Tôn mạ nhập khẩu bị điều tra
Lào dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm 2016
Việt Nam nhập khẩu… đất
Nhiều cơ hội cho xuất khẩu trái cây
TPHCM: Gần 700 dự án BĐS bị thu hồi, tạm ngưng thi công
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-03-2016
- Cập nhật : 05/03/2016
Đây là lý do khiến USD sẽ tăng giá trong những tháng tới
Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của Mỹ tiếp tục ở mức thấp sẽ là những yếu tố hỗ trợ đồng USD.
Khi những điều bất hạnh qua đi cũng là lúc đồng USD tăng giá.
Đó là nhận định vừa được ngân hàng Deutsche Bank – nhà giao dịch tiền tệ lớn thứ hai thế giới – đưa ra cùng với dự báo đồng bạc xanh sẽ tiếp tục tăng giá sau khi sụt giảm trong tháng 2 vừa qua.
Theo đó, chỉ số khốn khổ (có công thức tính bằng tỷ lệ lạm phát cộng tỷ lệ thất nghiệp) đang ở mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ và hỗ trợ tốt cho triển vọng của đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp nhất 8 tháng trong khi Cục dự trữ liên bang (Fed) sắp có cuộc họp bàn về lãi suất.
“Thị trường lao động càng thắt chặt, chúng ta càng có lý do để tin rằng Fed sẽ hỗ trợ đồng USD”, Alan Ruskin, trưởng bộ phận nghiên cứu tỷ giá tại Deutsche Bank, nói.
Trong tháng 2 vừa qua chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi diễn biến của đồng USD so với 10 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 1,8% vì lo ngại đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu sẽ kéo nền kinh tế lớn nhất thế giới đi xuống. Do đó USD vừa trải qua tháng tệ nhất kể từ tháng 4/2015 sau khi tăng liền mạch 2 năm trước đó nhờ dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong khi những nước lớn khác nới lỏng chưa từng có.
Ruskin dự báo từ nay đến cuối năm USD sẽ tăng thêm 95 cent so với euro. Hôm nay (4/2) đồng USD tiếp tục tăng 0,1%, lên mức 1,0925 USD đổi 1 euro sau khi ở mức cao nhất 1 tháng trong tuần trước.
Tối nay Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo thể hiện tình trạng thị trường lao động trong tháng 2. Các chuyên gia phân tích của Bloomberg dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giữ ở mức 4,9%.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 1,4% trong tháng 1. Như vậy chỉ số khốn khổ của Mỹ đang ở mức 6,3%, sau khi chạm mốc 5% trong tháng 11 – mức thấp nhất kể từ năm 1956.
“Doanh nghiệp có vốn nhà nước nên rút về sân sau”
"Theo tôi, thể chế thay đổi tức là chúng ta đang tiến gần với nền kinh tế thị trường. Vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước nên 'rút về sân sau' để tăng cường vai trò của tư nhân", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Theo báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ”, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh đến hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xem đây là chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á.
Thực tế, vai trò và năng lực của khối doanh nghiệp tư nhân trong thời gian gần đây cũng được chú trọng và nâng cao hơn.
Trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam FAST500 của Vietnam Report, doanh nghiệp tư nhân tiếp tục có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chiếm tỷ trọng áp đảo so với hai khối nhà nước và FDI (72% so với mức 34,1% của khối DNNN và 28,2% của khối doanh nghiệp FDI).
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép bình quân (CAGR) của khối này cũng ở mức cao nhất là 35,7% (so với mức 22,4% của khối DNNN và 5,6% của khối doanh nghiệp FDI).
Danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng và triển vọng năm 2016 sẽ được Vietnam Report công bố vào ngày 12/4 tới.
Theo Vietnam Report, bàn về vai trò của kinh tế tư nhân, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã nhấn mạnh, muốn nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mạnh thì cần phải thay đổi thể chế, đưa nền kinh tế Việt Nam chuyển thành nền kinh tế thị trường, đồng thời phải có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,7% của Chính phủ, ông cho rằng đây là mức phục hồi tốt so với những năm trước đây. Còn nếu đạt được mức 6,8% thì chứng tỏ nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn đi xuống và đang đi vào giai đoạn phục hồi.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tăng trưởng bằng con số mới chỉ là định lượng, còn sự định tính của tăng trưởng mới thực sự quan trọng. Định tính phải được thể hiện qua việc dân chúng có được những việc làm ổn định, xã hội thăng tiến hơn, chế độ giáo dục tốt hơn.
Còn đối với doanh nghiệp, tăng trưởng qua con số là điều đáng mừng. Tuy nhiên, về chất lượng sản phẩm sản xuất ra phải đạt tiêu chuẩn, tiêu thụ được, nhanh chóng cải thiện tránh tình trạng hàng hóa bị tồn kho, ứ đọng bởi như vậy sẽ không thể hiện trong chất lượng tăng trưởng.
