Kinh tế Nga ghi nhận giảm phát lần đầu tiên sau 5 năm
Anh cắt giảm lãi suất để đối phó suy thoái
Tăng trưởng kinh doanh của khu vực Eurozone tăng nhẹ
Cạnh tranh trong ngành thép: Lợi thế cho doanh nghiệp nào chủ động được nguồn phôi
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-08-2016
- Cập nhật : 05/08/2016
Đài Loan có thể buộc Uber rời thị trường này
Ủy ban Đầu tư của Đài Loan hôm thứ Tư (3/8) cho biết có thể buộc Uber Technologies Inc rời khỏi thị trường trong nước, do hãng này đã “bóp méo” hoạt động kinh doanh của mình như là một nền tảng công nghệ thông tin trên internet chứ không phải là một dịch vụ vận tải.
Emile Chang, Thư ký điều hành của Ủy ban đầu tư Đài Loan - cơ quan giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan - cho biết, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 11/8 tới.
Động thái này diễn ra giữa lúc Uber đã buộc phải bán lại mảng kinh doanh của mình tại thị trường Trung Quốc đại lục cho đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc là Didi Chuxing sau cuộc chiến giành thị phần đầy tốn kém kéo dài hai năm.
Quyết định này của Đài Loan nối dài thêm chuỗi các khiếu nại chính thức nhắm vào Uber khi hãng này vốn đang phải đối mặt với sự giám sát pháp lý tương tự tại các thị trường châu Á, bao gồm cả Hồng Kông và Trung Quốc.
"Chính phủ Đài Loan đã liên lạc nhiều lần với Uber ... Kịch bản tồi tệ nhất là có thể buộc (Uber) rời khỏi thị trường", ông Chang cho biết và thêm rằng, Uber có thể kháng cáo quyết định này của nội các Đài Loan.
Trong khi đó, Likai Gu - Tổng giám đốc của Uber Đài Loan cho biết, công ty hy vọng chính quyền Đài Loan sẽ “ủng hộ đổi mới” và "mở một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Uber".
"Chúng tôi muốn làm việc với chính phủ Đài Loan để giúp họ hiểu được vai trò của công nghệ trong việc tạo ra cơ hội kinh tế và đáp ứng nhu cầu giao thông của Đài Loan", Gu nói.
Uber đặt chân vào thị trường Đài Loan năm 2013, và ngay lập tức đã khiến nhiều tài xế taxi trong nước tức giận, những người tổ chức một cuộc biểu tình lớn chống lại Uber gần đây nhất là hồi tháng 7.(TBNH)
Quỹ thuộc Mekong Capital đầu tư vào công ty logistics ABA
Quỹ MEF III thuộc Mekong Capital vừa công bố khoản đầu tư thứ hai sau khi rót 6,9 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll.
Công ty quản lý quỹ Mekong Capital vừa thông báo quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã cam kết đầu tư vào CTCP Giải pháp Thương mại ABA.
Mặc dù không công bố chi tiết thương vụ và giá trị đầu tư nhưng theo ông Chad Ovel, Tổng Giám Đốc Mekong Capital, đây là khoản đầu tư thứ hai của MEF III sau khoản đầu tư 6,9 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll. Với việc đầu tư này, Mekong Capital muốn đưa ABA phát triển và cạnh tranh với các đối thủ đa quốc gia.
ABA bắt đầu hoạt động từ năm 2008, là nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp vận chuyển bảo quản nhiệt độ tại Việt Nam. Công ty này bắt đầu bước vào mảng kinh doanh kho lạnh thông qua việc mua lại một cơ sở kho lạnh tại Hà Nội trong năm nay.
Dịch vụ vận chuyển của ABA hoạt động kinh doanh trong ba mảng chính là vận chuyển có bảo quản nhiệt độ, giao hàng tận nơi và phân phối. Còn mảng kho lạnh của công ty này cung cấp dịch vụ bảo quản lạnh lưu kho, trung tâm phân phối và các dịch vụ khác.
