Hơn 2.000 tỷ đồng vốn rẻ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Giá phôi thép tăng 70%
Vinasun kêu thiệt hại vì Uber, Grabtaxi
Google kiếm bộn nhờ quảng cáo di động
Quảng cáo sẽ mang về 460 tỷ đồng cho FPT Online năm 2016
Tin kinh tế đọc nhanh 22-04-2016
- Cập nhật : 22/04/2016
3 tháng đầu năm 2016, BĐS vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo thị trường BĐS tháng 3/2016 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong khi các ngành kinh tế khác chững lại trong quý I/2016 thì BĐS lại duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
Hoạt động kinh doanh bất động sản trong quý I/2016 đạt 3,43%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012. Con số này trong năm 2015 chỉ đạt 2,55%.
Thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi với hàng loạt dự án được khởi công, mở bán và tỉ lệ giao dịch thành công cao. Theo đó, trong tháng 3/2016, thị trường BĐS Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có khoảng 2.350 giao dịch thành công, tăng 4% so với tháng trước.
Lượng giao dịch thành công chủ yếu tập trung ở các dự án thuộc phân khúc bình dân với những căn hộ có diện tích nhỏ (40-60m2) với giá từ 15- 20 triệu đồng/m2, có tiến độ xây dựng tốt, đường giao thông thuận tiện, tiến độ thanh toán linh hoạt tại các quận nội đô…
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lượng giao dịch thành công tập trung phần lớn tại những dự án mới được triển khai với diện tích căn hộ đa dạng, những dự án mà chủ đầu tư có uy tín, có cam kết tiến độ thi công và tiến độ thanh toán hợp lý.
Không chỉ riêng thị trường bất động sản Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tại một số địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Quốc, thị trường BĐS cũng đang ấm lên, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án căn hộ cho thuê như dự án Condotel Nha Trang, Condotel Phú Quốc,...
Về giá bán, giá nhà liền kề, biệt thự ít biến động do không có nhiều dự án mới được đưa ra thị trường. Các giao dịch trong phân khúc này chủ yếu là giao dịch thứ cấp với số lượng nhỏ.
Giá đất nền trong các khu dân cư có hiện tượng tăng do hiệu ứng tích cực từ việc cải thiện hạ tầng tại một số khu vực có nhiều dự án đã được đưa vào sử dụng, hạ tầng đấu nối tốt như khu vực quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông...
Giá nhà ở tại TP.Hồ Chí Minh cũng không có nhiều biến động, trừ một số dự án sắp và đã hoàn thành với hạ tầng xã hội tốt, vị trí giao thông thuận lợi, giá bán có tăng nhẹ.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/3/2016, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng hơn 44.850 tỷ đồng (giảm hơn 3.050 tỷ đồng so với thời điểm 20/2/2016).
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư hơn 6.630 căn (tương đương hơn 9.400 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng hơn 6.560 căn (tương đương hơn 12.210 tỷ đồng); tồn kho đất nền nhà ở hơn 5.400.550m2 (tương đương hơn 18.920 tỷ đồng); tồn kho đất nền thương mại 1.483.190m2 (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng).
Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản cũng đạt những kết quả khá ấn tượng. Tính đến 31/1/2016, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt 394.013 tỷ đồng, tăng 26,07% so với thời điểm 31/12/2014 và tăng 0,31% so với thời điểm 31/12/2015.
Về thu hút vốn FDI, trong 3 tháng, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 239,8 triệu USD, chiếm 6%.
Hệ thống FPT Shop thu về 27 tỷ đồng mỗi ngày trong Quý I/2016
Quý I/2016, hệ thống FPT Shop đạt doanh thu 2.448 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2015.
Kết thúc quý I/2016, FPT Shop đạt doanh thu 2.448 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2015, vượt 7% kế hoạch quý đã đề ra. Như vậy, mỗi ngày, FPT Shop thu về 27 tỷ đồng doanh thu trong quý I năm nay.
Lợi nhuận trước thuế của FPT Shop cũng ghi nhận tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, đạt 42 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch đặt ra.