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đi dần vào hội nhập với nền kinh tế thế giới, các hiệp định như TPP, FTA, AEC sẽ lần lượt có hiệu lực. Việc thay đổi, nâng cao chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định để thành công với TPP. TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nhà nước đã nhanh chóng thay đổi, cải tổ một số thể chế, việc này được biểu hiện qua về vấn đề thủ tục hành chính đã rút ngắn gọn hơn, bớt rườm rà.
"Theo tôi, thể chế thay đổi tức là chúng ta đang tiến gần với nền kinh tế thị trường. Vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước nên 'rút về sân sau' để tăng cường vai trò của tư nhân", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Những vấn đề như tham nhũng phải được diệt trừ, đẩy nhanh số giờ xử lý thuế, người dân tiếp xúc với các cơ quan công quyền cũng phải nhanh và kịp thời, khi nói đến tăng trưởng phải nói đến thay đổi thể chế, để nó thực sự phục vụ cho dân chúng.
Ông cho rằng để có thể dễ dàng hội nhập, hòa nhập với nền kinh tế thế giới thì trước hết, kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường.
"Muốn có được điều này thì kinh tế Việt Nam phải tạo ra sự cạnh tranh, các công ty có vốn nhà nước nên rút lui để nhường sân cho các công ty tư nhân", tiến sĩ nhận xét.
Cách đây 40 năm, sau giải phóng, các công ty có vốn nhà nước được coi là "đầu tàu" để kéo nền kinh tế nước nhà, tuy nhiên thì thời thế bây giờ đã thay đổi.
"Nhiệm vụ dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thiện, tôi cho rằng bây giờ nên là sân chơi dành cho doanh nghiệp tư nhân", ông khẳng định.
"Doanh nghiệp tư nhân cần thực sự được quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời cần có những sáng kiến, hỗ trợ để thúc đẩy cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và từ đó doanh nghiệp tư nhân có thể 'tỏa sáng', trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà", TS. Nguyễn Trí Hiếu chốt lại.
Đằng sau cuộc chạy đua lãi suất
Các ngân hàng đang suy tính gì khi đưa ra "nước cờ" nâng lãi suất huy động đặc biệt vào thời điểm thị trường đang xôn xao về những thay đổi liên quan đến Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN?
Vài ngày trở lại đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động trở thành vấn đề “nóng” nhất trong hệ thống ngân hàng. Mức lãi tiền gửi được đẩy lên 8% đối với kỳ hạn gửi dài (13 tháng trở lên) phổ biến tại một số nhà băng và đối tượng nhắm đến là các khách hàng cao cấp có nhiều tiền nhàn rỗi; thậm chí, có đơn vị sẵn sàng chi trả lãi suất 8,38%/năm. Hiện cuộc đua lãi suất của các ngân hàng hiện vẫn chưa có dấu hiệu tạm dừng.
Vậy đâu là nguyên cớ các ngân hàng bước vào cuộc đua và hệ quả sẽ ra sao, xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính).
PV: Thưa ông, động cơ nào khiến các ngân hàng cạnh tranh lãi suất huy động một cách quyết liệt như hiện nay?
TS. Nguyễn Đức Độ: Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng lãi suất huy động gia tăng đối với các kỳ hạn dài có nguyên nhân chủ yếu liên quan đến Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN, theo đó tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung - dài hạn giảm từ mức 60% xuống còn 40% và hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản tăng từ mức 150% lên 250%. Tôi nghĩ đây là cách giải thích hợp lý.
Một số ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất này chỉ mang tính chất danh nghĩa, có thể đây chỉ là chiêu quảng cáo tên tuổi của các ngân hàng. Tuy nhiên cũng có ý cho rằng họ đang đói vốn thật sự để chuẩn bị thanh khoản cho các dự án cho vay trung và dài hạn. Ý kiến của ông thì sao?
Nếu ngân hàng nào đó thực hiện quảng cáo bằng cách này, có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn là nhiều người nghĩ rằng ngân hàng đó đang gặp vấn đề về thanh khoản. Các cơ quan chức năng có thể cũng sẽ “để ý” đến ngân hàng nhiều hơn.
Có lẽ khả năng lớn là thị trường dự báo Thông tư 36 thế nào cũng được sửa đổi, vấn đề chỉ là mức độ và các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức cao đang chuẩn bị trước cho tình huống này.
Mặc dù vậy, cũng không loại trừ khả năng việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài và chỉ áp dụng đối với khách hàng lớn là một cách thức để các NHTM truyền thông điệp đến NHNN rằng việc siết tín dụng bất động sản nên được cân nhắc một cách thận trọng.
