Độc quyền đẩy giá thuốc quá cao
"Quan hệ thân hữu” khiến doanh nghiệp kém phát triển
Ngành tôm điêu đứng
Viettel được mở mạng di động tại Myanmar
Việt Nam đầu tư sang Lào 4,9 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Cần Thơ cấp dự án sản xuất giày thể thao trị giá hơn 171 triệu USD
Đó là Dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng phát triển khu công nghiệp và nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao do Tae Kwang Industrial Co., Ltd. (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Hưng Phú 2 B (quận Cái Răng) có quy mô 62 ha, trong đó diện tích sử dụng cho nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày là 52 ha, diện tích còn lại để xây dựng khu dịch vụ, thương mại, nhà kho cho thuê, tổng vốn đầu tư của dự án là 171,4 triệu USD
Ngoài ra, có 3 dự án trong nước cũng được cấp phép trong dịp này. Đó là Dự án xây dựng cửa hàng trưng bày và xưởng sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì ô tô của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại Khu công nghiệp Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) có vốn đầu tư 100 tỷ đồng; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bê tông tươi và gạch không nung của Công ty TNHH MTV Xây dựng và bê tông Phúc Tấn (Khu công nghiệp Thốt Nốt) có vốn đầu tư 12 tỷ đồng và Dự án Đầu tư Cửa hàng xăng dầu Hải Hà số 01- Cần Thơ của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà có vốn đầu tư trên 14,8 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hưng Phú 1.
Đại diện cho các nhà đầu tư, ông Lee Hyung Jin, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tae Kwang đánh giá cao môi trường đầu tư của TP. Cần Thơ. Ông cho rằng, từ trước đến nay, Công ty đã đầu tư tại nhiều nơi nhưng chưa nơi đâu thời gian giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư nhanh như tại TP. Cần Thơ.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị Công ty Tae Kwang xúc tiến nhanh việc triển khai dự án, về phía chính quyền TP. Cần Thơ sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty trong quá trình triển khai xây dựng cũng như khi đi vào hoạt động nhằm giúp cho Công ty đầu tư thành công tại địa phương.
Không thể lỡ sóng TPP vì lệ thuộc
Song cũng qua hội thảo này, hàm ý của những người tổ chức và hàng trăm doanh nghiệp tham dự rất rõ. Đó là không thể lỡ cơn sóng lớn về mặt giá trị cho nềnkinh tế mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại vì bất kỳ cứ lý do gì.
Điều này càng phải nhấn mạnh với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày, khi đây là hai ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Thậm chí, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tính rằng, trong 3 năm đầu tiên TPP chính thức có hiệu lực, ngành này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17-20%.
Dự kiến, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của ngành lên tới con số 50 tỷ USD...
Nhưng vấn đề là, các con số trên cũng những cơ hội đang được điểm mặt sẽ là “đếm cua trong lỗ” nếu cả Chính phủ và các doanh nghiệp không sẵn sàng dứt bỏ những lợi thế trước mắt, sẵn sàng trả giá đắt để thay đổi. Đơn cử ngành dệt may, dù đang đứng trong tốp 6 trong số 153 nền kinh tế xuất khẩu dệt may trên thế giới, giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 27 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng tỷ lệ lệ thuộc vào nhập khẩu quá cao.
Hiện ngành này đang phải nhập khẩu 86% nguồn vải phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Phần lớn trong số 5.000 doanh nghiệp dệt may đang làm gia công, tình trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm rất lớn… Nói một cách hình ảnh, thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang ở ba tầng lệ thuộc, khả năng bị tổn thương vì TPP là hiện hữu.
Trong khi đó, soi vào chuỗi giá trị ngành dệt may hiện nay, khâu mang lạ giá trị thặng dư cao nhất đang nằm trong tay Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Phần khúc gia công, bán buôn đang tập trung vào 3 địa điểm là Hồng Kong, Hàn Quốc, Đài Loan. Việt Nam đang đứng cùng Bangladesh, Sri Lanka trong nấc cuối cùng – may xuất khẩu.
