Mỗi ngày người Việt mua hơn 700 ôtô
Trung Quốc bơm thêm tiền ra thị trường
Rà soát dữ liệu chuyển tiền của người Việt trong Hồ sơ Panama
Vì sao tài sản ngân hàng “hao hụt”?
Tham vọng của người Arab với hãng dầu 2.000 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-05-2016
- Cập nhật : 11/05/2016
Những thị trường ngách triệu đô của ngành thực phẩm
Tàu hủ ky, lá khoai mì, lá chuối hay ngải bún là những sản phẩm không xa lạ. Nhưng mấy ai nghĩ chúng lại có thể mang đến doanh thu xuất khẩu gần 3 triệu USD cho một công ty khá nhỏ về quy mô và còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Ðó là câu chuyện của Công ty Cổ phần BJ&T, được doanh nhân Nguyễn Nhật Trường thành lập vào năm 2014 sau khi tự nghiên cứu thành công cách sản xuất tàu hủ ky theo công nghệ lò hơi.
Với chi phí đầu tư sơ khai chỉ gần 3 tỉ đồng, công nghệ sản xuất tàu hủ ky của ông Trường được lắp ráp và sản xuất 100% bởi thợ máy người Việt. Nhờ đạt được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm HACCP nên ngay trong sau năm đầu tiên tung sản phẩm ra thị trường, BJ&T đã có hợp đồng cung cấp cho 3 hệ thống siêu thị Metro, BigC và Vinmart. Không lâu sau, công ty này tiếp tục xuất khẩu tàu hủ ky sang Úc với đơn hàng gần 30 tấn/năm, giá xuất khẩu 4,4 USD/kg. BJ&T cũng vừa ký được hợp đồng cung ứng dài hạn tàu hủ ky sang Nhật gần 1 triệu USD.
Tàu hủ ky là sản phẩm ngách đầy tiềm năng nếu biết khai thác. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm truyền thống nên cũng được rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, dẫn đến mức độ cạnh tranh về giá rất gay gắt. Theo ông Trường, vấn đề này đã được xem xét trước khi bắt tay thiết kế công nghệ lò hơi sản xuất tàu hủ ky. “Tôi cũng đã thử qua các cách như dùng điện hoặc ga nhưng giá thành cao, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh”, ông kể.
Với công nghệ sản xuất tàu hủ ky tự nghiên cứu, trung bình mỗi tháng, BJ&T cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước khoảng 21 tấn. Mặt khác, Công ty vẫn đẩy mạnh khai phá thị trường nước ngoài. “Ở Nhật, nhu cầu tiêu thụ tàu hủ ky rất lớn nhưng cung không đủ cầu, buộc họ phải nhập khẩu thêm. Còn tại Úc, tàu hủ ky của BJ&T dù phải cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc, nhưng nhờ người tiêu dùng lo ngại hóa chất độc hại nên sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam và Thái Lan vẫn được ưu tiên lựa chọn”, ông nói.
Nhật là quốc gia có quy định rất nghiêm ngặt đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu biến đổi gen. Thế nên, để vào được thị trường khó tính này, BJ&T phải nhập hạt đậu nành không biến đổi gen nguyên liệu từ Canada. Dù vậy, ông Trường cho biết đang cân nhắc kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao lợi nhuận.
Ðáng nói, tàu hủ ky tuy là sản phẩm tiềm năng giúp BJ&T tạo được thương hiệu, nhưng vẫn chưa phải là sản phẩm mang lại nguồn doanh thu xuất khẩu chính. Ðóng góp lớn nhất vào doanh thu Công ty cho đến hiện tại chính là nhóm sản phẩm bún, bánh hỏi, phở, hủ tiếu. Ðặc biệt, BJ&T còn xuất cả đọt lá khoai mì sang một số quốc gia châu Phi.
