Mở rộng thị trường ngách tránh rủi ro trong xuất khẩu giày, dép
Ước tính lạm phát của Malaysia giảm 1,8% trong tháng 6
Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu nhiều đường
GAS: Quý 2 lãi ròng 1,691 tỷ đồng, giảm 35%
KDC 6 tháng mảng kem chiếm 75% tổng doanh thu
Tin kinh tế đọc nhanh tối 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
Ukraine hy vọng nhận thêm 4 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Ngày 17/7, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Aleksandr Danhiluk bày tỏ hy vọng từ nay cuối năm nay, Kiev sẽ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân khoản vay trị giá khoảng 4 tỷ USD.
Theo ông Danhiluk, Ukraine hy vọng IMF sẽ quyết định khoản vay tiếp theo cho nước này trong tháng Bảy và Kiev sẽ nhận được tiền trong tháng Tám.
Trước đó, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman tuyên bố tới cuối năm nay Kiev sẽ nhận được từ IMF khoản vay 1,7 tỷ USD.
Tháng Ba năm ngoái, IMF đã thông qua gói tín dụng trị giá 17,5 tỷ USD cho Ukraine và dự kiến giải ngân trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, sau đợt đánh giá đầu tiên, IMF mới chỉ 2 lần giải ngân cho Ukraine tổng công 6,7 tỷ USD và nước này không được nhận thêm khoản tiền nào kể từ nửa cuối năm 2015.
Giữa tháng Năm vừa qua, IMF đã đồng ý trên nguyên tắc giải ngân khoản tiếp theo trị giá 1,7 tỷ USD cho Ukraine, vốn bị trì hoãn do tình trạng chính phủ bất ổn và vấn nạn tham nhũng hoành hành tại quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, khoản vay mới chỉ được giải ngân sau khi có sự phê chuẩn chính thức của Ban Giám đốc IMF, dự kiến trong tháng Bảy này.
Theo đánh giá của IMF, Ukraine đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn sẽ là "bài sát hạch" khó đối với chính phủ Kiev nhằm lấy lại được sự ủng hộ quốc tế
Chứng khoán Mỹ lại lập đỉnh mới nhờ cổ phiếu công nghệ, ngân hàng
Chứng khoán Mỹ phiên 18/7 lập đỉnh mới nhờ lợi nhuận của Bank of America tốt hơn dự đoán và sự sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 16,5 điểm, tương ứng 0,09%, lên 18.533,05 điểm, ghi nhận phiên tăng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng 5,15 điểm, hay 0,24%, lên 2.166,89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 26,20 điểm, tương đương 0,52%, lên 5.055,78 điểm.
Khoảng 5,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn đáng kể so với 7,7 tỷ cổ phiếu bình quân trong 20 phiên vừa qua, theo số liệu của Thomson Reuters.
Tuần trước, S&P 500 và Dow Jones đã lập kỷ lục mới lần đầu tiên tiên trong hơn một năm qua, bất chấp bất ổn kinh tế, kể cả việc người Anh bỏ phiếu ra khỏi EU.
Thỏa thuận mua lại hãng thiết kế chip ARM Holdings trị giá trị 32 tỷ USD của SoftBank đã giúp đẩy tăng giá cổ phiếu chip và lĩnh vực công nghệ đóng góp lớn nhất vào đà tăng của S&P 500. Chỉ số Nasdaq tăng tốt hơn so với S&P và Dow Jones.
Báo cáo lợi nhuân của Bank of America tiếp tục tạo đà cho các ngân hàng Mỹ. Cổ phiếu Bank of America tăng 3,3%, giúp chỉ số tài chính S&P 500 tăng 0,4%.
Lợi nhuận của các công ty S&P 500 trong quý II/2016 được dự đoán giảm 4,5% và ngày càng nhiều công ty có lợi nhuận được dự đoán sẽ vượt ước tính, theo số liệu của Thomson Reuters.
Lợi nhuận quý III được dự đoán tích cực, tăng 1,5% và lợi nhuận quý IV tăng 9,1%.
