Triều Tiên bán quyền đánh cá cho Trung Quốc giá 30 triệu USD
8.400 tỷ đồng làm tuyến tàu điện một ray số 3 của TP HCM
BIDV chính thức được Myanmar cấp phép thành lập chi nhánh 85 triệu USD
Đồng bảng trượt xuống mức thấp kỷ lục mới trong 31 năm so với đồng USD
Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Chuyện gì xảy ra nếu Thế Giới Di Động thâu tóm FPT Shop?
Hệ thống Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh "bao vây" FPT Shop trên đường Phan Văn Hớn (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: Internet
Tổng giám đốc Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh được dẫn lời cho rằng họ cân nhắc phương án sáp nhập – mua lại trong năm nay, và FPT Shop là một đối tác đáng quan tâm.
Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) vừa tổ chức đại hội cổ đông hôm 26/2. Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh được các báo trích lời lại cho rằng, năm 2016 Thế Giới Di Động cân nhắc phương án sáp nhập – mua lại nhằm mở rộng quy mô. Trên báo, ông Doanh cho rằng nếu FPT Shop được bán thì “cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động”, và cho rằng phương án mua lại sẽ đắt hơn nhưng nhanh hơn việc tự mở cửa hàng. Ông Doanh nói thích cả hai phương án sáp nhập lẫn tự mở rộng chuỗi, tuy nhiên sẽ cân nhắc để thực hiện phương án có lợi hơn.
Giả sử Thế Giới Di Động mua lại FPT Shop thì hàng loạt câu hỏi sẽ đặt ra cho bên mua: Giữ hay bỏ cái tên FPT Shop? Nếu bỏ, xử lý thế nào với các cửa hàng FPT Shop đặt rất gần kề với cửa hàng Thế Giới Di Động hiện nay? Giải quyết thế nào đội ngũ nhân sự cấp cao của FPT Shop?
Một chuyên gia trong ngành cho rằng chuyện Thế Giới Di Động đánh tiếng mua lại FPT Shop có thể chỉ là một chiêu đánh bóng tên tuổi, và việc mua lại khó xảy ra do phải xử lý bài toán dùng các cửa hàng FPT Shop gần với Thế Giới Di Động thế nào.
Trước Tết nguyên đán, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop – chia sẻ với báo chí cho biết khó nhất trong việc mở rộng chuỗi chính là mặt bằng. FPT Shop đặt mục tiêu mở 50 cửa hàng trong năm 2016, nhưng nếu việc tìm mặt bằng thuận lợi thì có thể mở nhiều hơn, bà Điệp nói.
Nếu thâu tóm FPT Shop, điểm lợi dễ thấy nhất của Thế Giới Di Động chính là mặt bằng của 269 cửa hàng FPT Shop và nhân viên bán hàng tại các điểm bán này. Với những cửa hàng quá gần Thế Giới Di Động, công ty này có thể tận dụng để làm mặt bằng cho Điện máy Xanh, thậm chí Bách hóa Xanh, hay sang lại cho bên khác, trong trường hợp họ muốn khai tử thương hiệu FPT Shop.
Hiện nay Thế Giới Di Động vẫn đang là chuỗi bán lẻ công nghệ dẫn đầu Việt Nam, FPT Shop đứng thứ hai nếu xét về quy mô. Doanh thu năm 2014 của FPT Shop đạt 5.226 tỷ đồng, tăng 178% so với năm 2013 có doanh thu là 2.932 tỷ đồng. Năm 2015, doanh thu FPT Shop đạt 7.832 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 148% so với năm 2014.
Theo tính toán từ trang CafeBiz, dựa trên mức tăng trưởng doanh thu, doanh thu FPT Shop có thể đạt gần bằng với doanh thu Thế Giới Di Động trong năm 2020, khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng so với hơn 70.000 tỷ đồng. Rõ ràng FPT Shop có thể là một “cái gai” trong mắt Thế Giới Di Động, và việc đàn anh này muốn thâu tóm đàn em là việc hoàn toàn có thể xảy ra.
