếm 32% nguồn vốn kinh doanh, 39% tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Thế nhưng chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản…
Ông William P. Mako, Chuyên gia cố vấn của Ngân hàng Thế giới nói thẳng khu vực tư nhân VN còn nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. DNNN đang trói chân nền kinh tế, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng.
Góp ý về thành lập cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước, ông William P.Mako cảm thấy lo ngại về tổ chức cồng kềnh và lãng phí. Thậm chí, có thể trở thành bộ máy quan liêu can thiệp vào hoạt động hàng ngày của DN như mô hình được đề xuất
Với tư cách đơn vị soạn thảo bộ khung cho “siêu ủy ban”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Cơ quan chuyên trách không thể là cơ quan hành chính nhà nước, không có chức năng quản lý nhà nước đối với các loại hình DN. Thay vào đó, cơ quan chuyên trách là cơ quan, tổ chức có chức năng đầu tư, tổ chức việc phân bổ, giám sát và và sử dụng vốn nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định và hướng đến tối đa hóa giá trị vốn và tài sản nhà nước.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà cơ quan chuyên trách phải thực hiện là tối đa hóa giá trị vốn nhà nước tại các DN, bất kể DNNN hay DN đã cổ phần hóa. Xét đến cùng, cổ phần hóa về bản chất là cơ cấu lại danh mục tài sản nhà nước, làm cho nó phát triển thêm, chứ không phải mất đi, giảm đi về tuyệt đối”, CIEM nêu rõ.
“Cán bộ, nhân viên của cơ quan chuyên trách có thể bị sa thải chỉ đơn giản vì không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bất kể lý do gì”, CIEM nhấn mạnh sự khác biệt của ủy ban quản vốn với một cơ quan hành chính.
Nói về cải tổ DNNN , một vị cố vấn khác của WB là ông Dag Detter dẫn chứng trường hợp của Thụy Điển. Vị chuyên gia này chia sẻ: Tại Thụy điển năm 1990 nền kinh tế rơi vào trạng thái gần như phá sản toàn bộ. Nhiệm vụ đặt ra phải tái cơ cấu DNNN, lĩnh vực ngân hàng, bất động sản. Thụy Điển khi đó có tận 63 tập đoàn, Tổng công ty, DN trực thuộc Nhà nước từ ngân hàng, bia rượu, khai khoáng.... Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách, sau 3 năm, kinh tế Thụy Điển đã đạt hiệu suất gấp 2 lần, cải tiến các DN Nhà nước, tạo ra hiệu ứng đối với toàn nền kinh tế.
"Thành công hay thất bại, quan trọng ở ý chí cải cách và quyết tâm chính trị”, ông Dag Detter bày tỏ.
Quyết tâm có rồi, giờ phải làm
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Muốn hình thành được quyết tâm chính trị phải hình thành được một nhà nước tuân thủ pháp luật, một nhà nước được quản lý theo pháp luật. Nếu có những can thiệp không theo pháp luật vào các cơ quan, tập đoàn thì quyết tâm chính trị đó là khó khăn.
Việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều mô hình, nhiều nguyên lý khác nhau.
“Điều thứ hai, phải có trách nhiệm giải trình, ai quyết định cái gì phải giải trình về quyết định đó. Nếu không có trách nhiệm giải trình người ta sẽ làm việc không vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận DN ấy mà vì mục đích nào đó”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Trước những ý kiến hoài nghi về quyết tâm trong việc “thay máu” DNNN, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh: Tôi xin khẳng định quyết tâm là rõ ràng trong việc tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.
“Lúc này bước đến giai đoạn làm thế nào chứ không bàn có tách ra hay không nữa”, ông Đặng Huy Đông nói.
Lãnh đạo Bộ KHĐT cho biết hầu hết những DNNN mà ông tiếp xúc đều đồng tình với việc có một cơ quan chuyên trách quản vốn nhà nước. “Nếu DNNN vẫn nằm trong các bộ thì không đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”, ông Đông lưu ý.
Theo lãnh đạo Bộ KHĐT, việc các bộ vừa quản lý nhà nước vừa quản lý DNNN là một trong số các lý do khiến có nơi không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. “Khi không được công nhận kinh tế thị trường chúng ta sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi về chính sách. Chỉ số tín nhiệm quốc gia bị đánh giá thấp”, ông Đông bộc bạch.
Việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước có nhiều mô hình, nhiều nguyên lý khác nhau. Mỗi quốc gia lựa chọn cái gì tốt nhất phù hợp nhất cho đất nước. “Nhưng nguyên lý lớn vẫn phải tôn trọng là công khai, minh bạch, không lấn át, tranh giành thị trường với tư nhân”, ông Đặng Huy Đông chia sẻ.(Vietnamnet)
Bà Hứa Thị Phấn, người bán căn nhà giá 1.100 tỷ cho Ngân hàng Đại Tín là ai?
