Vốn Nhật đổ mạnh vào nông nghiệp Việt Nam
Google vừa có chiến thắng quan trọng trước Amazon: 'Dụ dỗ' được Apple
Lỗ 3 năm liên tiếp, công ty khoáng sản của ông Đặng Thành Tâm sắp bị hủy niêm yết
Thị trường thép náo loạn vì đầu cơ
Đã hoàn một phần thuế cho doanh nghiệp
Tin kinh tế đọc nhanh 12-05-2016
- Cập nhật : 12/05/2016
Mỹ, EU lo ngại thiếu hụt cá tra ở Việt Nam
Tháng 4/2016, giá cá tra Việt Nam tăng trong khi nguồn cung trong nước thấp.
Một số nguyên nhân đẩy giá cá tra giá tăng mạnh trong tháng 3 và tháng 4 là: phản ứng trước những thay đổi trong quy định tại Mỹ; việc giá tăng như thường lệ do nhu cầu phục vụ cho Triển lãm Brussels tăng; và điều kiện khí hậu thất thường ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Rens Elderkamp, quản lý chiến lược nguồn ứng của Anova Seafood, việc giá tăng không có gì khác lạ do độ mặn ở vùng ĐBSCL tăng lên vào thời điểm này của năm, tuy nhiên, tình trạng năm nay tệ hơn. Trung Quốc đã đóng cửa con đập trên thượng nguồn sông Mekong, làm cho nguồn nước chảy sang Lào, Campuchia, và ĐBSCL Việt Nam ít hơn. ĐBSCL gồm 9 tỉnh, trong đó 3 tỉnh gần biển thường có độ mặn tăng lên trong thời điểm này.
Vùng ĐBSCL chủ yếu nuôi tôm, nếu độ mặn cao hơn sẽ làm chậm sự tăng trưởng của tôm đôi chút. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước năm nay làm 9 tỉnh thành của ĐBSCL đều bị ảnh hưởng, gây chết cá trong các trại nuôi cá tra. Hơn nữa, điều này có thể lặp lại vào các tháng 2, 3, và 4 hàng năm.
Giá cá tra năm 2015 giảm kỷ lục, tuy nhiên, do thiếu nguồn nguyên liệu hiện tại đã đẩy giá cá tra tăng lên nhanh chóng.
Giá cá tra tăng một phần là do ảnh hưởng từ sự thay đổi trong quy định của Mỹ, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đảm nhiệm thanh tra cá tra NK. Các nhà XK cố gắng xuất hàng nhiều nhất có thể trước khi quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/3. Kết quả đến nay, khi lượng hàng xuất ít đi đã gây ra nhu cầu cá tra cao và giá tăng.
Đầu tháng 4, công ty Hùng Hậu cho biết, giá XK cá tra philê tăng 0,30 USD/kg, lên 2,20-2,30 USD/kg (100% khối lượng tịnh, giá FOB sang EU từ thành phố Hồ Chí Minh).
Các nhà máy thu mua cá tra nguyên liệu cho sản xuất. Một số ý kiến cho rằng điều này có thể đẩy giá cao hơn nữa, trong khi nhu cầu mặt hàng này chưa phải quá mạnh.
Giá cá tra nguyên liệu có thể đã đạt tới đỉnh điểm. Elderkamp cũng cho rằng, vấn đề nhiễm mặn năm nay sẽ qua, và thị trường Mỹ cũng sẽ đi vào ổn định.
Một người nuôi tại ĐBSCL cho biết, giá cá tra nguyên liệu tăng, từ 17.000-18.000 VND/kg đầu năm (0,75- 0,80 USD/kg) lên 21.000-22.000 VND/kg trong tháng 4.
Một số nguồn tin cho biết, nguyên nhân giá tăng là do nhiều người nuôi giảm sản xuất sau một năm giá cá tra thấp, từ năm 2015 đến đầu năm 2016.
Theo trang web của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ (USSEC), nhiều trang trại Việt đã chuyển từ nuôi cá tra sang các loài khác phục vụ cho thị trường trong nước, đã gây ra "sự thiếu hụt cá tra nghiêm trọng ".