Mặc dù lãi suất huy động tăng vọt nhưng đa số người gửi tiền không được hưởng trong khi đó người đi vay lại nơm nớp lãi suất cho vay sẽ tăng. Cuộc đua này mặc dù mới chỉ diễn ra ở các NHTM có quy mô nhỏ tuy nhiên nếu cuộc chạy đua này không dừng lại thì theo ông hệ lụy gì sẽ xảy ra?
Nếu so với lạm phát, lãi suất huy động và cho vay hiện nay đều đang ở mức cao và không có lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế. NHNN, vì thế, sẽ có biện pháp để ngăn chặn cuộc đua này.
Từ năm ngoái, đã có rất nhiều quan điểm cho rằng lãi suất cho vay để giảm được thêm là vô cùng khó. Đến thời điểm này, ông có thể đánh giá thế nào về bài toán lãi suất từ nay đến cuối năm?
Hiện tại việc giảm lãi suất, đặc biệt là đối với kỳ hạn dài, đang gặp một số nút thắt.
Thứ nhất là tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Khi người dân chưa sẵn sàng nắm giữ VND lâu dài và gửi vào hệ thống ngân hàng, lãi suất sẽ khó giảm. Mặc dù vậy, với việc NHNN áp dụng cách điều hành tỷ giá mới, động cơ găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng yếu đi. Đây là cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay, mặc dù cần có thêm thời gian để phát huy tác dụng.
Thứ hai là vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công. Gần đây, Chính phủ phát hành trái phiếu không chỉ để bù đắp thâm hụt ngân sách hàng năm, mà còn để đảo nợ. Điều này đang tạo sức ép nhất định lên mặt bằng lãi suất. Nhưng Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 cũng đề cập đến việc nới tỷ lệ tối đa nắm giữ TPCP đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%. Chính sách này có thể tăng cầu về TPCP và giảm áp lực đối với lãi suất phát hành. Ngoài ra, NHNN có thể sẽ mua nhiều TPCP hơn để giảm áp lực lên lãi suất khi cần thiết.
Về lạm phát, hiện nay có một số dự báo lạm phát trong năm 2016 sẽ ở mức cao và có thể ảnh hưởng đến mức lãi suất kỳ vọng. Tuy nhiên, theo tôi, lạm phát trong năm nay chủ yếu sẽ do mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế quyết định. Nhưng đây chỉ là những cú sốc về giá mang tính nhất thời. Yếu tố mang tính quyết định đến lạm phát trong trung-dài hạn là sự phục hồi của nền kinh tế. Nhưng các số liệu được công bố gần đây cho thấy, đà phục hồi của nền kinh tế hiện đang chững lại.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp mới tăng 6,6%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 12%. Chỉ số PMI tháng 2/2016 cũng chỉ ở mức 50,3 điểm. Nền kinh tế cũng đang quay trở lại xuất siêu và đây là tín hiệu cho thấy đầu tư, trong đó có đầu tư vào bất động sản, cũng đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân có thể do nguồn cung bất động sản, đã tăng nhanh trong thời gian qua và tín dụng bất động sản, có khả năng sẽ bị siết lại trong tương lai. Với tổng cầu như vậy, tăng trưởng GDP trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2015 và lạm phát cao sẽ chưa thể xảy ra.
Về nút thắt nợ xấu, đây là vấn đề nan giải. Vì Chính phủ quyết định không sử dụng tiền thuế của dân để giải quyết nợ xấu, nên các NHTM sẽ phải tự kiếm tiền để bù đắp vào các khoản bị thiệt hại. Cách giải quyết này đòi hỏi phải có thời gian. Việc thị trường bất động sản phục hồi sẽ giúp cho việc giải quyết nợ xấu dễ dàng hơn. Nhưng nếu sự phục hồi của thị trường bất động sản chủ yếu do các nguồn tín dụng từ chính các NHTM cung cấp, tính bền vững sẽ không cao, thậm chí có thể dẫn đến nợ xấu gia tăng sau này. Trong khi đó các cơ sở pháp lý cho việc thanh lý tài sản đảm bảo, mua - bán nợ xấu lại chưa được hoàn thiện. Mặc dù vậy, khi thị trường bất động sản không còn tăng trưởng mạnh như năm 2015, cầu tín dụng sẽ yếu đi và có tác động giảm sức ép lên lãi suất.
Về tổng thể, khi lãi suất cao, sớm hay muộn nó cũng sẽ làm cho nền kinh tế yếu đi. Và khi nền kinh tế yếu đi, lãi suất sẽ phải chịu áp lực giảm, mặc dù mức giảm có thể không được như mong đợi do những nút thắt nói trên.
