George Soros: Trung Quốc đang giống với Mỹ thời kỳ trước khủng hoảng 2008
Jetstar Pacific được rót thêm 139 triệu USD để mua máy bay
Cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này sẽ có ý nghĩa sống còn với thị trường dầu mỏ
Thị phần nước mắm của Nam Ngư, Chinsu đang lung lay?
Vụ kiện lớn nhất trong lịch sử WTO: EU cấm thực phẩm biến đổi gen, nhưng vẫn phải nhắm mắt cho hàng Mỹ tràn vào
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Toàn cầu đang khủng hoảng chuối
Tình hình nghiêm trọng đến mức Hội nghị Chuối Quốc tế (IBC) tuần này đã phải dời từ Costa Rica sang Miami (Mỹ) vào phút chót để người tham dự không mang dịch bệnh đến đây qua bụi đất bám vào giày. Mỹ Latin hiện là nguồn cung chuối chủ chốt cho Bắc Mỹ và châu Âu.Căn bệnh này có tên "bệnh Panama", khiến lá chuối vàng và héo úa. Nó đã lan từ châu Á sang Australia, châu Phi và Trung Đông. Dịch bệnh đặc biệt ảnh hưởng đến giống chuối Cavendish mà người phương Tây đã quen dùng.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tháng này đã cảnh báo ngành chuối quy mô 36 tỷ USD phải hành động để "giải quyết một trong những dịch bệnh chuối nguy hiểm nhất thế giới". Các nhà khoa học và người trồng đang cân nhắc một giống chuối mới có khả năng thay thế giống Cavendish. Dịch bệnh này đã khiến sản xuất tại nhiều nơi ở châu Á bị đình trệ.
Hiện giá chuối tại các cửa hàng thực phẩm phương Tây vẫn chưa tăng, do Mỹ Latin chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại Bắc Mỹ và châu Âu có thể nhận thấy sự thay đổi về giống chuối và giá chuối trong thập kỷ tới, nếu dịch bệnh này lan đến Mỹ Latin.
Các nước đang phát triển chịu rủi ro lớn nhất, do mầm bệnh này có thể nằm trong đất tới 40 năm. Hàng tỷ USD và hàng tỷ tấn chuối đang có nguy cơ đổ bỏ. Và việc trồng giống mới sẽ rất đắt đỏ.
"Sự lan truyền của bệnh Panama có thể gây tác động lớn lên người trồng, nhà buôn và các gia đình phụ thuộc vào ngành chuối", nhà nghiên cứu bệnh dịch thực vật - Fazil Dusunceli tại FAO cảnh báo.
Bổ sung 13 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ
Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi ông Alfred V.Almanza, Cục trưởng Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đề nghị đăng ký bổ sung 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vào danh sách cơ sở được phép xuất khẩu các sản phẩm từ cá họ Siluriformer vào Hoa Kỳ.
Văn bản ngày 19-4 của Nafiqad nêu rõ: 13 doanh nghiệp đang không xuất khẩu cá tra, ba sa vào Hoa Kỳ do phải chịu thuế chống bán phá giá cao hoặc chưa ký hợp đồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tích cực tìm đối tác để xuất khẩu trong thời gian tới.
Do hồ sơ của 13 doanh nghiệp này được gửi đến Nafiqad muộn hơn so với 45 doanh nghiệp trước và cũng phải được thẩm tra bởi Nafiqad trước khi gửi cho FSIS xem xét nên sau khi thẩm tra, Nafiqad mới có văn bản gửi đến FSIS. Vì vậy, Nafiqad đề nghị FSIS xem xét, chấp thuận bổ sung 13 doanh nghiệp vào danh sách.
Trước đó, đầu tháng 3 đã có 45 cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam được phía Hoa Kỳ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này.
15 năm nữa, doanh nghiệp logistics vẫn thiếu nhân lực
Là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn còn khá mới mẻ như logistics, việc thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sẽ gây ra những trở ngại đáng kể.
Chính vì thế, để cập nhật thêm những thông tin về nhu cầu nhân lực của ngành logistics trong những năm tới, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương) đã tổ chức Tọa đàm “Cơ hội việc làm trong ngành xuất nhập khẩu và Logistics trong bối cảnh hội nhập TPP và AEC” vào tối ngày 19-4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS.Trịnh Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Vận tải – Bảo hiểm, Đại học Ngoại Thương cho biết, logistics đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ứng dụng được logistics tốt sẽ giúp giảm chi phí nhân lực và thời gian làm việc, giúp giá thành sản phẩm giảm được đáng kể, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, 53,5% doanh nghiệp trong ngành logistics vẫn đang thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa phần, nhân lực của ngành này chưa được đào tạo bài bản, khi vào làm việc, doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian và chi phí để đào tạo lại, chưa kể đến tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực sang các doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Việt Nam (Vinalogistic) cho rằng, logistics và ngành xuất nhập khẩu có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì thế, hệ thống công việc trong 2 ngành này có tới 127 vị trí có thể tuyển dụng nhân lực. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics, từ nay đến năm 2019, ngành logistics còn cần đến 18.000 lao động.
