Tỉ phú Soros lên tiếng về khủng hoảng tài chính Trung Quốc
Emerson đệ trình kế hoạch chia tách mảng Nguồn điện Mạng lưới
Cuộc đua gom quỹ đất
Tham nhũng trong doanh nghiệp: Quốc gia nào nghiêm trọng nhất thế giới?
Vượt mặt Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia thu hút FDI số một thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 22-04-2016
- Cập nhật : 22/04/2016
George Soros: Trung Quốc đang giống với Mỹ thời kỳ trước khủng hoảng 2008
Theo "thiên tài bán khống" Soros, nền kinh tế phụ thuộc vào nợ như hiện nay của Trung Quốc giống với kinh tế Mỹ giai đoạn 2007 - 08, trước khi thị trường tín dụng gặp rắc rối và gây nên khủng hoảng toàn cầu.Nhà đầu tư đại tài Soros đã nhìn thấy điềm báo không mấy tốt lành trong báo cáo tăng trưởng tín dụng tháng 3 của Trung Quốc. Theo thước đo rộng nhất, lượng tín dụng mới trong tháng 3 của Trung Quốc đạt 2.340 tỷ NDT (362 tỷ USD), bỏ xa mức dự báo 1.400 tỷ NDT. Đồng nghĩa với việc chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng bằng nợ.
Soros, người kiếm được 24 tỷ USD nhờ tài năng dự đoán thị trường gần đây đã tham gia vào một cuộc tranh luận với chính phủ Trung Quốc. Hồi tháng 1, ông phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos rằng ông đánh cược chống lại các loại tiền tệ châu Á vì khả năng Trung Quốc hạ cánh cứng là không thể tránh khỏi. Đáp lại, Tờ Tân hoa xã đưa tin, trước đây ông Soros đã có một vài dự báo tương tự nhưng đều không chính xác.
Ông cảnh báo một thảm họa sắp đổ bộ xuống Trung Quốc tương tự cuộc khủng hoảng 2008. Tháng 9/2011 tại Washington, ông nhận định khủng hoảng nợ công Hy Lạp còn nguy hiểm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008.
Tiếng tăm của nhà đầu tư người Hungary vang danh toàn cầu sau sự sụp đổ của Ngân hàng Anh (bank of England) năm 1992 do người ta tin rằng ông là người đứng đằng sau sự kiện này. Ông kiếm được 1 tỷ USD bằng cách đặt cược Anh sẽ buộc phải giảm giá đồng bảng.
Soros bắt đầu sự nghiệp của mình tại New York trong những năm 1950. Ông chứng kiến quỹ đầu tư của mình tăng lợi nhuận hàng năm khoảng 20% trong suốt giai đoạn 1969-2011
Quý trước nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu ổn định, bắt kịp đà tăng trưởng trong tháng 3. Bên cạnh đó tăng trưởng tín dụng giúp hồi phục khu vực nhà nước dù trong sự nghi ngờ của giới đầu tư. GDP tăng 6,7% trong 3 tháng đầu năm, khá hòa hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5-7% của chính phủ.
Nhà kinh tế trưởng Ma Jun thuộc nhóm nghiên cứu của NHTW nhận định, số liệu gần đây về tăng trưởng trong ngành bất động sản, công nghiệp và hàng hóa cho thấy triển vọng kinh tế Trung Quốc tốt hơn dự báo.
Tuy nhiên, tăng trưởng ổn định không đủ làm dịu lòng nhà đầu tư do Trung Quốc vẫn dựa vào đầu tư chính phủ tại các công ty nhà nước để kích thích nền kinh tế.
Chính phủ đã mạnh tay can thiệp vào thị trường tài chính sau khi cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán làm thất thoát 5.000 tỷ USD chảy ra khỏi thị trường trong khi đồng nhân dân tệ mất giá.
Phong trào chống tham nhũng và những bất ổn trong nền kinh tế khiến cho giới đầu tư hoang mang lo sợ dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 10,3 tỷ USD lên 3.210 tỷ USD trong tháng 3, nhưng năm ngoái nguồn này đã giảm 517 tỷ USD.
