Deutsche Bank: USD sẽ tiếp tục tăng giá
Năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD
Hơn 70% doanh nghiệp bán lẻ thờ ơ với các FTA thế hệ mới
Mối lo dòng vốn quốc tế thoái lui khỏi các thị trường mới nổi
Phát hành trái phiếu quốc tế, thời điểm chưa chín muồi
Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-03-2016
- Cập nhật : 05/03/2016
Việt Nam 10 năm liên tiếp đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều
Việt Nam duy trì vị trí xuất khẩu điều hàng đầu thế giới năm thứ 10 liên tiếp và hiện chiếm 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu.
Đây là thông tin vừa được Hiệp hội Điều Việt Nam đưa ra tại buổi họp về tình hình sản xuất kinh doanh điều quý 1/2016, tổ chức chiều 4/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân điều là mặt hàng nông sản của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng . Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 330.000 tấn nhân điều, tổng kim ngạch đạt 2,5 triệu USD.
Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những thị trường chủ lực.Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong năm nay và thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm thấp nhất những rủi ro sản xuất, xuất khẩu nhân điều ra thế giới.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty HD Cashew cho biết, hiện nay trên 40% các nhà máy sản xuất hạt điều không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
“Những nhà máy đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm thì khách lớn trên thế giới họ mới đồng ý mua. Còn những nhà máy nhỏ họ sẽ chỉ xuất đi những nước dễ tính hơn, như Trung Đông, Nga… nhưng rủi ro về tranh chấp thương mại rất lớn,” bà Hương nói
Thay vì 80 thị trường, cá tra năm nay chỉ đủ phục vụ xuất khẩu 3 thị trường chính
Những ngày qua, thông tin nguyên liệu cá tra thiếu hụt nghiêm trọng đang gây nên cơn sốt giá cá tại các tỉnh ĐBSCL. Dự báo với tình hình này, thay vì xuất khẩu vào 80 thị trường, cá tra năm nay chỉ đủ nguyên liệu phục vụ cho 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc.
Không chỉ tăng giá, sản lượng cá tra sụt giảm còn được dự báo sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD năm 2016 của ngành cá tra cũng như công ăn việc làm của hàng chục ngàn lao động. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
Ông Minh nói: Tình hình thiếu hụt cá tra như thông tin báo chí phản ánh mấy ngày nay là hoàn toàn chính xác. Sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nguyên liệu năm 2016 so với 2015 giảm trên 40%. Thời điểm giảm mạnh nhất sẽ rơi vào tháng 5/2016 đến quý 1/2017 và dự kiến các tháng này nhà máy sẽ hụt ít nhất 50% nguyên liệu.
Việc thiếu hụt nguyên liệu xuất phát từ nguyên nhân năm 2015 người dân không tiêu thụ được cá, giá cá lại giảm xuống dưới chi phí sản xuất. Do dân không bán được cá tra nên từ tháng 7/2015 đến nay họ không đầu tư nuôi vụ mới, có số bỏ ao trống, số khác thì chuyển sang nuôi các loài cá khác để tiêu thụ nội địa có giá cao hơn.
PV: Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã tự bỏ tiền đầu tư nuôi cá. Vasep cũng từng đưa ra báo cáo các doanh nghiệp chủ động được 60-70% nguyên liệu nhờ nuôi cá nhà, vậy tại sao đến năm nay lại xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiều đến như vậy thưa ông?
Ông Dương Ngọc Minh: Theo tính toán, nhu cầu các nhà máy hiện nay chạy mỗi ngày 3.500 tấn cá nguyên liệu. Sản lượng này được dựa trên ba cơ sở là của doanh nghiệp tự nuôi, liên danh liên kết với nông dân và của người dân tự nuôi. Nhưng trên thực tế, nếu cộng cả ba hình thức nuôi trên thì sản lượng cũng chỉ đáp ứng được 70% và dự báo các tháng tới còn tiếp tục giảm sâu thêm. Còn nếu nhìn xa hơn, giai đoạn từ tháng 6/2016 đến quý 1/2017, nhiều khả năng lượng cá nguyên liệu chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu, tức là chỉ còn khoảng 1.700 tấn mỗi ngày.
Như tôi đã đề cập, sở dĩ xảy ra tình trạng hụt nguyên liệu là bởi trong suốt cả năm 2015, doanh nghiệp giảm nuôi trên 50% vì thực tế không có vốn, trong năm này ngân hàng không mặn mà đầu tư cho doanh nghiệp còn với nông dân thì họ lại có quá nhiều nổi lo như nuôi cá không biết bán cho ai, nhất là số người nuôi nhỏ lẽ không có kênh hợp tác tiêu thụ.
