EU phạt các hãng sản xuất xe tải 3,2 tỉ USD vì làm giá
Sau Brexit, người Anh đặc biệt quan tâm đến vàng
EU kiện Trung Quốc ra WTO
Thủ tục làm khó xuất khẩu
Dự báo CPI tháng 7 sẽ chỉ tăng nhẹ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
Không nên dồn vốn vào vàng
Nhìn lại diễn biến thị trường vàng 15 năm qua, giá hàng hóa đặc biệt này biến động rất lớn. Có thời kỳ, giá vàng tăng rất cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian dài (đến mức “vàng bỏ ống cũng có lãi” tới 11 năm (từ năm 2001 đến 2011). Có thời kỳ giá vàng giảm sâu, giảm liên tục và kéo dài tới 3 năm (từ 2013 đến 2015).
Bước sang năm 2016, giá vàng đã tăng trở lại. Từ đầu năm đến ngày 15/6, giá vàng đã tăng 9,67%. Trong những ngày gần đây, giá vàng đã nhảy múa với tốc độ chóng mặt, lúc tăng “phi mã” tới hơn 3 triệu đồng/lượng, cao nhất trong hơn 3 năm, tăng gần 20% so với cuối năm trước, lúc lại giảm vài triệu/lượng... Chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào đã giãn ra rất lớn.
Giá vàng trong nước tăng cao do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là do giá vàng thế giới tăng cao, có lúc lên đến 1.370 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng cao do nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit). Yếu tố này, cùng với một số yếu tố khác, đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất USD và có thể không tăng trong năm nay, thậm chí cả năm 2017.
Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới là SPDR Trust chỉ trong ngày đầu tuần đã mua ròng thêm 3% khối lượng nắm giữ, nâng mức nắm giữ lên 983 tấn, cao nhất trong hơn 3 năm qua...
Một nguyên nhân quan trọng nữa đẩy giá vàng tăng cao gần đây do các yếu tố ở trong nước. Vàng là kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các kênh đầu tư khác trong 6 tháng đầu năm 2016 (USD giảm 0,8%, VN-Index tăng 14,2%, bất động sản tăng 2,03%...). Ngoài yếu tố đầu tư là yếu tố cộng hưởng của tâm lý “tích cốc phòng cơ” và tâm lý mua bán theo đám đông.
Mặc dù giá vàng tăng cao như vậy, song cũng không nên dồn vốn vào vàng. Lý do là, giá vàng thế giới có thể tăng, nhưng khó kéo dài trước xu hướng tăng giá USD. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán hiện khá cao, nếu lướt sóng thì bị chênh lệch này làm giảm lãi. Nhà nước đã có chủ trương giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng đề án huy động vàng trong dân, để vừa có vốn đầu tư, vừa hạn chế tình trạng vàng hóa. Thực tế giá vàng trồi sụt mạnh những ngày gần đây cũng làm cho người giữ vàng hoặc đầu tư vào vàng thận trọng hơn...
Lãi suất khó giảm khi các ngân hàng chạy đua huy động vốn
Dự báo về diễn biến lãi suất trong những tháng tới, các chuyên gia ngân hàngđều cho rằng, lãi suất tiếp tục đứng ở mức cao và có xu hướng tăng nhẹ.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm, việc giảm lãi suất là khó khăn, các ngân hàng chỉ có thể cố gắng giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay.
Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, không phải đến thời điểm này, mà lãi suất tiết kiệm đã tăng trong 2 quý đầu năm và sẽ chưa dừng lại trong nửa cuối năm 2016.
“So với lạm phát thì hiện người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương và khi lạm phát tăng lên trong thời gian tới như các dự báo, thì lãi suất cũng sẽ đi lên”, ông Minh nói.
Lãi suất tiết kiệm tăng tác động lên lãi suất cho vay, cho dù các nhà băng đang rầm rộ kích cầu tín dụng bằng các gói lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, lãi suất thực khách hàng phải trả bắt đầu theo chiều hướng tăng lên.
Thực tế, làn sóng tăng lãi suất huy động tiếp tục diễn ra trong những ngày qua khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2 - 0,3% ở nhiều kỳ hạn nhằm hút khách gửi tiền. Thị trường đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng vào cuối tháng 6/2016, như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7%/năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn tăng 0,1 -0,2%/năm; với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3%/năm.