Lĩnh vực nguyên vật liệu tăng 0,7% chủ yếu nhờ cổ phiếu Monsanto tăng 2,9%. Reuters đưa tin, Monsanto đang bí mật đàm phán với Bayer AG sau khi Bayer nâng giá trị mua lại lên hơn 64 tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc "bơm" tiền vào thị trường
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 18/7 đã "bơm" tiền vào thị trường liên ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản.
PBOC đã đưa 50 tỷ nhân dân tệ (7,6 tỷ USD) vào thị trường thông qua các thỏa thuận bán và mua lại cổ phiếu (repo) với thời hạn 7 ngày, theo đó các ngân hàng trung ương mua cổ phiếu của các ngân hàng thông qua thỏa thuận bán lại với lãi suất 2,25% khi đáo hạn.
Trong năm nay, PBOC đã thường xuyên áp dụng hình thức repo và các giao dịch tiền mặt khác nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm tiền mặt trên thị trường, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc./.
Đại diện ngân hàng Cuba và Mỹ tiến hành đối thoại sau 50 năm
Theo phóng viên TTXVN tại Cuba, các đại diện ngành ngân hàng của Cuba, Mỹ và một số nước thứ 3 vừa tiến hành đối thoại lần đầu tiên sau hơn 50 năm tại thủ đô La Habana.
Các bên đã trao đổi về các yếu tố hợp thành hệ thống ngân hàng - tài chính của Cuba và Mỹ, các biện pháp chống rửa tiền, công tác giám sát, cũng như các chính sách của Cuba trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và dân chúng, bao gồm cả các hình thức kinh doanh phi nhà nước mới ra đời.
Đại diện ngành ngân hàng Mỹ đã giải thích về khung điều tiết hiện tại và những tác động lên các giao dịch ngân hàng và tài chính với các thực thể Cuba; trong khi lãnh đạo một số ngân hàng của các nước thứ 3 có quan hệ với Cuba đề cập tới kinh nghiệm chuyên môn trong hợp tác với các đồng nghiệp tại La Habana.
Đại diện phía Cuba cũng trình bầy đánh giá tác động của cuộc bao vây cấm vận lên các giao dịch ngân hàng quốc tế của Cuba và hiện trạng vẫn chưa thể thực hiện việc thanh toán hay chuyển khoản bằng dồng USD, bất chấp các biện pháp mà Chính phủ Mỹ tuyên bố hồi tháng 3 vừa qua trong đó cho phép việc sử dụng “đồng bạc xanh” của nước này đối với Cuba./.
ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển châu Á
Ngày 18/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển ở ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay xuống 5,6%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra trước đó, do kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và những cú sốc trong ngắn hạn từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của 45 nền kinh tế đang phát triển trong khu vực ở mức 5,7% cho năm tới.
Đối với khu vực Đông Á, dự báo tăng trưởng được giữ ở mức 5,7% trong năm nay và 5,6% trong năm tới, với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn đang trên đà đạt nhịp độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2016 và 6,3% trong năm 2017.
Theo dự báo, Nam Á sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong cả hai năm, với Ấn Độ có khả năng tăng trưởng 7,4% trong năm nay và 7,8% trong năm tới, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh và tăng trưởng trong kinh tế nông thôn khá hơn.
Ở Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng vẫn được giữ nguyên ở các mức tương ứng 4,5% và 4,8%, với tình hình của hầu hết các nền kinh tế ổn định trong nửa đầu năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng. Với khu vực Trung Á, việc giá hàng hóa vẫn thấp và suy thoái ở Nga làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay bị hạ từ 2,1% xuống 1,7% và năm tới sẽ tụt từ mức ước tăng 2,8% xuống 2,7%. Về khu vực Thái Bình Dương, mức tăng trưởng của các nước đang phát triển năm nay được dự báo sẽ giảm xuống 3,9%, so với mức tăng 7,1% của năm 2015.
Shang-Jin Wei, nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết, mặc dù Brexit đã ảnh hưởng đến đồng tiền và các thị trường chứng khoán của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế thực trong ngắn hạn dự kiến sẽ không lớn. Tuy nhiên, trước triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nước công nghiệp phát triển, các nhà hoạch định chính sách vẫn cần tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị để đối phó với những cú sốc bên ngoài nhằm đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của khu vực.