Jetstar Pacific được rót thêm 139 triệu USD để mua máy bay
Trao đổi với báo chí ngày 20/4, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Jetstar Pacific cho biết sau nhiều năm thua lỗ, năm 2015, hãng đã cân đối được thu chi với lợi nhuận trước thuế 267 triệu đồng. Trong quý I/2016, lượng khách tăng 45-47% so với cùng kỳ năm 2015, hãng khai thác 15 máy bay (tăng 6 chiếc so với năm trước).
Theo ông Hà, trong giai đoạn 2016-2020, hai cổ đông là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas đã cam kết "rót" thêm 139 triệu USD, giúp Jetstar tái cấu trúc và đầu tư nâng đội máy bay khai thác lên 30 chiếc vào năm 2020.
Với kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới, Tổng giám đốc Jetstar cho hay, hãng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển, đảm bảo cạnh tranh trong phân khúc chi phí thấp, hoàn thiện sản phẩm cùng với mạng đường bay của Vietnam Airlines để thực hiện chiến lược thương hiệu kép, linh hoạt điều chỉnh, mở rộng quy mô sản xuất, mở thêm đường bay...
Ông Trịnh Ngọc Thành - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng cho biết 3 tháng đầu năm 2016, số lượng khách bay nội địa tăng 34%, cho thấy thị trường đang phát triển mạnh. Từ đầu năm, các hãng liên tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, mặt bằng giá vé giảm 20%.
Cuộc đối đầu giữa hai quốc gia này sẽ có ý nghĩa sống còn với thị trường dầu mỏ
Ả rập với vai trò lãnh đạo 13 nước thành viên trong nhóm OPEC khẳng định sẽ không đóng băng sản lượng nếu Iran không hành động. Nhưng Iran – thành viên vắng mặt trong buổi hội đàm đã nhắc lại lập luận: Iran không đóng băng sản lượng vì muốn dành được thị phần đã mất trong thời kỳ trừng phạt kinh tế.
Tội vạ đổ cho ai?
Với cương vị đứng mũi chịu sào, quyết định không cắt giảm sản lượng của Ả rập Xê-út cuối năm 2014 góp phần làm giá dầu lao dốc. Động thái này nằm trong chiến lược áp đảo đối thủ sản xuất dầu cạnh tranh như Mỹ.
Sau cuộc họp tại Doha vừa qua, Ả rập xê-út lại đổ tội cho Iran khiến cuộc hội đàm hôm chủ nhật thất bại. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng bảo vệ Iran và cho rằng mong muốn tất cả các quốc gia phải đóng băng sản lượng dầu của Ả rập là hoàn toàn vô lý. Đại diện Iran cho biết những người đề nghị Iran đóng băng sản lượng đã sai lầm khi nghĩ rằng Iran không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận.
Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets cho hay, “Ả rập kiên quyết thúc đẩy thỏa thuận đóng băng sản lượng hồi tháng 1, bất chấp nỗ lực của Qatar và Kuwait – những đồng minh thân cận tại Hội đồng hợp tác vùng vịnh (GCC) chưa kể đến Iran.”
Chuyên viên phân tích dầu mỏ tại Natixis nhận định hành động của Ả rập chẳng khác nào ném đá dấu tay Iran. “Mọi người đều hy vọng Iran không cắt giảm và đóng băng sản lượng và chắc chắn Ả rập nhận thức được điều đó.”
OPEC chịu ảnh hưởng ra sao?
Cuộc hội đàm thất bại đã được dự đoán trước phần nào. Trước đó, các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ nhận định, cuộc ganh đua chính trị giữa hai ông lớn năng lượng Trung Đông sẽ nhấn chìm mọi cơ hội thỏa hiệp.
Không có tình bạn giữa hai quốc gia đặc biệt bị phân cách bởi tôn giáo, địa chính trị và tư tưởng như Ả rập và Iran. Có một cuộc chạy đua giành vị trí ưu thế giữa các nhánh khác nhau của đạo Hồi. Trong đó, Ả rập là trái tim của Hồi giáo Shunni, được vận hành trên tư tưởng quân chủ siêu bảo thủ, trong khi Iran theo cộng hòa Hồi giáo, là quê hương của đạo Hồi giáo Shia.
Bên cạnh đó, khác với Ả rập, Iran vốn có mối quan hệ căng thằng với phương Tây và lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân mới chỉ được dỡ bỏ từ tháng 1.
