Chủ tịch Asahi: Giá cổ phiếu Sabeco là quá đắt; Sức cạnh tranh của cá tra Việt tại Mỹ giảm; Trung Quốc sắp lần đầu vỡ nợ trái phiếu chính phủ địa phương; Phó Tổng giám đốc Techcombank sang làm Tổng giám đốc SeABank
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 24-07-2016
- Cập nhật : 24/07/2016
EU - Trung Quốc lại căng thẳng vì thương mại
Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lại trở nên căng thẳng khi EU vừa đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế và hạn ngạch xuất khẩu mà quốc gia này áp dụng đối với các nguyên liệu thô.
Trong một thông báo, EU cáo buộc Trung Quốc vi phạm các điều luật của WTO khi đưa ra các biện pháp với mục đích hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô thiết yếu như than chì, côban, crôm, magiê... Những nguyên liệu thô này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô cho tới năng lượng điện và hóa học. Vì vậy, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này được cho là tạo lợi thế cho các công ty nội địa trong khi gây tổn hại tới các công ty đến từ các nước khác, trong đó có EU, và ảnh hưởng tới người tiêu dùng, gây ra sự bất bình đẳng trong hoạt động thương mại quốc tế.
Uỷ viên thương mại EU Cecilia Malmstroem khẳng định EU không làm ngơ trước những vi phạm luật thương mại khiến các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng chịu thiệt hại. EU cũng từng thực hiện thành công những vụ kiện tương tự đối với Trung Quốc vào năm 2012 và 2014 liên quan tới các mặt hàng nguyên liệu thô khác như bôxít, kẽm và than cốc. Trong hai lần kiện này, các biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu mà Trung Quốc đưa ra đều bị kết luận là vi phạm luật thương mại quốc tế nhưng quốc gia này vẫn không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp nên EU tiếp tục kiện.
Hiện Trung Quốc đang áp dụng mức thuế xuất khẩu từ 5% đến 20% đối với các mặt hàng vật liệu thô, khiến các công ty nước ngoài nhập các mặt hàng này chịu giá cao hơn nhiều so với các công ty nội địa của Trung Quốc trong khi nguồn cung không ổn định. Hơn nữa, việc áp các loại thuế xuất khẩu cao cũng được coi như hành động buộc các nhà sản xuất đến từ các quốc gia khác phải tìm cách đưa việc sản xuất, công nghệ và cơ hội việc làm về Trung Quốc.
Sau khi EU đệ đơn kiện, hai bên sẽ có 60 ngày hòa giải. Nếu hòa giải không có kết quả, EU có thể yêu cầu WTO xem xét liệu các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng có tuân thủ theo các quy định của tổ chức này hay không.
Những năm gần đây, quan hệ giữa EU và Trung Quốc ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, song vẫn tập trung chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế. EU đóng vai trò quan trọng đối với một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Các nước EU có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tiêu dùng Trung Quốc, giúp nước này điều chỉnh cấu trúc công nghiệp, hướng đến phát triển một nền kinh tế “xanh” và góp phần thúc đẩy những tiến bộ về công nghệ-khoa học của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong những năm gần đây, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này, sau Mỹ. Nhưng dù kim ngạch trao đổi thương mại lớn, giữa hai nước lại xuất hiện tình trạng Trung Quốc luôn xuất siêu và EU luôn nhập siêu. Chính sự mất cân bằng thương mại trên là một trong những nguyên nhân khiến EU tiến hành một số biện pháp chống bán phá giá đối với Trung Quốc và không ngừng cáo buộc Trung Quốc duy trì các rào cản không công bằng đối với hàng hóa và dịch vụ của châu Âu. Ngược lại, Trung Quốc cho rằng họ đang trở thành nạn nhân của hình thức “chủ nghĩa bảo hộ thương mại”. Trong khi EU tiến hành một số vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đệ đơn kiện lên WTO, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp trả đũa EU. Mới đây nhất là hồi tháng 1-2016, Trung Quốc đã thắng kiện EU sau khi kháng cáo thành công lên WTO về mức thuế mà liên minh này áp đặt đối với các sản phẩm nhập khẩu là ốc vít, đai ốc và bu lông làm bằng sắt hoặc thép của Bắc Kinh. Đây là một trong những vụ kiện kéo dài nhất giữa hai bên.