Với mạng lưới đối tác rộng khắp cả nước, ABA hiện cung cấp dịch vụ cho những đối tác là hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu như: Big C, Vinmart, METRO, TH True Milk, Unilever, Vinamilk, Kinh Đô và BEL…
Trong khi đó, quỹ MEF III của Mekong Capital, ra mắt hồi tháng 5/2015, đã huy động được 112,5 triệu USD. MEF III thường đầu tư từ 6 - 15 triệu USD cho các khoản đầu tư thiểu số hoặc nắm quyền kiểm soát. Quỹ này tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp tiêu dùng Việt Nam thuộc các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng. (NCĐT)
Woori Bank được phép mở ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam
Ngày 2/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Woori (Hàn Quốc) thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Woori Việt Nam).
Cũng theo văn bản này, Thống đốc NHNN chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự bổ nhiệm vào Thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Kiểm soát, chức danh Tổng Giám đốc của ngân hàng Woori Việt Nam.
Để được xem xét, cấp giấy phép thành lập và hoạt động Woori Việt Nam, ngân hàng Woori cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình Thống đốc xem xét, quyết định.
Theo tờ Korea Herald (Hàn Quốc), hiện ngân hàng Woori đã có hai chi nhánh hoạt động tại Hà Nội và TPHCM. Ngân hàng này dự tính mở thêm 3 chi nhánh mới trong năm nay. Từ năm sau trở đi, mỗi năm Woori sẽ mở thêm từ 5-7 chi nhánh nữa để nâng hệ thống lên con số 20 chi nhánh.
Cùng với đó, Woori Card cũng sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong năm tới.
Dành gần 700 tỷ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất thấp
Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF, Bộ KH&ĐT) sẽ triển khai 4 chương trình cho vay áp dụng cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong năm 2016 với tổng vốn cho vay 660 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5%/năm.
Theo ông Hoàng Quyết Thắng, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Ủy thác, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chương trình hỗ trợ năm 2016, Quỹ triển khai hoạt động vay vốn thông qua ngân hàng ủy thác với lãi suất và thời hạn ưu đãi, cùng với các hoạt động tăng cường năng lực nhằm đảm bảo hiệu quả của khoản vay.
Cụ thể, khoản vay tối đa lên tới 30 tỷ đồng, thời hạn không quá 10 năm và thời gian ân hạn trả gốc tối đa lên tới 24 tháng. Với khoản vay ngắn hạn lãi suất là 5%/năm, khoản vay trung và dài hạn lãi suất ổn định 7%/năm, lãi suất sẽ cố định trong suốt thời hạn vay và sẽ được xem xét giảm nếu lãi suất thương mại thấp hơn lãi suất của Quỹ.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quỹ triển khai 4 chương trình hỗ trợ tài chính cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh, vay vốn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất, bao gồm các chương trình hỗ trợ: Đổi mới sáng tạo; Tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm và thủy sản; Sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử, cơ khí; Quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Về quy trình vay vốn từ Quỹ, gồm 4 bước nộp đơn xin vay vốn, thẩm định hồ sơ, ra quyết định cho vay và giải ngân.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, hiện cả nước có hơn 500 nghìn DNNVV, chiếm khoảng 98% tổng số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% GDP, 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra khoảng 62% việc làm trong toàn bộ khu vực DN.
Mặc dù đông về số lượng nhưng trên thực tế các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tài chính, chủ yếu do lãi suất vay vốn của các ngân hàng thương mại còn cao và điều kiện cho vay khó đáp ứng, điều này không chỉ giới hạn khả năng phát triển của các DN mà còn ảnh hưởng đến tiềm lực của toàn bộ nền kinh tế.
Trước thực trạng đó, Quỹ được thành lập mang sứ mệnh tìm ra giải pháp giúp các DN nâng cao khả năng kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững. Quỹ có chức năng hỗ trợ DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.
Coi thành công của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi, bà Hoàng Thị Hồng khẳng định, Quỹ luôn tuân thủ nguyên tắc hoạt động, bám sát với nhu cầu của doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn phát triển, đồng hành hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp thông qua hai hình thức hỗ trợ tài chính và tăng cường năng lực.(DNVN)