Tại đại hội cổ đông mới đây, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu 34,1 tỷ đồng doanh thu năm 2016, tăng 35% so với doanh thu năm 2015 là 25,2 nghìn tỷ đồng; và mở thêm 100 cửa hàng. Hệ thống này hiện có 596 cửa hàng, hơn gấp đôi so với FPT Shop.
Nếu thâu tóm được FPT Shop, Thế Giới Di Động không chỉ bớt đi được đối thủ mà còn hoàn thành mục tiêu mở mới siêu thị trong vòng ít nhất hơn một năm nữa, doanh thu cũng tăng cao, tất nhiên số tiền phải bỏ ra để sở hữu FPT Shop không phải nhỏ.
Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cũng được dẫn lời cho biết tham vọng của Thế Giới Di Động là cứ 10 điện thoại bán ra tại Việt Nam thì có 4 điện thoại của chuỗi này. Thâu tóm được FPT Shop, mục tiêu này của Thế Giới Di Động sẽ đến nhanh hơn, thậm chí tỷ lệ có thể cao hơn.
Với thị phần lớn như vậy, hệ thống này sẽ có được lợi thế khi đàm phán về giá đối với các hãng bán thiết bị, từ đó có thể sẽ mang đến mức giá hợp lý cho khách hàng. Đối với các hãng không đưa được sản phẩm vào hệ thống Thế Giới Di Động thì cơ hội tiếp cận khách hàng và mở rộng thị phần sẽ kém đi. Giả sử mất FPT Shop, người dùng cũng bớt cơ hội so sánh và trải nghiệm dịch vụ, giá cả.
Doanh nghiệp nước ngoài vô tình tránh được trả nợ !?
Hệ lụy vụ án này đang là vấn đề “nóng”, bởi theo phân tích của luật sư Nguyễn Duy Hưng – Đoàn luật sư TPHCM, công ty TNHH luật Diên Hồng, thì vô tình chúng ta phủ nhận lợi ích hợp pháp của công ty mía đường Tây Ninh, còn 2 công ty Trung Quốc thì vô tình tránh được trách nhiệm trả nợ, được hưởng lợi không có căn cứ… !?
Sau khi vụ án được khởi tố, Cơ quan điều tra đã nhiều lần yêu cầu công ty mía đường Tây Ninh yêu cầu Tòa hủy Phán quyết Trọng tài về việc buộc công ty Xi Lai Phúc trả nợ cho công ty này. Lý do Cơ quan điều tra đưa ra là hiện vụ án đã được khởi tố điều tra theo quy định pháp luật, Cơ quan quản lý Trung Quốc không có thông tin về công ty Xi Lai Phúc. Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng cho rằng, việc công ty mía đường Tây Ninh khởi kiện đối tác Trung Quốc ra Trọng tài là “dân sự hóa hành vi phạm tội”, gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Các cơ quan tố tụng Tây Ninh đã gián tiếp nhận định đối tượng Đinh Thị Thảo lừa đảo công ty mía đường Tây Ninh (bà Đinh Thị Thảo là người Việt Nam, đã bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), thay vì làm rõ xem các bên mua hàng Trung Quốc có nợ công ty không ?
Trong khi đó, điều bất lợi cho công ty mía đường Tây Ninh, đó là công ty có nhiều văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có ý kiến, nhưng đến nay, việc khởi kiện Cty Guo Qi Do Li ra Trọng tài Quốc tế đã không được thực hiện, dù HĐ mua bán có quy định. Việc khởi kiện đòi tiền cho đến nay có nguy cơ không thực hiện được, do hết thời hiệu khởi kiện.
Đến nay, việc Viện KSND tối cao Việt Nam đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của Cơ quan điều tra Tây Ninh đến Viện kiểm sát Trung Quốc. Nội dung yêu cầu tương trợ: công ty Xi Lai Phúc có được cấp phép không, có mua hàng của công ty mía đường Tây Ninh không, có giới thiệu Đinh Thị Thảo không, có nhận được thủ tục Thông báo của Trung tâm trọng tài quốc tế không. Cho đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời.
