Tôm sú VN đang cạnh tranh tốt trên thị trường Mỹ
Tôm sú VN đang cạnh tranh tốt trên thị trường Mỹ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sau mức giảm 38,3% trong năm 2015, những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng trưởng khá tốt.
Hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu tôm và cũng là thị trường có mức tăng trưởng cao nhất.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tính đến 15/4 đạt 176,8 triệu USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết trên thị trường Mỹ, tôm sú vỏ đông lạnh của Việt Nam ngày càng có ưu thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Tuy nhiên, nhìn chung giá thành sản xuất tôm cao đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ.
Giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh (Indonesia, Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Trung Quốc) trên thị trường Mỹ.
Xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trong những tháng đầu năm là do doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này vẫn được hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá của POR9, mức thuế trung bình 0,91% (giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của POR8).
Bên cạnh đó, nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 nhích lên do giá nhập khẩu trung bình giảm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trong quý 2/2016.
Bởi đồng USD đang có xu hướng giảm giá, giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trên thị trường Mỹ. Cùng với đó là tín hiệu tích cực từ Hiệp định TPP đã được ký kết.
Trong quý 1/2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 619,2 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong quý 2, theo dự kiến của Hiệp hội này, giá trị xuất khẩu tôm đạt 788 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường đang quá tập trung vào FED
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Chủ tịch FED bang Minneapolis – ông Neel Kashkari – cho rằng các thị trường đang quá tập trung vào những động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong khi họ nên quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế khác.
Ông Kashkari cho biết có quá nhiều “khối óc” đang đi sâu phân tích các báo cáo, tuyên bố của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – những người trực tiếp đưa ra quyết định thay đổi lãi suất của FED. Theo ông Kashkari, các chuyên gia hàng đầu nên sử dụng chất xám của mình để giải quyết các vấn đề kinh tế khác, cùng FED đưa nền kinh tế Mỹ tiến về phía trước.
Phố Wall đã và đang theo sát từng động thái của FED để xác định xem đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào lúc nào, và sớm nhất họ cũng phải chờ đến cuộc họp diễn ra vào giữa tháng 6 tới.
Vị chủ tịch của FED Minneapolis cho rằng tương lai của các thế hệ tiếp theo không phụ thuộc nhiều vào việc FED có tăng lãi suất hay không mà nó phụ thuộc vào các chính sách kinh tế vĩ mô do các cơ quan hành pháp và Quốc hội Mỹ đề ra.
Ông Kashkari cho biết FED sẽ làm tất cả những gì có thể để phát triển nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng chính sách tiền tệ đang được áp dụng là phù hợp đối với tình hình hiện nay.
Khi lạm phát vẫn đang dưới mức mục tiêu và thị trường lao động vẫn chưa tìm được sự ổn định cần thiết, không ai dám khẳng định về việc FED có tăng lãi suất trong tháng 6 hay không.
Trong các cuộc họp trước, FED cho biết họ dự kiến tăng lãi suất 2 lần trong năm 2016. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng như các thị trường tài chính cho rằng FED sẽ chỉ tăng lãi suất 1 lần trong năm nay vào cuộc họp cuối cùng của năm diễn ra vào tháng 12. Ông Kashkari cho biết FED sẽ chỉ tăng lãi suất khi các số liệu kinh tế đạt được mức yêu cầu của họ.
Cái "bắt tay" giữa Vingroup và Tân Hoàng Minh
Phát triển phân khúc bất động sản hạng sang nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có của hai bên là mục tiêu trong hợp tác chiến lược giữa Vingroup và Tân Hoàng Minh.
Ngày 10/5/2016, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Theo đó, hai bên sẽ là đối tác chiến lược trong các hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh và vận hành các dự án bất động sản cao cấp trên toàn quốc.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có của hai bên để cùng chung tay phát triển các bất động sản hạng sang. Mục tiêu được hai bên cho biết là hướng tới kiến tạo những công trình xây dựng mang thương hiệu Việt đẳng cấp, có dấu ấn sánh tầm khu vực và quốc tế.
Tập đoàn Vingroup với lợi thế vượt trội về tầm vóc, uy tín, tiềm lực, kinh nghiệm và tầm nhìn với các đầu tư xây dựng đạt và vượt cam kết về tiến độ, chất lượng và vận hành,... Ngoài ra, Vingroup sở hữu mạng lưới các đối tác tư vấn, thiết kế hàng đầu thế giới cùng một hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ đẳng cấp, tiên phong kết hợp giữa bất động sản nhà ở và hệ thống dịch vụ tiêu chuẩn cao.
Còn về phía Tân Hoàng Minh, Tập đoàn này lại có lợi thế sở hữu những khu đất vàng giữa trung tâm và các vị trí đắc địa tại Thủ Đô được định vị ở phân khúc bất động sản nhà ở hạng sang.
Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Tân Hoàng Minh là bước tiến mới trên thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc bất động sản hạng sang.
Dự án tại đất vàng tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng của Tân Hoàng Minh
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Dương Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết “Hợp tác giữa Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ mở ra một hướng đi mới trong chiến lược phát triển của cả hai bên.
