Chủ động làm thương hiệu
Khách hàng tốt, tài chính lành mạnh được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm
Xuất khẩu nông sản sạch: Chọn ngách nhỏ, mở đường lớn
Xuất khẩu đối mặt nguy cơ sụt giảm
Tin kinh tế đọc nhanh 24-07-2016
- Cập nhật : 24/07/2016
3 điều kiện để được sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm
Theo đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm gồm: Được thành lập hợp pháp; có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo mẫu quy định.
Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng 3 điều kiện:
1- Về nhân sự, người phụ trách sản xuất của cơ sở phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành: Hóa học, sinh học, dược học hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
2- Điều kiện về cơ sở vật chất:
- Có địa điểm, diện tích, nhà xưởng, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
- Kho bảo quản nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, vật liệu đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu và sản phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
3- Có hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu: Nguyên liệu, phụ liệu dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước uống do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; các loại bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất; có quy trình sản xuất cho từng sản phẩm; có bộ phận kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm; có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu.
Lạc quan về Việt Nam, nhiều doanh nghiệp châu Âu dự kiến tăng đầu tư
Đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý II/2016 diễn biến tích cực, 43,8% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phản hồi sẽ tăng cường đầu tư, trong khi 43,7% dự định tăng số lượng nhân viên.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh quý II/2016. Theo đó, với việc chỉ số này đạt mức 77 cho thấy phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Báo cáo của EuroCham cho biết, nhìn chung, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trong quý vừa rồi được nhận định tốt. 66,7% số doanh nghiệp phản hồi "rất tốt" và "tốt", và chỉ có 12,5% phản hồi "không tốt" và "rất xấu" khi được khảo sát đánh giá tình hình kinh doanh quý vừa qua.
Ngoài ra, nói về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp mình trong quý tới, các doanh nghiệp châu Âu đều lạc quan với 9,4% của phản hồi "rất tốt" và 54,2% đánh giá "tốt".
Khối các doanh nghiệp đều cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng sẽ tiếp tục, với 56,3% phản hồi "ổn định và cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm. Khảo sát này được được thực hiện trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc tiếp tục là thành viên hay rời khỏi EU (ngày 23/6), do đó kết quả khảo sát không liên quan đến sự kiện này.
EuroCham cũng cho biết, khoảng 49% doanh nghiệp thuộc hiệp hội này dự đoán số lượng đơn đặt hàng hoặc doanh thu của họ sẽ tăng nhẹ trong quý tiếp theo. 15,6% trong số đó thậm chí còn lạc quan hơn, mong đợi một sự gia tăng đáng kể trong doanh thu trong quý tiếp theo.
Do đó, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư và phát triển số lượng nhân sự, phản hồi cũng rất tích cực, nhất quán với phản hồi về doanh thu và số lượng đơn hàng. Cụ thể, 43,8% doanh nghiệp phản hồi rằng họ sẽ tăng cường đầu tư, trong khi 43,7% dự định tăng số lượng nhân viên.
Tỷ lệ rất thấp số doanh nghiệp cho biết sẽ giảm số lượng nhân viên (4,1%) và 50% sẽ duy trì mức hiện tại. Kết quả này cũng tương tự đối với câu hỏi khảo sát về kế hoạch đầu tư, khi 40,6% doanh nghiệp phản hồi sẽ duy trì mức đầu tư hiện tại cho quý tiếp theo.
Ông Michael Behrens, Chủ tịch EuroCham nhận xét: "Các kết quả cho quý II/2016 cho thấy kỳ vọng tích cực cho tương lai gần và sự hài lòng tương quan với tình hình hiện nay. Doanh nghiệp thành viên EuroCham duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam và các hoạt động kinh doanh trong nước. Đây là một dấu hiệu tốt cho việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, hiệp định được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam."
Khảo sát này thực hiện với 883 thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp châu Âu lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm
Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã thừa nhận thực tế sụt giảm xuất khẩu nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Vitas cho hay, so với mục tiêu xuất khẩu 30-31 tỷ USD đề ra từ đầu năm, thì ngành dệt may mới hoàn thành được 41% .
Trong tháng 6, xuất khẩu đạt 2,43 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 5 nhưng chỉ tăng 0,26% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt 10,7 tỷ USD, còn lại là xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu.
“Như vậy, xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng qua đã không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, chủ yếu là do các yếu tố khách quan như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn”, theo Vitas.
Đáng quan ngại hơn, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành 6 tháng qua chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI đóng góp, trong khi doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và “đuối” trong tìm kiếm đơn hàng mới, điển hình với nhóm hàng sơ mi, jacket.
Nghiêm trọng hơn là đã có những doanh nghiệp nội đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện xuất khẩu quá khó.