Nhu cầu vốn ngắn hạn giảm
Theo CTCK MBS, nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng và đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới đây, CTCK MBS chỉ ra lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh khoảng 0,38 đến 1,66 điểm phần trăm ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng trong hai tuần gần đây do nhu cầu nguồn vốn ngắn hạn tại các NHTM không còn cao sau dịp tết Âm lịch.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở về trạng thái bình thường thể hiện qua mức lãi suất kỳ hạn qua đêm giảm xuống mức khá thấp. Theo đó, lãi suất qua đêm trong 2 tuần gần đây duy trì ở mức 1,22%, lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm xuống mức 1,7%/năm và lãi suất một tháng ở mức 3,5%/năm.
Trong hai tuần vừa qua, một số NHTM bắt đầu tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Các kỳ hạn có biến động chủ yếu là kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Một số NHTM đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng lên trên 8%.
Trong khi đó, tỷ giá VND/USD có xu hướng ổn định trở lại trong 2 tuần gần đây nhờ NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới. Các NHTM đã đưa tỷ giá mua và bán VND/USD về trạng thái bình thường. Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng và tự do giảm trong hai tuần gần đây và giao dịch ở trạng thái giao dịch bình thường.
Theo MBS, áp lực lên tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn được kỳ vọng giảm khi USD đang có dấu hiệu giảm giá và FED nhiều khả năng sẽ thay đổi lộ trình tăng lãi suất.
"Mức tăng CPI được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong tháng 3 do giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng mạnh 30% kể từ đầu tháng 3. Nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng và đẩy lãi suất tăng nhẹ trong thời gian tới", báo cáo nhận định.
Nhiều ngành nghề kinh doanh được hưởng lợi từ giá dầu giảm
Giá dầu giảm sâu được đánh giá là sẽ tác động lớn tới việc giảm thu ngân sách, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực thì việc giá dầu thô giảm, kèm theo đó là giá xăng giảm sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và nhiều ngành nghề như phân bón, sản xuất tôn thép, đánh bắt thủy sản...
Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, giá dầu giảm sẽ giúp ngành phân bón, hóa chất được hưởng lợi. Cụ thể như ở ngành phân bón, giá dầu khí giảm sẽ giúp chi phí dầu vào sản xuất urê của doanh nghiệp giảm theo.
Cùng với đó, sản xuất phân lân cũng gián tiếp hạ. Đối với lĩnh vực hóa chất, các sản phẩm hóa chất đầu vào như lưu huỳnh, dầu, nhựa đường... là sản phẩm của lọc hóa dầu.
Do đó, khi giá dầu xuống thấp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng được hưởng lợi chi phí nguyên liệu rẻ. Hơn nữa, khi giá xăng dầugiảm thì cũng giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, nhập khẩu các mặt hàng này.
Theo ông Lê Cự Tân, Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), năm 2015 vừa qua, đơn vị đã kinh doanh hiệu quả 1,17 triệu tấn phân bón và 25 nghìn tấn NH3. Doanh thu đạt hơn 9.800 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.857 tỷ đồng, vượt 45% kế hoạch.
Trong đó, Chủ tịch PVFCCo cho hay, lợi nhuận tăng lên do giá dầu giảm là 444 tỷ đồng và lợi nhuận giảm do ảnh hưởng tỷ giá tăng là 65 tỷ đồng. Sau khi trừ các yếu tố ảnh hưởng, lợi nhuận PVFCCo vượt so với kế hoạch năm 2015 là 16%.
Một doanh nghiệp tương tự là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng đã được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm; với tổng doanh thu năm 2015 đạt 5.994 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt gần 880 tỷ đồng, tăng 33% so với kế hoạch năm 2015.
Như vậy, trong năm qua, nhờ giá dầu giảm, lĩnh vực sản xuất phân bón đã đón nhận những tác động rất tích cực.
Vấn đề mà các doanh nghiệp này đang gặp phải là ở việc mức thuế nhập khẩu 0% theo các FTA đã ký kết trong ASEAN và với các đối tác khác làm cho phân bón trong nước chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước Indonesia, Malaysia... Cùng với đó là sự thay đổi, biến động về tỷ giá, lãi vay và nhu cầu ổn định về nguồn khí phục vụ sản xuất...
Cùng với phân bón, hóa chất, lĩnh vực sản xuất tôn thép cũng nhận được những hiệu ứng lan tỏa tích cực từ việc giá dầu giảm, dù không lớn. Việc giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp trong ngành này giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí vận tải, qua đó giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá dầu giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới ngành thép, vì năng lượng sử dụng trong ngành thép, số lượng về dầu, khí đều có nhưng không nhiều. Chủ yếu trong lĩnh vực cán thì một số doanh nghiệp dùng khí làm nhiên liệu.
Song, về tác động gián tiếp, giá xăng, dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển đáng kể, tương đương khoảng 10-15%. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được phần nào chi phí vận tải, qua đó giảm giá sản phẩm.../.