Vụ hành quyết giáo sĩ Shi'ite đã đưa quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả rập đạt căng thẳng đỉnh điểm.
Căng thẳng ngoại giao giữa Ả rập và Iran cho thấy nỗ lực cân bằng thị trường còn quá xa vời trong khi khả năng Ả rập sẽ mở rộng nguồn cung kể vẫn còn bỏ ngỏ, giá dầu sẽ khó phát huy hiệu ứng của chính sách thắt chặt thị trường từ bây giờ cho tới năm 2017.
Một số thành viên OPEC tỏ vẻ lạc quan vào kết quả cuộc họp thành viên sắp tới. Tuy nhiên ông Croft vẫn rất hoài nghi. “Trừ khi Ả rập hoặc Iran thay máu, sẽ không có bất cứ một thay đổi nào trong tương lai. Cuối cùng, các quốc gia sẽ độc lập sản xuất mà không có một mô hình hợp tác hành động nào.”
Thị phần nước mắm của Nam Ngư, Chinsu đang lung lay?
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.
Theo đó, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu 14.500-15.500 tỷ đồng và lợi nhuận trong khoảng 2.800-3.000 tỷ đồng. So với kết quả năm 2015, doanh thu dự kiến tăng trưởng khoảng 8-15% trong khi lợi nhuận dao động +/-3% và tiếp tục thấp hơn so với các năm 2013, 2014.
Như vậy, theo kế hoạch mà Masan Consumer vạch ra, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp công ty không tăng trưởng lợi nhuận. Theo báo cáo của lãnh đạo công ty, đây là năm Masan Consumer xuất ngoại, khi ngay lập tức tiếp cận thị trường 65 triệu dân của Thái Lan và xa hơn là thị trường 250 triệu dân của khu vực ASEAN.
Chưa thể nói trước được thành công của Masan Consumer ở thị trường quốc tế, nhưng tại nội địa, thị phần các ngành hàng chủ lực của công ty đang chững lại.
Theo số liệu từ công ty, thị phần nước tương và tương ớt của Masan Consumer không đổi so với năm 2014, thị phần cà phê giảm nhẹ, trong khi thị phần nước mắm giảm từ 70% xuống 65%. Nếu so sánh với năm 2012, sản phẩm nước mắm đã mất tới 15% thị phần. Tuy vẫn giữ vị trí số 1 trên thị trường, nhưng những con số cho thấy thị phần nước mắm của Masan đang có dấu hiệu lung lay.
<div imscurrenteditoreditobject"="" type="Photo">Theo tổng cục thống kê, người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200-7.500 tỷ đồng, tạo nên sức hút lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là thị trường đã chứng kiến cuộc lật đổ của Masan khi đánh bật ông lớn Knorr của Unilever, và thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm nước mắm của người Việt, từ nước mắm truyền thống sang nước mắm công nghiệp.
Tuy nhiên, thị phần nước mắm của Masan trong những năm qua đang có dấu hiệu giảm.
Nếu như những năm trước, người tiêu dùng không quá chú trọng tới sản phẩm, mà ưu tiên so sánh giá cả, khiến các loại nước mắm công nghiệp lên ngôi thì đến nay, khi điều kiện sống cao dần, các loại nước mắm truyền thống, nguyên chất sẽ có cơ hội hồi sinh.
Masan nhận định, "một phần ba dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trước năm 2020, khi thu nhập tăng trưởng nhanh chóng ở mức gần 8,8%, sẽ nâng mức thu nhập bình quân đầu người vượt 3.400 USD vào cuối thập kỷ này". Như vậy, với thu nhập cải thiện, cuộc chơi giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hứa hẹn sẽ còn hấp dẫn trong thời gian tới.
Vụ kiện lớn nhất trong lịch sử WTO: EU cấm thực phẩm biến đổi gen, nhưng vẫn phải nhắm mắt cho hàng Mỹ tràn vào
Với việc kiện EU lên WTO, Mỹ đã giành được tấm vé để đưa thực phẩm biến đổi gen của Mỹ vào thị trường rộng lớn này.
Những tranh cãi về tiêu chuẩn hàng hóa giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu trong các hiệp định thương mại luôn có nguy cơ làm dấy lên cuộc chiến thương mại nếu không đi đến được một thỏa thuận chung.