Với bức tranh xuất khẩu nhiều gam màu xám và dự kiến nhu cầu thị trường tiêu dùng thế giới, Vitas dự báo, xuất khẩu ngành cả năm 2016 chỉ đạt 29 tỷ USD.
Doanh nghiệp Đài Loan dồn vốn vào ngành da giày Việt Nam
Mới đây, Công ty Vega Balls Việt Nam thuộc Tập đoàn Yuan Chi Đài Loan đã chính thức được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Đông Mai do Viglacera làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, Vega Balls Việt Nam sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất đồ thể thao xuất khẩu có quy mô lớn với diện tích 32.400 m2. Giai đoạn I của Nhà máy có tổng vốn lên tới 330 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động ngay đầu năm 2017.
Tập đoàn Yuan Chi được thành lập từ năm 1949, có tiếng về sản xuất các dụng cụ thể thao, đặc biệt là các sản phẩm về bóng rổ. Yuan Chi hiện có 3 nhà máy tại Trung Quốc, 2 nhà máy tại Thái Lan, đứng trong Top 5 nhà sản xuất bóng rổ hàng đầu thế giới, xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ và châu Âu.
.
Đại diện Tập đoàn Yuan Chi cho biết, với nhu cầu đặt hàng ngày càng nhiều từ các thương hiệu thể thao lớn trên thế giới, Tập đoàn đã quyết định đầu tư thêm một nhà máy tại Việt Nam. Từ đầu năm 2015, Yuan Chi đã khảo sát rất nhiều khu công nghiệp tại Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc và cuối cùng, Khu công nghiệp Đông Mai đã lọt mắt xanh của Tập đoàn do vị trí gần 2 cảng lớn nhất phía Bắc là cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu..
Việc Tập đoàn Yuan Chi chọn Việt Nam làm điểm đến mới trong các nước châu Á để đặt nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nhằm có được những ưu đãi về thuế khi một loạt hiệp định thương mại tự do lớn như TPP, EVFTA dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2018. Điều này cũng nối dài thêm danh sách các “ông lớn” trong ngành sản xuất giày dép, dụng cụ thể thao xuất khẩu của Đài Loan đổ bộ vào Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, doanh nghiệp Đài Loan đầu tư một lượng vốn lớn vào ngành da giày Việt Nam, với hệ thống nhà máy quy mô lớn trải khắp địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Chỉ tính riêng Pou Chen Group, tập đoàn chuyên gia công cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas đã có hệ thống hàng chục công ty con sản xuất, gia công giày dép, túi xách tại Việt Nam, với doanh thu xuất khẩu lên tới 1,5 tỷ USD. Tập đoàn này hiện có các công ty trực thuộc như PouYuen (TP.HCM); PouHung, PouLi (Tây Ninh); PouChen, PouSung (Đồng Nai); Duy Khang (Long An). Các doanh nghiệp này có quy mô hàng chục ngàn lao động và đang lấn lướt các doanh nghiệp nội địa trong sản xuất giày dép xuất khẩu.
Dự kiến, quy mô sản xuất của Pou Chen Group sẽ tiếp tục tăng khi Tập đoàn đầu tư mở rộng tại Việt Nam, nhằm đón các cơ hội gia tăng xuất khẩu từ một loạt hiệp định thương mại lớn. Từ đầu năm 2016, một công ty con của Pou Chen Group là Công ty PouSung Vina tại Đồng Nai đã liên tiếp tuyển hàng ngàn lao động ở các xưởng may phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu. Cần phải nói thêm, số lao động tại công ty này hiện tại gần 22.000 người.
Bên cạnh Pou Chen, một tập đoàn đến từ Đài Loan khác là Feng Tay cũng đang sở hữu gần chục nhà máy tại Việt Nam, gồm Dona Standard, Đông Phương Đồng Nai, Đông Phương Vũng Tàu…, với tổng doanh thu hàng năm là 500 triệu USD. Công ty TNHH Đông Phương Đồng Nai, một trong những công ty thuộc Tập đoàn Feng Tay cũng đang đầu tư mở rộng nhà máy tại Đồng Nai. Với tổng diện tích xây dựng hơn 40.000 m2, nhà máy này dự kiến được đưa vào vận hành trong năm 2016.
Theo tin từ Hội Sản xuất giày dép Đài Loan, Việt Nam sẽ tăng 20% sản lượng xuất khẩu giày dép, túi xách trong một vài năm tới do tác động thuận về mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và một phần không nhỏ trong phần gia tăng đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp Đài Loan.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, da giày đem về doanh thu xuất khẩu 6,3 tỷ USD. Năm 2016, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD, trong đó, với lợi thế về quy mô sản xuất lớn và khách hàng từ công ty mẹ, các doanh nghiệp FDI tiếp tục thống lĩnh thị trường xuất khẩu của ngành.