Ngoài ra, BJ&T cũng xuất khẩu ngải bún, nghệ, gừng, khoai môn, khoai lang, ớt, khoai mỡ, khoai mì, hạt sen, củ năng, đậu bắp, tỏi, đậu phộng... Mỗi mặt hàng, Công ty xuất khẩu trung bình 4-5 container/tháng. “Các sản phẩm này chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Từng loại tuy giá trị xuất khẩu không cao, nhưng việc tập trung xuất khẩu nhiều mặt hàng có tính tương đồng, dùng chung hệ thống nhà xưởng giúp chúng tôi nâng cao lợi nhuận”, ông lý giải.
Trong năm 2015, BJ&T đạt tổng doanh thu gần 100 tỉ đồng, trong đó mảng xuất khẩu đóng góp đến 75%. Con số lợi nhuận không được chia sẻ cụ thể, nhưng đại diện Công ty cho biết tỉ lệ này cũng xấp xỉ 10% tổng doanh thu.(NCĐT)
Sẽ kiểm tra hoạt động chuyển giá tại Big C Việt Nam
Cơ quan thuế VN cho biết đang nghiên cứu xem Big C VN có tránh thuế qua giao dịch liên kết (chuyển giá) hay không.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thanh tra thuế đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế của 32 siêu thị Big C VN, dự kiến kết thúc vào cuối tháng này. Đặc biệt, cơ quan thuế VN cũng cho biết đang nghiên cứu xem Big C VN có tránh thuế qua giao dịch liên kết (chuyển giá) hay không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Thanh tra Tổng cục Thuế cho biết theo phụ lục tại giấy phép đăng ký kinh doanh, Tập đoàn Casino (Pháp) sở hữu Công ty Cavi Retail (Hong Kong).
Trong khi đó, Công ty Cavi Retail (Hong Kong) sở hữu ba công ty gồm: Công ty CP Bất động sản Việt Nhật (chuyên cho thuê mặt bằng 32 Big C VN), Công ty TNHH dịch vụ EB tại TP.HCM (chuyên phân phối hàng hóa cho 32 siêu thị Big C VN) và hệ thống 32 siêu thị Big C trên toàn quốc.
“Sơ đồ này cho thấy đây là giao dịch liên kết, có khả năng xảy ra việc chuyển một số khoản chi phí ra nước ngoài như phí quản lý, phí nhượng quyền thương mại, lãi vay...” - vị này khẳng định.
Cũng theo Tổng cục Thuế, theo sơ đồ cập nhật ngày 31-12-2014 của Tập đoàn Casino Guichard Perrachon tại http://www.groupe-casino.fr/en/, tập đoàn này sở hữu 16 pháp nhân tại VN, bao gồm Công ty Việt Nhật và 32 siêu thị Big C tại VN nhưng không hề đề cập tới các công ty Cavi Retail Ltd (Hong Kong) - đơn vị sở hữu trực tiếp chuỗi Big C VN.
Trong khi đó, theo giấy phép đăng ký kinh doanh tại VN của tập đoàn này, Công ty Cavi Retail Ltd (Hong Kong) sở hữu hệ thống 32 siêu thị Big C VN.
Vụ chuyển nhượng Big C VN: Dự kiến thu được khoảng 3.600 tỉ đồng thuế
Liên quan đến vụ chuyển nhượng hệ thống Big C, Tổng cục Thuế VN khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để thu thuế thương vụ chuyển nhượng Big C VN. Theo một lãnh đạo của Tổng cục Thuế, dù Công ty Cavi Retail (tại Hong Kong) - công ty con của Tập đoàn Casino (Pháp) - chuyển nhượng cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) nhưng theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN nhưng có thu nhập phát sinh tại VN thì phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh tại VN.
Do đó, dù Công ty Cavi Retail (Hong Kong) và Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đều nằm ngoài lãnh thổ VN nhưng hệ thống Big C VN có phát sinh thu nhập từ VN nên khi chuyển nhượng hệ thống này, nhà đầu tư phải nộp thuế.
Cũng theo vị này, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định rõ số tiền thuế được tính trên cơ sở lấy tổng trị giá chuyển nhượng trừ tổng vốn đầu tư và các chi phí sau đó nhân với mức thuế 20%.
