3 tháng đầu năm 2016, BĐS vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Hệ thống FPT Shop thu về 27 tỷ đồng mỗi ngày trong Quý I/2016
Samsung và Oracle hợp tác cung cấp giải pháp di động
Ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thương hiệu BCI đã đuối sức?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-04-2016
- Cập nhật : 20/04/2016
Ngành công nghiệp 'fake' trị giá 461 tỷ USD
Theo báo cáo của tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), sản xuất hàng giả, hàng nhái đã trở thành một ngành công nghiệp và có giá trị toàn cầu lên tới 461 tỷ USD.
Nếu như năm 2008, kim ngạch thương mại hàng hóa chiếm 1,9% tổng thương mại thế giới thì đến năm 2013, tỷ lệ này đã tăng lên 2,5% và có giá trị tương đương với nền kinh tế của nước Áo.
Dữ liệu toàn cầu về các vụ thu giữ hàng hóa của Hải Quan cho thấy Rolex, Nike, Ray Ban và Louis Vuitton là các thương hiệu bị làm giả, làm nhái nhiều nhất.
Trong số các ngành hàng, giày dép là sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Tiếp theo là quần áo, hàng da và các tiện ích khác. Đây là kết quả báo cáo của OECD với sự hợp tác và hỗ trợ từ Cục sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu (EU).
OECD chỉ ra rằng Trung Quốc là nơi đứng đầu trong việc làm và buôn bán hàng giả, hàng nhái. Số hàng giả nhập vào Liên minh châu Âu chiếm khoảng 5% tổng lượng hàng nhập khẩu.
Nhìn thoáng qua, việc mua một chiếc túi xách giả hay xem một bộ phim lậu có vẻ vô hại, nhưng OECD nhấn mạnh rằng đây là "mối đe dọa lớn với kinh tế, làm mất đi tính sáng tạo và cản trở tăng trưởng kinh tế".
Ngoài ra, hoạt động này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà sản xuất chính hãng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và gây tổn hại đến thương hiệu của các công ty.
Đặc biệt, những sản phẩm dược phẩm hoặc đồ chơi trẻ em bị làm giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Người Việt chuộng ô tô Thái
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 3 là hơn 8,5 nghìn chiếc, trị giá 208 triệu USD, tăng 50,8% về lượng và tăng 46,9% về trị giá so với tháng trước.
Diễn biến ngược lại so với quý I/2015, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong quý I/2016 là hơn 19,7 nghìn chiếc, giảm 21,2% với trị giá nhập khẩu là 486 triệu USD, giảm 16,8%.
Tổng cục Hải Quan cho biết, lượng nhập khẩu giảm diễn ra ở hầu hết các loại xe, trừ ô tô tải. Cụ thể: lượng nhập khẩu ô tô tải là 9,86 nghìn chiếc, tăng 16%; ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 6,9 nghìn chiếc, giảm 37,6%; ô tô loại khác: hơn 3 nghìn chiếc, giảm 45,6%.
Cũng trong quý I/2016, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam với hơn 7,8 nghìn chiếc, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là Hàn Quốc: 3,56 nghìn chiếc, giảm 41% và Trung Quốc: 2,26 nghìn chiếc, giảm 58% với quý I năm 2015.
Bên cạnh giá cả cạnh tranh, một trong những lý do chính khiến lượng ô tô Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh là do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu. Theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2016, thuế nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN giảm từ 50% xuống còn 40%, đến năm 2017 còn 30% và từ năm 2018 còn 0%.
Giá ôtô hạng sang sẽ tăng mạnh
Nhà nhập khẩu BMW EuroAuto đưa xe có dung tích động cơ 1,5 lít về đón đầu thị trường xe khi thuế nhập khẩu ôtô giảm 5% - Ảnh: Lê Nam
Trao đổi vớiTuổi Trẻ, ông Bùi Kim Kha - phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA), tổng giám đốc Thaco PC (thuộc Thaco Group) - cho biết sau ngày 1-7, thuế nhập khẩu các dòng xe có dung tích động cơ dưới 1,5 lít sẽ giảm từ mức 45% hiện nay còn 40%.
Do đó, về nguyên tắc giá xe có dung tích động cơ dưới 1,5 lít sẽ giảm nhưng không nhiều so với mức giá hiện nay, chỉ giảm khoảng 10-20 triệu đồng/xe tùy loại...
