tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 11-05-2016

  • Cập nhật : 11/05/2016

Người Việt uống hơn một tỷ lít bia trong 4 tháng

Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao, song sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia vẫn tăng gần 6%.

Báo cáo các ngành công nghiệp của Bộ Công Thương cho biết, sản xuất bia của Việt Nam đạt 1,005 tỷ lít, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 4, sản lượng ước đạt 206 triệu lít, bằng với cùng kỳ. Phần lớn bia được tiêu thụ tại Việt Nam đều được sản xuất trong nước, sản phẩm nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất nhỏ."Sản xuất bia 4 tháng đầu năm ổn định, nhưng lợi nhuận của ngành đã sụt giảm do ảnh hưởng của chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt được áp dụng từ 1/1/2016", Bộ Công Thương đánh giá và cho biết tình hình tiêu thụ ngành đồ uống tăng 12,5% so với cùng kỳ.

nguoi viet van uong bia du thue dang cao.

Người Việt vẫn uống bia dù thuế đăng cao.

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với bia cũng đang ở mức 55% và trong lộ trình sẽ lên 65% vào năm 2018.

Trước đó, trao đổi với VnExpress, ông Lê Hồng Xanh - Thành viên HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 5% từ đầu năm 2016 đã gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến họ phải "đóng thêm" cả nghìn tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016.

"Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận, giá bia sẽ tăng mạnh", ông Xanh cảnh báo và cho biết bản thân Sabeco cũng đang tính đến việc điều chỉnh giá.

Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010.

Trong đó, riêng Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đạt 1,5 tỷ lít, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Theo đánh giá, Việt Nam nằm trong top các quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới.


Người Việt mua hơn 4.500 xe Toyota trong tháng 4

Theo thống kê của Toyota Việt Nam (TMV), trong tháng 4, doanh số các mẫu xe của hãng đạt 4.537 xe, tăng gần 14% (tương đương 547 xe) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, doanh số của phân khúc xe du lịch đạt 2.116 xe, tăng trưởng 2% so với tháng 4/2015.

Dẫn đầu phân khúc xe du lịch vẫn là mẫu xe Vios đạt doanh số 1.195 xe. Vị trí thứ hai là mẫu xe Camry với 410 xe, nâng doanh số cộng dồn của mẫu xe này sau 1 năm ra mắt lên gần 6.000 chiếc.

Đối với phân khúc xe thương mại, tổng doanh số các mẫu xe đạt 2.421 xe, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đáng chú ý là mẫu xe đa dụng Innova với doanh số 1.088 xe, Fortuner với 863 xe.

trong thang 4, nguoi viet mua hon 4.500 xe toyota

Trong tháng 4, người Việt mua hơn 4.500 xe Toyota

Trong tháng qua, hầu hết tất cả các mẫu xe do TMV nhập khẩu và phân phối (CBU) đều tăng trưởng ở mức cao, với tổng doanh số bán đạt 675 xe tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mẫu xe Yaris tiếp tục dẫn đầu phân khúc với doanh số bán với 205 xe, kế đến là Hilux đạt 181 xe, Land Prado đạt 121 xe và Land Cruiser đạt 100 xe và Hiace đạt 68 xe.

Cũng trong tháng 4,TMV cũng đã chào đón chiếc xe thứ 350.000 xuất xưởng tại nhà máy, nâng tổng doanh số bán của TMV trong hơn 20 năm qua đã lên đến con số xấp xỉ 373.000 xe.


Ngành thuế điều tra cá nhân, tổ chức trong Hồ sơ Panama

Tổng cục Thuế vừa thành lập khẩn một tổ công tác điều tra nghĩa vụ thuế đối với các cá nhân, tổ chức có tên trong bộ hồ sơ Panama vừa công bố.