Giới phân tích cho rằng những vụ tranh chấp kiện tụng sẽ không gây nhiều cản trở trong việc hợp tác kinh tế thời gian tới giữa hai bên, bởi cả châu Âu và Trung Quốc đều là những thị trường tiềm năng mà đôi bên cùng mong muốn hướng tới. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU được nhận định có thể lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2020.(HQ)
Lợi nhuận quý II của VNDirect tăng hơn 80%
Theo đó, mức lợi nhuận quý II/2016 của VNDirect đã tăng trưởng 80,25% so với cùng kỳ 2015. Tổng tài sản đạt 4,979 tỷ, tăng 8% so với đầu năm.
Doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán tăng 43%, đạt 46 tỷ đồng, chiếm 22% tổng doanh thu. Doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán và góp vốn tăng mạnh nhất, đạt 70 tỷ đồng, tăng 224,6% so với cùng kỳ; Doanh thu khác tăng 50,8% đạt 90 tỷ đồng.
Tổng doanh thu quý II của Công ty đạt 209,7 tỷ đồng, tăng trưởng 81,1% so với quý II.2015. Tính tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt 342,7 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về chi phí, tỷ lệ tăng trưởng chi phí hoạt động tăng lên khá cao, tương ứng với tỷ lệ tăng doanh thu quý II năm 2016. Chi phí hoạt động kinh doanh là 93,25 tỷ đồng, tăng 185,6% và chi phí quản lý tăng 15%, đạt 43,692 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng Giám đốc VNDirect cho biết, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh là do Công ty đã phát triển đều các mảng doanh thu, đặc biệt là mảng hoạt động môi giới chứng khoán và sản phẩm tài chính.
Năm 2016 VNDirect cũng đã đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới hỗ trợ nhà đầu tư như VNDirect Moblie, Bảng giá thông minh…
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2016, VNDirect dự kiến tổng doanh thu 673 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 185,1 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2015. VNDirect đặt kỳ vọng có thể đạt thị phần môi giới khoảng 7%, tăng 13% so với thị phần 6,21% trong năm 2015.
Trước đó, trong năm 2015 vừa qua, tổng doanh thu thuần của VNDirect đạt 534,1 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2014. Lợi nhuận thuần sau thuế đạt 181,8 tỷ, tăng trưởng 15,6% và đạt 91% kế hoạch năm.
Khủng hoảng kinh tế- thử thách tiếp theo đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Âm mưu đảo chính quân sự có thể trở thành khủng hoảng kinh tế kéo dài đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và những vấn đề trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào Tổng thống Tayyip Erdogan và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara vẫn còn một cơ hội nữa để tránh được kịch bản xấu nhất.
Âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra lo ngại cho giới đầu tư đối với sự ổn định chính trị, tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được là một trong những nước có các chỉ số tốt nhất trong số các thị trường đang phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 4,5% trong năm 2015, trong khi đó, thị trường cổ phiếu trong năm nay đã tăng hơn 15%, vượt qua tất cả các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt những nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Ankara đang thảo luận khả năng áp dụng án tử hình sau vụ đảo chính bất thành và đe dọa hủy hoại sự ổn định tài chính của nước này.
Các chuyên gia của Bloomberg cho rằng sự bất ổn chính trị có thể trở thành thảm họa đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Thâm hụt ngân sách trong năm nay dự báo tăng lên mức 4,5% GDP và thị trường chứng khoán nước này có nguy cơ mất đến 20%. Theo hãng Reuters, Ankara đã tạm ngưng hoạt động Bank Asya, ngân hàng lớn thứ 6 của Thổ Nhĩ Kỳ, có 180 chi nhánh trên khắp cả nước. Đây được coi là một quyết định chính trị bởi Bank Asya được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen- người bị Tổng thống Erdogan cho là đứng sau âm mưu đảo chính bất thành, và được kiểm soát bởi những môn đệ của vị giáo sĩ này. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng nội tệ bị phá giá và người dân mất niềm tin đối với lĩnh vực ngân hàng nói chung, hiện vẫn còn nguy cơ tiền gửi sẽ bị khách hàng rút mạnh và "nợ xấu" gia tăng.
Ankara đã bắt đầu can thiệp bằng “lời nói” để nhanh chóng trả lại niềm tin cho thị trường và giới đầu tư. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc họp khẩn với các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận những biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ âm mưu đảo chính đối với thị trường. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cung cấp cho các ngân hàng tính thanh khoản không giới hạn để ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra trên thị trường. Tuy nhiên, các nguồn lực thanh khoản của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế. Theo chuyên gia Zvenigorod, "chỉ bằng cách mở máy in tiền hoặc có những nhượng bộ quan trọng trên vũ đài chính trị mới có thể bổ sung vốn, hiện điều đó không thể chấp nhận được đối với giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì những hành động như vậy sẽ rất nhanh chóng gây ra cuộc đảo chính quân sự tiếp theo".