Trong khi đó, so với lượng xe các thành viên VAMA, số lượng xe có dung tích động cơ dưới 1,5 lít nhập khẩu về VN không đáng kể nên chưa thật sự chi phối thị trường ôtô trong nước.
Số liệu của VAMA cho thấy trong ba tháng đầu năm, xe trong nước sản xuất bán được 46.617 xe các loại (tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi xe nhập khẩu chỉ đạt 13.068 xe các loại (giảm 36%).
Cũng từ ngày 1-7, các dòng xe có dung tích từ 2,5-3 lít thuế sẽ tăng từ 50% lên 55%, dòng xe có dung tích động cơ từ 3-4 lít sẽ tăng từ 60% lên mức 90%, xe có dung tích động cơ từ 5-6 lít là 130%, xe trên 6 lít thuế áp dụng mức 150%.
Theo ông Kha, với mức thuế này, chiếc Kia Sedona có dung tích động cơ 3,3 lít (động cơ xăng) sẽ tăng thêm gần 200 triệu đồng.
Theo tính toán, một chiếc Lexus RX 350 có dung tích động cơ 3,5 lít hiện có giá khoảng 3,33 tỉ đồng sẽ tăng lên hơn 3,9 tỉ đồng (tăng gần 600 triệu đồng), kể từ sau ngày 1-7. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ôtô, số lượng xe có dung tích động cơ lớn hơn 3 lít chỉ chiếm khoảng 3% tổng số lượng xe tiêu thụ trên toàn thị trường VN.
Trả lời về đề xuất ưu đãi thuế nhập ôtô điện của Công ty TNHH Hồ Huy (TP.HCM), Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính vừa cho biết trường hợp dự án đầu tư mới tại địa bàn khó khăn, được ưu đãi thuế thì mới được miễn giảm thuế, trong khi dự án được triển khai tại TP.HCM nên công ty sẽ phải kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập phát sinh.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, từ ngày 1-7 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô chạy bằng điện từ 9 chỗ trở xuống phải nộp thuế 15% thay cho mức 25% như hiện nay.
Còn về thuế nhập khẩu, mặt hàng xe điện có mức thuế là 70%. Về thuế giá trị gia tăng, ôtô điện làm phương tiện vận tải hành khách công cộng không thuộc đối tượng chịu sắc thuế này. Riêng các loại phí và lệ phí, công ty phải nộp các loại phí và lệ phí khi sử dụng dịch vụ.
Trước đó, Công ty TNHH Hồ Huy đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ưu đãi một loạt các loại thuế, phí nhập ôtô điện nhằm thay thế dần taxi chạy bằng xăng dầu hiện nay của Tập đoàn Mai Linh, hướng đến mục tiêu giao thông xanh, giảm lượng khí thải nhằm bảo vệ môi trường.
Theo đó, đến năm 2019, công ty sẽ đầu tư 10.000 taxi điện cho khu vực phía Nam và 10.000 taxi điện cho khu vực phía Bắc, với tổng giá trị đầu tư hơn 19.700 tỉ đồng.
Arab Saudi và lời đe dọa “nhấn chìm” Iran trong dầu thừa
Hoàng tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi đã nhiều lần tái khẳng định nước này sẽ không tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng mà không có Iran. Ảnh: TheSun
Trước cuộc họp, Hoàng tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi đã nhiều lần tái khẳng định nước này sẽ không tham gia vào thỏa thuận đóng băng sản lượng mà không có Iran.
Trong các buổi phỏng vấn với Bloomberg, vị hoàng tử còn cảnh báo nếu các nước khác tăng sản lượng, Arab Saudi sẽ không ngại ngần đáp trả xứng đáng.
Về phần mình, Iran lại đang đẩy kim ngạch xuất khẩu dầu tăng đạt mức tiền cấm vận.
Iran lên kế hoạch tăng sản lượng lên 4 triệu thùng/ngày trong một năm tính theo lịch Iran, kết thúc vào tháng 3/2017, Bộ trưởng dầu mỏ nước này cho biết. Tương ứng mức tăng 800.000 thùng/ngày đối với sản lượng trong tháng Ba.
Chuyên gia phân tích Abhishek Deshpande tại Natixis SA cho rằng đây là thông điệp mà Arab Saudi muốn gửi tới Iran. “Nếu các anh không ngồi vào bán đàm phán, chúng tôi có thừa khả năng để tăng lượng”, ông nói.
