Toàn cầu đang khủng hoảng chuối
Bổ sung 13 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ
15 năm nữa, doanh nghiệp logistics vẫn thiếu nhân lực
Heineken ăn nên làm ra nhờ Việt Nam
Mitsubishi Motors gian lận kiểm tra tiết kiệm nhiên liệu
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-04-2016
- Cập nhật : 20/04/2016
NHTW Hàn Quốc giữ nguyên lãi suất dù cắt giảm dự báo tăng trưởng
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea –BOK) hôm nay (19/4) đã quyết định giữ ổn định lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục trong tháng thứ 10 liên tiếp cho dù cơ quan này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của xứ sở kim chi.
Quyết định giữ nguyên lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày ở mức 1,5% đã được dự báo bởi 17 trong số 20 nhà kinh tế theo khảo sát của Bloomberg; 3 chuyên gia còn lại dự báo lãi suất sẽ được cắt giảm xuống còn 1,25%.
Tuy nhiên, BOK đã hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm nay xuống còn 2,8% thay vì mức tăng trưởng 3% như dự báo trước đây; triển vọng lạm phát năm nay cũng được giảm xuống còn 1,2% từ mức 1,4%.
Trong tuyên bố phát đi sau đó, BOK cho biết, niềm tin tiêu dùng và kinh tế đã có dấu hiệu được cải thiện, và nền kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ được cải thiện ở mức khiêm tốn.
BOK cũng cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến về điều hành chính sách tiền tệ cũng như triển vọng kinh tế của các nước lớn, cùng với các dòng vốn và nợ hộ gia đình trong nước. Theo BOK, nợ của hộ gia đình tại Hàn Quốc đã tăng khá nhanh trong những năm gần đây.
Đây là cuộc họp chính sách cuối cùng của đa số thành viên trong Hội đồng chính sách của BOK. Điều đó cũng có nghĩa gi tăng kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ổn định, bởi 4 trong số 7 thành viên Hội đồng chính sách của BOK, trong đó có Ha Sung Keun – thành viên duy nhất kêu gọi cắt giảm lãi suất trong hai tháng qua – sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình để nhường chỗ cho các thành viên mới sẽ tham gia Hội đồng từ tháng 5 tới.
Được biết các số liệu kinh tế của Hàn Quốc liên tục gây thất vọng trong thời gian gần đây, tuy nhiên theo các dữ liệu mới nhất, mức độ yếu kém đối với hoạt động động xuất khẩu và sản xuất đã giảm bớt.
"Các dữ liệu kinh tế gần đây đã cho thấy một số dấu hiệu cải thiện, qua đó đã giảm bớt áp lực đối với BOK trong việc cắt giảm lãi suất", Krystal Tân - nhà kinh tế của Capital Economics tại Singapore đã viết trong một nghiên cứu sau khi quyết định của BOK được ban hành. "Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng mong manh. Xuất khẩu vẫn còn rất yếu, ngay cả khi tốc độ suy giảm đã chậm lại. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn cho rằng khả năng nới lỏng hơn nữa là lớn hơn so với việc không (nới lỏng) trong những tháng tới".
Nhiều nhà kinh tế khác cũng cho rằng khả năng mạnh mẽ BOK sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong các tháng tới là rất lớn. "Điều kiện bên ngoài có thể được cải thiện cho Hàn Quốc, nhưng nhu cầu cắt giảm lãi suất vẫn rất lớn", Lee Sang Jae - nhà kinh tế của Eugene Investment & Securities Co. có trụ sở tại Seoul cho biết. "Xuất khẩu vẫn đang rơi xuống, đó là nguyên nhân khiến BOK cắt giảm dự báo tăng trưởng hiện nay, và việc cắt giảm lãi suất vẫn còn có khả năng" trong quý thứ hai, ông nói.
Được biết xuất khẩu của Hàn Quốc tiếp tục giảm khoảng 8% trong tháng 3 so với cùng kỳ, sau khi đã giảm 12% trong tháng trước đó. Tuy nhiên sản lượng sản xuất bất ngờ tăng 2,4% trong tháng 2 so với một năm trước đó. Bên cạnh đó niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh cũng có dấu hiệu cải thiện lần đầu tiên trong nhiều tháng.
