Xuất khẩu da giày sang EU chững lại
Vingroup bán hơn 3,1 tỷ USD bất động sản trong một năm
Lợi nhuận Microsoft giảm 25%
Kinh tế Hàn Quốc vươn mình xếp thứ 11 trên thế giới
Nhiều vướng mắc trong chống hàng giả, gian lận thương mại
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-04-2016
- Cập nhật : 22/04/2016
Nhiều nước tố thép rẻ Trung Quốc bóp méo thị trường
Đại diện của hơn 30 nước gặp nhau trong một hội nghị quốc tế tại Bỉ hôm 18/4 nhằm tìm ra biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng thừa thép, nhưng cũng chỉ đưa ra được kết luận rằng, cần giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa một cách nhanh chóng và có tổ chức. Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc và tuyên bố Bắc Kinh có thể đối mặt biện pháp trừng phạt thương mại nếu không cắt giảm sản xuất thép. Nhưng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng họ trợ giá cho các công ty sản xuất thép để bán phá giá. Hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chính thức nào.
Ngành công nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Trong 25 năm qua, quy mô sản xuất thép của nước này đã tăng 12 lần. Trong khi đó, sản lượng của EU giảm 12%, còn của Mỹ đứng yên. Động lực đằng sau sự phát triển chóng mặt của ngành thép Trung Quốc là nền kinh tế tăng trưởng 2 con số trong vài thập kỷ qua. Nhưng kinh tế đang phát triển chậm lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nội địa của nước này. Vì thế, thép Trung Quốc được bán ra thị trường quốc tế với giá cực kỳ thấp, thậm chí dưới giá thành. Hậu quả là các hãng sản xuất thép ở nhiều nước khác ngày càng khó cạnh tranh.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Xinhua vừa cho rằng, đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra vấn đề cho ngành thép toàn cầu là “khập khiễng và biện minh cho sự bảo hộ”.
Hôm 19/4, Trung Quốc nói rằng, sản lượng thép của họ đạt mức kỷ lục trong tháng 3 vì lợi nhuận tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng. Khi nhu cầu trong nước đang chậm lại, các nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc nhiều nước chỉ trích các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm ra nước ngoài, rằng họ không chỉ bán rẻ nhờ chi phí sản xuất thấp hơn, mà còn bán với giá dưới chi phí sản xuất.
Theo các nhà phân tích, trong khi các nước khác than phiền về thép giá rẻ Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp của họ phá sản, bản thân Trung Quốc cũng đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sự bùng nổ quy mô sản xuất trong những năm qua cho thấy nếu cắt giảm sản xuất sẽ dẫn đến mất nhiều việc làm, tăng nguy cơ gây ra bất ổn xã hội ở nước này. Vì thế, khó có khả năng Trung Quốc sẽ giảm mạnh sản lượng, và nếu nhu cầu nội địa không tăng, thép rẻ Trung Quốc sẽ vẫn ảnh hưởng thị trường toàn cầu.
Hãng thép Tata của Ấn Độ gần đây thông báo sẽ rút khỏi thị trường Anh do thép giá rẻ tràn vào, chủ yếu từ Trung Quốc. Đầu tháng này, Ấn Độ mở một cuộc điều tra khả năng thép từ 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đang bị bán phá giá. Tuần trước, hơn 40.000 công nhân sản xuất thép ở Đức xuống đường biểu tình phản đối thép Trung Quốc bị bán phá giá, khiến họ có nguy cơ mất việc. Trung Quốc đang là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cung cấp 822 triệu tấn mỗi năm.
Doanh số bán nhà tháng 3 tại Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng
Doanh số bán nhà tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3 nhờ nguồn cung được cải thiện, cho thấy sự phục hồi vững chắc của thị trường nhà đất Mỹ mặc dù tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu bị đình trệ trong quý đầu tiên.
Cụ thể, Hiệp hội bất động sản quốc gia hôm thứ Tư cho biết, trong tháng 3, doanh số bán nhà hiện có tăng 5,1% so với cùng kỳ, đạt 5,33 triệu đơn vị, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế là tăng 3,5%. Doanh số bán hàng tăng 1,5% so với năm trước.
