FED: Thị trường đã sẵn sàng cho lãi suất tăng
Sẽ thanh tra toàn diện Pepsi, Coca-Cola, Wonderfarm và URC
FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực năm 2018
Nhiều DN Nga hợp tác hiệu quả với đối tác Việt Nam
EU hỗ trợ để Việt Nam được công nhận kinh tế thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh 12-03-2016
- Cập nhật : 12/03/2016
CEO Prudential: Trung Quốc vẫn là miếng bánh ngon
Lợi nhuận từ các hoạt động nghiệp vụ trong năm 2015 của gã khổng lồ trong ngành bảo hiểm tăng 22% lên con số 4,01 tỷ bảng Anh (tương đương 5,69 tỷ USD). Bên cạnh đó, công ty này cho biết cổ tức của hãng đã tăng 5%.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Wells đã trấn an các cổ đông của mình tại châu Á trong năm 2016, đặc biệt là với các cổ đông Trung Quốc.
Vị giám đốc cấp cao này cho rằng châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đang bị các nước phương Tây đánh giá sai bởi những người tiêu dùng ở khu vực này có tiền và họ vẫn đang chi tiêu. Trên tất cả các phương diện quan trọng, khách hàng vẫn giúp Prudential có những số liệu mạnh mẽ.
Tại khu vực châu Á, lãi suất từ hoạt động quản lý tài sản và cuộc sống của công ty này tăng 17% trong năm 2015. Công ty quản lý quỹ Eastspring của họ cũng đang quản lý số vốn ở mức cao kỷ lục là 89,1 tỷ bảng Anh.
Công ty bảo hiểm của anh mới bổ nhiệm ông Wells vào vị trí CEO hồi tháng 5/2015 để thay thế cho ông Tidjane Thiam chuyển sang Credit Suisse. Trước đó, ông Wells là giám đốc của tại chi nhánh Mỹ - Jackson.
Trong năm 2014, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Jackson đã tăng 21% so với năm 2013 lên mức 1,4 tỷ bảng Anh. Đây là con số vô cùng ấn tượng vào thời điểm các chi phí tăng cao hơn.
Ông Wells chịu trách nhiệm các mảng bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ hưu trí và quản lý quỹ trong sự nghiệp 29 năm của mình và bắt đầu gia nhập Prudential vào năm 1995. Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO, ông nhận mức lương 1,07 triệu USD/năm.
NHNN công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc năm 2016
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Quyết định về việc lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc năm 2016.
Theo đó, danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc năm 2016 gồm 02 cá nhân: Ông Nguyễn Chí Sinh –Thanh tra viên chính, Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và ông Trần Đình Lai – Thanh tra viên, Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;
Lĩnh vực giám định bao gồm các hoạt động: Cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.
Từ tỷ phú tới các NHTW: Không ai muốn lãi suất âm
Vua kinh doanh trái phiếu Jeff Gundlach, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của DoubleLine Capital vừa đưa ra những cảnh báo tiêu cực từ việc đưa lãi suất về mức âm của một số NHTW các nước trên thế giới. “Lãi suất âm là rất tiêu cực và sẽ phản tác dụng”- Tỷ phú Gundlach cảnh báo.
Cho đến lúc này, nhiều NHTW ở châu Âu và Nhật Bản đã áp dụng lãi suất âm và xem đây như là một cách để kích thích tăng trưởng bất chấp thực tế là chính họ cũng chưa biết được những hậu quả của nó vì chính sách lãi suất âm chưa bao giờ được thử nghiệm trên quy mô lớn trước đây. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây cũng đã có vẻ cởi mở với ý tưởng này. Chủ tịch Fed Yellen gần đây cho biết, trong trường hợp nền kinh tế bắt đầu xấu đi, lãi suất âm cũng là một lựa chọn có thể của Fed.
Nhưng Gundlach nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn lãi suất âm vì điều này sẽ khiến các NH gặp khó khăn và đẩy các thị trường chứng khoán vào vòng sụt giảm”. Đây cũng được xem là một thông điệp mạnh mẽ về nhìn nhận của các NĐT đối với hành xử của Fed về lãi suất trong tương lai.
Không chỉ đối với thị trường Mỹ, lãi suất âm cũng tác động tiêu cực đến các thị trường khác trên toàn cầu. Thực tế TTCK châu Âu và Nhật Bản hiện đã ở mức thấp hơn so với thời điểm ngay trước khi NHTW của họ áp dụng lãi suất âm.
“Dường như đang có nhiều bằng chứng cho thấy, lãi suất âm mang lại nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực. Và tôi kỳ vọng rằng, Mỹ sẽ không đi theo vết xe đổ đó” - Gundlach đề xuất.
Lãi suất âm gây ra những thách thức và khó khăn nghiêm trọng đối với các ngân hàng. Về lý thuyết, lãi suất âm có nghĩa là thay vì được “thưởng” cho mang cất giữ tiền tại ngân hàng, thì người gửi tiền sẽ bị “phạt”. Tất nhiên trong thực tế, các ngân hàng tại Nhật Bản và châu Âu không thu phí gửi tiền của khách hàng mà họ phải tự chịu “phạt” và điều này gây phương hại đến lợi ích của các cổ đông.
