Nhiều nước tố thép rẻ Trung Quốc bóp méo thị trường
Doanh số bán nhà tháng 3 tại Mỹ tăng cao hơn kỳ vọng
Chi tiết "thương vụ tỷ đô" của Viettel tại Myanmar
PJICO sắp chốt đối tác chiến lược nước ngoài
CEO hãng dầu Nga: Sẽ không có thỏa thuận về sản lượng với OPEC
Tin kinh tế đọc nhanh 21-04-2016
- Cập nhật : 21/04/2016
Google trước nguy cơ bị phạt 7,4 tỷ USD
Google kiếm được khoảng 11 tỷ USD năm 2015 từ doanh số quảng cáo chạy trên điện thoại Android. Android hiện là hệ điều hành phổ biến số 1 trên thế giới. Theo 4 nguồn tin của hãng thông tấn Reuters, Ủy ban Cạnh tranh châu Âu đang tìm hiểu liệu hãng tìm kiếm Internet có lợi dụng vị thế này trong những giao dịch ký kết với các nhà sản xuất thiết bị chạy Android hay không. Nếu vi phạm, Google có thể bị phạt tối đa 7,4 tỷ USD, tương đương 10% doanh thu hãng năm 2015 đồng thời thay đổi hoạt động kinh doanh.
Người đứng đầu cơ quan chống độc quyền châu Âu, Margrethe Vestager, hôm 18/4 cho biết cuộc điều tra tập trung vào các hợp đồng độc quyền trong đó doanh nghiệp dùng ứng dụng riêng của Google và không nhất thiết dựa trên yêu cầu tích hợp trọn bộ phần mềm Google như Tìm kiếm, Bản đồ, Gmail, Google Play.
Dù Android là hệ điều hành nguồn mở, cho phép các nhà sản xuất tự do phát triển và chạy phần mềm riêng, phần lớn điện thoại tại châu Âu đều sử dụng bộ phần mềm và ứng dụng tiêu chuẩn của Google, phải được cấp phép từ Google, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics.
“Lo ngại của chúng tôi là bằng cách yêu cầu nhà sản xuất và nhà mạng tải sẵn bộ ứng dụng Google thay vì để họ quyết định tải ứng dụng nào, Google có thể đã cắt đi 1 trong những con đường chủ chốt để ứng dụng mới tiếp cận khách hàng”, bà Vestager phát biểu trong một hội nghị.
Một năm trước, Liên minh châu Âu từng buộc tội Google ưu tiên dịch vụ mua sắm của mình trong trang kết quả tìm kiếm, cùng lúc với cuộc điều tra có hay không Google lạm dụng quyền kiểm soát Android. Quyết định liên quan đến dịch vụ mua sắm có thể được đưa ra vào nửa sau năm 2016.
Thông thường, Google yêu cầu các đối tác phần cứng ký hợp đồng tuyệt mật. Một số hợp đồng bị lộ không cho thấy Google buộc hãng phải tải sẵn một số ứng dụng Google nhưng lại yêu cầu cài đặt Google Play.
Theo StatCounter, 2/3 số điện thoại di động đang dùng tại châu Âu chạy Android, thiết bị iOS chiếm 27%. Nhà chức trách châu Âu cho biết đã nhận được những đơn khiếu nại chính thức từ 4 đối thủ của Google rằng gã khổng lồ nước Mỹ lợi dụng quyền kiểm soát Android để cản trở cạnh tranh từ các hệ điều hành, nhà sản xuất, nhà mạng và nhà phát triển ứng dụng thay thế.
Luật sư cho vài bên khiếu nại cũng như một số chuyên gia chống độc quyền độc lập nhận định chứng minh Google vi phạm khá dễ vì nó phù hợp với lý thuyết pháp lý đang tồn tại trong luật cạnh tranh châu Âu.
