Miniso sắp vào Việt Nam là thương hiệu Trung Quốc mượn danh Nhật Bản?
Brexit có thể ngăn cản phục hồi thị trường dầu mỏ?
Start-up Việt được rót vốn triệu đôla từ cựu lãnh đạo Alibaba
Hàng triệu người Việt Nam có thể mất việc vì người máy
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
World Bank tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Việt Nam từ 6,2% xuống mức 6%.
Nguyên nhân của sự cắt giảm dự báo được định chế tài chính này đưa ra là do tác động nghiêm trọng của hạn hán tới ngành nông nghiệp và tốc độ công nghiệp hóa diễn ra còn chậm chạp, Reuters đưa tin.
Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 6, WB cũng hạ dự báo tăng trưởng năm nay từ 6,6% xuống mức 6,2%.
Lạm phát năm 2016 cũng được WB dự báo sẽ tăng lên 4% so với mức dự báo trước đó là 3,5%. Mức tăng này được cho là do nhu cầu trong nước gia tăng và sự điều chỉnh giá dịch vụ như y tế, giáo dục của Chính phủ.
WB kỳ vọng lạm phát nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên 4,5% trong năm 2017, cao hơn so với dự báo trước đây là 3,8%.
Điện máy Trần Anh báo lãi 6 tháng tăng 75%
6 tháng đầu năm, TAG đạt lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ.
CTCP thế giới số Trần Anh (mã TAG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2016.
Quý II, Trần Anh đạt 1.0934 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ số lợi nhuận gộp/doanh thu thuần đạt 11%, tăng nhẹ so với kỳ trước.
Lợi nhuận sau thuế trong quý II của Trần Anh đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 42%.
Lũy kế 6 tháng, TAG đạt doanh thu thuần 2.240 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 75% so với cùng kỳ.
Theo TAG, kết quả này có được là nhờ các siêu thị mới mở cửa cuối năm 2015 đã đi vào hoạt động ổn định. Trần Anh cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới siêu thị, gia tăng thị phần ở miền Bắc.
Song song với việc mở rộng mạng lưới, chi phí lãi vay cũng tăng gấp đôi, từ mức 2,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái lên 6 tỷ đồng.
Tuy vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm 13 tỷ đồng so với đầu năm, còn hơn 638 tỷ tại ngày 30/6.
Dầu Tường An báo lãi nửa năm chỉ tăng 3,6%
Lợi nhuận sau thuế trong quý II đạt 17 tỷ đồng, chỉ tương đương mức cùng kỳ.
CTCP Dầu thực vật Tường An (mã TAC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2016.
Trong quý II, Tường An đạt hơn 905 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Kết quả này đưa doanh thu thuần 6 tháng đạt 1.884 tỷ đồng, tăng 7,9% so với nửa đầu năm ngoái.
Tuy vậy, do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp 6 tháng giảm 7%. Hệ số biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm nay đạt 9%, thấp hơn so với cùng kỳ.
Trong quý II, công ty phát sinh khoản thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán VPK, đưa doanh thu tài chính từ đầu năm đến nay đạt hơn 10 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế trong quý II đạt 17 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Cả năm, dầu Tường An đạt 37,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chỉ tăng 3,6%.
Tường An đề ra kế hoạch năm nay đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.750 tỷ đồng và 65 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận.
Tại ngày 30/6, toàn bộ nợ phải trả của TAC đều là nợ ngắn hạn, ở mức 739 tỷ đồng, giảm 39 tỷ đồng so với đầu năm.
FPT hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ với đối tác châu Âu
Tập đoàn FPT vừa ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh doanh toàn cầu với Công ty Gratex International (GTI) của Slovakia.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Robert Fico và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Theo thỏa thuận này, cả hai sẽ hợp tác phát triển kinh doanh trên phạm vi toàn cầu, trước hết là tại khu vực châu Âu, châu Á, Úc và châu Phi. Đồng thời, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực CNTT có kinh nghiệm chuyên sâu… Hai bên kỳ vọng, thỏa thuận hợp tác sẽ mang lại dự án toàn cầu trị giá hàng triệu euro cho hai công ty trong thời gian tới.
GTI là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực CNTT tại Slovakia có trụ sở tại thủ đô Bratislava và chi nhánh tại Sydney (Úc), văn phòng đại diện tại Seoul (Hàn Quốc). Lĩnh vực hoạt động chính là tài chính, trong đó có bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hành chính công, y tế.
Bên cạnh đó, FPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện nghiên cứu Tin học Sovakia (Institute of Informatics, Sovak Academy of Sciences - IISAS) nhằm nghiên cứu phát triển, triển khai, cải tiến các dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 3 năm kể từ ngày ký.
IISAS được thành lập năm 1999, có bề dầy kinh nghiệm tham gia các dự án nghiên cứu quốc gia và quốc tế trong các lĩnh vực điều khiển, vi điện tử.
Được biết, năm 2014, FPT đã thực hiện thương vụ M&A đầu tiên khi mua lại công ty RWE IT và đổi tên thành FPT Slovakia. Hiện FPT Slovakia có 360 cán bộ nhân viên đang làm việc tại Slovakia, Czech, Đức và Việt Nam.
FPT đặt mục tiêu đạt 1 tỉ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2020. Cùng với Nhật Bản, Mỹ, châu Âu được kỳ vọng sẽ trở thành một trong trong những thị trường chính của Tập đoàn. Trong 5 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ thị trường châu Âu tăng trưởng 11%, đạt 251 tỉ đồng, chiếm 11,4% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT.
Nhà đầu tư bất động sản "tạm ngưng" giữa bất ổn chính trị toàn cầu
Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã khiến lượng giao dịch bất động sản giảm 32% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo số liệu mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường bất động sản toàn cầu JLL, tổng giá trị giao dịch bất động sản toàn cầu nửa đầu năm nay đạt 281 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ.
Giao dịch tại châu Mỹ giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn bị ảnh hưởng bởi mức tăng trưởng chậm ở Mỹ.
Nhân tố chính hỗ trợ thị trường toàn cầu trong quý I là khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý thị trường, dẫn đến việc các hoạt động đầu tư đã giảm hơn 28% so với cùng kỳ. Riêng giao dịch ở Trung Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt tới 39% và 20%.
Hoạt động đầu tư được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong vòng 6 tháng tiếp theo. JLL dự đoán khối lượng giao dịch toàn cầu năm 2016 sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD, thấp hơn 15% so với giá trị năm 2015.
Ông David Green Morgan, Giám đốc Nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu tại JLL, cho rằng 2016 có thể sẽ là một năm mà chính trị đóng vai trò then chốt quyết định đến tâm lý đầu tư và hoạt động của thị trường toàn cầu.
"Đây có thể chỉ là sự điều chỉnh tạm thời sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường bất ổn xét về tâm lý nhà đầu tư, đã tạo nên nhiều lý do để ngưng các quyết định đầu tư", ông nói.
Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã khiến lượng giao dịch giảm 32% so với nửa đầu năm ngoái.
Ông cho biết thêm: “Mặc dù tình hình chính trị tại Anh vẫn đang tiếp tục được điều chỉnh sau Brexit, nhưng những ảnh hưởng này không tác động nhiều đến Châu Âu, và các thị trường như Pháp, Bắc Âu cũng như Trung và Đông Âu (CEE) vẫn hoạt động rất tích cực".
Do đó, JLL dự đoán vẫn còn những nguồn vốn dồi dào sẵn sàng được đầu tư vào thị trường bất động sản, nhưng bằng cách nào để sử dụng lượng vốn đó mà không đẩy giá thị trường lên quá cao lại là một chuyện khó.