Song quá trình làm ăn mua bán giao dịch giữa công ty mía đường Tây Ninh và 2 công ty Trung Quốc được cụ thể hóa qua việc thanh toán tiền cho 50 HĐ đã thực hiện xong. Chứng minh được giữa 2 công ty Trung Quốc và công ty mía đường Tây Ninh đều được thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng, từ tài khoản của 2 công ty phía Trung Quốc cho công ty mía đường Tây Ninh.
Càng khẳng định, sự tồn tại và việc làm ăn có thật, đó là tại phán quyết Trọng tài số 04/13HCM có nêu rõ: “Trung tâm Trọng tài đã gửi Thông báo cho bị đơn (công ty Xi Lai Phúc) kèm theo Đơn khởi kiện của nguyên đơn (công ty mía đường Tây Ninh) và các tài liệu kèm theo; theo xác nhận của DHL (công ty chuyển phát nhanh), bị đơn đã nhận được ngày 16.5.2013”.
Chưa hết, chứng minh rằng, các lô hàng công ty mía đường Tây Ninh bán cho 2 công ty đều được làm thủ tục hải quan, xuất khẩu phía Việt Nam và nhập khẩu phía Trung Quốc. Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định, cả 2 công ty Trung Quốc là công ty Xi Lai Phúc và công ty Guo Qi Do Li là có thật, được thành lập hợp pháp tại Trung Quốc. Các Cty này có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa phía Trung Quốc, có tài khoản ngân hàng để thanh toán cho phía Việt Nam. Như vậy ở đây đặt ra vấn đề là các cơ quan phía Trung Quốc đã không hỗ trợ trả lời cụ thể cho phía Việt Nam, còn các cơ quan tố tụng Việt Nam chưa xác minh tới cùng các thông tin về 2 công ty này.
Theo các hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên có thỏa thuận tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng Tài Quốc tế. Khoản nợ của công ty Xi Lai Phúc đã được Trọng Tài phán quyết. công ty Xi Lai Phúc có nghĩa vụ theo phán quyết trọng tài, nếu công ty này không tự nguyện thực hiện thì công ty mía đường Tây Ninh có thể đề nghị thi hành phán quyết này theo Công ước New York ngày 10.6.1968 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài. Việt Nam và Trung Quốc đều đã tham gia công ước này.
Về khoản nợ của cGuo Qi Do Li, chính khó khăn từ quá trình tố tụng của vụ án này đã ngăn cản Cty MĐTN khởi kiện công ty này ra Trung tâm Trọng Tài, dẫn đến nguy cơ mất quyền khởi kiện.
Một vụ án đang làm băn khoăn dư luận, đó là các cơ quan tố tụng Tây Ninh đã không tính đến việc 2 công ty Trung Quốc đã quan hệ với công ty mía đường Tây Ninh trong một thời gian dài với tổng doanh thu lên đến hơn 451 tỉ đồng, tổng lợi nhuận đã thu về cho công ty mía đường Tây Ninhhơn 21 tỉ đồng và đã nộp cho ngân sách từ các hợp đồng thực hiện giao dịch xong là gần 50 tỉ đồng.
Trong khi đó, các cơ quan tố tụng đã gián tiếp, vô tình thừa nhận các trả lời của các cơ quan phía Trung Quốc là không có thông tin về công ty Xi Lai Phúc, thông báo của Cty Guo Qi Do Li là không có quan hệ với công ty mía đường Tây Ninh. Mặc dù các thông tin này có dấu hiệu không khách quan, nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ của phía doanh nghiệp Trung Quốc. Dẫn đến hệ lụy vụ án hình sự này đã vô tình phủ nhận lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam, đó chính là công ty mía đường Tây Ninh, còn 2 doanh nghiệp Trung Quốc thì vô tình tránh được trách nhiệm trả nợ, được hưởng lợi không có căn cứ ?