Đặt vị thế này vào cam kết TPP, thách thức sẽ hiện lên rất rõ nếu các doanh nghiệp dệt may không giải tốt bài toán giảm lệ thuộc, vẫn đắn đo với các lợi nhuận từ các hợp đồng gia công hiện hữu và các khoản đầu tư lớn cho nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng. Hơn thế, cuộc chơi nào cũng có luật, nếu không thay đổi để thỏa mãn, cái giá phải trả thậm chí là sự tồn vong của không phải là một vài doanh nghiệp Việt Nam…
Tất nhiên, tận dụng cơ hội từ TPP không chỉ là việc của doanh nghiệp. Mới đây nhất tại cuộc họp thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn TPP hôm đầu tuần, Chính phủ đã đặt mục tiêu trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV, dự kiến tháng 7/2016. Để đạt mục tiêu, Chính phủ đã yêu cầu, trong tháng 4 tới, toàn bộ kết quả đánh giá tác động Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam cũng như các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới sẽ được các bộ, ngành hoàn tất trình Chính phủ.
Rõ ràng, Chính phủ mong muốn hoàn tất các phần việc để Quốc hội sớm phê chuẩn TPP. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP. Điều quan trọng hơn, đó là Chính phủ đang đẩy mạnh cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết. Đây chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp và cả người dân và toàn bộ xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực.
Chúng ta đã lỡ “con sóng” WTO bởi nhiều lý do. TPP - sẽ là một cơ hội để Việt Nam thay đổi toàn diện khi hòa mình vào dòng chảy phát triển chung của thế giới.
Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu An Giang trên diện tích hơn 30.000 ha
Theo Quy hoạch mà Thủ thướng Chính phủ vừa phê duyệt thì Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang sẽ có tổng diện tích tự nhiên là 30.729,8 ha bao gồm 3 khu vực cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên.
Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu An Giang hình thành theo mô hình từng khu vực cửa khẩu. 3 khu vực cửa khẩu trên liên kết với nhau thông qua các tuyến Quốc lộ N1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, tuyến Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống...
Các khu vực cửa khẩu gồm khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu, khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình.
Các khu vực phát triển đô thị gồm: Thị trấn Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương, đô thị Nhà Bàng, thị trấn Long Bình.
Các khu vực phát triển dân cư nông thôn gồm: Các khu vực ngoại thị của thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông thủy và bộ.
Các vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, không gian du lịch sinh thái, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông rạch; phân bố đa dạng và xen kẽ trong các khu vực phát triển gồm các khu vực canh tác nông nghiệp bao quanh các đô thị; các hành lang cây xanh theo sông Tiền, sông Bình Di, kênh Vĩnh Tế và các kênh rạch trong khu kinh tế; khu vực cây xanh thuộc quần thể du lịch núi Cấm trong khu vực cửa khẩu Tịnh Biên...
Mục tiêu phát triển Khu kinh tế nhằm gắn kết đồng bộ các khu vực cửa khẩu và các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; liên kết chặt chẽ với các khu kinh tế cửa khẩu khác trong vùng biên giới Tây Nam; cân đối giữa phát triển đô thị, công nghiệp với bảo vệ khu vực sản xuất nông nghiệp; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường toàn Khu kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững.
Đồng thời, hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; phát triển chuỗi đô thị trong Khu kinh tế; hình thành trung tâm du lịch sinh thái Khu kinh tế cửa khẩu An Giang có sức hấp dẫn, liên kết với hệ thống trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên giới.
Nghịch lý kinh tế phục hồi, số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh
Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với đăng ký mới vẫn ở mức bình thường
Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2016 của cả nước là 2.919 doanh nghiệp, tăng 16,5% so với quý IV/2015 và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này có vẻ mâu thuẫn với những nỗ lực, tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp trong thời gian qua của Chính phủ. Tuy vậy, trao đổi với một số chuyên gia về kinh tế, họ đánh giá điều này là hết sức bình thường.