Mới đây nhất, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp, nhưng các kỳ hạn 5 - 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2 - 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên 5,5 - 6,8%/năm.
Ngoài ra, ở một số ngân hàng nhỏ và cả nhà băng có vốn nhà nước như Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới, tăng 0,1%.
Không chỉ tăng lãi suất trực tiếp, các ngân hàng còn gia tăng khuyến mãi nhằm thu hút tiền nhãn rỗi. Từ ngày 13/7, khách hàng cá nhân hay tổ chức chỉ với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng, kỳ hạn gửi từ 13 tháng trở lên sẽ có cơ hội trúng thưởng lớn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).
Đáng chú ý hơn, trong thời gian gần đây, đã tái xuất hiện tình trạng cộng thêm biên độ lãi suất ngoài mức công bố chính thức của ngân hàng. Tuy không rầm rộ, song cuộc cạnh tranh về lãi suất huy động vốn vẫn tiếp tục nóng dần giữa các nhà băng, nhất là với những ngân hàng nhỏ. Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.
Theo TS. Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), trước diễn biến của thị trường hiện nay, nhất là việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã có những tác động nhất định đến một số kênh đầu tư(chứng khoán, vàng, tỷ giá…), thì an toàn hơn hết vẫn là kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, với lãi suất trung bình có thể đạt đến trên 8%/năm trong thời gian tới đây.
Trong khi đó, theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á quý III/2016 của Ngân hàng HSBC vừa công bố, lạm phát toàn phần trung bình của Việt Nam ở mức 0,6% trong năm 2015, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, CPI toàn phần đã tăng từ 0,8% trong tháng 1/2016 lên 2,4% trong tháng 6/2016.
Theo HSBC, lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2,0% trong một năm qua, nhưng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng thuyết phục hơn trong năm 2017, lạm phát toàn phần sẽ chạm mốc 4,9% vào cuối năm. Điều này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi trông đợi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất trước khi tiến hành đợt tăng đầu tiên vào quý III/2017”, HSBC phân tích.(BĐT)
Nhận diện những mặt trận MobiFone sắp "tấn công tổng lực"
“Thay đổi hay là chết”
MobiFone - nhà mạng có “lối đá” đơn điệu, chỉ biết khai thác thu dịch vụ từ di động đang có những chuyển mình, trở lại đường đua trước các đối thủ cạnh tranh như Viettel, VNPT khi áp dụng chiến thuật pressing tổng lực - tấn công cả ở “mặt trận” truyền hình, công nghệ mới 4G, bán lẻ, hạ tầng cáp quang.
Cách đây không lâu, chính Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhận xét rằng, công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông vẫn đang liên tục phát triển, thay đổi với tốc độ nhanh chóng; sự hội tụ giữa viễn thông và phát thanh, truyền hình ngày càng diễn ra mạnh mẽ; nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng trong lĩnh vực khác nhau ngày càng gia tăng; kết nối vô tuyến giữa máy với máy trong Internet cho vạn vật (Iot) phát triển nhanh trong thời gian tới… đòi hỏi các nhà mạng phải chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu không muốn bị đối thủ bỏ lại sau lưng.
.
Xu hướng hội tụ cố định và di động FMC (Fixed Mobile Convergence), sự hợp nhất các công nghệ hữu tuyến, vô tuyến và di động đang lan rộng từ châu Âu đi khắp thế giới. Các đại gia viễn thông như Orange (Pháp), Vodafone, Telekom (Austria) liên tục thực hiện hoạt động mua bán, sáp nhập các hãng truyền hình, cáp quang để tích hợp thành dải sinh thái của riêng mình, cung cấp đa dịch vụ dưới một thương hiệu.
MobiFone cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Năm 2014, khi tách ra từ Tập đoàn VNPT, tài sản mà MobiFone có chỉ là 40,2 triệu thuê bao di động, không có hạ tầng trạm BTS và phải đi thuê, không có Internet cố định để kinh doanh các mảng gia tăng khác. Để duy trì và phát triển kinh doanh trong bối cảnh không có hạ tầng, không có hệ sinh thái trong khi xu hướng OTT, mạng xã hội lấn át, làm giảm doanh thu viễn thông truyền thống, MobiFone buộc phải chuyển mình.
