Ngân hàng trung ương Australia giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục
Ngân hàng dự trữ Australia (RBA), tức ngân hàng trung ương, ngày 2/8 đã cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 1,5% trong bối cảnh lạm phát "vẫn ở mức khá thấp."
Như vậy, kể từ tháng 11/2011, Australia đã cắt giảm lãi suất 300 điểm cơ bản nhằm hỗ trợ kinh tế.
Thống đốc RBA Glenn Stevens cho rằng tỷ lệ lạm phát thấp là nguyên nhân khiến Australia phải cắt giảm lãi suất.
Lạm phát hàng năm của Australia hiện chỉ là 1%, thấp hơn so với mục tiêu mà ngân hàng này đặt ra là từ 2-3%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức vừa phải bất chấp "sự sụt giảm lớn" trong đầu tư kinh doanh.
Thống đốc Stevens nhấn mạnh hội đồng chính sách cho rằng triển vọng phát triển bền vững kinh tế, với lạm phát đạt mục tiêu trở lại trong thời gian tới, sẽ được cải thiện thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ.
Ngay sau khi RBA đưa ra quyết định trên, đồng đôla Australia (AUD) đã giảm xuống còn 1 AUD đổi được 74,92 cent USD từ mức 75,40 cent USD ngay trước đó.
Hiện, Australia đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế sau khi chấm dứt sự lệ thuộc vào ngành khai mỏ - vốn giúp nước này thoát khỏi suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, do nền kinh tế Trung Quốc suy yếu dẫn tới nhu cầu nhập khẩu tài nguyên giảm, giá các mặt hàng trong đó có than và quặng sắt của Australia cũng đã giảm theo.(vietnamplus)
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 7 giảm
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm. Đây là tháng thứ 19 liên tiếp và cũng là khoảng thời gian dài nhất mà Hàn Quốc ghi nhận tình trạng sụt giảm trong xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.
Dự báo 13 ngành công nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Hàn Quốc giảm, trừ các ngành máy tính, xuất khẩu sang các đối tác thương mại quan trọng, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu đều giảm.
Xuất khẩu của ngành công nghiệp đóng tàu, cũng là một phần trong 13 ngành công nghiệp, đã giảm 42,5% .
Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, do Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế và sản xuất nhiều sản phẩm Hàn Quốc được cung cấp trước đó.
Xuất khẩu giảm 10,2% còn 41 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 14% xuống 33,3 tỷ USD. Xuất khẩu giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2016.
Trong tháng 6 xuất khẩu và nhập khẩu giảm 2,7%và 7,7%, tương ứng.
Thặng dư thương mại giảm xuống 7,8 tỷ USD trong tháng 7 từ mức 11,5 tỷ USD thặng dư trong tháng 6.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến xuất khẩu giảm 4,6 và nhập khẩu giảm 9,5%.
Hàn Quốc là nước đầu tiên báo cáo số liệu thương mại hàng tháng.
Bộ Thương mại cho biết sẽ cải thiện triển vọng xuất khẩu sớm, và có kế hoạch mở rộng bổ sung tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm các khoản vay và cắt giảm chi phí bảo hiểm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong tháng 8, một quan chức Bộ phát biểu trong một cuộc họp báo.
Hàn Quốc có thể cần cắt giảm lãi suất một lần nữa để bù đắp kéo từ xuất khẩu yếu.
Tỷ lệ lãi suất của Hàn Quốc hiện tại là 1,25% sau khi Ngân hàng của Hàn Quốc hạ lãi suất trong tháng 6. Đa số các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa trong nửa cuối năm.(vinanet)
ASEAN cam kết tiếp tục thúc đẩy sự thuận lợi trong thương mại
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48) và các Hội nghị liên quan, ngày 3/8 tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Khu vực Mậu dịch tự do (AFTA) lần thứ 30.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng/Thứ trưởng Kinh tế đến từ 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong việc giảm dần và xóa bỏ thuế tại ASEAN. Tính tới thời điểm hiện tại, có tới 99,2% các dòng thuế nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của các nước ASEAN 6 gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã được xóa bỏ, trong khi các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) cũng đã xóa bỏ tới 90,9% các dòng thuế nhập khẩu.
Tính chung, đã có 96,01% tất cả các dòng thuế tại ASEAN được xóa bỏ. Tới năm 2018, tỷ lệ thuế được xóa bỏ tại ASEAN 6 sẽ là 99,20%, trong khi tại các nước CLMV sẽ là 97,81% và ASEAN nói chung sẽ là 98,67%.
Các Bộ trưởng cam kết ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thuận lợi trong thương mại thông qua việc thực thi nhiều hoạt động khác nhau bao gồm tự chứng nhận, tờ khai điện tử D; hệ thống thông tin thương mại ASEAN (ATR); các giải pháp của ASEAN đối với đầu tư, dịch vụ và thương mại (ASSIST); cơ chế một cửa ASEAN (ASW)…
Các Bộ trưởng hoan nghênh việc thực thi thuận lợi hai dự án thí điểm tự chứng nhận và sự tham gia gần đây của Myanmar vào dự án thí điểm tự chứng nhận đầu tiên. Các bộ trưởng thừa nhận rằng tất cả các nước ASEAN cần thêm thời gian để phát triển năng lực và kĩ năng để thực hiện cơ chế tự chứng nhận rộng rãi tại khu vực; khuyến khích các nước thành viên ASEAN xúc tiến cơ chế trên.
Các Bộ trưởng cũng khẳng định khi Sáng kiến tự chứng nhận rộng rãi của ASEAN đi vào hoạt động sẽ đem lại cho cộng đồng kinh doanh lợi thế thông qua việc giảm chi phí và thời gian trong hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Đồng thời, các Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng về việc tất cả các nước thành viên ASEAN đã thông qua Thủ tục chứng nhận hoạt động của ATIGA (OCP) nhằm cho phép chấp nhận mẫu tờ khai điện tử D trong khuôn khổ Cơ chế một cửa ASEAN.
