Yahoo có thể “bán mình” cho đại gia viễn thông Mỹ với giá 5 tỷ USD
Gang thép Thái Nguyên: Lãi lớn nhất trong vòng nhiều năm, sắp xóa hết lỗ lũy kế
2 doanh nghiệp dược Imexpharm, Vimedimex: Lợi nhuận quý 2/2016 giảm sút so với cùng kỳ
FPT đạt 1.258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-07-2016
- Cập nhật : 24/07/2016
Phát hiện vụ nhôm dạng thỏi và đồng xuất lậu qua Cảng Đà Nẵng
Sáng 23-7, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung (Đội 2) - Cục Điều tra chống buôn lậu thực hiện kiểm tra và phát hiện vụ buôn lậu nhôm dạng thỏi và đồng xuất khẩu qua cửa khẩu Cảng Đà Nẵng.
Công chức Hải quan đang tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm của Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Hải. Ảnh Hồng Vi
Lô hàng trên do Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Hải, địa chỉ 158/3 Lê Lợi, Phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đăng ký trong 02 tờ khai xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đi Thái Lan và Ấn Độ. 2 lô hàng gồm 6 container được khai báo với tên hàng là vải vụn (vải rẻo) được đóng thành bao và được hệ thống phân luồng Xanh.
Tuy nhiên, qua quá trình thu thập thông tin, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đã ra quyết định tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa. Kết quả kiểm tra phát hiện toàn bộ số hàng nêu trên. Như vậy, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Thành Hải đã có hành vi xuất khẩu hàng hóa không đúng với nội dung khai báo trên tờ khai hải quan.
Hiện nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng đang tiến hành thủ tục trưng cầu giám định để xác định cụ thể tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá và hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.(HQ)
Bình Dương: Thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn FDI trong 6 tháng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã thu hút được gần 1,1 tỷ USD vốn FDI, trong đó có 113 dự án đầu tư mới với tổng vốn là 730 triệu USD và 64 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 337 triệu USD.
Tính riêng, các khu, cụm công nghiệp của Bình Dương, trong 6 tháng qua đã thu hút vốn FDI đạt 949 triệu USD. Trong số các dự án đầu tư vào đây có nhiều dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn thiếu và yếu. Có thể kể đến như dự án của Công ty TNHH Chain Yarn Việt Nam, sản xuất sợi, dệt vải, hoàn thiện sản phẩm dệt với số vốn 87 triệu USD; dự án Công ty TNHH Công nghiệp De Licacy Việt Nam với số vốn 100 triệu USD đầu tư tại KCN Bàu Bàng…
Việc thu hút vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua không chỉ tăng về số lượng dự án, mà còn tăng mạnh về vốn và chất lượng dự án. Hầu hết vốn FDI đầu tư vào các KCN được quy hoạch bài bản, phù hợp định hướng chung của tỉnh. Các ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất là công nghệ sản xuất điện tử, kim khí, máy móc, thiết bị…
Trong 6 tháng đầu năm, hàng hóa của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương sản xuất xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, doanh thu của các doanh nghiệp đạt 8,7 tỷ USD.(HQ)
Thu về một mối việc thu phí tại biên giới Việt-Trung chưa khả thi
Liên quan tới đề xuất của Ủy ban hợp tác cửa khẩu (Bộ Quốc phòng) nghiên cứu thu về một mối việc thu phí kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới Việt-Trung, Bộ NN&PTNT khẳng định, ở thời điểm hiện tại, điều này chưa khả thi.
Theo Bộ NN&PTNT, về tổ chức bộ máy: Bên phía Trung Quốc, do đặc thù của nước bạn, Tổng cục Kiểm soát, kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh là cơ quan thuộc Chính phủ với ba chức năng là: Kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế. Ở các địa phương có các Cục Kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh cũng có chức năng tương tự. Do vậy, việc kiểm dịch và thu phí, lệ phí do một cơ quan thực hiện.
Còn tại Việt Nam: Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật do Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) tiến hành. Kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) tiến hành. Cả hai cơ quan này đều chịu sự quản lý của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, kiểm dịch y tế lại thuộc Bộ Y tế quản lý.
Mỗi cơ quan đều có tổ chức bộ máy độc lập, chức năng và nhiệm vụ riêng, quy trình kiểm dịch cũng khác nhau gắn liền với công tác thu phí, lệ phí liên quan. Thực tế kiểm dịch động vật, thực vật ở cửa khẩu với mỗi lô hàng hóa xuất nhập khẩu nếu thuộc danh mục phải kiểm dịch thì cơ quan kiểm dịch tiến hành kiểm dịch theo quy trình và thu phí, lệ phí theo quy định còn cơ quan kiểm dịch y tế chỉ kiểm tra con người đi theo.
“Như vậy, mỗi lô hàng hóa xuất, nhập khẩu thì chỉ một cơ quan kiểm dịch thực hiện và thu phí, lệ phí, không có tình trạng một lô hàng nhiều cơ quan kiểm dịch cùng làm và thu, không chồng chéo về thủ tục hành chính. Nếu giao một cơ quan thu phí, lệ phí thì không những không thuận lợi mà còn phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc bóc tách nguồn thu để hoàn trả cho các đơn vị sẽ rất phức tạp”, ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, xét về góc độ chuyên môn, tài chính: Theo quy định hiện hành, đây là lĩnh vực chuyên môn rất khác nhau, được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau (Luật Thú y, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật) và thực hiện tác nghiệp khác nhau do các cơ quan chuyên ngành khác nhau thực hiện.
Thực hiện Luật Phí và Lệ phí vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1-7-2016 và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10-5-2016, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các nội dung chung tại một văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, đề nghị thu về một đầu mối thu phí trong điều kiện hiện nay là chưa khả thi. Bộ NN&PTNT ghi nhận đề nghị trên để nghiên cứu.
Trước đó, liên quan tới việc thu phí, lệ phí tại cửa khẩu biên giới Việt-Trung, để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, Ủy ban hợp tác cửa khẩu (Bộ Quốc phòng) đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu mô hình tổ chức về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng động vật, hàng thực vật tại các cửa khẩu theo hướng giao cho một cơ quan thực hiện việc thu phí kiểm dịch tại cửa khẩu.
Hải Phòng: Phát hiện DN Hàn Quốc vi phạm pháp luật hải quan
Từ đầu năm 2016 đến nay, có 50 doanh nghiệp Hàn Quốc làm thủ tục tại Hải quan Hải Phòng có các hành vi vi phạm đã bị cơ quan Hải quan xử lý.
Vi phạm của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu là vi phạm hành chính liên quan đến khai sai tên hàng; không khai đúng các nội dung trên tờ khai hải quan; khai, nộp hồ sơ hải quan không đúng thời gian quy định; khai, nộp hồ sơ không đúng thời hạn để báo cáo quyết toán...
Thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho hay, trong số các trường hợp vi phạm có 1 doanh nghiệp là Công ty Sky World Trangding Hàn Quốc có hành vi đưa hàng hóa nằm trong danh mục cấm vào Việt Nam đã bị xử phạt tiền và buộc tái xuất hàng hóa vi phạm.
Trong năm 2015, Hải quan Hải Phòng cũng xử lý vi phạm hành chính nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan đến lĩnh vực hải quan (chú yếu là các vi phạm hành chính như kể trên). Theo Hải quan Hải Phòng, chỉ riêng nửa cuối năm 2015, Cục đã xử lý 92 trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc vi phạm.(HQ)