FairSearch, tổ chức do các đối thủ của Google như Microsoft, Nokia, Oracle chống lưng, nộp đơn khiếu nại chính thức đầu tiên vào năm 2013. Tiếp đó, hãng phần mềm chặn quảng cáo Disconnect, kho ứng dụng Android Aptoide, nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm lớn nhất của Nga – Yandex… cũng tham gia vào trận chiến chống lại Google.
Lotte thoái lui khỏi cuộc đua mua lại Big C Việt Nam
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Lotte Shopping đang rút khỏi cuộc đua mua lại chuỗi siêu thị Big C của Việt Nam từ tập đoàn Casino của Pháp.
Nguồn tin cho hay Lotte không thực sự mặn mà với cuộc đua khốc liệt để mua lại chuỗi Big C Việt Nam. Giá trị của thương vụ có thể lên đến 1 tỷ USD.
Đại diện từ Tập đoàn Lotte và Casino từ chối bình luận trước thông tin.
Vòng đấu thầu cuối cùng mua lại Big C Việt Nam sẽ kết thúc trong tuần này. Casino đã nhận hơn 10 lời đề nghị mua lại.
Trung tuần tháng Ba, Bloomberg đưa tin Aeon đang củng cố vị trí dẫn đầu sau khi chào mua với giá hơn 800 triệu USD.
Bên cạnh Aeon, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc, Central của Thái Lan và TCC Holding của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi cũng ngỏ ý quan tâm tới Big C Việt Nam.
Về phần Central Group, theo tin từ trang DealstreetAsia, tập đoàn bán lẻ Thái Lan này cho biết có thể sẽ không tham gia vào thương vụ mua lại Big C Việt Nam từ Casino Group của Pháp vì quá trình này diễn ra quá phức tạp.
Đàm phán Doha thất bại, Nga rục rịch tăng sản lượng dầu thô
Chỉ 2 ngày sau khi thỏa thuận đóng băng sản lượng tại Doha đổ vỡ, Nga đã phát tín hiệu không ngại phải tham gia “trò chơi thách đố” (game of chicken).
Được “giải phóng” khỏi kế hoạch đóng băng sản lượng với các nước thành viên OPEC, các quan chức Nga hôm thứ Ba 19/4 tuyên bố nước này có thể tăng sản lượng cũng như xuất khẩu dầu thô. Sản lượng dầu thô của Nga trong năm 2016 có thể tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 10,81 triệu thùng/ngày, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Kirill Molodtsov cho biết.
“Và tại sao không? Việc tăng sản lượng là hoàn toàn có thể”, ông Molodtsov phát biểu tại Diễn đàn Dầu Khí Quốc gia tại Moscow.
Các cuộc thảo luận giữa các nước sản xuất dầu thô chủ chốt về việc đóng băng sản lượng để hỗ trợ giá tại Doha hôm Chủ nhật 17/4 đã thất bại sau khi Arab Saudi tuyên bố sẽ chỉ đóng băng sản lượng nếu Iran có hành động tương tự. Thỏa thuận đóng băng sản lượng, nếu thành công, sẽ đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa OPEC và Nga trong 15 năm qua trong bối cảnh thừa cung toàn cầu khiến giá dầu lao dốc 60% so với mức đỉnh hồi giữa năm 2014.
Các nhà sản xuất dầu thô của Nga có thể tăng sản lượng ngay cả trong môi trường giá dầu ở mức thấp nhờ chi phí sản xuất không vượt quá 4 USD/thùng, Maxim Nechaev, giám đốc phụ trách thị trường Nga tại IHS Inc - công ty chuyên về phân tích, đánh giá và cung cấp dịch vụ thông tin toàn cầu - cho biết tại Diễn đàn Dầu Khí Quốc gia. “Dù giá dầu ở 45 hay 50 uuDù giá dầu ở 45 hay 50 USD/thùng hoặc thậm chí xuống dưới 35 USD/thùng, chúng tôi [IHS] dự đoán sản lượng dầu thô của Nga năm nay vẫn cao hơn năm ngoái”. Năm 2015, sản lượng dầu thô của Nga tăng 1,5%, theo số liệu của CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga.
