Vì sao Vietnam Airlines chưa bao giờ được coi là thương hiệu quốc gia?
Người Thái đầu tư gần 7 tỷ USD vào công nghiệp chế biến của Việt Nam
Sửa quy định về hoàn thuế cho doanh nghiệp trước ngày 15-3
Bia, cà phê, nước giải khát tăng trưởng mạnh
45 cơ sở đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-03-2016
- Cập nhật : 12/03/2016
Lotte lao vào cuộc đấu giá 1 tỷ USD để thâu tóm Big C Việt Nam
Vài tháng trở lại đây, thông tin Tập đoàn Casio lên kế hoạch bán Big C Việt Nam đã có nhiều tập đoàn bán lẻ lớn muốn tham gia cuộc đua sở hữu chuỗi Big C tại Việt Nam, trong đó có Dairy Farm (Singapore), AEON (Nhật Bản), Berli Jucker thuộc TCC Holding và Central Group (Thái Lan), giờ đây có thêm LotteMart (Hàn Quốc).
Theo hãng tin Bloomberg, hiện chỉ còn lại 3 tập đoàn, gồm: Lotte (Hàn Quốc), TCC Holding và Central Group (đều của Thái Lan) là xin tham gia cuộc đấu giá này. Hiện giá bán của Big C đang được dự kiến ở mức từ 800 triệu USD – 1 tỷ USD
Trong khi trước đó, Central Group cho biết, có thể sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua mua lại hệ thống BigC tại Việt Nam nếu quá trình thâu tóm quá phức tạp so với thương vụ mua bán BigC Thái Lan.
Còn Tập đoàn TCC (Thái Lan) đã mua chuỗi siêu thị Big C ở Thái Lan của Tập đoànCasino (Pháp) với giá 3,1 tỉ euro (khoảng 3,46 tỷ USD). TCC cũng là đơn vị vừa hoàn tất việc mua lại toàn bộ chuỗi kinh doanh Metro Cash & Carry ở Việt Nam bao gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan của tập đoàn Metro (Đức) với giá 655 triệu Euro.
Chính vì động thái nêu trên mà giới phân tích đang nghiêng phần thắng trong cuộc đua thâu tóm này sẽ nghiêng về TCC Group của Thái Lan.
Trở lại với LotteMart, nhà bán lẻ Hàn Quốc này bước chân vào thị trường Việt Nam năm 2008, hiện đã có 12 siêu thị & TTTM. LotteMart cho biết đang có kế hoạch mở rộng chuỗi siêu thị tại Việt Nam lên con số 60 trước năm 2020, trong đó chiến lược M&A là chủ đạo. Năm 2015, LotteMart thâu tóm hơn 70% cổ phần của Diamond Plaza ở ngay khu vực quận 1 (TP.HCM); Lotte Mart cũng đã đạt được thỏa thuận thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của Trung tâm Thương mại Mipec Mall Hà Nội (Pico Mall trước đây).
Ngoài ra, tập đoàn này còn kinh doanh trong ngành thức ăn nhanh, trung tâm mua sắm, khách sạn và rạp chiếu phim tại Việt Nam.
“Bài thuốc” của các ngân hàng trung ương đã hết hiệu nghiệm?
Trung Quốc đầu tư kỷ lục vào Mỹ, châu Âu
Năm 2015, tập đoàn ChemChina của Trung Quốc đã có thỏa thuận trị giá 7,9 tỷ USD với tập đoàn Pirelli của Italy - Ảnh: Financial Times/Bloomberg.
Lượng vốn đầu tư mà Trung Quốc rót vào châu Âu và Mỹ đã đạt mức cao chưa từng có, bất chấp sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, các con số cũng cho thấy tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào các nền kinh tế phương Tây có thể đang giảm tốc.
Vốn đầu tư mới của Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2015 chỉ tăng 28% so với mức 18 tỷ USD của năm 2014. Trong năm 2014, mức đầu tư tăng gấp 2 lần so với năm 2013.
So với năm 2014, lượng vốn đầu tư mà Trung Quốc rót vào Mỹ tăng 17%, từ mức 12,8 tỷ USD.
Lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã nhiều phiên kéo lùi thị trường chứng khoán toàn cầu trong mấy tháng gần đây, ảnh hưởng tới triển vọng nền kinh tế của khu vực Eurozone và nhiều khu vực khác. Những mối lo này là một trong những lý do khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tung một loạt biện pháp kích cầu mới trong cuộc họp diễn ra vào ngày 10/3.
Trong khi đó, những nhân vật như tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các khoản đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc ở châu Âu, cho rằng những khoản đầu tư này thiếu tiêu chuẩn quản lý quốc tế.
Tuy nhiên, ông Michael DeFranco, người phụ trách mảng M&A ở Baker & McKenzie, đánh giá cao hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào các nền kinh tế phát triển.
“Đây là giai đoạn kinh tế biến động, nhưng chúng tôi vẫn thấy các công ty Trung Quốc thể hiện sự tin tưởng và có những bước đi lớn ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ”, ông DeFranco nói.