Như vậy, với giá trị chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C VN khoảng 920 triệu EUR (tương đương khoảng 23.000 tỉ đồng - PV), sau khi trừ giá trị đầu tư chuỗi siêu thị Big C (khoảng 200 triệu USD) và các chi phí, số thuế mà nhà đầu tư phải nộp cho ngân sách ước khoảng 3.600 tỉ đồng.
Cửa ải kinh tế Đông Nam Á
Mức tăng trưởng cao của cách đây 1 thập niên sẽ không quay trở lại trừ phi các nền kinh tế Đông Nam Á qua được cửa ải kinh tế tri thức.
Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu ớt, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ Mỹ thì những con số dự báo tăng trưởng GDP của Đông Nam Á có vẻ khá lạc quan. Trong số 10 quốc gia Đông Nam Á, chỉ mỗi Brunei mấp mé bờ vực suy thoái. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP khu vực sẽ từ mức 4,4% năm ngoái lên 4,5% năm nay và 4,8% vào năm 2017.
Tuy nhiên, dự báo này có thể sẽ trở nên quá lạc quan, đặc biệt nếu các thị trường tài chính toàn cầu một lần nữa chao đảo như đã diễn ra vào đầu năm nay và vốn nước ngoài lại tháo chạy.
Những nền kinh tế khỏe mạnh nhất ở Đông Nam Á là Việt Nam và Philippines: cả 2 đều có dân số trẻ và ít dựa vào Trung Quốc hoặc vào xuất khẩu hàng hóa, hơn là hầu hết các quốc gia khác trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,7% vào năm ngoái, nhờ hoạt động xuất khẩu khả quan. Còn Philippines tăng trưởng tốt nhờ khu vực dịch vụ mạnh. Đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của 2 nền kinh tế này.
Trong khi đó, Malaysia và Indonesia lại lao đao do đà tăng trưởng kinh tế chậm lại tại Trung Quốc. Các loại hàng hóa như than đá, dầu cọ, quặng niken chiếm tới 3/5 xuất khẩu của Indonesia. Vì thế, khi nhu cầu của đối tác thương mại Trung Quốc giảm, Indonesia cũng bị ảnh hưởng. GDP năm ngoái chỉ tăng trưởng 4,79%, m thấp nhất trong 6 năm qua. Tổng thống Joko Widodo đã nhậm chức vào năm 2014 với cam kết đưa Indonesia quay trở về mức tăng trưởng 7%, nhưng cho đến nay con số này dường như khó khả thi, mặc cho những kế hoạch tham vọng tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
Malaysia, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Á, thì không chỉ khổ sở vì giá cả hàng hóa giảm mà còn vì những bê bối chính trị liên quan đến Thủ tướng, vốn đã gây sức ép lớn lên đồng ringgit. Giá dầu mỏ đã giảm hơn 60% từ mức đỉnh cách đây 2 năm, trong khi dầu mỏ chiếm đến 1/5 xuất khẩu của Malaysia.
Tuy nhiên, xuất khẩu mạnh hàng điện tử đã cho Malaysia lớp đệm bảo vệ chống lại đà sụt giảm nguồn thu từ dầu mỏ. Nhưng khu vực này lại bị tác động mạnh bởi nhu cầu thế giới. Tăng trưởng GDP hằng năm của Malaysia dự kiến sẽ đạt trung bình dưới 5% cho đến cuối năm 2018.
Nhu cầu nội địa kể từ đó đã hồi phục và du khách đang quay trở lại các bãi biển của Thái Lan. Nhưng sự không chắc chắn về định hướng chính trị của nước này chắc chắn sẽ làm vơi bớt lòng nhiệt tình của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nếu các dự án hạ tầng vẫn được triển khai như kế hoạch và chính trị ổn định, tăng trưởng có thể sẽ khả quan.
