Những thách thức đối với giới giàu có trên thế giới
Cơn bão giá dầu tan dần sau thỏa thuận Nga - Ả Rập Xê Út
Việt Nam chiếm 50% thị trường điều thế giới
MB và VALEXIM ký hợp đồng phòng vệ giá cho mặt hàng khí hóa lỏng
Xử nghiêm nhà băng ‘đi đêm’ lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-03-2016
- Cập nhật : 05/03/2016
TPP: Thị phần dệt may Việt Nam tại Mỹ tiếp tục tăng
Việt Nam tiếp tục tăng thị phần hàng dệt may ở thị trường Mỹ trong năm nay, dẫn đến dự báo xuất khẩu dệt may của các nước Trung Mỹ sẽ chậm lại.
Năm 2015, Việt Nam đã vượt qua doanh số của Trung Mỹ về xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, thị trường tiêu thụ các mặt hàng này lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 11,48% so với mức 11,26% của tất cả các nước Trung Mỹ cộng lại. Năm trước đó, Việt Nam chiếm thị phần 10,73%, trong khi Trung Mỹ chiếm 11,67%.
Bà Karin de Leon, Giám đốc điều hành của Cecate - một hội đồng vận động hành lang về dệt may của Trung Mỹ - nhận định với việc Việt Nam là nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đang ngày càng có thêm sự ủng hộ, "nhiều đơn hàng và đầu tư sẽ chuyển đến Việt Nam".
Bà Karin nêu rõ theo TPP, Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, và đi theo một lộ trình giảm thuế kéo dài cả một thập kỷ, song Việt Nam cũng được hưởng Chương trình Trợ cấp nhập khẩu (IPA) của Mỹ và các quy định mềm dẻo hơn về cung ứng những mặt hàng khan hiếm, mà các nước Trung Mỹ không có sự ưu đãi tương tự.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP khi có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn mà không phải chịu thuế quan. Vì các điều kiện như vậy, bà Karin dự báo Trung Mỹ sẽ tổn thất hàng tỷ USD.
Giám đốc điều hành của Cecate cho biết trước tình hình này, các nước Trung Mỹ đang gấp rút xây dựng một chiến lược với mục tiêu đẩy mạnh năng lực cạnh tranh về hàngthời trang chuyên biệt và tận dụng khoảng cách địa lý gần Mỹ.
Nga "đa dạng hóa nền kinh tế" đối phó khủng hoảng tài chính
Thủ tướng Nga Medvedev mới đây đã ký Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, với mục tiêu “đa dạng hóa nền kinh tế” nhằm chống lại cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới suy giảm làm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Nga đã phải cắt giảm chi tiêu công, thậm chí điều chỉnh dự báo kinh tế vĩ mô 2016.
Chính phủ Nga đã lên phương án hỗ trợ các ngành kinh tế chủ chốt đang gặp khó khăn như nông nghiệp, chế tạo ô tô, xây dựng và công nghiệp nhẹ. Nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã suy giảm 3,7% trong năm 2015 do giá dầu thấp kỷ lục và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Cơ cấu lại mô hình phát triển kinh tế sẽ bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế nhập khẩu, xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ. Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài ở mức độ nào đó, phần nào nhờ kế hoạch chống khủng hoảng” - Thủ tướng Nga D.Medvedev nói.
Kế hoạch chống khủng hoảng ở Nga được cho là đã hoàn thiện vào giữa tháng 2 vừa qua, nhưng buộc phải kéo dài sau báo cáo của Bộ Tài chính Nga. Theo đó, Chính phủ Nga cần 250 tỷ Ruble (khoảng 3,3 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch này, trong khi quỹ chống khủng hoảng chỉ còn lại 120 tỷ Ruble (chưa đến 1/2).
“Chính phủ Nga cần tới 250 tỷ Ruble để thực hiện kế hoạch chống khủng hoảng. Để có số tiền này, chúng tôi phải đề xuất Tổng thống cho phép sử dụng một phần vốn dự trữ - khoảng 130 tỷ Ruble” - ông Anton Siluanov, Bộ Tài chính LB Nga cho biết.