Doanh số bán nhà tăng ở tất cả 4 khu vực trong tháng ba, đặc biệt tăng tới 11,1% ở vùng Đông Bắc và 9,8% trong vùng Trung Tây. Trong đó, doanh số bán nhà đơn lẻ tăng 5,5% phần trăm và nhà chung cư tăng 1,8%. Các giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc trung bình.
Sự gia tăng doanh số bán hàng vào đầu mùa bán mùa xuân là một dấu hiệu cho thấy sự lạc quan trong nền kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu nhờ lãi suất cho vay thế chấp thấp cộng với sự phục hồi của thị trường chứng khoán và sự cải thiện vững chắc của thị trường lao động, các nhà phân tích cho biết.
"Sự khởi đầu rất mạnh vào mùa bán hàng mùa Xuân là rất quan trọng, và sự khởi đầu tích cực này sẽ tạo đà cho những tháng tới", Millan Mulraine - nhà kinh tế trưởng của TD Securities tại New York cho biết.
"Không thể có quá nhiều rủi ro với nền kinh tế nếu người tiêu dùng tiếp tục mua nhà mới. Nó cho thấy niềm tin của người tiêu dùng", Chris Rupkey - nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng MUFG Union ở New York cũng cho biết.
Mặc dù theo một báo cáo được công bố trước đó một ngày, lượng nhà khởi công mới và giấy phép xây dựng tháng ba có sự giảm nhẹ, song con số đầy lạc quan về doanh số bán nhà cho thấy thị trường nhà ở vẫn còn là một điểm sáng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.
Theo đó kinh tế Mỹ vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ đồng USD mạnh và nhu cầu toàn cầu yếu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá dầu giảm cũng là một yếu tố tiêu cực khi nó làm giảm lợi nhuận của các công ty năng lượng, buộc họ phải cắt giảm đầu tư vào các dự án.
Được biết, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2016 được dự tính chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% trong quý IV/2015.
Chi tiết "thương vụ tỷ đô" của Viettel tại Myanmar
Tuần tới, một đoàn khảo sát kỹ thuật của Viettel với hơn 20 người sẽ lên đường tới Myanmar bắt đầu chuyến khảo sát hạ tầng mạng cùng với nhóm của phía đối tác Myanmar. Trong tháng 5/2015, mọi đàm phán về Hợp đồng Liên doanh giữa Viettel và 2 đối tác Myanmar sẽ dự kiến hoàn thành.
Và vào khoảng tháng 6/2016, dự kiến Chính phủ Myanmar sẽ cấp Giấy phép thành lập liên danh, giấy phép thứ 4 và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar có giá trị 300 triệu USD, chỉ bằng 1/5 số tiền Ooredoo và bằng 1/2 số tiền Telenor bỏ ra để có Giấy phép trong tay.
“Từ khi có giấy phép, Viettel và các đối tác sẽ gấp rút triển khai hạ tầng và bắt tay vào kinh doanh. Dự kiến, trong năm 2016, Liên doanh sẽ đầu tư khoảng gần 1tỷ USD cho các hạng mục quan trọng của Liên doanh như nộp tiền giấy phép, làm hạ tầng, đấu giá giấy phép mạng 4G…sau đó sẽ đưa vào kinh doanh. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ đạt 5-7 triệu thuê bao và lọt vào Top 3 tại Myanmar sau 2 năm có giấy phép”, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng Giám đốc Viettel cho biết.
Phó Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng chia sẻ với Báo Đầu tư Online về kế hoạch đầu tư tại Myanmar.
Đánh giá về thị trường Myanmar, thị trường mà Viettel “mai phục” suốt 10 năm, lãnh đạo Viettel cho biết, Myanmar là thị trường mới nổi, là thị trường có GDP tăng trưởng bình quân tới 8%/năm rất tiềm năng. Với APRU 4 USD, hơn 55 triệu dân trong đó có 60% dùng Smartphone (Việt Nam mới chỉ 35%), người dân ưa chuộng trải nghiệm công nghệ…
Đặc biệt là tại Myanmar có các công ty chuyên đầu tư phát triển hạ tầng độc lập. Liên doanh có thể thuê lại hạ tầng trạm BTS tiết kiệm được vốn đầu tư ban đầu và nhanh chóng triển khai cung cấp dịch vụ ngay từ cuối năm 2016. Ước tính, đến hết năm 2016, có thể Liên doanh thuê khoảng 5.000 trạm BTS phục vụ kinh doanh, cao hơn số trạm của nhà mạng lớn nhất tại Myanmar đang có.