Đó chỉ là các viễn cảnh trước mắt, trong khi các nền kinh tế Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều vấn đề dài hạn hơn. Đáng chú ý là lực lượng lao động và tỉ lệ sinh suy giảm, đặc biệt tại Thái Lan và Singapore. Một vấn đề khác là tăng trưởng năng suất thấp hơn trong tương lai. Các nền kinh tế Đông Nam Á đã gặt hái thành quả khá dễ dàng khi hàng chục triệu người nghèo ở Đông Nam Á chuyển từ nông thôn lên thành thị, làm việc ở các thành phố mới hoặc các khu vực dịch vụ đang tăng trưởng.
Nhưng sắp tới hành trình sẽ rất khó khăn và sẽ phụ thuộc vào trình độ tri thức của lao động trẻ, các thị trường lao động linh hoạt hơn, việc đổi mới công nghệ không ngừng cũng như sự nhanh nhạy, năng động của chính phủ các nước. Mức tăng trưởng cao của cách đây 1 thập niên sẽ không quay trở lại, trừ phi các nền kinh tế Đông Nam Á qua được cửa ải này.
Central Group bán hết cổ phần Big C Thái Lan để dồn sức vào Việt Nam
Central Group tính bán hết 25% cổ phần tại Big C Thái Lan cho đối thủ TCC nhằm tập trung tài chính mua Big C Việt Nam.
Central Group (Thái Lan) muốn bán lại hết cổ phần tại chuỗi siêu thị Big C Thái Lan nhằm tập trung nguồn lực tài chính mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam. Một nguồn thạo tin của Reuters cho biết, Central Group đã gật đầu chấp thuận cho đối thủ TCC Group mua lại số cổ phần mà Central muốn bán.
Central là nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan do tỷ phú Tos Chirathivat sở hữu, đang kỳ vọng sẽ thu về khoảng 1,4 tỷ USD từ việc bán hết 25% cổ phần tại Big C Thái Lan.
Thỏa thuận này cho phép TCC củng cố quyền kiểm soát tại chuỗi siêu thị này ở Thái mà không còn gặp phải sự can thiệp nào từ Central. Central Group chính là đơn vị thành lập chuỗi Big C vào năm 1993 trước khi bán lại một lượng lớn cổ phần cho tập đoàn Casino (Pháp) 6 năm sau đó.
Casino đã rao bán các tài sản tại Thái Lan và Việt Nam trong một nỗ lực nhằm cắt giảm nợ nần. Đây là doanh nghiệp sở hữu một số đại siêu thị, siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại hai nước Đông Nam Á này.
Central Group đã để Big C Thái Lan rơi vào tay Berli Jucker, một đơn vị thuộc sở hữu của TCC Holding, nhưng Central lại là người chiến thắng trong cuộc đua giành mua Big C Việt Nam khi chi ra 1,1 tỷ USD.
Nguồn tin của Reuters từ chối xác nhận danh tính, trong khi cả Central Group và Berli đều chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
TCC cũng đã mua chuỗi bán lẻ Metro tại Việt Nam với giá gần 746 triệu USD từ tay người Đức.
Reuters bình luận, thương vụ mua Big C Việt Nam của Central là một phần trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam của các doanh nghiệp Thái. Thu nhập của người Việt đã tăng gấp 4 lần và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tăng trên 5% trong vòng 15 năm qua. Cùng với đó, động thái đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan cũng nhằm chống chọi với bất ổn kinh tế và chính trị sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 2 năm tại nước này.
Tầng lớp trung lưu của Việt Nam cũng chuộng hàng Thái với chất lượng và giá cả phải chăng hơn hàng nhập khẩu từ Nhật và Hàn. Đồng thời, hàng Thái Lan cũng được ưa chuộng hơn so với hàng hóa giá rẻ nhập theo đường tiểu ngạch từ biên giới Trung Quốc
Bank of America đối mặt nhiều sức ép
Giá cổ phiếu của Bank of America hiện chỉ bằng 66% giá trị sổ sách, thấp hơn bất kỳ đối thủ nào khác: JPMorgan Chase đạt 106%, còn Wells Fargo đạt 150%.