Trước đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết, kế hoạch hồi sinh nền kinh tế đất nước sẽ cần tới khoảng 880 tỷ Ruble (gần 12 tỷ USD), trong đó trọng tâm là việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính sau khi giá dầu mỏ lao dốc và đồng Ruble mất giá ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế Nga.
Tiếp theo Bản tin Tài chính - Kinh doanh là những nội dung đáng chú ý khác: Nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng lao động trẻ em trái phép; Trung Quốc sẽ sa thải 6 triệu nhân viên chính phủ... Mời quý vị quan tâm theo dõi.
Thị trường thiết bị y tế Việt Nam sẽ bùng nổ gấp 3 lần chỉ sau 2 năm nữa!
Theo Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), với dân số trên 90 triệu người, tầng lớp trung lưu Việt Nam đang ngày một gia tăng nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy triển vọng trong những năm tới.
Do đó, Eurocham cho rằng thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục còn mở rộng.
Giá trị thị trường thiết bị y tế đã đạt 465,4 triệu USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt mức 1,4 tỷ USD vào năm 2018.
Theo Eurocham, đây là thị trường quan trọng của các doanh nghiệp châu Âu vì Việt Nam hiện đang nhập khẩu tới hơn 90% các thiết bị y tế từ các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng khuyến khích thị trường thiết bị y tế phát triển vì sản xuất trong nước không thể đáp ứng nhu cầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất 600 sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép chính thức.
Tuy nhiên, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành địa điểm sản xuất các sản phẩm với chi phí thấp. Bởi vậy, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013.
Do đó, Eurocham cho rằng để tiếp tục nâng cao sức khỏe người dân và tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nên chăng Việt Nam cần quảng bá và hoàn trả chi phí các trang thiết bị y tế chứng minh được lợi ích kinh tế - y tế.
Đồng thời, Eurocham cũng đề xuất phát triển dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà, và kiến nghị cần thiết phải ban hành một văn bản quy định về quản lý trang thiết bị y tế nhằm xây dựng một hành lang pháp lý cho Việt Nam trong việc nhập khẩu, sản xuất và lưu hành sản phẩm này.
Tập đoàn Mỹ muốn tham gia mở rộng sân bay Chu Lai
Jk & D Intrernational, Ltd (Mỹ) vừa đề xuất hợp tác với Tập đoàn Thiên Tân (Quảng Ngãi, Việt Nam) tham gia dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai.
Lãnh đạo Tập đoàn JK & D International, Ltd(Mỹ) làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi chiều 3/3. Ảnh: Minh Hoàng.
Chiều 3/3, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng tiếp, làm việc với Tập đoàn JK&D International, Ltd (Mỹ) về việc đầu tư dự án mở rộng sân bay Chu Lai. Tập đoàn này có kinh nghiệm trong tư vấn, cung ứng tài chính, công nghệ… trong việc đầu tư, phát triển dự án sân bay trong khu vực và trên thế giới.
Ông Brian G Dennard - Giám đốc điều hành JK&D International, Ltd (Mỹ) bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện cung cấp và tư vấn trọn gói (EPC) dự án mở rộng sân bay Chu Lai.
Tháng 1/2016, dự án mở rộng sân bay Chu Lai được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho Tập đoàn Thiên Tân (Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 1 tỷ USD.
Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Tân cho hay, sân bay Chu Lai dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 1.500 ha về phía Nam thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. "Chúng tôi thống nhất chọn JK & D International, Ltd là đối tác chiến lược cùng tham gian dự án mở rộng sân bay Chu Lai thời gian tới", ông Lập nói.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết thêm, theo quy hoạch của Chính phủ, sân bay Chu Lai sẽ được phát triển thành sân bay quốc tế. Việc nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai sẽ mở ra "cơ hội vàng" liên kết vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi với nhiều thành phố lớn trong nước và thế giới.
"Tỉnh mong muốn JK&D giúp đỡ, tư vấn cho Thiên Tân quy hoạch dự án mở rộng sân bay Chu Lai đạt chất lượng và phát triển lâu dài. Quảng Ngãi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ", ông Chữ nhấn mạnh.
Sân bay Chu lai có tổng diện tích hơn 2.200 ha nằm phần lớn ở địa phận tỉnh Quảng Nam nhưng phục vụ chính cho hành khách của tỉnh Quảng Ngãi.