Theo các chuyên gia tư vấn DN, đây là lần đầu tiên trong 10 năm mà ngành cá tra phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nguyên liệu.
Theo Frans Zeeman, giám đốc thu mua của Seafood Connection, nhiều người nuôi giảm sản lượng cá tra do giá thấp. Ông cũng hy vọng giá sẽ quay trở lại mức ổn định.
Vấn đề duy nhất ở đây là nhu cầu thị trường vẫn ổn định, vì vậy chúng ta phải chờ xem phản ứng của thị trường sẽ như thế nào. Seafood Connection đã nhích giá mặt hàng này lên, và khách hàng phải chấp nhận mức tăng này.
Theo tỷ giá USD- EUR hiện nay, việc giá cá tra Việt Nam tăng chưa thực sự ảnh hưởng nhiều đến châu Âu.
Tuy nhiên, Don Kelley, quản lý thu mua của Western Edge Seafood, cảnh báo "đừng bao giờ thờ ơ với tình trạng thiếu hụt cá tra".
Khai thác tiềm năng, phát triển logistics
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Trị năm 2016, tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, những lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả.
Theo TS. Trần Du Lịch, Quảng Trị có hệ thống giao thông rất thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Theo đó, địa phương có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy xuyên qua tỉnh theo hướng Bắc - Nam, Quốc lộ 9 gắn với Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo chạy theo hướng Đông - Tây. Cảng Cửa Việt được đầu tư nâng cấp có thể đón tàu có trọng tải 5.000 đến 6.500 DWT.
Ngoài ra, cảng biển Mỹ Thủy có khả năng đón tàu có trọng tải 50.000 DWT đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng cảng Mỹ Thủy, góp phần phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua tuyến đường Xuyên Á…
Chưa hết, việc cửa khẩu La Lay được nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế La Lay, cũng góp phần để Quảng Trị thúc đẩy logistics phát triển. Bởi, sau khi nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, tuyến đường nối từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Khu kinh tế Đông Nam và Cảng biển Mỹ Thủy hoàn thành, Quảng Trị sẽ có 2 hành lang kinh tế, đó là Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu khai thác được những tiềm năng dịch vụ logistics sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Trị phát triển. Bởi, logistics phát triển sẽ góp phần thu hút vốn FDI, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương.
Bên cạnh, logistics còn có vai trò trong tiết kiệm và giảm chi phí quá trình lưu thông hàng hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực của Quảng Trị trên EWEC. Đối với các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn, dịch vụ logistics phát triển góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho các DN; cung ứng vật tư kỹ thuật đúng thời gian, đúng địa điểm, đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm…
Trong thực tế, tuy có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Trị cũng như một số địa phương khác ở miền Trung vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Tại Quảng Trị dịch vụ logistics cảng biển mới chỉ tập trung ở cảng Cửa Việt.
Trong khi, dịch vụ logistics ở đây còn rất hạn chế, hệ thống kho tàng bến bãi chủ yếu là các bãi chứa hàng, chưa có các trang thiết bị phục vụ xếp dỡ hiện đại. Nhiều kho hàng chưa được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại để có thể đáp ứng tương đối các yêu cầu về các dịch vụ kho bãi. Khối lượng thuê ngoài dịch vụ giao nhận kho vận chỉ xấp xỉ mức 20%.
Phần còn lại là các DN chủ hàng tự tổ chức đầu tư phương tiện hoặc tự làm. Ngoài ra, với hơn 75km bờ biển nhưng nhìn chung vận tải biển của Quảng Trị hiện nay cũng chưa phát triển.
Để phát triển dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, Quảng Trị cần xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics. Quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics, có sự kết nối với các cảng quốc tế nhằm phát triển bền vững hệ thống logistics trên EWEC.
Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN logistics ở địa phương, bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về đất đai, kho tàng, bến bãi; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao logistics. Đặc biệt, địa phương cần tập trung kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương cam kết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư cũng như áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất; kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho DN; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương trong đó có đầu tư phát triển dịch vụ logistics…
Xuất khẩu gần 1,9 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 4/2016 cả nước xuất khẩu được thêm 453.275 tấn gạo, trị giá FOB 211,925 triệu USD, trị giá CIF 212,857 triệu USD.