Trong “Văn bản kiến nghị” gửi đến các cấp lãnh đạo và cơ quan tố tụng Tây Ninh, luật sư Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Tôi hiểu vụ việc sẽ được TAND tỉnh Tây Ninh xét xử theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của vụ việc, với sự ảnh hưởng của vụ việc tại tỉnh Tây Ninh, với trách nhiệm của mình, tôi kính mong Tỉnh ủy, các cơ quan có liên quan tại tỉnh Tây Ninh xem xét thận trọng vụ án này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam, tránh oan sai, bảo đảm cho môi trường kinh doanh được an toàn”.
TAND tối cao tuyên vụ án người nước ngoài vi phạm pháp luật VN xảy ra tại tỉnh Tây Ninh.
Bảo hiểm Quân đội tăng trưởng lợi nhuận 32% so với năm 2014
Năm 2015, tổng doanh thu của MIC đạt 1.579 tỷ đồng - tăng 40%. Lợi nhuận đạt hơn 50 tỷ đồng - tăng 32% so với năm 2014.
Theo thông tin từ Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC), năm 2015, tổng doanh thu của MIC đạt 1.579 tỷ đồng - tăng 40%. Lợi nhuận đạt hơn 50 tỷ đồng - tăng 32% so với năm 2014.
Năm 2016, MIC đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng - tăng 27% đồng thời tăng thị phần với kế hoạch chiếm 5% thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Mục tiêu lợi nhuận là 75 tỷ đồng. Công ty dự kiến trả cổ tức 9%. Đây là năm thứ 9, MIC đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng trong đó doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chiếm 45%
Một kế hoạch quan trọng khác là MIC dự kiến tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng và tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư chiến lược phù hợp.
Chiều ngày 26/2, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân độ đã tổ chức gặp mặt và ký kết hợp tác với hơn 30 Garage Ôtô khu vực Hà Nội. Theo nội dung ký kết, khách hàng có xe bị tổn thất khi sửa chữa tại những gara này sẽ được Bảo hiểm MIC bảo lãnh thanh toán chi phí sửa chữa và hỗ trợ về mặt thời gian.
Luồn lách qua nhiều cửa ải, doanh nghiệp mãi còi cọc
Doanh nhân khởi nghiệp phải vượt qua muôn vàn cửa ải, từ đó mới lớn khôn. Cửa ải đó không hẳn là thị trường, là quy trình quản lý, là tổ chức sản xuất mà cả hệ thống hành chính.
Đầu năm, anh bạn đến nhà chúc Tết, hỏi thăm dạo này làm ăn ra sao? Sao thấy đang phân phối lò đốt rác, nhu cầu đang tốt, tưởng thành tỷ phú đến nơi rồi mà vẫn kêu khó?
Bạn trả trời: Rằng thị trường tốt, đầu ra, đầu vào đều ổn, duy chỉ có điều, thấy khó này không làm gì được. Giá bán, giá mua, chênh nhau tưởng lãi nhưng phải gõ cửa hết chỗ này chỗ kia, muốn thông đều phải chi phí 'bôi trơn', tính lại đâm lỗ đành phải bỏ thôi.
Mà trường hợp của anh bạn tôi không phải là ngoại lệ. Doanh nhân khởi nghiệp phải vượt qua muôn vàn cửa ải để tồn tại rồi mới nói đến chuyện lớn. Nhưng, cửa ải đó không hẳn là thị trường, không hẳn là quy trình quản lý, không hẳn là tổ chức sản xuất, mà cả những cửa ải để lách qua hệ thống hành chính. Mà muốn qua phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí.
Không thể thành công khi mà chúng ta chưa tạo được không gian thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh (ảnh minh họa).