Nguồn tin từ Tổng cục Thuế cho VnExpress biết, ngành thuế vừa thành lập khẩn tiểu ban kiểm tra, điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama mới được công bố rạng sáng 10/5.

co quan thue se dieu tra cac ca nhan, to chuc co ten trong ho so panama de lam ro co chuyen tron thue hay khong.

Cơ quan thuế sẽ điều tra các cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama để làm rõ có chuyện trốn thuế hay không.

Chiều cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các Vụ chức năng và quyết định nghiên cứu, điều tra về khả năng trốn thuế hay không. Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền...

Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế...

Trước đó, danh tính 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có giao dịch qua 19 các công ty thành lập ở nước ngoài (offshore company) đã được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố cùng toàn bộ Hồ sơ Panama. Trao đổi với VnEpress, nhiều doanh nhân nổi tiếng có tên trong danh sách này khẳng định họ hoạt động hợp pháp và không có hành vi trốn thuế. Bên cạnh đó, các cá nhân này cũng cho rằng, việc có tên trong danh sách sở dĩ do có đầu tư ra nước ngoài chứ không đồng nghĩa với việc họ trốn thuế hay vi phạm pháp luật.

"Offshore Company" thường liên quan đến các việc quản lý, đăng ký, hoạt động tại một quốc gia khác, nhằm đạt mục đích tài chính, luật pháp và lợi thuế.

Việc thành lập và sử dụng các công ty này không phải là phi pháp. Ví dụ, công ty A muốn chuyển sản xuất từ Mỹ sang một quốc gia nhỏ ở vùng Caribe. Mục đích của họ có thể rất hợp pháp. Đó là nếu chuyển sang nước ngoài, họ có thể trả thuế thấp hơn, và đầu tư số tiền tiết kiệm được vào phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ranh giới giữa được giảm thuế hợp pháp và trốn thuế rất khó phân định, đặc biệt trong trường hợp không thể tiếp cận đầy đủ thông tin tài chính. Các công ty nước ngoài trên giấy (offshore shell company) ra đời càng làm nhòe thêm ranh giới này.

Trong vụ Hồ sơ Panama, hãng luật Mossack Fonseca đã thành lập hơn 100.000 công ty nước ngoài, dưới dạng các quỹ (trust) hay công ty trên giấy (shell company), trong giai đoạn 2005–2015. Từ trụ sở ở Panama City, công ty này đã tạo ra hàng loạt công ty không rõ danh tính tại Panama, đảo Virgin (Anh) và nhiều thiên đường thuế khác. Những nơi này hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Họ còn có quy định công bố thông tin rất lỏng lẻo, biến mình thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngầm, như né thuế hay rửa tiền.


Đằng sau hàng tỷ USD ngân hàng gửi ra nước ngoài

Các chuyên gia của VEPR cho rằng dù lãi suất USD hạ rất thấp thì doanh nghiệp vẫn chuộng vay tiền đồng, khiến ngân hàng phải gửi hàng tỷ đôla ra nước ngoài.

Việc ngân hàng phải đối mặt với "bẫy thanh khoản" ngoại tệ được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP) đưa ra tại lễ công bố Báo cáo thường niên kinh tế 2016, diễn ra sáng 10/5 tại Hà Nội.

Dành một phần nhìn lại bối cảnh kinh tế, phát triển thị trường vốn, tiền tệ, tài sản... năm 2015, báo cáo được Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR trình bày đã đưa ra một số điểm đáng chú ý, trong đó cho rằng việc điều chỉnh chính sách tỷ giá ngoại hối, đặc biệt là việc “rút” lãi suất vay USD về 0% đã khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với thách thức.

dang-sau-hang-ty-usd-ngan-hang-gui-ra-nuoc-ngoai

Quan điểm cho rằng ngân hàng gặp "bẫy thanh khoản" ngoại tệ tiếp nhận nhiều phản biện quyết liệt từ phía nhà băng. Ảnh: NDO