Đứng trước bài toán thách thức về tỷ lệ thâm nhập của thị trường này đã lên đến trên 70%, và mặt bằng giá thấp (2 cent/phút), Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết họ vẫn còn nhiều cơ hội. Điều quan trọng khi kinh doanh đó là khả năng chi trả của người tiêu dùng. Myanmar là thị trường đang phát triển rất nhanh, lại mới mở cửa thị trường, do vậy chi tiêu cho viễn thông sẽ tăng cao.
Với kinh nghiệm từ việc đầu tư tại 9 thị trường khắp thế giới, đặc biệt là các thị trường Lào, Campuchia, cùng với chiến lược kinh doanh “hạ tầng đi trước” vùng phủ rộng toàn quốc và chiến lược kinh doanh linh hoạt, hiệu quả, Viettel khá tự tin và kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công tại thị trường Myanmar.
Trước đó, cuối tháng 3/2016, Liên doanh Viettel tại Myanmar cho biết sẽ dự kiến cùng đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp toàn đất nước Myanmar, phủ tới gần 95% dân số trong vòng 3 năm.
Hai đơn vị được chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel, sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty trung gian địa phương (SPV) là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited. Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar.
PJICO sắp chốt đối tác chiến lược nước ngoài
Tại Đại hội, lãnh đạo PJICO cho biết, công ty sẽ sớm hoàn thành việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài trong nửa đầu năm 2016, hoặc chậm nhất là trong 9 tháng đầu năm.
Đến thời điểm hiện tại, có 2 đối tác lọt vào danh sách các ứng cử viên sẽ mua cổ phần của PJICO. Ngày hôm qua (20/4), PJICO đã làm việc với 1 đối tác và dự kiến ngày 27/4 tới sẽ tiếp tục làm việc với đối tác còn lại.
Dự kiến, sau khi hoàn thành việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài và tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, PJICO sẽ hoàn thành đề án đánh giá hệ số tín nhiệm theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng thí điểm KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc) trong một số lĩnh vực, triển khai phần mềm quản lý nhân sự…
Đại hội đồng cổ đông PJICO cũng đã thông qua kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc năm 2016 là 2.343 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 dự kiến đạt 120 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với năm 2015, đảm bảo tỷ lệ cổ tức chi trả tối thiểu 10%.
PJICO sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, hoạt động đầu tư và công tác quản trị doanh nghiệp...
Riêng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, PJICO sẽ tiếp tục tập trung điều hành toàn hệ thống phát triển mạnh các nghiệp vụ đang có lãi, duy trì và tăng trưởng hợp lý kết hợp song song với việc kiểm soát chi phí, chất lương dịch vụ.
Trước đó, trong năm 2015, PJICO đạt tổng doanh thu bảo hiểm gốc 2.231,2 tỷ đồng, hoàn thành 104,1% kế hoạch doanh thu và tăng trưởng 5,1% so với năm 2014.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 997,8 tỷ đồng, bảo hiểm con người đạt doanh thu tỷ đồng, bảo hiểm hàng hóa đạt 202 tỷ đồng, bảo hiểm tàu thủy đạt doanh thu 277 tỷ đồng...
Năm 2015, PJICO đã gia tăng khi trích lập 196,2 tỷ đồng bổ sung cho 3 quỹ dự phòng nghiệp vụ. Đây là mức trích lập cao nhất trong 20 năm thành lập và hoạt động của PJICO. Mức trích lập dự phòng nghiệp vụ 514,7 tỷ đồng trong 3 năm 2013 - 2015 cao gấp 1,5 lần số trích lập dự phòng 17 năm trước đó.
CEO hãng dầu Nga: Sẽ không có thỏa thuận về sản lượng với OPEC