Chiến lược mới, khát vọng mới
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone khẳng định, MobiFone chuyển chiến lược từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang kinh doanh đa dịch vụ. Tâm điểm năm 2016 của MobiFone sẽ là cổ phần hóa, bán lẻ, 4G, IoT. Theo đó, MobiFone sẽ tập trung vào đầu tư hạ tầng viễn thông, triển khai nhanh 4G, xây dựng nguồn nhân lực CNTT và truyền hình. Mục tiêu đặt ra là đạt doanh thu 100.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Hai năm qua, MobiFone đã chuẩn bị cho một chiến lược mới đón đầu xu thế này. Chiến lược xây dựng hệ sinh thái phục vụ 4 lĩnh vực phát triển trong tương lai là viễn thông - công nghệ thông tin, kênh phân phối bán lẻ, truyền hình và đa dịch vụ được MobiFone nhanh chóng khởi động.
Ngày 1/7, MobiFone đã đồng bộ ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc – Nam sau 6 tháng xây dựng, một tốc độ kỷ lục tại Việt Nam và đồng thời thử nghiệm dịch vụ 4G, công bố truyền hình MobiTV.
Việc có riêng “hệ thống hạ tầng giao thông” của mình đồng nghĩa với việc MobiFone đã tự chủ, chủ động kinh doanh trên hạ tầng của mình. Mặt khác, đường truyền dẫn tốt sẽ giúp MobiFone bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ viễn thông lên 4G, băng thông kết nối liên tục tăng cao, gấp 10 đến 100 lần so với công nghệ 2G/3G hiện tại. Tạo điều kiện mở rộng kinh doanh, cung cấp hàng loạt các dịch vụ công nghệ mới như truyền hình, CNTT, cung cấp dịch vụ kết nối, thương mại điện tử…
Với mạng 4G, MobiFone đã làm việc với các đối tác có kinh nghiệm triển khai 4G trên toàn thế giới như Samsung, Ericsson triển khai thử nghiệm thành công đạt tốc độ dowload/upload tối đa 225Mbps/75Mbps, trong điều kiện thử nghiệm tiêu chuẩn với các thiết bị chuyên dụng, tốc độ 4G có thể đạt đến mức 700Mbps. Điều này đặt nền móng cho việc triển khai hàng loạt dịch vụ 4G sắp tới.
Hệ thống cáp quang chạy suốt Bắc Nam, công nghệ 4G tốc độ cao sẽ là nền tảng để MobiFone phải triển mảng truyền hình với MobiTV. Xem ti vi trên nền tảng 4G xu thế trải nghiệm đa màn hình để phát triển những nội dung riêng đặc sắc là “đặc sản” mà MobiFone sẽ mang đến cho khách hàng trong thời gian tới.
Với việc ra mắt đường truyền dẫn Bắc - Nam, 4G và truyền hình MobiTV, những mảnh ghép cuối cùng đã hội tụ trong hệ sinh thái của MobiFone.
Bằng việc cùng lúc khai trương, ra mắt 3 sự kiện này, MobiFone không chỉ “mở rộng chiến tuyến”, mà đã áp sát, tấn công vào các lĩnh vực mới như truyền hình, Internet cáp quang, bán lẻ, dịch vụ 4G là những sản phẩm thời thượng, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường hiện nay.(BĐT)
Tình cảnh thua lỗ tại SBIC: Có công ty không đủ kinh phí duy trì bộ máy phục vụ công tác giải thể
Thị trường nội chật chội
Cho đến thời điểm này, nguy cơ vỡ một loạt chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 của SBIC đang dần hiển hiện.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến hết tháng 6/2016, giá trị sản xuất công nghiệp đóng tàu của SBIC chỉ đạt 2.137 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm; trong đó, Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại đạt 1.455 tỷ đồng, bằng 27,4% kế hoạch năm.
Đây là kết quả rất đáng quan ngại nếu biết rằng, SBIC đã lên kế hoạch đạt giá trị sản xuất cho năm 2016 là 7.858 tỷ đồng; doanh thu và thu nhập khác đạt 7.347 tỷ đồng. Không còn các tàu biển cỡ lớn tải trọng hàng chục ngàn DWT, người khổng lồ trong ngành đóng tàu ngày nào giờ phải “cúi lưng nhặt bạc cắc” từ các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép vài trăm tỷ đồng nhưng vẫn rất khó khăn.
“Thị trường đóng tàu trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục gặp khó khăn, do đó việc xúc tiến thương mại để ký hợp đồng không như dự kiến ban đầu”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết.