Như vậy, mặc dù lượng gạo xuất khẩu trong tháng 4 thấp hơn khá nhiều so với tháng trước, nhưng đơn giá xuất khẩu bình quân đạt tới 467,54 USD/tấn FOB, cao hơn nhiều mức giá xuất khẩu bình quân là 402,50 USD/tấn của tháng 3.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 1,880 triệu tấn, trị giá FOB 788,768 triệu USD, trị giá CIF 824,471 triệu USD.
Cũng theo VFA, trong tuần đến ngày 5/5, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 – 5.800 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.000 – 7.100 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.750 – 6.850 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.850 – 7.950 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.650 – 7.750 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.550 – 7.650 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Thay đổi mức thuế tự vệ đối với dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa có thông báo về việc thay đổi mức thuế tự vệ áp dụng đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam theo lộ trình.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, ngày 23/8/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5987/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau vào Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 10/8/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 8287/QĐ-BCT thông báo về kết quả rà soát giữa kỳ việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Quyết định 8287/QĐ-BCT, mức thuế tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật tinh luyện kể từ ngày 8/5/2016 sẽ áp dụng theo khung thời gian sau:
Thời gian có hiệu lực
Mức thuế
8/5/2016 – 7/5/2017
2%
8/5/2017 trở đi (nếu không gia hạn)
0%
Paul Singer: Đà tăng của vàng mới chỉ bắt đầu
Tỷ phú Paul Singer, ông chủ của một công ty quản lý quỹ đầu tư cho rằng quý tăng giá tốt nhất của vàng trong 30 năm có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu của quá trình phục hồi khi các nhà đầu tư toàn cầu - bao gồm cả Stan Druckenmiller – quan ngại động thái nới lỏng tiền tệ chưa từng có sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát.
Trong bức thư gửi tới các khách hàng của mình ngày 28/4 vừa qua, Singer cho rằng, hiện các nhà đầu tư đã bắt đầu để tâm hơn đến thực tế là các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tập trung toàn bộ vào việc giảm giá đồng tiền của họ. Nếu niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm, ảnh hưởng tới giá vàng có thể sẽ rất mạnh mẽ. Ông tin rằng sự tăng giá của vàng trong quý kéo dài đến tháng 3 rất có thể là sự khởi đầu của một quá trình phục hồi.
Giá vàng đã tăng 16% trong 3 tháng đầu năm nay, mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ năm 1986. Druckenmiller, nhà tỷ phú được đánh giá là một trong những nhà đầu tư tài chính tốt nhất thế giới cho biết tuần trước tại Hội nghị Đầu tư Sohn ở New York rằng, đà tăng của thị trường cổ phiếu đã “kiệt sức” và vàng là lựa chọn đầu tư lớn nhất của ông. "Mặc dù đã kết thúc QE, song quan điểm nới lỏng của FED vẫn tiếp tục kéo dài cho tới ngày hôm nay", Druckenmiller nói.
Paul Singer, ông chủ của Công ty Elliott Management Corp quản lý khoảng 28 tỷ USD, cho rằng việc giá vàng tăng mạnh trong quý trước là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ trì hoãn việc thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn còn hiện hữu, trong khi lãi suất cho vay tại khu vực đồng euro và Nhật Bản đã giảm xuống dưới không. Còn nhớ hồi năm 2013, ông đã từng tiên đoán rằng kim loại quý này sẽ trở lại khi các nhà đầu tư cần phải sở hữu một cái gì đó "thực".
Tính đến nay giá vàng đã giảm hơn 30% kể từ khi lập đỉnh hồi tháng 9/2011, hiện đang được giao dịch quanh 1.266,75 USD/oz thời điểm 19:12 ngày hôm nay trên thị trường New York.
Tài sản của quỹ đầu tư do Elliott quản lý, Elliott Associates, đã tăng 2,7% trong quý đầu tiên, theo lá thư của Singer gửi các nhà đầu tư.(TBNH)