Ngay cả Công ty Hùng Vương của ông được biết đến là doanh nghiệp có chiến lược đầu tư khép kín cũng bị ảnh hưởng?
Kế hoạch xuất khẩu cá tra của Hùng Vương 2016 là 300 triệu USD, tương ứng với 250.000 tấn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Qua kiểm tra đối chiếu, ngoài cá tự nuôi năm nay chúng tôi cần phải mua vào 100.000 tấn cá, tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ đảm bảo 80% công suất nhà máy nên buộc lòng phải nhập thêm cá alasca để chế biến nhằm đảm bảo việc làm 12.000 lao động. Dự kiến, từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, Hùng Vương phải mua thêm mỗi tháng 8.000 tấn cá nguyên liệu. Do đặc điểm năm nay cá giống không có như mọi năm nên phải đợi vụ mới đến tháng 6/2016 mới có giống mới.
Như vậy, nếu tình hình cá giống có lại như dự kiến thì nguyên liệu mới có thể ổn định vào quý 1/2017 cho các doanh nghiệp chế biến cá tra.
Việc thiếu nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cũng như kế hoạch doanh số năm nay của ngành cá tra như thế nào thưa ông?
Con cá tra của Việt Nam đang bán vào hơn 80 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với tình hình nguyên liệu như vậy, tôi cho rằng, năm nay sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ có thể đủ để xuất khẩu vào 3 thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Các thị trường khác sẽ không có cá để bán. Tới đây, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, không có thị trường xuất khẩu mạnh phải sản xuất cầm chừng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, việc làm của hàng chục ngàn lao động trong ngành. Do đó, kế hoạch xuất khẩu cá tra 2016 là 1,7 tỷ USD, tôi cho rằng mục tiêu này chắc chắn không đạt do không đủ nguyên liệu xuất khẩu.
Theo ông tình hình xuất khẩu cá tra năm 2016 sẽ đi theo hướng nào?
Trái ngược với tín hiệu thiếu hụt nguyên liệu, thị trường xuất khẩu lại đang có dấu hiệu phục hồi và tăng xuất khẩu ngay từ đầu năm 2016. Cụ thể, diễn biến qua 1 tuần gần đây cho thấy, nhà nhập khẩu đã đẩy mạnh mua hàng ngay trong thời điểm các doanh nghiệp còn bán giá rẻ. Rõ ràng, khách hàng cũng đã nhận ra tình hình nguyên liệu thiếu hụt nên họ tranh thủ mua vào lúc giá còn thấp. Nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, người nuôi bán vội vàng sẽ đẩy nguyên liệu thiếu hụt nhanh hơn và những hợp đồng ký giá rẻ cũng khó thực hiện được do giá nguyên liệu trong nước đang tăng từng ngày.
Theo dự đoán, giá cá tra không dừng ở mức 20.500 đồng/kg như hiện nay mà thời gian tới còn cao hơn nữa khi thị trường xảy ra cung không đủ cầu, điều này buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc tăng giá xuất khẩu đồng thời phải có kế hoạch làm thêm các mặt hàng phụ để duy trì lao động. Với đà này, tôi cho rằng, tới đây các doanh nghiệp và người nuôi sẽ nắm bắt được cơ hội tăng giá bán và tăng giá xuất khẩu.
Liệu rằng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu cho năm 2017 có được cải thiện không thưa ông?
Tôi cho rằng tình hình nguyên liệu năm 2017 vẫn còn căng vì để phục hồi lại sản lượng 1,2-1,4 triệu tấn cá như trước đây cũng không phải dễ.
Hiện nay, người nông dân không được hỗ trợ về tài chính cũng như các doanh nghiệp không được vay vốn đầu tư vùng nuôi, điều này dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt nguyên liệu. Nếu chúng ta không có chính sách cụ thể cho ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra thì việc phục hồi sẽ rất khó, và đánh mất thị trường vào tay một số loài cá khác như rô phi, cá alaska là điều không thể tránh khỏi. Do đó, để có đủ nguyên liệu, bên cạnh việc cần có chính sách tín dụng, cũng phải cũng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ bây giờ và cần có sự hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp nhằm đảo bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2017.