Trong chương trình “Táo quân” năm Thân, với tinh thần phản biện, hình tượng doanh nghiệp được mô tả là hai anh chàng tý hon không chịu lớn và đều phải làm xiếc để tồn tại. Dẫu rằng, đó là chương trình văn nghệ giải trí, nhưng nó đã phản ánh một thực trạng cay đắng: Doanh nghiệp Việt đang phải vật lộn để tồn tại trong một môi trường nhiều năm liền đổi mới quá chậm so với đòi hỏi thực tế sản xuất kinh doanh
Trong tham luận tại Đại Hội Đảng toàn quốc vừa rồi, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: Trong 5 năm qua, công cuộc cải cách kinh tế đã có làm được rất nhiều việc, riêng cải cách thể chế thì hầu như chưa làm được gì!
Trở lại câu chuyện của anh bạn tôi, một doanh nghiệp phân phối lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản. Về mặt kỹ thuật, đã có kiểm định của Bộ Khoa học Công nghệ, cùng với đó là hàng trăm thông số được các tổ chức khoa học có uy tín từ các nước công nhận. Vấn đề còn lại là nhập khẩu, lắp đặt và chuyển giao với giá thành hợp lý.
Là nước đang phát triển, nhu cầu xử lý rác ở Việt Nam rất lớn, nhưng mặt hàng này vẫn khó bán. Lý do, mỗi địa phương có nhu cầu, bố trí ngân sách không khó, nhưng khi tổ chức đấu thầu đều phải “quân xanh quân đỏ”. Rồi phải thông qua sự phê duyệt của rất nhiều cơ quan: “ông xây dựng” cho chủ trương quy hoạch, “ông tài chính” bố trí ngân sách, “ông môi trường” kiểm định chất lượng, “ông địa phương” (huyện, xã,... ) làm chủ đầu tư, “ông khoa học công nghệ” thẩm định về chất lượng công nghệ,... “ông” nào cũng vô cùng quan trọng.
Để có thể lách qua hàng chục cửa ải đó, phải tổ chức cho các đoàn đi tham quan, giải trình để đổi lấy cái gật đầu. Mỗi lần tham quan, ngoài chi phí ăn nghỉ, đi lại, nếu không có phong bao, coi như chuyến tham quan chưa từng xảy ra. Chưa hết, lại còn phải tranh thủ xin ý kiến, chủ trương từ tỉnh ủy, cơ quan lãnh đạo cao nhất cho ý kiến chỉ đạo.
Hàng trăm cửa ải đó, trước hết là chi phí trong ngoài, sau nữa là thời gian, sự mệt mỏi mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi.
Một thực tế được phản ánh tại diễn đàn Quốc hội là: hầu hết ở các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí xây lắp chỉ chiếm trên 50%. Tưởng như với chi phí ấy, doanh nghiệp thoải mái sống và có lãi.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Một phần rất lớn trong đó dùng để lobby cho các cửa ải mà doanh nghiệp phải đi qua như đã kể ở trên. Một phần khác do phải qua quá nhiều cửa ải nên các công trình xây dựng thường chậm tiến độ, phát sinh thêm chi phí nên đến khi tiền được giải ngân, doanh nghiệp không còn được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ. Đó là chưa nói đến chuyện cuối năm, phải tranh thủ gặp gỡ, biếu xén, chúc Tết để kiếm việc cho năm sau. Mệt mỏi vô cùng.
Thật thâm thúy khi chương trình Táo quân đưa ra hình tượng hai anh chàng còi chỉ giỏi món làm xiếc để mưu sinh.
Năm mới với sự nhất thể hóa thị trường ASEAN bằng cộng đồng kinh tế chung (AEC), cùng với đó là hàng loạt hiệp định tự do hóa thương mại (FTA) được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam đang hội nhập chung ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn phải chịu những bất lợi trong một môi trường kinh doanh còn nhiều bất lợi.
Năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc và đạt tốc độ tăng trưởng cao (6,7%). Đó là một thành tựu. Song, nhìn tổng thể thì chúng ta vẫn còn suy ngẫm. Động lực chính để phát triển vẫn là yếu tố ngoại (FDI, kiều hối,... ) còn nội lực chủ yếu vẫn là lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên. Năm 2020 đang đến gần, đó là thời điểm mà cách đây 20 năm chúng ta đã đề ra mục tiêu đến năm đó, về cơ bản Việt Nam là một nước công nghiệp.
