Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên thị trường vàng
USD lên cao nhất 3 tuần so với yên do đồn đoán BOJ tăng cường kích thích
Xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ: Hãy làm, thay vì nói và hứa!
Người Mỹ chuộng giày dép Việt Nam
Ngành thủy sản Trung Quốc loay hoay đối phó với nhân dân tệ tăng giá
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-04-2016
- Cập nhật : 22/04/2016
Đức: Mỗi năm có 20.000 giao dịch rửa tiền
Kết quả một nghiên cứu của Đại học Martin Luther tại Halle-Wittenberg (Đức) công bố ngày 21/4, cho thấy các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp tại Đức có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì người ta từng biết.
"Mảng tối" này tồn tại chủ yếu trong các giao dịch bất động sản, mua bán ôtô hoặc thị trường các sản phẩm nghệ thuật. Ước tính mỗi năm có ít nhất từ 15.000-28.000 giao dịch tại Đức bị nghi liên quan đến hoạt động rửa tiền phi pháp. Lĩnh vực khách sạn, nhà hàng thường sử dụng nhiều tiền mặt cũng được xem là nơi có nguy cơ tồn tại nhiều hoạt động rửa tiền.
Báo cáo nghiên cứu đánh giá tổng giá trị các hoạt động rửa tiền tại Đức có thể lên tới 100 tỷ euro/năm, cao gấp đôi so với những con số được thống kê từ trước đến nay.
Trước đó, Bộ Tài chính Đức đã thừa nhận có những lỗ hổng trong hoạt động chống rửa tiền ở cấp độ các bang. Tại Đức, chính quyền các bang chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các lĩnh vực như giao dịch bất động sản và xây dựng, mua bán du thuyền, thuyền buồm hay mua bán đá quý, đồ trang sức. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính-ngân hàng do chính quyền liên bang quản lý thông qua Cơ quan giám sát tài chính liên bang (BAFIN).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Đức được xem như là một điểm đến đầu tư kinh doanh hàng đầu ở châu Âu nên các hoạt động rửa tiền phi pháp ở quốc gia giàu có này diễn ra rất mạnh, trong đó các nguồn tiền chủ yếu đến từ nước ngoài./
Doanh nhân Séc "thật thà" hơn Trung Quốc
So với Trung Quốc thì giới làm ăn ở CH Séc khá thật thà bởi tại đất nước đông dân nhất thế giới có tới 50% số doanh nhân được hỏi sẽ làm điều tiêu cực mà không băn khoăn gì hết.
Các doanh nhân CH Séc đứng đầu trong số 62 quốc gia được khảo sát về mức độ "nhẫn nhịn“ khách hàng trong khâu dịch vụ nhỏ để có doanh thu.
Đài Phát thanh Praha cho biết, kết quả thăm dò ở 62 quốc gia trên thế giới do hãng tư vấn EY thực hiện, khẳng định tính cách chiều khách đặc biệt từ phía những người Séc làm nghề dịch vụ.
42% số người Séc được hỏi tỏ ra như vậy, trong khi chỉ số chung trên thế giới là 12%. Có tới 52% số doanh nhân Séc được hỏi nói rằng họ không tiếc các khoản chi hoa hồng cao hơn mức bình thường, cốt là để nhận được hợp đồng của đối tác.
Điều này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực du lịch và tổ chức sự kiện. Nhưng ở đây Séc chưa phải là thủ lĩnh mà là Slovakia với chỉ số 68%, trong khi tỷ lệ trung bình trên thế giới là 24%.
Điều đáng lưu ý là gần 20% số doanh nhân Séc sẵn sàng đưa hối lộ để "bôi trơn" công việc. Chỉ số này khá cao so với mức trung bình trên thế giới là 13%. Tuy nhiên, so với Trung Quốc thì giới làm ăn ở CH Séc còn khá thật thà. Tại Trung Quốc có tới 50% số doanh nhân được hỏi sẽ làm điều tiêu cực này mà không băn khoăn.