Ngành nhựa: 80% nguyên liệu phải nhập khẩu
Theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa từ năm 2011 đến nay liên tục tăng trưởng mạnh: Năm 2011 đạt 1,7 tỷ USD, năm 2013 đạt 2,5 tỷ USD và năm 2014 đạt hơn 3 tỷ USD, năm 2015 chỉ đạt trên 2,4 tỷ USD.
Theo VPA, trong giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam từ 16% đến 18% năm, chỉ sau ngành viễn thông và dệt may. Trong đó có những mặt hàng nhựa có tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với mức tăng trưởng như vậy, ngành nhựa được đánh giá lá một trong những ngành năng động, mũi nhọn của Việt Nam.
Hiện nay, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã xuất khẩu đến 159 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, dù có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa chủ yếu vẫn chỉ được biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, vì phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào chưa kể hàng trăm hóa chất phụ trợ khác trong khi khả năng trong nước chỉ đáp ứng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất phụ gia cho nhu cầu.
Dự báo đến năm 2020, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, năng lực cung ứng đầu vào thấp, công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu đầu vào làm giảm sức cạnh tranh, doanh nghiệp xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Kỳ vọng lớn nhất cho ngành sản xuất nhựa Việt Nam vẫn là 3 Hiệp định thương mại EVFTA, TPP và RCEP đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi khu vực nguồn nguyên liệu được đảm bảo yêu cầu quy tắc xuất xứ để được hưởng mức ưu đãi thuế xuất khẩu.
Cụ thể, nếu nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam được nhập từ một trong 16 nước (10 nước khu vực Đông Nam Á và 6 nước cộng thêm là Trung Quốc, Australia, Newzeland, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản) thì đều đáp ứng tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, cùng với Hiệp định thương mại RCEP, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU và TPP thông qua, sản phẩm Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu sang những thị trường trên nhờ được giảm thuế còn từ 5% đến 0%.
Malaysia áp thuế chống bán phá giá với thép Việt Nam
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ bị Malaysia áp thuế chống bán phá giá.
Trong kết luận sơ bộ điều tra, phía Malaysia khẳng định, việc bán phá giá của các sản phẩm thép của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước này.
Với kết luận sơ bộ, biên độ phá giá của Việt Nam được công bố từ 4.58% - 10.55%, bằng khoảng 1/2 so với biên độ phá giá của Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tại sao các ông lớn dầu mỏ lại tích trữ tiền?
Đó là vì các gã khổng lồ năng lượng đang cân đối lại bảng cân đối tài chính và hy vọng sẽ vượt qua được những khó khăn trong thời điểm giá dầu giảm kỷ lục như hiện nay.
Những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới như Exxon, Chevron và BPđang nắm giữ một lượng tiền mặt lớn để bảo vệ cổ tức và chuyển qua việc kiếm lời từ việc mua bán các công ty nhỏ hơn.
Giám đốc cấp cao Terreson của công ty tư vấn đầu tư Evercore Group cho rằng các công ty lớn đang tìm một con đường phát triển tốt hơn. Exxon Mobil đang có một vị trí cao trong ngành. Một phần lý do giúp họ có được vị trí đó là nhờ việc quản lý vốn tốt hơn những công ty khác.
Mặc dù giá dầu đã giảm mạnh 70% xuống mức khoảng 35 USD/thùng nhưng cổ phiếu của Exxon vẫn được duy trì theo tốc độ của thị trường chung thay vì tốc độ của giá dầu.Trong năm 2015, chỉ số S&P 500 đã giảm 6,5% còn cổ phiếu của Exxon giảm 6,9%.
Một cổ đông lâu năm của Exxon là Barry James cho biết ông không có kế hoạch bán cổ phần tại công ty này bởi cho rằng công ty vẫn đang hoạt động tốt và có nền tảng vững chắc khi so sánh với các công ty khác.
Trong khi đó, các ông lớn như ConocoPhillips, Anadarko và BHP Billiton thì lại đang cắt giảm cổ tức trong vài tuần qua, Exxon khẳng định rằng họ đang hướng tới việc tăng cổ tức trong cuộc họp ngày 2/3. Tại cuộc họp này, công ty Exxon đã chia sẻ về việc cắt giảm chi phí vốn, cắt giảm việc tái mua cổ phiếu và tăng trái phiếu. Điều này cũng có nghĩa thời điểm của các vụ mua lại công ty đã tới.
Ông Terreson cho rằng việc hợp nhất trong thời điểm này là cần thiết cho ngành công nghiệp dầu khí để có thể hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.