Trong khi hầu hết các nhà phân tích dự kiến sẽ không có thay đổi về lãi suất tại Hàn Quốc trong tháng 4, Credit Suisse Group AG, HSBC Holdings Plc và DBS Group Holdings Ltd là một trong những tổ chức đã dự báo việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trong quý này, chủ yếu do sự phục hồi mất đà.
IFC tăng hạn mức tài trợ thương mại cho TPBank lên 30 triệu USD
IFC là một tổ chức tài chính quốc tế được biết đến là khắt khe trong khâu đánh giá và lựa chọn đối tác. Việc gia tăng hạn mức cho TPBank ngay đầu năm 2016 được dựa trên những đánh giá tích cực của tổ chức này về hoạt động tài trợ thương mại của TPBank từ nguồn vốn Tài trợ thương mại toàn cầu (Global Trade Finance Program – GTFP) do IFC cấp trong thời gian ngắn vừa qua.
Trong năm 2015, TPBank đã trở thành một nhân hàng quy mô tầm trung với tổng tài sản đạt trên 76,2 ngàn tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 2014, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt, lên tới 40%, trong khi vẫn duy trì được chất lượng tín dụng tốt với nợ xấu ở mức 0.66%. Đặc biệt trong năm 2015, TPBank là một điểm sáng về hoạt động ngân hàng hiệu quả, lành mạnh, ổn định với tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Cũng trong năm qua, TPBank đã đưa ra được nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất ưu đãi và tài trợ thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, được đánh giá tích cực và khá cạnh tranh với thị trường.
IFC, thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Định chế này đã hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình. Trong năm tài chính 2015, tổng đầu tưdài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Theo TPBank, việc mở rộng hạn mức này sẽ giúp TPBank tăng cường hơn nữa năng lực tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đồng thời là tạo thêm vị thế thuận lợi cho TPBank khi thực hiện các giao dịch quốc tế cũng như thiết lập quan hệ với một loạt các ngân hàng đại lý trên toàn cầu. Mục tiêu kinh doanh năm 2016 của TPBank là tổng tài tăng 20% lên 91,6 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 11% lên mức 695 tỷ đồng, số lượng khách hàng tăng lên 1.500,000 khách hàng…. Được biết, mặc dù các mục tiêu đặt ra khá thách thức nhưng lãnh đạo ngân hàng này khẳng định hoàn toàn có tính khả thi, giúp ngân hàng tự tin lọt vào danh sách các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam vào những năm tới.
Ngân hàng chưa vơi nỗi lo mỏng vốn
Không tăng vốn, CAR Vietcombank tụt xuống 7%
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra cuối tuần qua, hàng loạt câu hỏi đã được cổ đông gửi đến để chất vấn lãnh đạo Vietcombank liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng. Câu trả lời của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã phần nào cho thấy bức tranh về áp lực tăng vốn của các ngân hàng hiện nay.
Cụ thể, theo lãnh đạo Vietcombank, cuối năm 2015, hệ số CAR (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ngân hàng) của Vietcombank xấp xỉ 11%. Tuy nhiên, trong quý I/2016, tín dụng của ngân hàng này tăng tới 6,7%, khiến CAR co lại chỉ còn 9%. Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, thậm chí có thể hơn.
“Cuối năm nay, hệ số CAR của Vietcombank sẽ chỉ ở mức 9% - mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng - PV) chính thức được áp dụng, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 7%, tức không đạt được yêu cầu tối thiểu. Đây là lý do HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ”, ông Thành cho hay.
Được biết, ngoài lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng 35% và phát hành riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư ngoại, Vietcombank vẫn đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, nhằm đảm bảo hệ số CAR được vững chắc hơn.
Không riêng Vietcombank, mà tại nhiều ngân hàng, hệ số CAR cũng sẽ giảm đi nhanh chóng nếu thí điểm áp dụng chuẩn mực Basel II (dự kiến từ tháng 2/2017). Cụ thể, Ngân hàng VIB đang có hệ số CAR khá cao (17-18%), song ước tính sẽ giảm còn 13% khi chính thức áp dụng Basel II.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn tối thiểu là 9%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tại thời điểm đầu năm 2016, hệ số CAR của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ là 9,38%, hệ số CAR của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 12,44%. Các chuyên gia tính toán, khi áp dụng Basel II, CAR của các ngân hàng sẽ giảm từ 2-4%. Như vậy, trong vòng một năm tới, nếu không khẩn trương tăng vốn, nhiều ngân hàng sẽ bị “tuýt còi” về an toàn vốn.