Cũng trong quý I năm nay, FPT Shop đã mở mới 48 cửa hàng, tốc độ trung bình 2 ngày mở một shop. Tính đến cuối tháng 3/2016, FPT Shop đã có 300 cửa hàng. Như vậy, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng FPT Shop là khoảng 90 triệu đồng/ngày. Con số này gần tương đương doanh thu bình quân 96 triệu đồng / ngày của một cửa hàng thuộc hệ thống đối thủ Thế Giới Di Động (theo kết quả tài chính năm 2015).
Sau 4 năm hoạt động, FPT Shop hiện đứng thứ hai thị trường bán lẻ thiết bị di động tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng doanh thu và số cửa hàng trung bình đạt tương ứng 97%/năm và 71%/năm.
Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận trước thuế FPT Shop tăng 50% và 335% so với năm 2014.
Samsung và Oracle hợp tác cung cấp giải pháp di động
Samsung và Oracle, hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, đang tích cực hợp tác nhằm đem lại những công cụ tiên tiến giúp các lập trình viên và nhà cung cấp dịch vụ có thể thiết kế cũng như phân phối các ứng dụng và giải pháp di động cho doanh nghiệp.
Theo đó, Samsung và Oracle đang làm việc chặt chẽ với những chuyên gia về tích hợp hệ thống được tuyển chọn nhằm giúp khách hàng trong mọi ngành nghề tận dụng hệ thống chuyên dụng hiện hành cũng như lợi ích của điện toán di động và điện toán đám mây, từ đó hiện đại hóa hệ thống CNTT, trao quyền cho người sử dụng và tiết kiệm chi phí.
Hai tập đoàn này cũng đang hợp tác trong việc thiết kế các phần mềm bổ trợ và mẫu code trên nền tảng mã nguồn mở Apache Cordova, giúp hỗ trợ khách hàng hiện đại hóa các ứng dụng doanh nghiệp với nhiều trải nghiệm người dùng di động đa dạng. Đây là cơ hội cho cả Oracle và Samsung kết hợp mọi thế mạnh vượt bậc của mình – cụ thể là các phần mềm doanh nghiệp và giải pháp điện toán đám mây di động đột phá từ Oracle, cùng các tính năng thiết bị tối ưu từ Samsung.
“Trong môi trường di động hiện nay, các doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai chiến lược ưu tiên tính di động. Có như vậy, họ mới giữ vững vị thế và thúc đẩy tăng trưởng. Samsung và Oracle không chỉ hỗ trợ khách hàng trong quá trình di động hoá, mà còn tạo điều kiện cho các lập trình viên và chuyên gia thiết kế ra những thế hệ ứng dụng và dịch vụ di động kế tiếp, giúp tăng năng suất hơn bao giờ hết” - ông Young Kim, Phó chủ tịch, Bộ phận Khách hàng doanh nghiệp tại Samsung Electronics nói.
Ông Sri Ramanathan, Phó Chủ tịch Tập đoàn, Oracle khẳng định: “Với việc kết hợp dịch vụ điện toán đám mây di động của Oracle và các khả năng thiết bị hàng đầu của Samsung, chúng tôi đang nỗ lực nâng cấp và đơn giản hóa tính di động cho doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy hiệu suất tối ưu”.
Ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trực thuộc bộ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng sẽ chính thức ra mắt ngày hôm nay (21/4), tại Hà Nội.
Trước đó, ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 601/QĐ-TTg về triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV. Sự có mặt của Quỹ Phát triển DNNVV với mô hình là tổ chức tài chính nhà nước, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Bộ KH&ĐT trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.
Mục đích hoạt động của quỹ là giúp DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…
Dự kiến, những doanh nghiệp được hưởng vốn vay ưu đãi có thể được hưởng lãi suất thấp, khoảng 5-7%, thấp hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của quỹ sẽ không thuần túy là vốn, mà còn là cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển.