Hiện nay, Cảng hàng không Chu Lai có ba hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific khai thác, với các đường bay Chu Lai- Hà Nội và Chu Lai- TP HCM tần suất 34 lượt chuyến mỗi tuần. Riêng năm 2015, Cảng hàng không Chu Lai đạt 154.550 lượt hành khách, tăng 284,5% so với năm 2014...
IMF vừa khuyên các quốc gia dầu mỏ từ bỏ việc trợ giá nhiên liệu cho người dân
Giá dầu thấp đang khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới vui mừng và cũng khiến nhiều tập đoàn dầu mỏ phải đau đầu.
Tại một số quốc gia, người dân được hưởng lợi về giá dầu ngay cả trước khi giá loại năng lượng này suy giảm do được chính phủ trợ giá nhiên liệu. Tuy nhiên, số tiền trợ giá này thường được lấy từ doanh thu dầu mỏ hoặc tiền thuế của chính người dân.
Tổ chức IMF cho rằng đây là thời điểm hoàn hảo để chính phủ các nước bỏ trợ giá nhiên liệu. Do giá dầu và khí đốt giảm nên những ảnh hưởng từ việc bỏ trợ giá sẽ được hỗ trợ phần nào từ thị trường.
Hiện tại, giá dầu trên thị trường quốc tế đang ở mức thấp, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu của những tập đoàn dầu khí lớn. Điều này càng khiến việc lấy doanh thu của các công ty dầu khí nhà nước để trợ giá nhiên liệu trở nên khó khăn hơn.
Với mục đích chống thâm hụt ngân sách cũng như xói mòn dự trữ ngoại hối, nhiều quốc gia đã giảm trợ cấp giá nhiên liệu, hoặc thậm chí đã loại bỏ chúng hoàn toàn.
Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ngừng trợ giá xăng kể từ tháng 8/2015, sau đó Nigeria cũng học tập theo.
Đến tháng 1/2015, Ả Rập Xê Út cũng quyết định ngừng trợ giá nhiên liệu nhằm bảo vệ kho dự trữ ngoại hối đang xói mòn nhanh chóng của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng động thái trên của Ả Rập Xê út có thể tạo nên rủi ro lạm phát mới khi chi phí các hàng hóa thiết yếu như điện nước cũng tăng theo.
Bên cạnh đó, Venezuela cũng quyết định tăng giá xăng lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua vào tháng 2/2016, bất chấp người dân nước này đang phải chống trọi với suy thoái kinh tế và lạm phát phi mã.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng đây là xu thế cần thiết trong tình hình hiện nay. Họ cho rằng việc trợ giá nhiên liệu kích thích người tiêu dùng sử dụng thêm xăng dầu, qua đó hủy hoại môi trường sinh thái.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trợ giá nhiên liệu là một khoản chi phí vô ích khi dùng chính tiền của người dân để trả các khoản phí năng lượng cho họ. Hơn nữa, trợ giá nhiên liệu còn khiến mức giá hàng hóa thực tế trên thị trường bị biến dạng, qua đó khó xác định tác động của các yếu tố kinh tế.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2015 cho thấy thế giới đã tốn khoảng 1,4 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương 1,7% GDP toàn cầu cho việc trợ giá nhiên liệu
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia chỉ trích việc trợ giá nhiên liệu có thể khiến nhiều lái buôn làm giàu bất chính. Ví dụ, Nigeria đã từng trợ giá nhiên liệu, nhưng xăng dầu của nước này vẫn được buôn lậu vào Ghana, Mali, Burkina Faso và Benin, nơi mà những lái buôn có thể kiếm lời do chênh lệch về giá.
Hãng nghiên cứu Capital Economics nhận định trợ giá nhiên liệu là một động thái cực kỳ không hiệu quả trong việc giúp đỡ người nghèo bởi hầu hết những lợi ích sau cùng của chính sách này được dành cho tầng lớp giàu nhất trong xã hội.
“Nếu các quốc gia không làm gì đó (cắt bỏ trợ giá nhiên liệu) ngay lúc này, vậy thì đến bao giờ họ mới có thể làm điều đó?”, chuyên gia Ian Parry của IMF cho biết.