Yếu tố tiền tệ chi phối lớn đến lạm phát năm nay
Đại gia Thái hứa xây dựng dự án hóa dầu Long Sơn cuối 2017
“Tử huyệt kinh tế” của Philippines phụ thuộc vào Trung Quốc thế nào?
Nhà đầu tư Nhật “săn” dự án bất động sản
Xuất khẩu da giày hụt hơi
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-07-2016
- Cập nhật : 24/07/2016
Đừng "lao" vào dệt may nữa
Các doanh nghiệp may của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh nên cần ưu tiên cho những nhà máy dệt, nhuộm (cam kết không làm ô nhiễm môi trường). “Nếu cứ có một doanh nghiệp may đầu tư rồi các doanh nghiệp khác lại đổ xô vào thì chỉ có tranh chấp, tất cả sẽ cùng chết”, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cảnh báo.
Các doanh nghiệp kiến nghị không nên cấp phép cho các dự án may bởi doanh nghiệp Việt đã tương đối mạnh. Ảnh: Trần Việt.
Lương, bảo hiểm chiếm đến 72% đơn giá gia công
Xuất khẩu dệt may 6 tháng chỉ đạt 12,67 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Kết quả đạt được thấp xuất phát từ nhiều vấn đề như: Tình hình kinh tế khó khăn, cơ chế chính sách không ổn định, thị trường cạnh tranh gay gắt... Đáng chú ý, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp khá bức xúc là lương tối thiểu.
Tăng lương tối thiểu không phải vấn đề mà doanh nghiệp dệt may quan tâm bởi “chúng tôi đã trả lương cho công nhân cao gấp bội lần lương tối thiểu”, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng nói. Điều danh nghiệp quan tâm là những chi phí đi theo lương tối thiểu như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.
Vị doanh nghiệp này nhẩm tính, những loại chi phí này khiến doanh nghiệp mất trung bình 50-60 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi lãi của doanh nghiệp may lắm được 5-6% nhưng các chi phí khác cứ liên miên như vậy doanh nghiệp sống làm sao nổi.
Không chỉ vậy, lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội còn chiếm tới 72% trong đơn giá gia công. Vì thế, khi lương tối thiểu “bùng lên” kéo theo bảo hiểm tăng, chi phí công đoàn và hàng loạt chi phí khác tăng làm cho giá thành doanh nghiệp đẩy lên 8-10%.
Hơn nữa, lãi suất vay ngân hàng các nước chỉ 2% nhưng Việt Nam thấp nhất cũng khoảng 8-10%, nghĩa là chỉ riêng tiền vốn đầu tư đã đắt hơn 4 lần so với các nước.
Chính vì thế, doanh nghiệp dệt may khó có thể cạnh tranh với các đối thủ Campuchia, Bangladesh, Myanmar khi những nước này không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn được ưu đãi, hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG gợi ý: “Chế độ bảo hiểm, kinh phí công đoàn nên chăng đưa tất cả vào tiền lương còn người lao động đóng bao nhiêu là quyền của họ. Nếu tham gia TPP, sẽ có nhiều hơn 1 tổ chức công đoàn, người lao động được quyền lựa chọn tổ chức công đoàn”.
Dừng cấp phép may
Có một vấn đề đáng bàn và cũng là trăn trở của nhiều doanh nghiệp dệt may là vấn đề quy hoạch, cấp phép cho các dự án đầu tư.
Ở tuyến huyện, tỉnh, mục tiêu thu hút đầu tư được đặt lên hàng đầu nên cứ có dự án là sẵn sàng trải thảm. Ông Thịnh dẫn chứng: “Khi xác định thành phố Nam Định là nơi không còn cạnh tranh, tôi đã chuyển hướng “chạy” về các huyện nhưng cứ đi đến đâu thì doanh nghiệp Trung Quốc có mặt đến đó. Nếu chúng ta quy hoạch 15 km cho phát triển doanh nghiệp quy mô vài nghìn công nhân thì không vấn đề gì nhưng cứ túm tụm lại một chỗ sẽ tạo nên sự hỗn độn và khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn”.
Bổ sung thêm thông tin, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, doanh nghiệp may của Việt Nam hiện nay tương đối mạnh nên cần ưu tiên cho những nhà máy dệt, nhuộm (cam kết không làm ô nhiễm môi trường) và hạn chế cấp phép xây nhà máy may cho các doanh nghiệp mạnh.