Từ 2 năm nay, các đơn hàng chính của SBIC là các dự án đóng tàu sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, năm nay, do việc cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nhiều dự án đóng mới tàu của các đơn vị đã giãn tiến độ theo kế hoạch bố trí vốn; chương trình đóng tàu cá theo Nghị định số 67/NĐ-CP, do vướng mắc về cơ chế như thuế VAT, bảo lãnh… nên việc triển khai ký hợp đồng của các đơn vị không theo được kế hoạch đề ra.
Ngay cả khi những vướng mắc này được tháo gỡ, SBIC cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân vốn cũng đang quay quắt vì thiếu việc làm đang diễn ra trên diện rộng trong ngành đóng tàu.
Với lực lượng lao động lên tới 14.000 người, năng suất lao động của SBIC hiện rất thấp, chỉ loanh quanh khoảng 80 triệu đồng/người/quý, khiến bài toán duy trì thu nhập hàng tháng 6,2 triệu đồng/người đề ra vào đầu năm thực sự là một áp lực lớn cho lãnh đạo Tổng công ty.
Tính đến hết quý I/2016, Tổng công ty đang nợ lương 80 tỷ đồng. Nợ hơn 130 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chưa bao gồm tiền khoanh nợ là 224,2 tỷ đồng). Trong đó, hầu hết các đơn vị đều có nợ như Phà Rừng, Đà Nẵng, Bạch Đằng...
Chỉ dám ngóng gia công ở thị trường quốc tế
SBIC không cho biết là liệu có tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhưng với các đợt chào hàng với đối tác Nga (tàu đa năng 5.190 tấn; container 700 TEU); Samsung C&T (tàu chở than 30.000 DWT) chưa đem lại kết quả cụ thể, nhiều khả năng “ông lớn” này sẽ phải sớm báo cáo Bộ chủ quản hạ một loạt chỉ tiêu quan trọng, trong đó có doanh thu và lợi nhuận.
Ông Sự cho biết, hai trở ngại lớn nhất của SBIC khi tham gia thị trường đóng tàu quốc tế là khả năng chào giá (bao gồm khả năng chào hàng kỹ thuật, bóc tách khối lượng, dự toán chi phí sản xuất một cách chính xác, kịp thời) và khả năng tài chính, bao gồm thu xếp bảo lãnh và vốn lưu động để có mức chi phí tài chính hợp lý. Ở điều kiện hiện tại, các nhà máy của SBIC chỉ có thể tham gia thị trường quốc tế dưới hình thức gia công.
“Mặc dù việc tìm kiếm đối tác chấp nhận hình thức này là hết sức khó khăn vì rất ít khách hàng chịu gánh phần lớn rủi ro của gói thiết bị, vật tư cho nhà máy đóng tàu, trong khi họ có nhiều lựa chọn đóng tàu hoàn chỉnh từ các quốc gia khác, nhưng trước mắt SBIC vẫn phải tập trung tiếp thị mô hình này và nắm bắt mọi cơ hội khi có khách hàng quan tâm”, ông Sự cho biết.
Liên quan tới công tác tái cơ cấu, SBIC nhận định, việc cổ phần hóa 7 nhà máy đóng tàu thuộc diện giữ lại là Hạ Long, Phà Rừng, Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Thịnh Long, Cam Ranh, Bạch Đằng, Hàng hải Sài Gòn đang bị vướng do các đơn vị này đều đang âm vốn chủ sở hữu, thậm chí có đơn vị âm vốn chủ sở hữu rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Sự, việc thực hiện giải thể các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tất cả các đơn vị đều kinh doanh thua lỗ hoặc đã ngừng hoạt động. Thậm chí, nhiều đơn vị giải thể hiện nay không có kinh phí để duy trì bộ máy phục vụ cho công tác giải thể.
Cũng theo SBIC, tuy sản phẩm, giá trị sản xuất và doanh thu trong các năm 2013, 2014, 2015 và quý I/2016 đều cao hơn năm trước, nhưng Tổng công ty vẫn tiếp tục lỗ do thực hiện tái cơ cấu nợ, chi phí phải trả lãi vay cao và chênh lệch tỷ giá là do từ các khoản nợ cũ đem lại, thanh lý nguồn tài sản, vật tư, thiết bị tồn đọng, hư hỏng không có nhu cầu sử dụng...(BĐT)