Xuất khẩu dầu thô của Nga sang các nước ngoài Liên bang Xô-viết cũ có thể tăng lên 255 triệu tấn trong năm nay, tương đương 5,11 triệu thùng/ngày, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Alexey Teksler cho biết tại Diễn đàn. Mức tăng như vậy, hơn 4%, đồng nghĩa rằng sẽ có thêm 300.000 thùng/ngày được đưa ra thị trường toàn cầu ngay cả khi các nước sản xuất tại Trung Đông dùng mọi cách để giành thị phần. Iran đang nỗ lực tăng sản lượng dầu thô lên ngang bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt, trong khi Arab Saudi tuyên bố có thể “ngay lập tức” tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày.
Tuy Bộ Năng lượng Nga cho rằng nguồn cung dầu thô của nước này có thể tăng, song sản lượng của nước này vẫn đối mặt với nguy cơ sụt giảm vào năm tới trừ khi gánh nặng thuế được tháo gỡ, Leonid Fedun, Phó chủ tịch Lukoil PJSC - hãng dầu khí lớn thứ 2 của Nga - cho biết. Chính phủ Nga trong năm nay đã tăng thuế đánh vào hoạt động sản xuất dầu thô và hủy bỏ kế hoạch hạ thuế xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu mỏ nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách trong bối cảnh Nga đang phải chống chọi với cuộc suy thoái dài nhất trong 2 thập kỷ qua.
Cuộc đàm phán Doha đã giúp ngân sách Nga hưởng lợi, tăng thêm ít nhất 2-3 tỷ USD, dù không thành công vì đã đẩy giá dầu lên và khiến một số nhà đầu cơ tháo chạy khỏi thị trường, ông Fedun cho biết.
Nhiều nước mở cửa thị trường xăng dầu cho đại gia ngoại
Idemitsu và KPI dự định bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam chỉ là một trong nhiều ví dụ về xu hướng quốc tế hoá thị trường năng lượng ở các nước.
Đại gia năng lượng của Nhật - Idemitsu Kosan và đối tác là Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) vừa công bố thành lập Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 tại Việt Nam với mục tiêu phân phối các sản phẩm dầu khí. Theo Idemitsu, công ty này đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ các sản phẩm dầu khí, thông qua việc xây dựng các trạm dịch vụ trên cả nước.
Nếu kế hoạch này được thực hiện Idemitsu Q8 sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Trước đó, thương hiệu năng lượng Pháp - Total cũng đã xuất hiện trên nhiều cây xăng của Việt Nam song chủ yếu mang tính chất quảng bá, thử nghiệm và kinh doanh sản phẩm khác, trong khi thị trường xăng dầu nhiên liệu vẫn là "đất riêng" của các doanh nghiệp nội.
Trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết đơn vị đầu mối được giao xem xét và giải quyết thủ tục cho phía Idemitsu Q8 là Tổng cục Năng lương. Nguồn tin này cũng cho hay việc này là một phần nội dung trong cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư khi Idemitsu và KPI tham gia thực hiện dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo đó, để giúp tiêu thụ sản phẩm của Nghi Sơn, các nhà đầu tư được thực hiện một số quyền về nhập khẩu, phân phối tương ứng với tỷ lệ vốn góp vào dự án. Vị này cũng thừa nhận Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chưa đề cập việc thương nhân nước ngoài tham gia làm đầu mối bán lẻ, song cũng để ngỏ bằng quy định nếu vấn đề gì mà Việt Nam tham gia vào điều ước quốc tế thì thực hiện theo Luật Tham gia ký kết các điều ước quốc tế.
Trước đó, cùng với Việt Nam, năng lượng được coi là "dưỡng khí" của nền kinh tế và là huyết mạch của tăng trưởng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với các nước mới nổi lớn đang trong giai đoạn công nghiệp hóa. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực khá nhạy cảm. Ngành công nghiệp dầu mỏ - khí đốt được rất nhiều nước coi là lĩnh vực chiến lược, nếu nhìn từ góc độ an ninh quốc gia.