Không thể thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa khi mà Việt Nam vẫn còn trên 40% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhỏ lẻ và manh mún. Không thể thành công khi mà chúng ta chưa tạo được không gian thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh.
Giá vàng trong nước sát thế giới, liệu có bất ngờ?
Trong tuần qua, đã có thời điểm giá vàng ở thị trường trong nước rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng.
Đây là diễn biến hoàn toàn khác so với cách đây vài năm. Điều gì tạo nên bất ngờ này?
Cách đây 5 năm, có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 5 triệu đồng/lượng. Người dân đổ xô xếp hàng mua vàng làm cho thị trường biến động mạnh, chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra. Giới đầu cơ vàng lũng đoạn thị trường kiếm lợi.
Ngày 25/2 vừa qua, giá vàng trong nước xoay quanh 33,5 triệu đồng/lượng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới còn 300.000 đồng/lượng. Giới đầu tư không còn quan tâm nhiều đến vàng, thị trường vàng và tiền tệ ổn định.
Chuyên gia kinh tế Trần Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính – Marketing thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là diễn biến khá bất ngờ nhưng hoàn toàn hợp lý: “Bình ổn thị trường vàng thời gian vừa qua chúng ta thực hiện tương đối là tốt. Còn về thị trường vàng tương đối bình ổn. Việc chống vàng hóa chúng ta cũng đạt được một số mục tiêu nhất định. Giá vàng trong những ngày qua, giá thế giới và Việt Nam đi khá sát nhau, dưới 500.000 đồng/lượng, có lúc dưới 300.000 đồng”.
Có được kết quả này là nhờ Nghị định 24 năm 2012 của Chính phủ Về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt thông tư và giải pháp mạnh để thực hiện nghị định này như không cho nhiều đầu mối nhập khẩu vàng như trước đây mà quy về 1 mối. Ngân hàng Nhà nước tổ chức đầu thầu vàng để cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tất toán vàng, đồng thời quy định người gửi vàng phải trả phí…
Với những giải pháp trên, lúc đó nhiều người cho rằng sẽ không hiệu quả. Vì mỗi lần Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng đều hết sạch, nhu cầu vàng như “thùng không đáy”, không biết vàng đi về đâu?! Có ý kiến còn cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới thì phải lập sàn giao dịch vàng, để cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới…
Nhưng qua gần 4 năm thực hiện Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước khá thành công trong việc bình ổn thị trường vàng trong nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trước đây tiệm vàng nào cũng được mua, bán vàng miếng. Trật tự này đã được lặp lại, đến nay có trên 900 điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nói: “Diễn biến vàng của thành phố Hồ Chí Minh đã rất ổn định. Từ đó góp phần duy trì sự ổn định về tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối của nhà nước và ổn định kinh tế vĩ mô. Sự ổn định thị trường của thành phố có thể nói là việc huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, đầu cơ vàng, nhập lậu vàng đã được kiểm soát. Việc sử dụng vàng bằng phương tiện thanh toán đã chấm dứt”.
Thị trường vàng miếng đã tương đối ổn định song thị trường vàng trang sức vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển thuận lợi, vẫn cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định để sản xuất và đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị: “Đối với ngành vàng nữ trang xuất khẩu, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang có được nguồn nguyên liệu. Vì doanh nghiệp không được nhập khẩu nên không có nguồn nguyên liệu. Vì hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp phải mua nguồn nguyên liệu trôi nổi, mua lại vàng cũ, vàng không chính thức”.
Kết quả bước đầu của việc bình ổn thị trường vàng góp phần hạn chế việc đầu cơ, găm giữ vàng, lành mạnh thị trường, tăng thêm nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng “vàng hóa” tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Giới buôn lậu vàng giờ đã hết đất làm ăn