Thương lái ồ ạt gom heo đi Trung Quốc
Sáng 21/4, tại một con hẻm nhỏ nằm cạnh quốc lộ 20 thuộc xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất nhiều thanh niên đang chuyển heo từ xe nhỏ qua xe lớn để đưa ra Bắc xuất sang Trung Quốc. Tiêu chuẩn heo "xuất ngoại" thường được các thương lái chọn khá kỹ như cân nặng từ 80 đến 120kg, phải đẹp.
Anh Hùng, tài xế chuyên chở heo cho biết, giá heo hiện nay có nơi đến 54.000 đồng một kg, tăng từ 3.000 đến 4.000 đồng mỗi kg so với hồi cuối tháng 3. Dù giá cao vậy nhưng việc gom đủ số hàng để đi cũng không phải dễ dàng với các thương lái. Một mặt người dân lo sợ dội hàng nên nuôi không nhiều, mặt khác họ đang găm heo lại để chờ giá lên cao hơn nữa.
"Ngày trước mua heo người ta gọi điện tới tấp, nay mình phải đặt trước không thì người khác mua mất", chị Lan (ngụ huyện Thống Nhất), một thương lái chuyên mua heo xuất đi Trung Quốc nói.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, việc các thương lái gom heo đưa đi Trung Quốc không còn lạ mấy năm trở lại đây. Trung bình một ngày có hàng nghìn con heo được chở ra Bắc để bán qua biên giới. Khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu heo lớn thì giá cả bắt đầu đội lên, tuy nhiên khi họ ngừng mua thì thị trường bị dội, giá lại bắt đầu rớt xuống.
Tại các chợ đầu mối, dù giá heo mua vào cao, song giá bán ra chỉ tăng nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng một kg. Với giá heo hiện nay, người chăn nuôi lãi từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng mỗi con khi xuất chuồng.
TP. HCM: Sóng ngầm tranh chấp tại nhiều dự án
Đặt cọc 100 triệu để được hưởng quyền thuê 2 căn hộ tại quận 10, chị T cho biết, lúc xuống tiền, môi giới nói dự án này thuê đất bên quốc phòng, có ngân hàng bảo lãnh, chủ đầu tư uy tín, ngoài ra không đưa giấy tờ gì hết vì bảo là hồ sơ quân đội nên giữ bí mật.
“Sau đó, tôi đến ngân hàng được biết là họ chưa bảo lãnh cho dự án này. Nghi ngờ, tôi điện thoại cho môi giới, đòi cung cấp hồ sơ pháp lý, họ gửi cho tôi tập hồ sơ dự án nhưng hoàn toàn không có tên chủ đầu tư uy tín mà môi giới này đã nói.
Tôi yêu cầu gửi: Văn bản chấp thuận chủ đầu tư; Giấy phép xây dựng; Hồ sơ qui hoạch được duyệt; Bảo lãnh của ngân hàng; Văn bản của cơ quan quản lý về việc dự án đủ điều kiện được bán… nhưng không nhận được trả lời.
Cuối cùng tôi đến công ty, và họ cho xem hợp đồng hợp tác đầu tư với một đơn vị hợp tác đầu tư dự án này (tức là họ chỉ là B') và được biết họ chưa được bộ chủ quản đồng ý cho hợp tác đầu tư, hợp đồng này ký năm 2012, đến nay đã hết hiệu lực.
Tôi không đồng ý ký hợp đồng đặt cọc và đòi lại tiền. Sau nhiều lần tiếp xúc, thậm chí dọa kiện họ mới đồng ý trả lại tiền… khi chuyển nhượng được căn hộ cho khách hàng khác”.
Việc không tìm hiểu kỹ pháp lý dẫn đến rủi ro trong quá trình giao dịch là tình huống khá phổ biến. Phản ánh đến tòa soạn, khách hàng Đ.N.Đ cho hay, mua đất nền của Công ty TNHH TV - TM - DV Địa ốc Hoàng Quân, hơn 10 năm mà Công ty Hoàng Quân vẫn chưa giao nền và giấy chứng nhận như cam kết.
Lý giải sự chậm trễ ra giấy chủ quyền, Hoàng Quân cho biết, theo nội dung hợp đồng, dự kiến quý II/2005 sẽ bàn giao nền và tháng 12/2005 sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Ngày 28/08/2004, Hoàng Quân ký hợp đồng chuyển nhượng góp vốn để xây dựng nhà ở với ông Đ.N.Đ, nhưng đến ngày 29/10/2004 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ban hành quy định không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới mọi hình thức. Do đó, phải xây nhà, hoàn công rồi mới ra sổ hồng.