Đi tìm dư địa tăng vốn
Tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào, nhưng dư địa để tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR lại khác nhau ở các ngân hàng và mỗi ngân hàng toan tính một chiến lược riêng. Tại Vietcombank, điều may mắn, theo ông Nghiêm Xuân Thành, là dư địa tăng vốn vẫn còn khá rộng. Vietcombank có khoản 9.300 tỷ đồng từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, Vietcombank vẫn còn dư địa để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Một trường hợp khác cũng nóng lòng tăng vốn là BIDV. Hiện hệ số CAR của BIDV chỉ ở mức 9%. Nếu áp dụng Basel II, hệ số CAR của ngân hàng này sẽ chỉ còn ở mức 7% nếu không kịp tăng vốn. Tuy tổng nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại của BIDV chưa bằng một nửa Vietcombank, nhưng bù lại, BIDV lại còn nguyên room sở hữu nước ngoài 30%, đồng thời có thể tiếp tục giảm thêm sở hữu nhà nước.
Khó khăn lớn nhất với BIDV hiện nay là tìm kiếm được cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính vững mạnh và muốn “gắn bó” lâu dài với ngân hàng này. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV kỳ vọng, BIDV sẽ “chốt” xong cổ đông chiến lược trong năm 2016. Nếu thương vụ thành công, hệ số CAR của BIDV chắc chắn sẽ cải thiện.
Ngoài các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ cũng hối hả lao vào cuộc đua tăng vốn điều lệ. Ở một số ngân hàng có nguồn lợi nhuận giữ lại, việc tăng vốn khá dễ thở, song ở trường hợp ngược lại, việc tăng vốn cấp 1 rất khó khăn.
Thời gian qua, tổng tài sản của các nhà băng Việt Nam tăng quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá thấp, khiến hệ số CAR giảm mạnh. Để tăng vốn, thời gian tới, hàng loạt ngân hàng sẽ phải tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu... Chính vì vậy, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục bị pha loãng.
Xem xét tăng thuế nhập khẩu gang thỏi lên 3%
Gần đây, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gang thỏi (nhóm 7201) từ 0% lên 5% để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của các bên, Bộ Tài chính đang dự kiến chỉ tăng thuế mặt hàng này lên 3%. Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bên liên quan trước khi ban hành.
Cạnh tranh mạnh từ gang nhập khẩu
Kiến nghị trên là của Công ty TNHH Thép Dongbu Việt Nam- chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất gang thỏi công suất 242.000 tấn/năm tại Hải Phòng.
Sản phẩm chủ yếu của nhà máy bao gồm: Gang thỏi dùng cho luyện thép - nguyên liệu chính để luyện phôi thép và gang thỏi dùng cho đúc gang - nguyên liệu cơ bản để gia công cơ khí và đúc phụ tùng ô tô, xe máy, tàu thủy, vỏ động cơ, vỏ máy bơm nước,... (thuộc nhóm 7201).
Tuy nhiên, kể từ khi nhà máy đi vào sản xuất chính thức tháng 5-2015 đến nay, sản phẩm của Dongbu chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá từ gang thỏi nhập khẩu.
Giá gang thỏi trên thị trường trong nước liên tục sụt giảm từ 6 triệu đồng/tấn xuống còn 4,4 triệu đồng/tấn, trong khi việc giảm giá các nguyên liệu vật tư đầu vào chỉ giúp giảm được khoảng 500.000 đống/tấn giá thành.
Nhà máy của Dongbu cũng như các nhà máy luyện gang thỏi khác trong nước đã và đang chịu thua lỗ lớn, có nhà máy đã phải đóng cửa.
Đặc biệt, theo thống kê của doanh nghiệp, hiện tổng nhu cầu trong nước đối với gang thỏi chỉ khoảng 400.000 tấn/năm với gang luyện thép và 55.000 tấn/năm với gang đúc. Trong khi đó, công suất luyện gang trong nước cũng đạt khá cao.