Những nhà đầu tư vào các ngân hàng Mỹ là những tay cứng cựa, có thần kinh thép. Lợi nhuận tại 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã giảm mạnh trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái (lên tới 53% tại Morgan Stanley) chủ yếu do lợi nhuận sa sút tại các bộ phận ngân hàng đầu tư của họ. Đầu tháng 4 vừa qua, các cơ quan quản lý đã từ chối “chúc thư” của tất cả 6 ngân hàng này ngoại trừ Citigroup. “Chúc thư” này là bản kế hoạch chi tiết “cho phép” một ngân hàng giải thể hoặc đóng cửa nếu rơi vào tình thế nguy nan.
Đứng trước những tin dữ như vậy, nhưng các nhà đầu tư vẫn không mảy may lo ngại. Nói cho cùng, lợi nhuận ảm đạm và các “đòn đánh mạnh” từ cơ quan quản lý đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Tuy nhiên, thậm chí, những nhà đầu tư gan lì, dày dạn kinh nghiệm như vậy cũng phải “e dè” trước Bank of America. Lợi nhuận của ngân hàng này đã giảm 13% trong quý I/2016. Dù mức giảm này vẫn không đến nỗi nào so với một số ngân hàng lớn khác nhưng lại khiến cho ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của Ngân hàng giảm mạnh chỉ còn 4%, mức thấp nhất trong số 6 ngân hàng lớn.
Giá cổ phiếu của Bank of America hiện chỉ bằng 66% giá trị sổ sách, thấp hơn bất kỳ đối thủ nào và thấp hơn rất nhiều so với con số 106% tại JPMorgan Chase và 150% tại Wells Fargo. Đó là nỗi đau đầu của Tổng Giám đốc Brian Moynihan làm sao vực dậy một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Không phải Moynihan thiếu công cụ để thực hiện cuộc lội ngược dòng này. Bởi lẽ, Bank of America là một ngân hàng sở hữu rất nhiều thế mạnh. Vốn huy động của ngân hàng này rất rẻ khi Ngân hàng chỉ phải trả trung bình 0,12% lãi suất trên số tiền gửi 1.200 tỉ USD tại bộ phận ngân hàng thương mại. Sự hiện diện của Bank of America tại Mỹ mạnh mẽ hơn so với các đối thủ với hệ thống chi nhánh có mặt khắp cả nước. Nghĩa là Bank of America sở hữu một mức độ đa dạng về địa lý mà khó có thể tìm thấy ở những ngân hàng khác. Trong khi đó, Merrill Lynch, bộ phận quản lý tài sản của Bank of America, lại nắm trong tay đội ngũ bán hàng các sản phẩm tài chính lớn nhất tại Mỹ, phục vụ những khách hàng giàu có.
Hơn nữa, các nhà điều hành Bank of America, đứng đầu là Moynihan, đã rất “tận tình” cắt giảm chi phí để cải thiện lợi nhuận. Số nhân viên đã giảm từ 288.000 người còn 213.000 người. Số chi nhánh từ 6.100 xuống còn chỉ 4.700. Diện tích sàn của Ngân hàng đã giảm 1/3, tức hơn 4 triệu m2, tương đương diện tích của 14 tòa nhà Empire State (Empire State là một tòa nhà nổi tiếng của Mỹ, cao 102 tầng đặt tại thành phố New York). Tất cả những nỗ lực này đã giúp giảm mạnh chi phí hoạt động của Bank of America, từ khoảng 17 tỉ USD hằng quý chỉ còn 13 tỉ USD.