Cuộc chiến dai dẳng giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ liên quan đến sinh vật biến đổi gen (GMO) là một ví dụ.
Từ năm 1998, EU bắt đầu cấm sản xuất và lưu hành thực phẩm biến đổi gen (thực phẩm làm từ sinh vật biến đổi gen GMO). Khối này sau đó đã vấp phải sự kháng cự đầy mạnh mẽ từ phía Mỹ - một trong những quốc gia xuất khẩu thực phẩm biến đổi gen lớn nhất thế giới.
Năm 2004, Mỹ đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO ) yêu cầu EU hủy bỏ lệnh cấm sản xuất các thực phẩm biến đổi gen và bồi thường ít nhất là 1,8 tỷ đô la cho Mỹ, tương đương mức thiệt hại về xuất khẩu của Mỹ trong hơn 6 năm.
Vì sao Mỹ có thể kiện EU?
Theo cam kết tại WTO, để có thể ban hành một lệnh cấm sản xuất hoặc lưu hành bất cứ sản phẩm gì, kể cả sản phẩm gây hại cho sức khỏe hay ô nhiễm môi trường, quốc gia đó phải có chứng cứ khoa học chứng minh lệnh cấm này là hợp lý.
“Cuộc chiến giữa EU và Hoa Kỳ về thực phẩm biến đổi gen là một cuộc chiến không phân thắng bại. Ngay cả khi Mỹ cho rằng thực phẩm biến đổi gen rất an toàn, và người Mỹ vẫn ăn, thì EU không đồng tình”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển kể lại.
Sau nhiều tranh cãi, hai bên cuối cùng phải đi đến thỏa thuận rằng thực phẩm biến đổi gen có thể xuất khẩu vào EU nhưng phải dán mác thông báo "đây là thực phẩm biến đổi gen", tạo điều kiện cho người dân EU có quyền lựa chọn.
Quy định dán nhãn không bắt buộc đối với những thực phẩm từ những động vật dùng thức ăn biến đổi gen.
“Để chứng minh rằng tiêu chuẩn của một nước không có cơ sở khoa học không phải là chuyện dễ”, ông Tuyển nhận định.
Tuy nhiên, kể từ sau khi thỏa thuận về việc chấp thuận thực phẩm biến đổi gen được có hiệu lực, Ủy ban châu Âu EC đã 2 lần buộc các lô hàng thực phẩm biến đổi gen của Mỹ quay trở lại nơi xuất xứ.
Lần đầu tiên là vào năm 2006. Khi một lô hàng gạo từ Mỹ thuộc loại LLRice 601 – sản phẩm không dùng cho thương mại cập cảng Rotterdam (Zuid-Holland, Hà Lan).
Lần thứ hai vào năm 2009, khi một lượng ngô biến đổi gen đã được phê duyệt tại Mỹ lại được phát hiện nằm lẫn trong lô hàng bột đậu nành không biến đổi gen.
Năm ngoái, EC cũng đã thông qua dự luật cho phép các nước thành viên EU có toàn quyết tự quyết trong việc cho phép hoặc cấm lưu hành thực phẩm biến đổi gen vì lý do môi trường, kể cả khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn EU về vệ sinh và an toàn.
Mặc dù dự luật này đã bị Nghị viện châu Âu (EP) phủ quyết vào hồi cuối năm ngoái, EC khẳng định sẽ không rút lại đề xuất trên và sẽ tiếp tục đưa ra thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng EU.
Bài học cho Việt Nam
Cuộc chiến thực phẩm biến đổi gen giữa Mỹ và EU cho thấy: Khi đã hội nhập, không dễ dàng ngăn một mặt hàng nào đó của nước khác tràn vào quốc gia/khu vực mình.
Tuy nhiên, nếu hàng nội không đáp ứng được các tiêu chuẩn, thì cũng chẳng thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước khác trên sân chơi chung, dù chúng ta đang rất hồ hởi với các hiệp định thương mại tự do.
Có thể nông sản Việt Nam sẽ gặp khó khi cạnh tranh với nước ngoài, trên cả mặt trận nội địa và xuất khẩu, nếu không đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm , tiêu chuẩn phòng chống dịch, hay các hàng rào kỹ thuật đang được các nước dựng lên ngày càng cao…