“Nếu cứ có một doanh nghiệp may đầu tư rồi các doanh nghiệp khác lại đổ xô vào thì chỉ có tranh chấp, tất cả sẽ cùng chết”, bà Huyền cảnh báo. Hơn nữa, quá nhiều nhà máy may mà không có nhà máy dệt, nhuộm thì chúng ta không thể tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP được.
Tăng năng suất, tiết kiệm tối đa, kể cả việc tận dụng những thứ thiên nhiên ban cho như hứng nước mưa, tận dụng ánh sáng mặt trời là cách làm mà May 10 đã áp dụng để “tự cứu mình” trước khi được “cứu” trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, ông Thịnh chua xót khi nhắc đến thực tế doanh nghiệp lười nghiên cứu chính sách. Đến khi “ngọn roi” pháp luật "quất vào lưng đau nhừ người" rồi mới bừng tỉnh. Lúc đó, doanh nghiệp có kêu cũng lâu lắm bởi để thay đổi chính sách không phải nhanh. Vì thế, đã đến lúc doanh nghiệp cần được tham gia vào vấn đề hoạch định chính sách của đất nước (HQ)
Dược phẩm Bắc Ninh bị phạt vì chào bán chứng khoán không đăng ký
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh với số tiền 340 triệu đồng.
Theo quyết định này, Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh đã vi phạm hành chính từ ngày 6-4-2012, Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh đã trở thành công ty đại chúng với 302 cổ đông với số vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, nhưng đến ngày 12-5-2016, UBCKNN mới nhận được hồ sơ công ty đại chúng của Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh. Đây là hành vi vi phạm hành chính do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng. Với lỗi này, Dược phẩm Bắc Ninh bị phạt 40 triệu đồng.
Ngoài ra, trong thời gian từ ngày 18-4-2015 đến ngày 20-7-2015, Dược phẩm Bắc Ninh còn thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng cho hơn 100 nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ từ 30,033 tỷ đồng lên 36,536 tỷ đồng nhưng không đăng ký với UBCKNN.
Với vi phạm này, Công ty sẽ bị phạt 300 triệu đồng.
UBCKNN yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.
Như vậy, tổng mức phạt tiền đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm Bắc Ninh là 340 triệu đồng.(HQ)
Thúc đẩy xuất ngoại, trái cây cần vượt rào cản
Năm nay, XK trái vải của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước, đặc biệt vải được đánh giá tương đối cao về mặt chất lượng ở các thị trường “khó tính” như Australia, Mỹ… Tuy nhiên, để trái vải nói riêng, nhiều mặt hàng trái cây nói chung có thể vững vàng tiến sâu hơn vào các thị trường, kỹ thuật là một trong những rào cản điển hình cần vượt qua.
Đánh thức tiềm năng
Vụ vải năm nay vừa chính thức kết thúc. Số liệu thông qua kiểm dịch thực vật cho thấy, tổng lượng vải XK cả vụ đạt trên 100 nghìn tấn quả tươi, tăng hơn 10 nghìn tấn so với năm trước. Vải được XK đi khoảng hơn 20 thị trường, điển hình như Australia, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Asean… Trong đó, thị trường Australia rất đáng chú ý khi lượng XK tăng hơn năm trước mà chi phí XK lại theo chiều hướng giảm xuống nhờ giảm được chi phí vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ, đồng thời vải thiều cũng được trợ giá vận chuyển bằng đường hàng không.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, khác với năm 2015, năm nay vải thiều XK sang Australia chủ yếu được tiêu thụ tại hai 2 thành phố Sydney và Melboune. Mặc dù trái vải Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với vải Trung Quốc do Trung Quốc có lợi thế được vận chuyển bằng đường biển, giá thành thấp hơn hẳn, tuy nhiên, vải thiều Việt Nam tiếp tục được đón nhận tại thị trường Australia do chất lượng ngon hơn hẳn vải Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: Tại nhiều thị trường “khó tính” với yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, EU…, dịp đầu năm nay, trái cây XK của Việt Nam đã tăng cả lượng lẫn giá trị. Điều đáng nói là, cơ hội mở rộng thị trường XK còn khá lớn.