Theo ông, khó đoán mức gia tăng sản lượng là bao nhiêu. Nhưng khả năng Arab Saudi tiếp tục triển khai kế hoạch tăng nguồn cung nếu không đạt được thỏa thuận đóng băng là cao.
Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này có thể tăng sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày, tương ứng 10%, nâng tổng sản lượng lên 11,5 triệu thùng nếu cần thiết, Hoàng tử Mohammed cho biết. Trong 6 – 9 tháng tới, con số này có thể chạm ngưỡng 12,5 triệu thùng.
Trên thực tế, Arab Saudi khai thác 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng Ba.
Giá dầu thấp không làm Arab Saudi nhụt chí, ngược lại còn làm nước này càng thêm quyết tâm tăng cường khai thác.
Nước này đang mở rộng mỏ dầu Khurais, dự kiến hoàn thành vào năm 2018, giúp sản lượng tăng thêm 300.000 thùng/ngày. Ngoài ra, Arab Saudi cũng đang mở rộng khai thác dầu ở khu vực Shaybah với kỳ vọng nâng sản lượng lên thêm 250.000 thùng/ngày vào tháng Sáu năm nay.
CEO của tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Arab là Saudi Aramco từng tuyên bố công ty sẽ không hủy bỏ bất cứ dự án khai thác dầu khí hay lọc dầu nào, tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đỏ.
Saudi Aramco đang nghiên cứu mở rộng công suất nhà máy lọc dầu Ras Tanura lớn nhất nước lên mức 550.000 thùng/ngày.
Lãnh đạo tại công ty IHS Inc thì cho rằng đây là minh chứng cho sự căng thẳng và đối đầu giữa hai nước Iran và Arab Saudi. “Họ không hề tin tưởng nhau, dù chỉ một chút”.
Ngược lại, chuyên gia nghiên cứu tại Societe Generale SA cho rằng Arab Saudi đang khẳng định năng lực chứ không phải đe dọa. Thông thường, sản lượng của nước này tăng nhẹ vào mùa hè để đáp ứng nhu cầu làm mát nội địa.
Đồng USD suy yếu so với nội tệ của các nước xuất khẩu dầu mỏ
Đồng USD giảm 2,7% so với euro xuống 1,1312USD/EUR.
USD giảm 1,4% so với yen xuống 108,02JPY/USD, đáy thấp nhất 18 tháng.
Chỉ số ICE Dollar đo tỷ giá của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, theo dõi sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,22% xuống 94,486 điểm.
Sau khi giảm vào đầu phiên giao dịch, đồng tiền của các nước sản xuất hàng hóa như dollar Úc, dollar New Zealand, dollar Canada và ruble Nga tăng giá so với đồng USD khi phiên họp bàn về việc đóng băng sản lượng của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt tại Doha, Qatar, hôm Chủ Nhật đổ vỡ.
Đồng USD giảm 0,2% so với dollar Canada xuống 1,28 dollar canada đổi 1 USD. Đồng USD cũng giảm 0,3% so với với dollar Úc xuống 0,7745usd đổi 1 dollar Úc.
Các nhà sản xuất đã tụ họp tại Qatar, Doha vào cuối tuần để bàn thảo về thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng Một cho đến ít nhất tháng 10. Thỏa thuận đổ vỡ sau khi Arab Saudi yêu cầu Iran tham gia. Trước đó, Tehran đã nhiều lần khẳng định sẽ đứng ngoài.
Giá dầu thô Mỹ giảm 1,1% phản ứng với thông tin trên, tuy nhiên hồi phục sau thông tin về vụ đình công của công nhân tại Kuwait.
Chuyên gia tại Bank of America Merrill Lynch cho rằng đồng tiền của các nước xuất khẩu hàng hóa cũng được lợi từ tâm lý lạc quan cho rằng các nhà sản xuất có thể đạt được thỏa thuận nếu giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh.
Chủ tịch Fed New York William Dudley củng cố thái độ chủ hòa của Cục dự trữ liên bang (Fed) trong bài phát biểu hôm thứ Hai. Ông cho rằng các điều kiện của nền kinh tế Mỹ là “thuận lợi” nhưng Fed vẫn giữ quan điểm thận trọng trong việc nâng lãi suất trước những rủi ro từ kinh tế toàn cầu.
Ngược lại, các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể đã hết biện pháp để giảm giá hơn nữa đồng tiền chung. Nhà băng sẽ họp tại Frankfurt vào thứ Năm.