Quỹ là tổ chức chuyên thực hiện chức năng hỗ trợ đối với các DNNVV có nhu cầu về tài chính để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước; tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối tượng của quỹ là các DNNVV trên phạm vi toàn quốc thỏa mãn yêu cầu cho vay của quỹ theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BKHĐT về ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên của Quỹ Phát triển DNVVV.
Thương hiệu BCI đã đuối sức?
Cuối tuần vừa qua đã diễn ra cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI). Năm 2016, BCI đặt mục tiêu về KQKD khá thận trọng với doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 9% và LNST chỉ bằng 1/2 so với năm 2015.
Rõ ràng, đây là kế hoạch tăng trưởng “dưới sức” đối với BCI. Dù công ty hiện chỉ có 2 dự án đang chính thức kinh doanh là Western Dragon và KDC Phong Phú 4, nhưng một số dự án khác như KCN Lê Minh Xuân mở rộng và Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân cũng có khả năng triển khai nhanh để kinh doanh và ghi nhận doanh thu trong năm nay. Đó là chưa kể khả năng chuyển nhượng một số dự án nhỏ và ghi nhận tiếp doanh thu từ việc quyết toán phần đất tái định cư tại KDC Phong Phú 4.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2015, doanh thu kinh doanh BĐS của BCI đạt 338 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với 2014 cho thấy tiềm lực của BCI vẫn còn. Trong đó có sự đóng góp lớn từ việc bàn giao các nền tái định cư tại KDC Phong Phú 4 (khoảng 170 tỷ đồng), và việc chuyển nhượng dự án Nhất Lan 5 ( khoảng 42 tỷ đồng), cộng với việc kinh doanh một phần Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (khoảng 32 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, khoản thu nhập khác gần 100 tỷ đồng từ việc thanh lý lô đất trên Đại lộ Đông Tây thuộc dự án Nam Hùng Vương cũng đóng góp phần quan trọng trong LNST năm vừa qua.
Theo tính toán, KQKD của BCI năm nay sẽ đến từ 3 nguồn chính: kinh doanh đất nền và quyết toán phần đất tái định cư tại dự án Phong Phú 4; hoạt động cho thuê đất tại KCN Lê Minh Xuân mở rộng và khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân; và việc chuyển nhượng dự án 510 Kinh Dương Vương (8.800m2) và 158 An Dương Vương (1.900m2). Trong đó, ước tính, với mức giá thị trường hiện nay, việc chuyển nhượng khu đất số 510 Kinh Dương Vương và 158 An Dương Vương, nếu thành công, có thể đem lại doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Nếu khả năng ghi nhận doanh thu từ các dự án khác đều nằm trong tay và có thể giúp BCI hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2016, thì hai giao dịch này có thể tạo ra yếu tố đột biến trong lợi nhuận thực hiện năm nay.
Liên quan đến kế hoạch tăng vốn lên 1.200 tỷ đồng được thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2015, BCI cho biết hiện chưa tìm được đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, yêu cầu giá phát hành cao hơn giá thị trường 20% cũng đặt ra một số khó khăn đối với kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của BCI.
Ước tính BCI sẽ cần tổng cộng khoảng 3.000 tỷ đồng để hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án: Corona City (KDC 11A), KCN Lê Minh Xuân mở rộng, KDC Phong Phú 4 và KCD Phong Phú 2. Do vậy, việc phát hành cổ phiếu lần này là nguồn vốn bổ sung rất cần thiết đối với BCI về dài hạn. Trong ngắn hạn, khi kế hoạch tăng vốn chưa hoàn tất, BCI chỉ có thể huy động vốn vay để thực hiện các dự án hiện tại.
Suy cho cùng, với lợi thế về quỹ đất cũng như thay đổi tích cực trong định hướng kinh doanh của BCI, đặc biệt là sau khi có sự tham gia của KDH với tư cách cổ đông chi phối, có thể những triển vọng tích cực về KQKD của DN. Thời điểm này, NĐT có thể quan tâm nhiều đến khả năng cân đối dòng tiền để triển khai các dự án BĐS của BCI hơn là lợi nhuận kế toán của DN.