Một trong những hậu quả tiêu cực từ âm mưu đảo chính bất thành không chỉ là sự bất ổn tỷ giá đồng nội tệ mà còn làm trầm trọng hơn những đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm mà sẽ làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự báo nguồn tiền đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, có thể coi đó là đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vốn đã xuất hiện đã nhiều năm nay tại nước này". Ngoài ra, dòng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ chưa chắc sẽ được phục hồi trong năm nay. Mặc dù cách đây không lâu khi ông Erdogan đưa ra lời xin lỗi với Nga, nhiều người đã kỳ vọng các bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lấp đầy du khách Nga. Sau âm mưu đảo chính quân sự, đường vận tải hàng không giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tạm ngưng hoạt động. Người Nga tạm thời bị mất cơ hội bay đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng bất cứ hãng hàng không nào. Không chỉ du khách Nga ngừng đến Thổ Nhĩ Kỳ mà người Đức (nước có số lượng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất) cũng không còn mặn mà. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với tình trạng số lượng khách du lịch xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Vụ đảo chính bất thành xảy ra đúng mùa du lịch làm tiêu tan hy vọng ngành công nghiệp không khói, vốn đóng góp tới 6,6% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhanh chóng phục hồi sau khi Moscow và Ankara đồng ý nối lại quan hệ.(HQ)
Nước Anh trước nguy cơ "Brexit" khỏi cộng đồng khoa học châu Âu
Mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" có bài viết cho rằng sau "Brexit", nếu nước Anh thay đổi chính sách nhập cư, nhiều khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt những hạn chế đối với London trong việc tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Nước Anh sẽ vẫn mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, song các điều kiện của việc ra khỏi EU, cùng với những hạn chế và điều chỉnh ngân sách cho nghiên cứu, quốc gia này về lâu dài khó có thể giữ được vị thế nổi trội về cạnh tranh công nghệ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, nước Anh đóng vai trò nổi trội trong lĩnh vực khoa học và phát triển, đồng thời là chủ nhân của một số ý tưởng và phát minh vĩ đại nhất thế giới- những phát minh đã đặt nền móng công nghệ để giúp các quốc gia (như nước Anh) hiện thực hóa những tham vọng địa chính trị. Ngày nay, nghiên cứu và phát triển công nghệ vẫn quan trọng đối với Anh và ở nước này có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học để thúc đẩy việc đổi mới ngành công nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây những cơ sở này phụ thuộc ngày càng nhiều vào EU và trong bối cảnh London chuẩn bị đàm phán về Brexit, sự phụ thuộc này sẽ càng lớn hơn.
Ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, nước Anh chi trả cho Đại lục nhiều hơn là họ nhận được. Trái lại, trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), nhờ uy tín của các viện nghiên cứu và khả năng cạnh tranh của các cơ sở này trên phạm vi toàn cầu, nước Anh được Hội đồng nghiên cứu châu Âu tài trợ nhiều hơn bất kỳ nước châu Âu nào (thậm chí được đầu tư nhiều hơn 50% so với Đức, một nước hàng đầu khác về khoa học và công nghệ). Trong giai đoạn từ năm 2007-2013, nước Anh đóng góp 5,4 tỷ euro cho ngân sách nghiên cứu của EU, song nhận về 8,8 tỷ euro tiền tài trợ từ tổ chức này. Khoản tiền này chỉ chiếm phần khiêm tốn trong tổng ngân sách R&D của London, nhưng các dự án do EU tài trợ vẫn có truyền thống hoạt động rất hiệu quả.
Sự hỗ trợ của EU góp phần giúp Anh duy trì vị thế là một trong những nước hàng đầu thế giới về khoa học dù chỉ phải chi 1,6% GDP cho R&D (trong khi đó, năm 2013 Đức phải chi gần 2,9% GDP cho R&D, Mỹ là 2,8% và Nhật Bản là 3,5%). Việc Anh ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của EU để có kinh phí cho ngành công nghiệp khiến đảo quốc này trở nên dễ bị tổn thương (62% kinh phí cho các chương trình nghiên cứu công nghệ nano của Anh được "rút ruột" từ EU). Nếu Brexit chấm dứt nguồn kinh phí này, hoặc thậm chí chỉ cần làm giảm bớt, London có thể đánh mất lợi thế trong vô số lĩnh vực và về lâu dài gây phương hại tới sự phát triển công nghệ của chính họ.