“Ngay cả khi lãi suất USD được hạ rất thấp, thậm chí về 0% thì người dân vẫn mua đôla hoặc doanh nghiệp vay tiền đồng, chứ không vay USD. Ngân hàng thương mại không thể cho vay đôla dù lãi suất đã hạ rất thấp... Cả hệ thống ngân hàng đối mặt với bẫy thanh khoản ngoại tệ”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Và hệ luỵ của “bẫy thanh khoản ngoại tệ” được đề cập chính là việc các nhà băng phải chuyển USD ra nước ngoài để thu lãi, trong khi chờ đợi phá giá. Đây cũng là lý giải cho sự xuất hiện dòng tiền gửi lớn bất thường trong quý III/2015. Theo chuyên gia này, lượng tiền gửi của các ngân hàng thương mại chuyển ra nước ngoài khi đó khoảng 7,3 tỷ USD, nếu tính gộp các khoản.

Lo lắng việc ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài và mất tầm kiểm soát, song chuyên gia cũng trấn an: “Việt Nam kiểm soát tài khoản gửi ngoại tệ nên việc người Việt gửi tiền ra nước ngoài là không hề đơn giản. Bạn thử gửi 15 USD ra nước ngoài xem, không hề dễ dàng chút nào. Nhưng ở đây là tiền gửi của các ngân hàng tại nước ngoài để hưởng lãi suất chênh lệch chứ không phải người Việt hay đại gia nào. Các nhà băng lại có “cách” riêng của mình và hoạt động này nằm trong nghiệp vụ tài chính của ngân hàng”. Vị này cho biết tới quý IV/2015, dòng tiền này không “chảy” ra nước ngoài thêm do chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã ổn định.

Cho rằng việc gọi hệ thống ngân hàng rơi vào “bẫy thanh khoản ngoại tệ” là chưa chính xác, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định việc các ngân hàng Việt gửi 7,3 tỷ USD trong một quý là bình thường do nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nền kinh tế vào cuối năm.

Ông Lực dẫn dụ mỗi năm, riêng “ông lớn” BIDV cần tới 15 tỷ USD để thanh toán xuất nhập khẩu, hay như Vietcombank cần tới 30 tỷ USD... Thêm vào đó, thời điểm quý III/2015, thị trường gặp phải rủi ro tỷ giá cao. “Chúng ta phải điều chỉnh chính sách tỷ giá tới 3 lần, và tâm lý người làm ngân hàng bao giờ cũng cần dự trữ ngoại tệ để đề phòng rủi ro tỷ giá”, ông Lực nói.

Còn chuyện gửi tiền ở nước ngoài, Phó tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, đây là tính toán kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. “Trong khi mức lãi trong nước chỉ 0,25% một năm, rồi giảm về 0% một năm, ở nước ngoài lãi suất 0,5-0,6% một năm... thì việc các ngân hàng chọn gửi ở nước ngoài là hết sức bình thường. Làm kinh doanh thì “nước chảy chỗ trũng”, lãi suất ở đâu cao hơn thì gửi”, ông Lực phản biện.

“Theo thống kê của chúng tôi, cuối năm 2015, các ngân hàng vẫn cho vay mạnh ngoại tệ chứ không phải “kìm” lại. Một đồng ngoại tệ huy động vẫn cho vay 1,2 đồng, trước khi đưa về trạng thái cân bằng theo quy định. Như vậy là họ cho vay rất tốt, chứ không phải rơi vào bẫy thanh khoản ngoại tệ như báo cáo đưa ra...”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chốt lại.

Ngoài câu chuyện tỷ giá, theo nhóm chuyên gia, dự trữ ngoại hối giảm trong năm 2015. Đặc biệt trong quý III, con số giảm lên tới 6,7 tỷ USD. Tỷ lệ dự trữ ngoại hối tính trên tháng nhập khẩu giảm xuống còn 2,1 tháng (dưới mức khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là 3-4 tháng).