Gundlach không phải là “vua trái phiếu” duy nhất lo lắng về hệ thống các ngân hàng trên thế giới trong bối cảnh lãi suất âm. Mới tuần trước, nhà quản lý quỹ Janus Capital Bill Gross cũng đưa ra cảnh báo cho rằng, các ngân hàng dường như đang trở thành những đối tượng bị “tàn tật vĩnh viễn” của xử lý nợ xấu, của những quy định chặt chẽ hơn và lợi nhuận sẽ thấp đi đáng kể trong tương lai. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng công bố một báo cáo nêu lên những quan ngại về việc một số NHTW đang áp dụng lãi suất âm.
PetroVietnam khởi động siêu dự án mỏ khí ở Quảng Nam
Chiều ngày 9/3, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tập đoàn như BSR, PVC, PTSC, DQS, PV Gas, PV Power, PVFCCo đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Theo thông tin tại buổil làm việc, dự án mỏ khí Cá Voi Xanh sẽ được đặt trên khu đất rộng 1.000 ha thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và một khu đất thuộc Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88 km về phía Đông được Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ thăm dò và phát hiện. Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. Đầu tư hai cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.
Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW, có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023.
Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại huyện Núi Thành, Quảng Nam. Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023.
Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Tổng mức đầu tư toàn dự án của PVN vào khoảng 4,6 tỷ USD. Dự án kéo dài khoảng 25 năm với doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD, doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu toàn bộ dự án trong 25 năm trong cả tổ hợp đạt khoảng 60 tỷ US, trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.
Tập đoàn PetroVietnam và tỉnh Quảng Nam đã thống nhất về việc sẽ ký hợp tác toàn diện giữa hai bên nhằm mục đích đẩy nhanh việc thực hiện dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Được biết, khi dự án Cá Voi Xanh được khởi động, Lọc dầu Dung Quất cam kết với PetroVietnam sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho dự án để giúp Tập đoàn và tỉnh Quảng Nam triển khai thành công dự án.
Chủ chuỗi rạp CGV đầu tư thêm nửa tỷ USD vào Việt Nam
Thông tin nêu trên được ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CJ tại Việt Nam chia sẻ ngày 10/3. Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động đầu tư ở Việt Nam, năm 2016 tập đoàn sẽ chi thêm 500 triệu USD để đầu tư vào M&A và các dự án mới trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ sinh học, bán lẻ và giải trí. Riêng với M&A, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.
Hồi tháng 1/2016, CJ Việt Nam đã mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim. Mới đây, trong đợt IPO của Vissan, công ty cũng chi ra hơn 300 tỷ đồng để mua 3 triệu cổ phiếu, tương đương 4,18% cổ phần công ty này với giá 102.000 đồng - mức giá cao nhất trong đợt đấu giá công khai. Sắp tới, CJ sẽ bỏ ra một khoản tiền lớn nếu có cơ hội làm nhà đầu tư chiến lược của Vissan.
"Trong hoạt động M&A chúng tôi không bao giờ có ý định mua đứt bán đoạn thương hiệu. Nếu hợp tác được với Vissan, công ty sẽ cùng thương hiệu này đẩy mạnh không chỉ sản phẩm trong nước mà còn hỗ trợ xuất khẩu ra quốc tế", ông Chang nói.
Bên cạnh đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm, tập đoàn cho biết, đang tìm đối tác phù hợp để phát triển mảng bán lẻ và nông nghiệp. Trong đó, với nông nghiệp, đơn vị này đang tìm kiếm để mua lại một công ty chuyên sản xuất hoa quả trái cây để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản của hãng ra nước ngoài.
Về nguồn nguyên liệu nông sản, CJ đang lên kế hoạch bao tiêu sản phẩm, xây dựng kho lạnh để dự trữ sản phẩm, hỗ trợ thu mua và tìm đầu ra cho nông dân. Tại Ninh Thuận, công ty cũng đang có dự án trồng ớt quy mô lớn, vụ đầu tiên được trồng từ 12/2015 và sẽ thu hoạch vào tháng 6/2016. Tập đoàn này kỳ vọng trong vài năm tới, ớt Hàn Quốc sẽ được trồng nhiều ở Việt Nam và thay thế một phần hai nguồn nguyên liệu mà hãng đang nhập tại Trung Quốc (60 triệu USD).
Tập đoàn CJ của Hàn Quốc tiền thân là nhánh kinh doanh thực phẩm của Tập đoàn Samsung. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời năm 1987, Tập đoàn Samsung tách thành 4 doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Shinegae, Tập đoàn CJ và Tập đoàn Hansol vào năm 1991 và 1997.
Hiện CJ hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: Thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, Sinh học và dược phẩm, Giải trí và truyền thông, Truyền hình mua sắm (Homeshopping) và Logistics, Cơ sở hạ tầng.
Vào Việt Nam năm 1998, đến nay CJ đã đầu tư 400 triệu USD và có được 13 công ty con, nổi bật với các thương hiệu như hệ thống rạp chiếu phim CGV, Tour les Jour, kênh mua sắm SCJ...