Cụ thể, tính tổng công suất sản xuất gang thỏi của 6 nhà máy trong nước có thể đạt 604.000 tấn/năm, đáp ứng thừa nhu cầu.
Thực tế, hiện nay chỉ còn có 3 nhà máy hoạt động là Công ty TNHH Thép Dongbu Việt Nam (242.000 tấn/năm), Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên (45.000 tấn/năm), Công ty cổ phần Phú Sơn (15.000 tấn/năm). Như vậy, nếu chỉ tính các công ty đang hoạt động thì tổng công suất sản xuất đạt 302.000 tấn/năm, đáp ứng được khoảng 66% nhu cầu trong nước.
Hiện nay, Công ty Dongbu cùng một số công ty sản xuất gang thép trong nước đang chuẩn bị hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng do thời gian dự kiến hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết sẽ kéo dài nên doanh nghiệp này đề nghị tăng thuế nhập khẩu gang thỏi từ 0% hiện hành lên mức tối đa theo cam kết WTO là 5% để giúp duy trì sự tồn tại của ngành luyện gang thỏi trong nước.
Sẽ tăng lên 3%?
Theo Bộ Tài chính, hiện nay trong nước đã sản xuất được mặt hàng gang thỏi, trong đó bao gồm cả gang phục vụ cho công nghiệp luyện thép và gang đúc nên kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng gang thỏi (thuộc nhóm 7201) nhằm bảo hộ sản xuất trong nước là có cơ sở.
Xem xét từ khía cạnh nhập khẩu có thể thấy, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu gang thỏi của năm 2014 đạt 25.700 tấn, trị giá đạt 10 triệu USD; năm 2015 đạt 58.900 tấn, trị giá đạt 17,3 triệu USD. Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN (8 triệu USD, chiếm 46%), Nga (3 triệu USD, chiếm 17%), Hàn Quốc (4,7 triệu USD, chiếm 27%).
Xét về tỷ trọng, lượng gang thỏi nhập khẩu năm 2014 chỉ chiếm khoảng 6% tổng nhu cầu trong nước; năm 2015 chiếm khoảng 13%.
Nếu tính năng lực sản xuất trong nước như hiện tại (302.000 tấn/năm của các công ty đang hoạt động) và số lượng nhập khẩu theo số liệu năm 2015 thì mới đạt 361.000 tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu trong nước. Do vậy các doanh nghiệp trong nước vẫn có thể tăng năng suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Song, thực tế, hiện một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước vẫn nhập khẩu gang thỏi để làm nguyên liệu sản xuất, do vậy trường hợp tăng thuế nhập khẩu gang thỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, theo phản ảnh của Hiệp hội thép cũng như một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước thì hiện nay các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, nguồn nhập khẩu của mặt hàng gang thỏi từ các nước được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% chiếm 73% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với mặt hàng gang thỏi từ 0% lên 3% (không tăng lên bằng mức cam kết WTO là 5% theo như kiến nghị của doanh nghiệp) để vừa đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gang trong nước vừa không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phôi thép. (BHQ)
Hơn 93% doanh nghiệp báo lãi trên sàn HNX trong năm 2015
Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo về tình hình công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của doanh nghiệp niêm yết trên HNX.
Theo thống kê, đã có 372/378 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính (BCTC), không bao gồm IDV, GLT, MHL, VDL thay đổi niên độ kế toán. Trong đó, có 354 doanh nghiệp công bố BCTC đúng hạn, đạt tỷ lệ 93,7%, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Căn cứ theo số liệu tại BCTC kiểm toán năm 2015 đã được công bố của các doanh nghiệp niêm yết, số doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lãi năm 2015 chiếm 93,3%, giá trị lãi tăng 12,8% so với năm 2014. Số doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ chiếm 6,7%, giá trị lỗ giảm 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình công bố BCTC kiểm toán năm 2015 của doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên HNX, đến nay đã có 237/275 doanh nghiệp công bố BCTC.
Căn cứ theo số liệu tại BCTC kiểm toán năm 2015 đã được công bố của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch, 193 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lãi năm 2015 tương ứng với giá trị lãi là 5.986 tỷ đồng, 44 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ tương ứng với giá trị lỗ là 2.325 tỷ đồng.