65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư tại Việt Nam
Sẽ "khai tử" 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Công ty không được phép ủy quyền cho chi nhánh dự thầu
Đại gia Thuỵ Sỹ bán xi măng Holcim Việt Nam cho Thái Lan
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-08-2016
- Cập nhật : 06/08/2016
Xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 2 đạt 732,3 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việ Nam (VASEP) cho biết tính chung 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu tôm tăng những tháng đầu năm nay là nhờ nhu cầu từ các thị trường chính hồi phục, tồn kho giảm, tỷ giá tiền tệ ổn định hơn và giá tôm thế giới và giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng gần 59% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 32,9% và tôm biển với 8,4%. Tỷ trọng tôm chân trắng và tôm sú đều tăng 0,2% trong khi tỷ trọng tôm biển giảm 0,4%.
Xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng tăng 5,2% đạt gần 794 triệu USD; xuất khẩu các sản phẩm tôm sú tăng 5,3% đạt 444,5 triệu USD trong khi xuất khẩu các sản phẩm tôm biển khác giảm 0,5% đạt trên 113 triệu USD.
Tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là sản phẩm mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất với 431,6 triệu USD; tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong số các sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm sú chế biến khác (mã HS 16) tăng trưởng mạnh nhất 24%. Ngược lại, tôm loại khác chế biến đóng hộp (mã HS 16) giảm mạnh nhất 55,9% tuy nhiên giá trị xuất khẩu mặt hàng này không nhiều chỉ với 1,7 triệu USD.
Năm 2016, ảnh hưởng của El Nino vẫn tiếp diễn gây nắng nóng và hạn hán ở nhiều nơi. Sản lượng tôm nuôi trên thế giới vì thế sẽ ở mức hạn chế. Do vậy, giá tôm thế giới có xu hướng tăng khoảng 10-15% sau khi giảm mạnh năm 2015.
10 thị trường nhập khẩu tôm Việt
Trong quý 2 năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 75 thị trường. Con số này giảm so với 81 thị trường của cùng kỳ năm 2015.
Top 10 thị trường nhập khẩu chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ; chiếm 95% tổng xuất khẩu tôm của cả nước.
Trong top 5 thị trường lớn nhất duy nhất xuất khẩu Nhật Bản giảm 8,8%; xuất khẩu sang các thị trường khác đều tăng.
Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 41,8%; tiếp đó sang Mỹ tăng 13,8%, EU tăng 6,5% và Hàn Quốc tăng 6%. Xuất khẩu sang các thị trường có doanh số thấp hơn đều giảm: Canada (-21,8%), Australia (-9%), ASEAN (-1,5%), Đài Loan (-29,4%), Thụy Sỹ (-18,9%)…
Sau khi giảm mạnh trong năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ những tháng đầu năm nay khá suôn sẻ. Tiếp nối đà tăng trưởng của QI/2016, xuất khẩu trong quý 2 năm 2016 tăng 0,4% đạt 147 triệu USD. 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 299 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Xuất khẩu sang cả 3 thị trường chính (Đức, Anh, Hà Lan) thuộc khối đều tăng trưởng dương trong đó XK sang Hà Lan tăng trưởng mạnh nhất 26,3%.
VASEP dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ vẫn thiếu hụt trong nửa cuối năm do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do vậy,xuất khẩu tôm cả năm dự báo chỉ đạt khoảng 3 tỷ; tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2015.(NDH)
Doanh nghiệp thủy sản trở lại sân nhà
Tại Hội chợ Triển lãm quốc tế thủy sản Việt Nam (Vietfish 2016, tổ chức từ ngày 3 đến 5-8 tại TP HCM), nhiều sản phẩm mới chất lượng cao đã được các doanh nghiệp (DN) thủy sản hàng đầu giới thiệu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Vietfish 2016 quy tụ gần 200 DN lớn trong và ngoài nước đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Iceland, Đài Loan... với hơn 350 gian hàng.
Gian hàng của Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu trưng bày nhiều sản phẩm mới như: chả giò hải sản, tôm khoai tây, cá tra xiên que ớt xanh đỏ, cá tra ướp sa tế xiên que, khoai tây kem nướng vỏ sò, cá tra xẻ bướm tẩm tỏi ớt, cá bạc má xẻ bướm tẩm bột... phục vụ cho xuất khẩu và thị trường trong nước. Nhiều DN khác cũng tập trung giới thiệu các sản phẩm chế biến sâu, hàng giá trị gia tăng thay cho hàng thô, hàng sơ chế như trước đây.
Đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết trong hơn 600 DN xuất khẩu thủy sản đã có 29 DN khai thác thị trường nội địa thông qua kênh bán hàng hiện đại. “Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu từ 0,7-1 tỉ USD thủy sản, ngoài phục vụ chế biến xuất khẩu bán cho người tiêu dùng trong nước các loại: cá hồi, cá trứng, cá nục... và hiện nay nhiều DN Nhật Bản, Trung Quốc đang xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam nên các DN cần lưu ý để giữ thị trường sân nhà” - vị này đề nghị.
Big C sẽ hoàn tất nộp 1.534 tỷ đồng vào cuối tháng 8
Tin từ Tổng cục Thuế cho biết, Tập đoàn Central (Thái Lan) – đơn vị mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cam kết hoàn tất việc nộp 1.534 tỷ đồng thuế chuyển nhượng vào ngày 31/8 tới.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã gửi văn bản đề nghị kê khai nộp thuế tới đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long.
Theo đó, Central Group là đơn vị nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thay tập đoàn Casino.
Tổng cục Thuế đề nghị Central Group và hệ thống siêu thị Big C Việt Nam thực hiện kê khai nộp thuế với hoạt động chuyển nhượng sau thương vụ mua lại hệ thống siêu thị này của Central Group từ tập đoàn Casino (Pháp).
Tính đến thời điểm này, ngành Thuế đã thu được 500 tỷ đồng tiền thuế chuyển nhượng từ tập đoàn này. Số tiền còn lại (1.534 tỷ đồng), Tập đoàn Cental cam kết sẽ nộp trước thời hạn 31/8 tới.(DDDN)
Kiều hối 7 tháng đạt 2,5 tỷ USD
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 7-2016, lượng kiều hối chuyển về TPHCM ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 4,16% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Minh, lượng kiều hối chuyển về TPHCM vẫn chủ yếu tập trung từ Mỹ và châu Âu. Phần lớn kiều hối chuyển về được người dân sử dụng vào sản xuất kinh doanh, đầu tư chứ không cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây.
Ông Minh cũng cho biết, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được người dân bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, ở mức 20% - 35%.
Trong xu hướng lượng kiều hối chuyển về TPHCM mỗi năm một tăng (bình quân tăng 10% - 12%/năm kể từ năm 2011 đến năm 2015), cùng với thị trường bất động sản TPHCM ngày càng ấm dần, NHNN chi nhánh TPHCM dự báo lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong năm 2016 tiếp tục khả quan, dự kiến đạt 5,7 - 5,8 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm ngoái, ở mức 5,5 tỷ USD.(SGĐTTC)