Hiện bà Hứa Thị Phấn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Công ty này là cổ đông góp vốn cùng với ông Lâm Trúc Nhỏ và Công ty CP An Phú (An Phú Corp) thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ An – chủ đầu tư dự án khu căn hộ Regency Park tại phường An Phú, quận 2, TPHCM.
Đồng thời bà Hứa Thị Phấn cũng là thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn SSG (SSG Group). Tập đoàn này là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TPHCM như Saigon Pearl, Pearl Plaza, Saigon Airport Plaza, Mỹ Đình Pearl, trường quốc tế Wellspring...
Trong phiên tranh tụng ngày 25/8 của phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, liên quan đến đề nghị khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn mà Viện Kiểm Sát (VKS) đưa ra hôm 16/8, luật sư của bà Phấn cho rằng bà cũng chỉ là bị hại của ông Danh, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không khởi tố tại tòa đối với nhóm bà Phấn.
Luật sư của bà Hứa Thị Phấn đưa ra nhiều luận điểm để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho bà Phấn. Theo luật sư, tại thời điểm chuyển giao 85% cổ phần của nhóm bà Phấn cho ông Hà Văn Thắm là tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhóm Phú Mỹ có khoản nợ tổng cộng 4.620 tỷ đồng. Theo thỏa thuận thì ông Thắm (sau này là ông Phạm Công Danh) phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho nhóm Phú Mỹ và khoản lãi.
Khoản tiền 3.600 tỷ đồng mà ông Danh nói rằng đã trả cho bà Phấn thực chất là trả vào tài khoản tại VNCB để trả nợ cho chính ngân hàng để lấy tài sản đã thế chấp ra. Bà Phấn ra đi hoàn toàn tay trắng. Khoản tiền ấy sau này hòa chung vào dòng tiền ngân hàng nên không xác định được còn ông Danh gặp vướng mắc không lấy được tài sản ra.
Luật sư cũng cho rằng cáo buộc cho rằng Đại Tín trước khi chuyển giao là thua lỗ còn nhiều tranh cãi. Theo báo cáo tài chính và cũng theo trình bày của ông Hoàng Văn Toàn - chủ tịch Ngân hàng Đại Tín lúc bấy giờ - tại phiên tòa, thực tế hoạt động của Đại Tín trước chuyển giao không bị thua lỗ và việc thua lỗ là do bên thanh tra ngân hàng Nhà nước yêu cầu trích lập dự phòng khoản nợ của nhóm Phú Mỹ tại ngân hàng. Ông Toàn từng không đồng ý yêu cầu này của thanh tra và đã có ý định nghỉ việc nhưng sau này khi có sự việc chuyển giao thì ký đồng ý.
Nhưng tại phiên tranh tụng ngày 25/8, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm rằng đề nghị khởi tố tại tòa với nhóm bà Phấn.
Theo VKS, căn cứ để đề nghị khởi tố nhóm Phú Mỹ (bà Hứa Thị Phấn) tại tòa là thông qua các kết luận của cơ quan điều tra cho thấy tình trạng hoạt động thua lỗ của Đại Tín thời nhóm bà Phấn là do các sai phạm có dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế…của nhóm này. Ngoài ra, trước đây Đại Tín mua lại căn nhà của bà Phấn ở đường Phạm Ngọc Thạch Quận 1 TPHCM với giá hơn 1.100 tỷ đồng, cao hơn hơn 69% so với giá trị thật và có dấu hiệu trốn thuế…
VKS khẳng định ý kiến của Luật sư cho rằng không được kiến nghị khởi tố vụ án tại phiên tòa này là không hợp lý vì qua kết luận điều tra Viện kiểm sát đã nhận thấy nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nên phải khởi tố vụ án, vụ án được tách riêng chứ không phải cùng vụ án này nên hoàn toàn có cơ sở.(NDH)
Thị trường chứng khoán Matxcơva cho phép kinh doanh bằng tiền Việt
Việc cho phép thanh toán bằng tiền Việt trên thị trường chứng khoán Matxcơva sẽ tạo thêm sức hút với nhiều nhà đầu tư Việt Nam
Thông tin trên được thành viên HĐQT, Giám đốc Quản lý về tiền mặt và mảng có thời hạn của Thị trường chứng khoán Matxcơva Igor Marich thông báo trên tờ báo Izvestiya của Nga. Theo ông Marich, cặp rúp-Việt Nam đồng đồng sẽ mở rộng phạm vi công cụ trao đổi tiền tệ “thay thế”, nhưng không ảnh hưởng đến đô la hóa nền kinh tế, và không đơn giản hóa công việc của các nhà xuất khẩu, giới chuyên gia cho biết.
Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Matxcơva đang tích cực mở rộng số lượng các cặp tiền tệ được giao dịch để đơn giản hóa thanh toán xuất khẩu. Quá trình đàm phán với cơ quan quản lý Việt Nam đã tiến hành tử mùa hè năm ngoái, hiện nay cơ chế đã đi vào giai đoạn nước rút.
Một trong những lý do khiến Nga cho phép kinh doanh bằng tiền Việt trên thị trường chứng khoán là do kim ngạch thương mại với Việt Nam đang tăng hàng năm. Trong nửa đầu năm nay, theo số liệu của cơ quan hải quan, kim ngạch tăng 8%, đạt 1,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đến Việt Nam cao gấp hai lần nhập khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây cũng đang tích cực đầu tư vào Nga và thành lập các công ty kinh doanh và sản xuất thực phẩm. Theo ông Marich, công cụ trao đổi tiền tệ mới hướng tới những thành viên tham gia thị trường và khách hàng của họ có nhu cầu thiết thực trong hoạt động chuyển đổi Việt Nam đồng, trước hết là những công ty tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại.
Khả năng thanh toán bằng đồng tiền quốc gia có thể trở thành một trong những trình điều khiển phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam. Ngân hàng trung ương Nga đã xác nhận nghiên cứu vấn đề, đồng thời lưu ý rằng, hiện tại chưa nói đến dòng trao đổi giá trị đầy đủ.
Trước đó, vào ngày 18/8, Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp của nhóm công tác hợp tác liên ngân hàng của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học-kỹ thuật, theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Trung ương LB Nga.
Sự kiện được tổ chức tại Yaroslavl với sự tham dự của Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Skobelkin và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
“Trong cuộc họp đã bàn về các vấn đề và triển vọng hợp tác liên ngân hàng song phương, tương tác và hệ thống thanh toán, các vấn đề pháp lý và kỹ thuật bắt đầu giao dịch cặp tiền tệ rúp-Việt Nam đồng tại thị trường chứng khoán Matxcơva,” thông cáo báo chí cho biết.
Thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga cũng lưu ý rằng các bên ghi nhận sự thiết thực của việc mở rộng đối thoại về thanh toán bằng đồng tiền quốc gia bằng cách thu hút các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của hai nước./.(Vietstock)
Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới lỗ 52 tỷ USD vì chứng khoán
Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới (GPIF) vừa thông báo báo lỗ khủng trong quý 2 năm nay do những biến động trên thị trường chứng khoán và đồng yên tăng giá. Khoản lỗ này đã khiến nỗ lực thay đổỉ bằng cách tăng mua cổ phiếu và giảm đầu tư vào trái phiếu trở tan thành mây khói.
Quỹ GPIF của Nhật cho biết tài sản của quỹ trong quý 2 giảm 3,9%, tương đương 5,2 nghìn tỷ yên (52 tỷ USD) xuống còn 129,7 nghìn tỷ yên. Khoản lỗ này khiến lợi nhuận 4,1 nghìn tỷ yên từ việc đầu tư chứng khoán trong 6 quý tính từ tháng 10/2014 bỗng nhiên bay hơi.
Khoản lỗ trong quý 2 cũng trở thành khoản lỗ lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến GPIF lỗ 5,3 nghìn tỷ yen. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán trong nước tuột dốc trong lúc đồng yen tăng giá khiến tài sản từ nước ngoài chuyển vào trở nên mất giá. Tuy nhiên, theo ngân hàng tín thác Sumitomo Mitsui, không có lý do gì để thay đổi chiến lược đầu tư hiện tại.
Các mã cổ phiếu do GPIF nắm giữ giảm 7,4%, trong cùng giai đoạn đó, chỉ số Topix của Nhật cũng giảm 7,5%. Bên cạnh việc thị trường chứng khoán trong nước giảm điểm, các mã cổ phiếu nước ngoài quỹ này nắm giữ cũng giảm 7,8%, trong khi tài sản nợ nước ngoài giảm 8% cùng với đồng yên tăng 9,1% so với đồng USD. Dòng đầu tư duy nhất đem lại lợi nhuận cho quỹ là trái phiếu trong nước do chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đẩy lợi suất trái phiếu giảm, hỗ trợ giá tăng.
Cho đến cuối tháng 6, cổ phiếu nội địa chiếm 21% các khoản đầu tư của GPIF và 39% là trái phiếu trong nước. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu nước ngoài tăng lên 21% trong lúc nợ nước ngoài chiếm 13%. GPIF dự kiến sẽ phân bổ lại tỷ lệ với 25% cho cả cổ phiếu trong nước và nước ngoài, 35% trái phiếu trong nước và 15% nợ nước ngoài.(NDH)