Do vậy, các nước thường tỏ ra do dự trước sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài trong ngành này, do nó có thể ảnh hưởng đến chủ quyền về tài nguyên thiên nhiên. Lĩnh vực này cũng nhạy cảm về mặt xã hội, do năng lượng là loại hàng hóa cơ bản. Đầu tư vào năng lượng có thể tác động lớn đến sức khỏe, sự an toàn, môi trường và quyền con người.
Chính vì thế, việc ngành này chịu sự kiểm soát của Chính phủ hơn hầu hết các hoạt động kinh tế khác là điều không mấy ngạc nhiên. Trái với xu hướng chung là cởi mở với vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn chính sách của các nước với năng lượng vẫn là kiểm soát chặt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đang dần thay đổi. Tháng 8/2014, lần đầu tiên sau gần 80 năm, Mexico mở cửa cho các công ty nước ngoài để phát triển ngành dầu khí. BBC cho biết cơ sở hạ tầng xuống cấp, quan liêu và tham nhũng đã ảnh hưởng nặng nề lên hãng dầu quốc doanh Pemex. Sản xuất của hãng này cũng đang đi xuống.
Theo chính sách cải tổ được công bố, phần lớn sản xuất trong nước vẫn do Pemex chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài có thể đấu thầu giành quyền thăm dò, sản xuất và lọc dầu tại các mỏ dầu của Mexico. Trước đó, họ chỉ có thể ký hợp đồng dịch vụ với Pemex. Đây cũng là lần đầu tiên các công ty ngoại được sở hữu dầu mỏ, và các doanh nghiệp được bán sản phẩm mang thương hiệu khác, nhập từ nhà cung cấp khác, ngoài Pemex.
Cuối năm ngoái, Mỹ cũng gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô đã kéo dài 40 năm qua. Theo Economist, động thái mở cửa thị trường này được đánh giá có 3 mục đích. Đầu tiên, nó sẽ tăng thị phần cho dầu thô WTI Mỹ, từ đó lật ngược thế khó cho các hãng sản xuất dầu đá phiến tại đây. Thứ hai, nó sẽ giúp các nhà máy lọc dầu ngoài Mỹ có cơ hội tiếp cận lượng dầu lớn hơn, giúp họ hoạt động hiệu quả hơn. Cuối cùng, WTI sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh với Brent trong vai trò loại dầu tiêu chuẩn của thế giới.
Tại Trung Đông, sau khi được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, Iran đang ra sức kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng nội địa. Quốc gia này cho rằng bất chấp giá dầu thấp, lĩnh vực này sẽ vẫn tạo ra lượng tiền cần thiết để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Iran có trữ lượng khí lớn nhì và dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Vì thế, khi thông tin trên được phát ra cuối năm ngoái, rất nhiều công ty và Chính phủ nước ngoài đã xếp hàng chờ cơ hội kiếm lời từ nền kinh tế đã bị cô lập rất nhiều năm này.
Các công ty nước ngoài được mời tham gia vào nhiều dự án thăm dò, đánh giá, khai thác và sản xuất tại Iran. Trong một buổi họp báo cuối năm ngoái, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran - Bijan Zangeneh cho biết họ sẽ mở cửa 52 mỏ dầu, khí. Sự kiện này đã thu hút tới 130 công ty nước ngoài, trong đó có Royal Dutch Shell, BP, Total, Rosneft và Gazprom.
Tháng 10 năm ngoái, Iran cho biết Royal Dutch Shell và Total là các công ty nước ngoài đầu tiên được cấp phép mở trạm xăng tại Iran. Khoảng 100 giấy phép đã được cấp cho mỗi công ty.