Ngoài trái vải, hiện nay xoài và thanh long là hai mặt hàng đang được thúc đẩy để XK sang Australia. Ở thị trường Nhật Bản, ngoài thanh long và xoài, cơ quan chức năng cũng đang nộp thêm cả hồ sơ “mở cửa” cho vải thiều, nhãn, chôm chôm. Đối với Hàn Quốc, vú sữa, vải thiều là hai mặt hàng được đề xuất thêm, ngoài mặt hàng xoài đã được phép XK. Phía Hàn Quốc đang đánh giá các công đoạn cuối cùng để cho phép vú sữa Việt Nam được XK vào thị trường này. “Nói tới tiềm năng XK trái cây, Mỹ là thị trường không thể bỏ qua. Hiện nay, Việt Nam đã có 4 loại trái cây XK vào Mỹ gồm thanh long, chôm chôm, nhãn và vải thiều”, ông Trung nói.
Vượt rào cản kỹ thuật
Ông Hoàng Trung phân tích, khi hội nhập sâu, đặc biệt là khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất trong XK trái cây nói riêng, XK các mặt hàng nông sản nói chung. Hồ sơ một loại trái cây để được một quốc gia chấp nhận nhanh thì mất 1 năm, còn trung bình khoảng 3-4 năm, thậm chí lâu hơn có thể mất tới cả 10 năm.
Nhiều nước NK đang đưa ra yêu cầu với trái cây tươi của Việt Nam là phải đảm bảo không dịch bệnh, không có thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, thông thường yêu cầu đặt ra là trước khi XK trái cây phải được xử lý bằng hơi nước hoặc chiếu xạ. Việt Nam hiện đã có các cơ sở chiếu xạ ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, đồng thời cũng có 5 cơ sở xử lý hơi nước nóng công suất lớn đặt tại miền Trung (2 cơ sở) và TP. HCM (3 cơ sở), về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, để kiểm soát tốt, Cục Bảo vệ thực vật đang tổ chức kiểm soát, giám sát chặt chẽ các vùng trồng trái cây an toàn, triển khai cấp mã số xác nhận theo vùng.
“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 loại trái cây XK tiềm năng. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ Thực vật luôn tập trung tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và hỗ trợ DN XK. Thông qua đàm phán, khi thực hiện được thủ tục hồ sơ cho loại trái cây nào là Cục tiến hành làm ngay. Động thái này nhằm dọn sẵn đường cho các DN XK”, ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài nỗ lực để mở cửa thị trường, vượt qua rào cản về mặt kỹ thuật, một số chuyên gia cho rằng, muốn XK trái cây tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập sâu, điều quan trọng là cần thu hút được đông đảo DN tham gia sản xuất, XK. Hiện nay, số lượng DN XK trái cây tươi khá khiêm tốn. Một trong những lý do khiến DN chưa mặn mà là bởi rủi ro cao, các loại chi phí cũng lớn, điển hình như chi phí vận chuyển. Có DN còn ví von rằng, cùng 1kg trái cây nhưng các loại chi phí để XK từ Thái Lan sang Việt Nam rẻ hơn từ Việt Nam XK sang Thái Lan tới 2 USD. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, Nhà nước cần có chính sách thu hút hợp lý, tạo điều kiện ưu đãi thuận lợi để kéo DN tham gia sâu hơn vào lĩnh vực sản xuất, XK trái cây nói riêng, XK các mặt hàng nông sản nói chung.(HQ)
Quyết liệt tái cấu trúc doanh nghiệp ngành than
Ngành than là một trong những ngành trụ cột để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, ngành than phải trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực.
Ngành than phải trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực. Ảnh: Internet
Đây là một trong những nội dung tại Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành than cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, thăm dò tài nguyên than để làm cơ sở cho việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than và làm cơ sở để thiết kế khai thác theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu than.
Đồng thời, ngành than cần tập trung thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tái cấu trúc về đầu tư những lĩnh vực mang lại hiệu quả; đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, khắc phục lãng phí, thất thoát để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu TKV cần đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện sản xuất; tập trung nghiên cứu, thiết kế chế tạo thử nghiệm cơ giới hóa khai thác, đào lò phù hợp với điều kiện các mỏ và các vấn đề về môi trường, an toàn, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế các mỏ hầm lò.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong công tác hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển và xuất nhập khẩu than và đảm bảo môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh than, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh than trái phép theo quy định của pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành than, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.(HQ)