Vốn đầu tư của Trung Quốc vào các nền kinh tế phương Tây có khả năng tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm nay. Chỉ riêng trong 6 tuần đầu năm, các công ty Trung Quốc đã công bố số thỏa thuận tiềm năng với tổng trị giá 70 tỷ USD tại các thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, không phải tất cả các thỏa thuận này sẽ được hoàn tất.
Năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào khu vực Eurozone tăng 37%, đạt mức 17,1 tỷ USD, từ mức 12,5 tỷ USD của năm 2014.
Italy, một trong những nền kinh tế yếu nhất Eurozone, là quốc gia nhận nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc hơn bất kỳ nước nào khác trong EU. Trong đó, lớn nhất là thỏa thuận trị giá 7,9 tỷ USD giữa tập đoàn Pirelli của Italy và tập đoàn ChemChina của Trung Quốc.
Pháp là nước nhận nhiều vốn đầu tư Trung Quốc lớn thứ nhì trong EU, ở mức 3,6 tỷ USD trong năm 2015, trong đó có nhiều thỏa thuận lớn trong lĩnh vực du lịch và cơ sở hạ tầng.
Tại Mỹ, các bang New York, California, và Texas nhận nhiều vốn đầu tư nhất từ Trung Quốc. Riêng New York nhận 5,4 tỷ USD vốn Trung Quốc trong năm ngoái, chủ yếu nằm ở ba thỏa thuận lớn về tài chính và bất động sản.
Tập đoàn CJ “rót” thêm 500 triệu USD vào Việt Nam
Nguồn vốn này sẽ được CJ đầu tư theo hai hình thức, đầu tư trực tiếp xây dựng nhà xưởng và đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A)
Khoản 500 triệu USD này được CJ tập trung vào 3 lĩnh vực: văn hóa phẩm (đầu tư thêm hệ thống rạp CGV; hợp tác với VTV trong sản xuất phim và xuất khẩu phim...); sản xuất thực phẩm và hoạt động kho vận (logistic)
"Đây là bước đi hiện thực hóa tuyên bố của Chủ tịch tập đoàn CJ trong Hội nghị CEO CJ toàn cầu tổ chức tại Việt Nam vào năm 2012, là mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tổng vốn đầu tư của CJ lớn thứ 3 trên quy mô toàn cầu chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc vào năm 2020. Nói cách khác, khoản đầu tư của CJ tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng trong những năm tới”, ông Chang Bok Sang nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về thông tin CJ muốn trở thành cổ đông của Vissan? Ông Chang Bok Sang cho biết, hiện nay CJ đang sở hữu 4% cổ phần của Vissan và đang tiếp tục nâng cao khả năng sở hữu cổ phiếu này.
“Vissan là một doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm hàng đầu Việt Nam, và nếu tham gia vào cổ đông của Vissan, CJ sẽ đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật để đưa sản phẩm Vissan cạnh tranh tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu đi thế giới. Việc kết hợp hai thương hiệu lớn giữa Vissan và CJ sẽ thúc đẩy thương hiệu Vissan phát triển nhiều hơn nữa”, ông Chang cho biết.
CJ chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 1998 với nhiều lĩnh vực đa dạng như nông thủy sản, bánh ngọt, kênh truyền hình mua sắm (Home Shopping), giải trí và truyền thông, logistics, thức ăn gia súc, thực phẩm, sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, trồng trọt, bất động sản… Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2015, CJ đã có mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 26,73%.
Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, CJ hiện đang đầu tư 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD. Ngoài ra, CJ còn đầu tư mạnh trong lĩnh vực giải trí và truyền thông hiện là chủ đầu tư cụm rạp CGV. Trong năm 2015, CJ đã hợp tác với VTV sản xuất và xuất khẩu một số phim như "Em là bà nội của anh"; "Để mai tính 2"...
Trên lĩnh vực thực phẩm, CJ chính là chủ đầu tư hệ thống cửa hàng bánh Tour Les Jour tại TP.HCM cũng như xây dựng các nhà máy sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, sản xuất bột mì...
Còn một lĩnh vực CJ có tiềm năng ở Hàn Quốc là bán lẻ cũng đang được CJ xem xét mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2016. “Hiện nay, chúng tôi đã qua giai đoạn khảo sát thị trường và đang trong giai đoạn tìm đối tác chiến lược để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016-2017”, ông Chang Bok Sang cho biết.
Đề nghị Mỹ công nhận thêm 22 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đưa cá tra vào Mỹ
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi đã tổng hợp danh sách 45 cơ sở nộp hồ sơ đăng ký XK cá tra sang thị trường Hoa Kỳ cùng với sự đồng ý của Bộ , Cục đã gửi danh sách 45 cơ sở này cho Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong đó có 23 cơ sở đang và tiếp tục xuất khẩu, 22 cơ sở có nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, ngày 01/3/2016, Cục Kiểm tra và ATTP (FSIS), thuộc USDA đã công bố trên website danh sách chỉ có 23 cơ sở được phép chế biến xuất khẩu cá và sản phẩm từ cá họ Siluriformes sang Hoa Kỳ. Còn lại 22 cơ sở đang có nhu cầu xuất khẩu chưa được USDA đưa vào danh sách.