Trong khi đó, ở Đông Nam Á, Indonesia được dự báo là một trong những quốc gia nhập khẩu xăng lớn nhất thế giới trong 5 năm tới, với hơn một triệu ôtô và 8 triệu xe mới được bán mỗi năm. Lượng xăng tiêu thụ tại đây hằng năm là 70 tỷ lít, Reuters cho biết.
Quốc gia này từ lâu đã cho phép các hãng năng lượng nước ngoài kinh doanh xăng tại đây. Tuy nhiên, hãng dầu quốc doanh Pertamia vẫn thống trị thị trường (70%), do sản phẩm rất rẻ nhờ được trợ giá. Shell, Total và Petronas đều đã hiện diện tại đây hơn một thập kỷ. Nhưng sản phẩm của họ chỉ bán được cho các chủ xe giàu có.
Năm 2012, Petronas đã phải rời thị trường Indonesia do doanh số nghèo nàn. Tuy nhiên, cơ hội lớn đang dành cho Total và Shell khi Chính phủ Indonesia ngừng trợ giá nhiên liệu từ đầu năm ngoái. Động thái này nhằm tiết kiệm hơn 8 tỷ USD cho nền kinh tế năm 2015, từ đó giảm thâm hụt ngân sách.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Myanmar cũng khá cởi mở với các trạm xăng của công ty nước ngoài. Sau nhiều thập kỷ đóng cửa khiến nền kinh tế trì trệ, Myanmar đang thực hiện hàng loạt chính sách thu hút đầu tư.
"Chúng tôi sẽ mời các công ty quốc tế lập liên doanh, trong 2 hoặc 3 tháng tới", U Myin Zaw - một lãnh đạo hãng dầu quốc doanh MPPE của Myanmar cho biết năm 2014. Số trạm xăng hợp tác được mở sẽ vào khoảng 40, trong giai đoạn 2015 - 2016. "Chúng tôi muốn có sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả trên thị trường", ông giải thích.
Ô tô con có thể đóng lệ phí trước bạ mức 50%
Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã điều chỉnh như trên. “Giá tính lệ phí trước bạ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Theo dự thảo, giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất vẫn do UBND cấp tỉnh ban hành nhưng giá tính lệ phí trước bạ đối với tài sản khác thì Bộ Tài chính ban hành”. Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về lệ phí trước bạ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã điều chỉnh như trên. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các TP trực thuộc trung ương được ban hành giá tính lệ phí trước bạ. Nhưng dự thảo sửa đổi nêu đối với súng săn, súng thể thao; tàu thủy (kể cả sà lan, canô, tàu kéo, tàu đẩy), thuyền (kể cả du thuyền); mô tô ba bánh, xe máy (kể cả xe máy điện), ô tô (kể cả ô tô điện)… thì Bộ Tài chính ban hành để áp dụng thống nhất trên cả nước. Theo dự thảo, mức thu lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%. Riêng xe máy đăng ký ở các TP trực thuộc trung ương, TP thuộc tỉnh và thị xã nơi UBND tỉnh có trụ sở đóng lệ phí trước bạ lần đầu là 5%. Mức thu từ lần hai trở đi đối với xe máy là 1%. Cũng theo dự thảo, mức lệ phí lần đầu đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) là 10%. Tuy vậy, dự thảo cũng cho phép các địa phương căn cứ vào thực tế mà áp dụng mức thu đến 50%. Khi áp dụng mức cao hơn 10% như đã nêu thì phải được HĐND cấp tỉnh của nơi đó quyết định. Cũng loại ô tô này, mức nộp lệ phí trước bạ cho lần thứ hai trở đi là 2% và áp dụng thống nhất trên cả nước. Thực tế, UBND TP.HCM từng áp mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con cao hơn các địa phương lân cận 5% để góp phần hạn chế xe cá nhân. Việc này dẫn đến nhiều người đưa xe đến các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu… đăng ký rồi chuyển về TP.HCM đăng ký lại (đóng trước bạ mức 2% cho lần này). Vì vậy, TP.HCM đã điều chỉnh lại, thu mức lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con bằng các địa phương khác.