Moynihan cũng đã ra sức dọn dẹp mớ hỗn độn do người tiền nhiệm Ken Lewis để lại. Đặc biệt là mớ hỗn độn ở Countrywide, một tổ chức cho vay thế chấp dưới chuẩn lớn, do Lewis đã thâu tóm vào năm 2008. Kể từ năm 2010, Bank of America đã bỏ ra khoảng 194 tỉ USD để trang trải các khoản chi phí liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có 36 tỉ USD dàn xếp các vụ kiện tụng và 46 tỉ USD giải quyết các khoản cho vay xấu của Countrywide. Ngân hàng này cũng đã phải tuyển dụng 56.000 người để giúp sắp xếp, giải quyết các khoản cho vay thế chấp trễ hạn, vốn đã ở mức đỉnh 1,4 triệu nhưng giờ con số này chỉ là 88.000.
Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí một cách “không thương xót” phần nào cho thấy những gian nan của Moynihan trong việc cải thiện lợi nhuận tại Bank of America. Các quy định mới về tính thanh khoản càng khiến cho Ngân hàng khó cho vay ra những khoản tiền gửi có chi phí rẻ và các mức lãi suất thấp cũng làm “teo tóp” nguồn lợi nhuận thu về. Tỉ lệ cho vay/tiền gửi của Bank of America, vốn thường vượt mức 100%, giờ chỉ là 74%. Tỉ lệ lãi cận biên (NIM) - chênh lệch giữa mức lãi suất trung bình cho người gửi tiền với mức lãi suất tính đối với người đi vay - chỉ là 2 điểm phần trăm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong quá khứ. “Tất cả những con số này càng cho thấy Ngân hàng có khả năng thu lợi nhuận rất lớn nhưng lại không hiện thực hóa được nguồn lợi nhuận này”, Richard Bove, chuyên gia phân tích tại Rafferty Capital Markets, nhận định về tình cảnh éo le của Bank of America.
Hơn nữa, như một nhân viên của Bank of America nhận xét, các quy định từ các cơ quan quản lý “đang gia tăng áp lực lên chúng tôi”. Mới đây nhất là quy định buộc các chuyên gia tư vấn tài chính phải đặt lợi ích của khách hàng cao hơn lợi ích của bản thân, tư vấn các sản phẩm không chỉ “phải thích hợp” mà còn phải “vì lợi ích tốt nhất” của khách hàng. Điều này sẽ khiến cho việc quản lý tiền hưởng hoa hồng, thay vì hưởng một mức phí nào đó, càng thêm khó. Các công ty có thể hưởng lợi từ quy định này là các nhà quản lý tài sản cung cấp các sản phẩm đầu tư theo chỉ số có chi phí thấp như Vanguard và BlackRock. Còn những ai cung cấp các sản phẩm phức tạp và đắt đỏ hơn phải tốn chi phí nhiều hơn vào việc tuân thủ các quy định luật pháp.
Vì Merrill Lynch có mạng lưới lớn nhất nước Mỹ các chuyên gia môi giới (giờ được gọi là các nhà quản lý tài sản), nên Bank of America chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng Bank of America vẫn “tự tin” rằng quy định sẽ chỉ tác động đến 10% trong số gần 2.000 tỉ USD giá trị tài sản mà Ngân hàng quản lý và sẽ không hề ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nhưng hãng nghiên cứu Keefe, Bruyette & Woods cho rằng quy định nói trên sẽ làm giảm 2,7% lợi nhuận của ngân hàng này vào năm 2017, lớn nhất trong số các ngân hàng đa năng.
Rõ ràng, các quy định luật pháp đang khiến lượng tiền gửi chi phí rẻ và mạng lưới rộng lớn các chuyên gia môi giới trở nên kém giá trị hơn đối với Bank of America, trong khi trước đây, chúng là những vũ khí lợi hại của ngân hàng này. Tất nhiên, sự ra đời của các quy định mới cũng như các mức lãi suất thấp sẽ không kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên, trong lúc đó, Moynihan phải làm sao cho các nhà đầu tư thấy tình hình lạc quan hơn ở ngân hàng mà ông đã có 6 năm tại vị. Hiện tại, câu trả lời của ông đối với kết quả quý I ảm đạm là cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí một cách quyết liệt hơn nữa.(NCĐT)