Ngày 7/3/2016, NAFIQAF đã gửi Văn bản số 376/QLCL-CL1 đề nghị Cục Kiểm tra và ATTP (FSIS), USDA xem xét, công nhận 22 cơ sở còn lại vào danh sách các DN nước ngoài được phép chế biến xuất khẩu cá và sản phẩm cá họ Siluriformes vào Hoa Kỳ và sẽ có thông báo tới các DN khi có phản hồi từ FSIS.
Vasep cũng lưu ý, 22 DN chưa được USDA đưa vào danh sách đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ cần gửi hồ sơ, bằng chứng theo hướng dẫn của Cục tại công văn 113/QLCL-CL1 để Cục tổng hợp và gửi đăng ký với FSIS.
Trước đó, ngày 02/12/2015, FSIS đã có công thư gửi NAFIQAD hướng dẫn thực hiện Quy định thanh tra bắt buộc cá và sản phẩm từ cá họ Siluriformes (trong đó có cá tra, basa của Việt Nam XK vào Hoa Kỳ). Theo đó, để việc XK cá tra, basa của Việt Nam vào Hoa Kỳ được tiếp tục trong thời gian chuyển tiếp (từ 01/3/2016 - 31/8/2017), trước ngày 01/3/2016, NAFIQAD cần gửi một số tài liệu pháp lý về việc kiểm soát các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam và danh sách các DN đang và sẽ tiếp tục XK sản phẩm cá thuộc họ Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ.
Thực hiện yêu cầu của FSIS, ngày 19/01/2016, NAFIQAD đã có công văn số 113/QLCL-CL1 thông báo rộng rãi đến các DN đề nghị đăng ký để lập danh sách theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Tại Công văn 113/QLCL-CL1, Cục đã hướng dẫn các DN rất cụ thể trong việc đăng ký cũng như nộp các hồ sơ, bằng chứng kèm theo để đưa vào danh sách. Sau khi tổng hợp, có tất cả 45 cơ sở đã nộp hồ sơ, trong đó có 23 cơ sở đã gửi đầy đủ hồ sơ về việc đang và sẽ tiếp tục XK như yêu cầu của FSIS thể hiện qua bằng chứng về việc đã XK trong năm 2015 và các hợp đồng với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trong đó có ghi rõ khối lượng và thời gian giao hàng trong năm 2016. 22 cơ sở còn lại được đưa vào phần có nhu cầu XK do không cung cấp các hồ sơ, bằng chứng về việc đang và sẽ tiếp tục XK như hướng dẫn của công văn 113/QLCL-CL1.
Trong các cuộc họp với FSIS, NAFIQAD cũng đã khẳng định cả 45 cơ sở trong danh sách đều đã được Cục kiểm tra, giám sát đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm phù hợp với quy định của Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ, 22 cơ sở có nhu cầu xuất khẩu cá tra, basa vào Hoa Kỳ hiện đang tích cực tìm đối tác để xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo thông báo của FSIS tại các buổi làm việc với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, FSIS sẽ chính thức kiểm tra các lô hàng cá tra, basa của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 15/4/2016 (tính theo ngày lô hàng đến cảng của Hoa Kỳ). Các lô hàng cá tra, basa nhập khẩu vào Hoa Kỳ vi phạm các yêu cầu về ghi nhãn (tên thương mại, khối lượng tịnh) hoặc kết quả kiểm tra điều kiện vệ sinh lô hàng, chỉ tiêu hóa chất kháng sinh không phù hợp quy định của Hoa Kỳ sẽ không được thông quan.
Trong thời gian chuyển tiếp, để kết quả kiểm tra các lô hàng cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam do FSIS thực hiện không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá tương đương sau này, Cục yêu cầu các DN có tên trong danh sách được phép xuất khẩu cá tra, basa sang Hoa Kỳ thực hiện hai điều.
Thứ nhất, chủ động rà soát hệ thống tự kiểm soát chất lượng, ATTP đảm bảo sản phẩm cá tra chế biến XK vào Hoa Kỳ đáp ứng các quy định của thị trường này về hóa chất kháng sinh, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi sinh vật,… theo quy định tại Final Rules (Tham khảo các chỉ tiêu, giới hạn tối đa cho phép, phương pháp kiểm nghiệm do FSIS thực hiện kiểm tra nhập khẩu từ ngày 15/4/2016 tại Phụ lục 3). Ngoài ra, các DN cần nghiên cứu kỹ các quy định về ghi nhãn tại Mục 541 (Part 541) Final Rule và thông tin về nước xuất xứ, tên và mã số cơ sở sản xuất.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc đề nghị các DN gửi văn bản về Cục để được hướng dẫn, phối hợp xử lý