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ, thực tiễn quốc tế, việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là một đặc trưng khách quan về tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Những con số thống kê của một số quốc gia thuộc EU là dẫn chứng cụ thể để cho thấy tình hình doanh nghiệp gia nhập, rút lui khỏi thị trường ở nước ta là hoàn toàn bình thường. Ở Vương quốc Anh, trong một năm (số liệu 2014), có 533.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng đồng thời cũng có 332.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm tỷ lệ 62,2%; tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%. Tại New Zealand, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động là dưới 50%. Ở 26 nước trong khu vực EU, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm là 46%.
So sánh với các con số của Việt Nam, có thể thấy tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với đăng ký mới vẫn ở mức không có gì đáng lo ngại.
Cũng theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, trong quý I/2016, đã có thêm 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 186.013 tỷ đồng, giảm 10% về số doanh nghiệp và tăng 3% về số vốn đăng ký so với quý IV/2015.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quan trên một doanh nghiệp trong quý I đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với quý IV/2015 và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2016 là 322.200 lao động tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tính bình quân mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tạo công ăn việc làm cho hơn 13 lao động. Con số này cũng chỉ ra các doanh nghiệp thành lập mới đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ có quy mô lao động và vốn còn hạn chế.
FECON trúng thầu 4 dự án lớn với tổng giá trị 170 tỷ đồng
Theo đó, FECON đã trúng thầu gói cung cấp và thi công 38.590 m cọc khoan nhồi cho dự án Nhà máy bột giấy Quảng Ngãi với trị giá 97 tỷ đồng. Đây là dự án có quy mô lớn thuộc khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi do liên doanh giữa Tập đoàn JK (Ấn Độ), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng.
Một gói hợp đồng quan trọng khác là thi công 3.980m cọc khoan nhồi và 3.760m tường vây cho dự án Tòa soạn Báo Nhân dân tại Hà Nội trị giá 28 tỷ đồng.
Hai hợp đồng còn lại là các gói thi công cọc ly tâm dự ứng lực cho dự án Conic Residence tại TP. Hồ Chí Minh và dự án Gold Mark City 136 Hồ Tùng Mậu tại Hà Nội cũng sẽ mang lại cho FECON thêm khoảng 44 tỷ đồng.
Như vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, FECON đã ký thêm được gần 500 tỷ đồng các gói thầu thi công và cung cấp cọc, trong đó có những hợp đồng quan trọng như gói cọc ly tâm và móng dự án The Manor Central Park trị giá 92 tỷ đồng, Ga Depot Hà Đông, Hà Nội (30 tỷ), Diamond Tân Thuận Tây, Q7, TP. HCM trị giá 62 tỷ đồng…. Với mục tiêu doanh thu năm 2016 là 2.600 tỷ đồng, tính đến thời điểm hiện tại, giá trị hợp đồng đã ký kết để thực hiện đạt gần 1.400 tỷ đồng cho năm 2016 bao gồm khoảng 900 tỷ từ những hợp đồng đã ký trong năm 2015 và 500 tỷ từ những hợp đồng mới ký.
Đại diện FECON cho biết, công ty cũng vừa hoàn tất đàm phán một hợp đồng thi công hạ tầng lớn, trị giá khoảng 200 tỷ đồng tại khu vực phía Nam và sẽ triển khai ngay trong quý II/2016.
Được biết, năm 2016, FECON đặt mục tiêu cho mảng kinh doanh chính gồm thi công cọc, tường vây và xử lý nền đất yếu chiếm khoảng 50-60% tổng số doanh thu mục tiêu. 3 mảng quan trọng khác mà công ty đặt mục tiêu bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017 sẽ là lĩnh vực thi công hạ tầng, thi công công trình ngầm và khai thác và cung cấp vật liệu đá xây dựng.
Kết thúc năm 2015, FECON đạt doanh thu hợp nhất hơn 1.660 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 188 tỷ đồng, EPS đạt trên 3.000 đồng/cổ phiếu. Tổng tài sản của công ty tăng mạnh từ mức hơn 2.198 tỷ đồng tại thời điểm 1/1/2015 lên mức hơn 2.941 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2015.
Trao đổi với Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, đại diện FECON cho biết thêm, công tác thu hồi công nợ của công ty năm qua cũng đã được khơi thông đáng kể sau khi hoàn thành quyết toán các dự án lớn đã thi công xong mấy năm nay như Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.