Tuy nhiên, khi được hỏi thời điểm ký hợp đồng với khách hàng nói trên, dự án của Hoàng Quân đã có đủ điều kiện pháp lý cần thiết chưa thì Hoàng Quân không có câu trả lời cụ thể mà chỉ cho biết công ty chỉ là đơn vị hợp tác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở đối với một số lô đất tại dự án.
Nhiều khách hàng mua đất tại dự án Anh Tú Garden cũng dở khóc dở cười vì dự án đã hoàn thành cơ sở hạ tầng nhưng không được xây dựng vì chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất. Anh P.H.T, một khách hàng mua đất dự án này cho biết: “Hồi cuối năm 2011, dự án rao bán giá khoảng 6,5 triệu đồng/m2, chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nền sau khoảng 2 tháng. Lúc đó, dự án đã làm xong khoảng 50% cơ sở hạ tầng, mức giá cũng hợp lý. Không ngờ của rẻ là của ôi! May nhờ có người quen tác động nên mới thu được tiền về, chứ nhiều khách hàng giờ tiến thoái lưỡng nan”.
Thực tế nhiều vụ tranh chấp diễn ra cho thấy khách hàng vẫn chưa có thói quen tìm hiểu pháp lý dự án trước khi đặt bút ký. Theo các chuyên gia, các dự án có vấn đề về pháp lý thường thu hút khách bằng chiêu “giá rẻ bất ngờ”, nhưng ẩn sau đó là rất nhiều rủi ro. Người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm. Do đó, khách hàng không nên chỉ vì dự án chào giá quá hấp dẫn mà xuống tiền ngay.
Kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại, nhưng đó là "bình yên trước cơn bão"?
Trong khi giới đầu tư toàn cầu vẫn còn đang hả hê với những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thì Andrew Cloquhoun lại thất vọng tràn trề.
Cloquhoun – giám đốc quỹ Asia Pacific tại Fitch Ratings đã nhìn thấy rủi ro trong hệ thống tài chính tiềm ẩn đằng sau tốc độ tăng trưởng bởi vay nợ của Trung Quốc.
Ông nhận định, “Một số người gọi đó là tăng trưởng ổn định, tôi thì không chắc. Xét trên khía cạnh tín dụng, tốc độ tăng trưởng chậm hơn sẽ làm chúng tôi thấy thoải mái hơn. Chúng tôi không tự tin cho lắm về cam kết cải cách cấu trúc của chính phủ Trung Quốc.”
Trong khi thị trường vốn và hàng hóa toàn cầu vẫn sống dựa vào chỉ báo tăng tín dụng cho vay sẽ giúp ổn định nền kinh tế, vay nợ quá nhiều chỉ làm tăng nợ xấu. Cuối cùng, chính nhân tố đưa nền kinh tế đi lên sẽ kéo tất cả đi xuống.
Cuối tháng trước, cả S&P và Moody đều hạ mức tín nhiệm dài hạn, đồng thời chỉ ra rằng nợ công Trung Quốc đang tăng mà khả năng chính phủ thực hiện cải cách vẫn còn đang bỏ ngỏ. Fitch vẫn giữ độ tín nhiệm của Trung Quốc ở mức cao nhất A+ từ tháng 12.
Tín dụng mới Trung Quốc đạt kỷ lục 4.600 tỷ NDT (712 tỷ USD) trong quý I, vượt xa thời kỳ khủng hoảng tài chính. Tổng khối lượng nợ từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, chính phủ tương đương 247% GDP năm 2015. Năm 2008 là 164%.
GDP tăng 6,7% trong quý I trong khi mục tiêu tăng trưởng của chính phủ là 6,5%-7% cho cả năm.
Colquhoun nhận định, “Khó để đạt được cả hai mục tiêu: tăng trưởng 6,5% và cải cách, bao gồm cả xóa bỏ nợ và giảm năng lực sản xuất dư thừa.”