“Tại Việt Nam, mới chỉ có một trường đại học có đào tạo bài bản về chuyên ngành logistics cho sinh viên, còn lại, logistics chỉ là môn học phụ. Chưa kể đến, việc đào tạo ở trường chỉ là học tập lý thuyết, còn thực tế khi vào nghề lại là chuyện hoàn toàn khác”, ông Minh nói.
Sự khó khăn về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp ngành này càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và sắp tới là hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trên thế giới. Bởi theo lãnh đạo các doanh nghiệp logistics, để làm việc được với đối tác nước ngoài, đội ngũ nhân viên không chỉ cần năng lực, kinh nghiệm mà phải có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong những lĩnh vực logistics đặc thù.
Tiêu biểu như trong lĩnh vực logistics hàng không, theo bà Bùi Thị Lệ Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Hàng không ALS, lĩnh vực này chịu sự chi phối của nhiều tổ chức quốc tế nên người làm việc cần phải đạt được một số chứng chỉ nhất định do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp hoặc chứng chỉ hàng hóa cơ bản, an ninh hàng không… Đây là những yêu cầu bắt buộc và là điều kiện cần để nhân lực ngành này tiến xa hơn.
“Nhân lực để làm việc tại Việt Nam có nhiều, nhưng nhân lực có chuyên môn, chứng chỉ quốc tế trong ngành logistics lại đang rất thiếu. 15 năm tới, ngành logistics tại Việt Nam vẫn lo thiếu nhân lực khi thị trường xuất nhập khẩu ngày càng rộng mở. Vì thế, đây là cơ hội để thu hút người trẻ, nhưng các bạn cần phải định hướng sớm học gì, lấy chứng chỉ gì và tích lũy đủ kiến thức”, bà Hằng nhận định.
Heineken ăn nên làm ra nhờ Việt Nam
3 tháng đầu năm, hãng đạt lợi nhuận ròng 256 triệu euro (301 triệu USD), bằng nửa cùng kỳ năm ngoái (579 triệu euro). Khi đó, lợi nhuận của hãng tăng mạnh nhờ bán công ty đóng chai Mexico - Empaque.Hãng cho biết số sản phẩm tiêu thụ quý trước tăng 7%, nhờ dịp năm mới tại Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Lễ Phục sinh tại phương Tây năm nay đến sớm. Riêng phân khúc bia cao cấp cũng tăng 4,8%.
Doanh số bán bia tại châu Á của hãng tăng 23%. Tốc độ này tại Indonesia cũng là 2 chữ số. Heineken sở hữu thương hiệu Tiger Beer - một trong những thức uống có cồn phổ biến tại khu vực này.
Ngoài châu Á, Heineken cho biết tăng trưởng tại châu Mỹ và châu Âu cũng khá tốt. Cổ phiếu Heineken hôm nay đã tăng vọt sau thông tin trên.
Dù vậy, Heineken cũng cảnh báo các ảnh hưởng tiêu cực về tiền tệ có thể khiến lợi nhuận cả năm giảm 80 triệu euro.
Mitsubishi Motors gian lận kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu
Thông tin trên được đưa ra trong buổi họp báo đang diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản). Trước đó, Kyodo News trích một nguồn tin giấu tên cáo buộc hãng xe Nhật thao túng tải trọng lên lốp của 4 mẫu xe khác nhau, để ra kết quả là chúng tiêu thụ ít nhiên liệu hơn."Chúng tôi phát hiện ra rằng với các báo cáo về nhiên liệu, Mitsubishi đã thực hiện các bài kiểm tra không chính xác, để cho ra mức độ tiêu thụ ít hơn thực tế", hãng cho biết trong thông báo hôm nay. Chủ tịch Mitsubishi Motors - Tetsuro Aikawa và 2 lãnh đạo khác đã cúi người xin lỗi trong buổi họp báo.
Mitsubishi cho biết Nissan đã phát hiện ra vấn đề này và hai công ty đang thảo luận về việc bồi thường. Mitsubishi sẽ ngừng sản xuất và bán các mẫu xe bị ảnh hưởng - là các mini car (động cơ 660cc) tại Nhật Bản. Họ cũng sẽ mở cuộc điều tra về các xe bán ở nước ngoài.
Cổ phiếu Mitsubishi Motors đã giảm 15% trên sàn chứng khoán Tokyo hôm nay sau thông tin trên. Đây là mức giảm ngày lớn nhất của hãng kể từ 2004. Khi đó, họ suýt phá sản vì thiếu tiền mặt và phải thu hồi lượng xe khổng lồ.
Năm ngoái, đại gia ôtô Đức - Volkswagen cũng bị phát hiện gian lận các bài kiểm tra khí thải. Họ đã cài phần mềm gian lận lên 11 triệu xe chạy động cơ diesel trên toàn cầu. Đến giờ, Volkswagen vẫn điêu đứng vì scandal này.
Thiệt hại từ scandal của Mitsubishi vẫn chưa tính toán được. Tuy nhiên, con số này ước tính lên tới hàng tỷ USD vì các khoản phạt và chi phí kiện tụng.
Giới chuyên gia cho rằng tuy việc này khác với trường hợp của Volkswagen, thị trường vẫn rất nhạy cảm với các thông tin dạng này. Nó có thể gây ảnh hưởng tương tự lên doanh số và danh tiếng của công ty.