Tín dụng tăng cao và ổn định hơn năm 2014, đạt 17,3%. Huy động vốn thấp tạo ra chênh lệch cung – cầu, đã đẩy mặt bằng lãi suất tăng cả trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động tại các nhà băng thương mại. Năm 2015, cung tiền vẫn tăng chậm, chỉ đạt 16,23%. Tuy nhiên, mức tăng cao hơn các năm trước có thể gây sức ép lên lạm phát 2016. Lãi suất điều hành vẫn giữ ổn định trong năm và hoạt động hút ròng qua kênh tín phiếu diễn ra khá thường xuyên.

Trên cơ sở phân tích các dữ liệu của nền kinh tế năm 2015, các chuyên gia dự báo lạm phát năm 2016 sẽ tăng trở lại, ở mức 4-4,5% do tác động từ giá dầu, giá dịch vụ hành chính công... Tương ứng với mức lạm phát này là tăng trưởng GDP có thể đạt 6,05%. Ở kịch bản “rộng rãi” hơn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,38%, nhưng khó đạt được 6,5% như mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Để đạt được những con số ấn tượng này, chủ biên của báo cáo kiến nghị cần siết chặt kỷ luật tài khoá trong năm 2016 để giảm mức bội chi ngân sách, đồng thời cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ thị trường hoá giá các loại hàng hoá, dịch vụ công.

Ngoài ra, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài, dẫn tới việc hình thành bong bóng tài sản có tính chu kỳ.

Góp quan điểm về công cụ điều hành tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhấn mạnh, nên kiểm soát vốn chảy vào thị trường bất động sản bằng chính sách lãi suất, chứ không phải chính sách hành chính. “Không nên dùng mệnh lệnh hành chính để kiểm toán tín dụng chảy vào bất động sản”, ông Thành lưu ý.


VAFI muốn Chính phủ bán hết cổ phần tại 2 hãng bia lớn

Theo VAFI nếu Chính phủ bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Sabeco và Habeco thì số tiền thu được khoảng 3 tỷ USD.

Hiệp hội các nhà tài chính Việt Nam (VAFI) vừa gửi văn bản tới tân Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về việc quản lý vốn Nhà nước tại 2 doanh nghiệp bia đầu ngành của Việt Nam là Sabeco và Habeco.

Theo đó, VAFI đề nghị Bộ Công thương nhanh chóng đề xuất Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco (90%) và Habeco (82%) theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm gia tăng tối đa giá trị tại 2 doanh nghiệp trên. Bộ không nên áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời, tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.

Tính toán của VAFI cho thấy, số tiền đấu giá thu được có thể tới 3 tỷ đôla. "Số tiền này là đủ để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. Một khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay", VAFI giải thích.

Trước đó, hồi cuối năm 2014, Thai Beverage - công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, cũng nhiều lần trình bày với Chính phủ Việt Nam về mong muốn mua cổ phần trong Sabeco và định giá thương hiệu này ở mức 2 tỷ USD nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Còn tại Habeco, Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S đang sở hữu từ 17,23% cổ phần và muốn tiếp tục mua thêm 13% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức trên 30%. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị này cũng cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Hiện, Sabeco nắm giữ 46% thị phần bia tại thị trường Việt Nam, còn Habeco nắm giữ 17,3%. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-05-2016

    Hãng dầu lớn nhất thế giới muốn liên doanh với Việt Nam
    Áp thuế tự vệ bột ngọt nhập khẩu: Doanh nghiệp sản xuất lo thiệt hại “nhãn tiền”
    Các ngân hàng trung ương ồ ạt mua vàng
    VAFI kiến nghị Bộ Công thương bán toàn bộ Sabeco và Habeco, thu về 3 tỷ USD cho ngân sách
    Tổng Giám đốc TMT có thể được thưởng hàng triệu USD nếu đạt chỉ tiêu kinh doanh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-05-2016