Vingroup với lợi thế về tiềm lực, kinh nghiệm, mạng lưới sẽ hỗ trợ Tân Hoàng Minh đầu tư triển khai xây dựng một số dự án đô thị; hợp tác phân phối các dự án ra thị trường và hỗ trợ công tác vận hành sau bàn giao”
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng khẳng định “Tôi tin tưởng Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Vingroup sẽ giúp thúc đẩy nhanh tiến độ của các dự án bất động sản đẳng cấp mà Tân Hoàng Minh đang ấp ủ, góp phần cung cấp ra thị trường những sản phẩm hoàn hảo và đảm bảo chất lượng cam kết”.
Với tầm nhìn và khát vọng phát triển những công trình Việt đẳng cấp, sánh tầm khu vực và quốc tế; sự hợp tác của hai Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản cao cấp hứa hẹn sẽ kiến tạo nên những dấu ấn thời đại mới cho Việt Nam, góp phần đem đến sự thay đổi tích cực cho diện mạo đô thị.
Bớt đầu cơ, tiêu thụ thép giảm hẳn
Lượng thép tiêu thụ trong tháng 4-2016 được VSA ghi nhận ước khoảng 691.000 tấn, giảm 31-32% so với tháng trước và giảm khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội thép VN (VSA) cho biết như trên. "Đây mới là mức tiêu thụ sát với nhu cầu thực, chứ lượng tiêu thụ trên 1 triệu tấn của tháng trước yếu tố đầu cơ rất rõ”, ông Sưa nhấn mạnh.
Theo ông Sưa, với năng lực sản xuất hiện nay của các doanh nghiệp, khoảng 650.000 tấn như trong tháng 4-2016, thị trường sẽ được đảm bảo nguồn cung ứng ổn định.
Mặt khác, với đặc điểm đang là mùa khô, khả năng thép tiêu thụ ở mức cao (bình quân trên 650.000 tấn/tháng) vẫn được duy trì ít nhất trong hai tháng tới trước khi mùa mưa ở khu vực phía Nam bắt đầu.
VSA cũng ghi nhận mặt bằng giá mới đã được các doanh nghiệp sản xuất thép điều chỉnh tại đầu nguồn kể từ đầu tháng 4, với mức tăng trung bình 400.000-500.000 đồng/tấn (tùy doanh nghiệp), điều nàylà hoàn toàn phù hợp với mức giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ sau tết đến nay.
Trung Quốc: Giá quặng sắt, thép rơi tự do
Trong phiên giao dịch ngày 9-5, giá quặng sắt và thép trên thị trường tương lai Trung Quốc giảm mạnh trước những lo ngại về nhu cầu yếu của Trung Quốc; đà rơi tự do của giá thép đã kéo dài hai tuần sau đợt phục hồi ấn tượng.
Ngày 9-5, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc đã vượt qua 100 triệu tấn. Hôm trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 2,2% so với tháng 3, xuống còn 83,9 triệu tấn.
Hãng tin Bloomberg cho biết ngày 9-5, giá quặng sắt hàm lượng sắt 62% giao ngay tại cảng Thanh Đảo giảm 5,7% xuống còn 54,99 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, giá quặng sắt tại Thanh Đảo đã giảm 22% kể từ khi thiết lập mức đỉnh hơn 70 đô la Mỹ/tấn vào ngày 21-4.
Giá quặng sắt giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng giảm hết biên độ xuống còn 388 nhân dân tệ (59,6 đô la Mỹ)/tấn.
Trong khi đó, giá cốt thép xây dựng giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải giảm 6% xuống còn 2.175 nhân dân tệ (334 đô la Mỹ)/tấn, tức giảm gần 100 đô la Mỹ/tấn chỉ trong vòng nửa tháng. Vào ngày 21-4, giá cốt thép đã có lúc chạm mức 2.787 đô la Mỹ/tấn (428 đô la Mỹ).
Ủy ban chứng khoán Trung Quốc đã ra lệnh cho các sàn giao dịch hàng hóa tương lai có các biện pháp chấn chỉnh sau khi giá quặng sắt và thép cùng nhiều loại hàng hóa khác ồ ạt tăng mạnh trong một thời gian ngắn, khiến nhà chức trách lo ngại nguy cơ vỡ bong bóng thị trường hàng hóa như đã từng xảy ra với thị trường chứng khoán Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái.
Ngày 9-5, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cho biết sẽ tiếp tục củng cố giám sát thị trường và có thể nâng phí giao dịch thêm nữa để hạn chế các hoạt động đầu cơ.
Trong báo cáo đưa ra cùng ngày, CISA dự đoán giá quặng sắt sản xuất trong nước và nhập khẩu có thể suy yếu trước khi ổn định trong tháng 5. Báo cáo cho biết: “Nguồn cung vẫn dư thừa trên thị trường quặng sắt và các sàn giao dịch hàng hóa tương lai của Trung Quốc đã hạ nhiệt hoạt động giao dịch đầu cơ quặng sắt và thép, do vậy, giá quặng sắt và thép trên thị trường có thể ổn định”.
Một quan chức ở nhà máy thép tư nhân ở tỉnh Hà Bắc cho biết: “Đợt tăng giá gần đây của thép rồi đến quặng sắt chủ yếu do yếu tố tâm lý và do đồng tiền nóng trên thị trường tương lai hơn là do có sự cải thiện lớn về cung cầu”.
Nhà kinh tế Gerard Burg ở Ngân hàng quốc gia Úc nhận định: “Đợt tăng giá gần đây của quặng sắt đã vượt quá mức hỗ trợ của các yếu tố cơ bản của thị trường”.
(
Tinkinhte
tổng hợp)