Các Bộ trưởng nhắc lại tầm quan trọng của phát triển các sáng kiến nhằm đáp ứng các biện pháp/hàng rào phi thuế quan (NTM/NTB) trong ASEAN một cách hiệu quả hơn; ghi nhận kể từ khi triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại khu vực ASEAN (ATR) vào tháng 11/2015, tất cả các nước thành viên ASEAN đã xây dựng Cơ sở dữ liệu thương mại Quốc gia và đang trong quá trình kết nối thông tin từ cơ sở dữ liệu của từng quốc gia với cơ sở dữ liệu của ASEAN.
Điều này tạo ra cơ sở dữ liệu một điểm dừng trên mạng gồm có thông tin liên quan tới thương mại và hải quan của cả ASEAN, bao gồm cả cơ sở dữ liệu phi thuế quan ASEAN (NTR). Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN sẽ thúc đẩy sự minh bạch và cải thiện việc tiếp cận thông tin đối với các doanh nghiệp.
Các Bộ trưởng cũng khen ngợi các nỗ lực của các nước ASEAN nhằm chuẩn bị cho việc tự do hóa cơ chế tham vấn thông qua việc thiết lập các Giải pháp của ASEAN cho đầu tư, dịch vụ và thương mại (ASSIST); Hoan nghênh việc đưa vào hoạt động ASSIST tại Hội nghị AEM 48 và khuyến khích các doanh nghiệp có cơ sở tại ASEAN tận dụng cơ sở mới này để giải quyết mọi quan ngại và khó khăn mà họ có thể gặp phải trong việc kinh doanh tại ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc thử nghiệm thành công việc trao đổi điện tử Tờ khai điện tử D giữa các nước thành viên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam thông qua Cơ sở hạ tầng Cơ chế một cửa ASEAN và hối thúc các nước thành viên ASEAN còn lại cũng làm như vậy càng sớm càng tốt.
Các thành viên tham dự Hội nghị cũng hối thúc các nước thành viên ASEAN sử dụng mọi nỗ lực để xúc tiến phê chuẩn Nghị định thư về Khung khổ Luật pháp nhằm thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, qua đó có thể triển khai Cơ chế một cửa vào năm 2016.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển trong việc thực hiện Dự án thí điểm Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN được tiến hành trong ba nước thành viên ASEAN gồm Malaysia, Singapore và Thái Lan; khẳng định sự thành công của Dự án thử nghiệm này sẽ mở đường để Hệ thống ACTS được triển khai ở các nước thành viên ASEAN khác.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến này trong việc thúc đẩy vận chuyển hàng hóa một cách thông suốt tại khu vực…; kêu gọi các nước thành viên ASEAN tăng cường các nỗ lực cần thiết nhằm sớm hoàn tất Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về máy móc tự động, thực phẩm đã qua chế biến và các loại vật liệu xây dựng…(VN+)
TP.HCM: Vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh
Báo cáo tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 7, 7 tháng và công tác trọng tâm tháng 8 năm 2016 diễn ra sáng 1-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng qua sụt giảm mạnh mặc dù số dự án có tăng.
Cụ thể, trong 7 tháng năm 2016, TP.HCM đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 458 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 641,5 triệu USD (so cùng kỳ năm 2015 tăng 61,3% về số dự án và giảm 68,4% về vốn). Ngoài ra, có 79 dự án điều chỉnh tăng vốn . Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 896,3 triệu USD, giảm 64% so cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của sự suy giảm mạnh về vốn đầu tư nhóm FDI được cho là do số lượng đất trống trong các khu công nghiệp của thành phố hiện không còn nhiều, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi nên không hút được những dự án có quy mô lớn.
Một nguyên nhân nữa là do giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp của thành phố cao so với nhiều nơi trên cả nước dẫn đến khó khăn trong thu hút dự án mới. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn khó khăn vì vướng nhiều quy định khác nhau ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế thành phố trong 7 tháng qua vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, các hoạt động dịch vụ, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp đều có hiệu quả. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký của nhóm doanh nghiệp đầu tư trong nước tại TP.HCM tiếp tục tăng cao, với khoảng 20.470 doanh nghiệp được cấp phép. Tổng vốn đăng ký đạt 175.900 tỉ đồng (tăng 19% về số lượng và tăng 55% về vốn đăng ký). Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới lẫn vốn điều chỉnh bổ sung của nhóm doanh nghiệp trong nước tại thành phố, thì tổng vốn đầu tư vào TP.HCM của nhóm doanh nghiệp trong nước tăng đến 58% so cùng kỳ năm 2015.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 ước đạt 406.942 tỉ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 7,05% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành tăng cao như: sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị…
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 7,3% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành.
Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước đạt 17,6 tỉ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ giảm 4,6%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 16,2 tỉ USD, tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,4%). Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng như cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị...
Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước, ước thực hiện 7 tháng đầu năm trên 176.600 tỉ đồng, đạt 59,2% dự toán, tăng 8,85% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa đạt 62,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 45,41% dự toán, giảm 43,8% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 55,8% dự toán, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến tình hình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang tập trung các nguồn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Dự nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của thành phố đạt 154.245 tỉ đồng sau 7 tháng. Trong đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỉ trọng cao nhất (chiếm 60% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên).
Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 7 đạt 1.697.000 tỉ đồng, tăng 8,29% so với cuối năm 2015 và tăng 19,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền gửi bằng Việt Nam đồng tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với ngoại tệ và chiếm tỉ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm 86,7%.(HQ)
(
Tinkinhte
tổng hợp)