    Sẽ không trực tiếp siết tín dụng bất động sản?
    Quốc hội khóa XIV sẽ phê chuẩn TPP ở kỳ họp đầu tiên
    Ngân hàng đầu tư nghìn tỷ vào mía đường
    Tiêu thụ ximăng nội địa trong 4 tháng qua vượt hơn 15%
    Ngành sản xuất dầu ăn trong nước sắp hết được “bảo vệ”

     

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-05-2016

    Mỗi ngày người Việt mua hơn 700 ôtô
    Trung Quốc bơm thêm tiền ra thị trường
    Rà soát dữ liệu chuyển tiền của người Việt trong Hồ sơ Panama
    Vì sao tài sản ngân hàng “hao hụt”?
    Tham vọng của người Arab với hãng dầu 2.000 tỷ USD

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 12-05-2016

    Việt Nam mất lợi thế khi Trung Quốc đầu tư vào cảng biển Campuchia?
    Lưc lượng Hải quan phát hiện, xử lý 5.485 vụ vi phạm
    Vì sao truy thu thuế mặt hàng điều hòa âm trần?
    Không đạt thành tích xuất khẩu DN không bị "truất" giấy phép?
    Chính phủ khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời

  • Tin kinh tế đọc nhanh 12-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 12-05-2016

    Mỹ, EU lo ngại thiếu hụt cá tra ở Việt Nam
    Khai thác tiềm năng, phát triển logistics
    Xuất khẩu gần 1,9 triệu tấn gạo trong 4 tháng đầu năm
    Thay đổi mức thuế tự vệ đối với dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu
    Paul Singer: Đà tăng của vàng mới chỉ bắt đầu

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 11-05-2016

    Công dân các nước đang phát triển giấu diếm lượng tài sản khổng lồ
    Hơn 1 năm rưỡi nữa, kinh tế Nga mới hết suy thoái
    Châu Âu tiến tới một xã hội không cần tiền mặt
    Thái Lan xả gạo, thị trường của Việt Nam có thể bị xáo trộn
    Việt Nam xuất khẩu điện thoại đạt gần 10 tỉ USD

  • Tin kinh tế đọc nhanh  trưa 11-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 11-05-2016

    Tôm sú VN đang cạnh tranh tốt trên thị trường Mỹ
    Thị trường đang quá tập trung vào FED
    Cái "bắt tay" giữa Vingroup và Tân Hoàng Minh
    Bớt đầu cơ, tiêu thụ thép giảm hẳn
    Trung Quốc: Giá quặng sắt, thép rơi tự do

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 11-05-2016

    Những thị trường ngách triệu đô của ngành thực phẩm
    Sẽ kiểm tra hoạt động chuyển giá tại Big C Việt Nam
    Cửa ải kinh tế Đông Nam Á
    Central Group bán hết cổ phần Big C Thái Lan để dồn sức vào Việt Nam
    Bank of America đối mặt nhiều sức ép

  • Tin kinh tế đọc nhanh 11-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh 11-05-2016

    Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Có tên trong hồ sơ Panama là bình thường
    Công ty quản lý sân bay Thổ Nhĩ Kỳ để mắt tới Việt Nam
    Ông Nguyễn Duy Hưng giải thích việc có tên trong danh sách Panama
    Phó TGĐ Samsung: 'Việt Nam đã thành bản doanh sản xuất smartphone số 1 thế giới'
    Nên làm rõ vụ 189 cá nhân người Việt liên quan “Tài liệu Panama”

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-05-2016

    Xuất khẩu dệt may, da giày đã thu về 10,5 tỷ USD
    Tôm Việt được mua với giá cao tại Mỹ
    NT2 nghiên cứu sản xuất CO2 lỏng từ khí thải nhà máy Nhơn Trạch 2
    Lọc dầu Dung Quất xin tự tính giá xăng dầu
    Xu thế dỡ bỏ các đập trên sông khắp thế giới