TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 10%
Chưa vội mừng với xuất siêu
Gian nan xác lập chỗ đứng cho hàng Việt
Xuất khẩu hồ tiêu lao đao
Dầu giá 0 USD: Không gì là không thể
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Aeon bác bỏ thông tin xây đại siêu thị 200 triệu USD ở Nam Thăng Long
Trước thông tin, Tập đoàn Aeon sẽ xây đại siêu thị 200 triệu USD tại khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội ông Yukio Konishi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam đã bác bỏ thông tin trên.
Ngày 26/2, thông tin với chúng tôi, Yukio Konishi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho biết, trong mấy ngày gần đây có thông tin cho rằng AEeon – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại với vốn đầu tư 200 triệu USD tại khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội). Tuy nhiên, theo ông Yukio Konishi thực tế không phải như vậy.
"Cho đến bây giờ, chưa có thông tin chính thức về vị trí của dự án thứ hai tại Hà Nội. Lãnh đạo Tập đoàn Aeon tại Nhật Bản và Việt Nam cũng chưa hề có quyết định lẫn phát ngôn chính thức về dự án này. Do đó, thông tin Aeon sẽ xây trung tâm thương mại thứ hai ở Hà Nội tại Nam Thăng Long là chưa chính xác", ông Yukio Konishi cho hay.
Trước đó, có thông tin cho rằng, Aeon - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã khảo sát để xây dựng đại siêu thị Aeon Mall tại khu đất hỗn hợp thuộc Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Thông tin từ buổi làm việc trên cho biết, dự án đại siêu thị Aeon Mall thứ hai tại Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng.
Được biết, tháng 11/2015, Aeon đã chính thức cắt băng khánh thành đại siêu thị Aeon Mall Long Biên (Quận Long Biên, Hà Nội).
Aeon Mall Long Biên là trung tâm thương mại thứ 3 tại Việt Nam của Aeon, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 200 triệu USD. Dự án có diện tích xây dựng 9,6 ha và diện tích sàn 12 ha được xây dựng trên 4 tầng nổi.
8.200 doanh nghiệp “chết lâm sàng” mỗi tháng
Có tới 16.471 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2016
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 2/2016, cả nước có 5.584 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 53,8 nghìn tỷ đồng, giảm 19% về số doanh nghiệp và tăng 17,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 44,9%.
Trong tháng 2/2016, cả nước có 2.544 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 69,2% so với cùng kỳ năm trước.
4.015 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, bao gồm 2.039 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 1.976 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, giảm 8,6%. 857 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 19,3%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 44,4%. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm là 198,5 nghìn người, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 7.416 doanh nghiệp, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 2 tháng đầu năm là 2.195 doanh nghiệp, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,4%.
Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 905 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 41,2%); 654 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,8%); 266 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,1%) và 370 công ty cổ phần (chiếm 16,9%).
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 2 tháng đầu năm nay là 16.471 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bao gồm 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 9.251 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có đăng ký, có 2.546 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,2%); 2.556 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 35,4%); 829 công ty cổ phần (chiếm 11,5%) và 1.289 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 17,9%).
Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế hoặc không đăng ký có 3.685 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 39,8%); 3.005 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 32,5%); 1.097 công ty cổ phần (chiếm 11,9%) và 1.464 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 15,8%).
Giá dầu giảm giúp Petrolimex lãi lớn chưa từng thấy
Tập đoàn Dầu khí không vui khi giá dầu giảm nhưng Tập đoàn Xăng dầu thì ngược lại.
Đối lập lập với cảnh lỗ trước thuế 1.100 tỷ trong quý 4 năm 2014, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex đã công bố mức lãi 1.130 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2015.
Lũy kế cả năm 2015, Petrolimex đạt 3.766 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 3.400 tỷ so với năm 2014 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trừ đi thuế thu nhập và lợi ích cổ đông thiểu số, Petrolimex đạt lợi nhuận ròng hơn 2.800 tỷ đồng trong khi năm trước đó lỗ ròng 365 tỷ.
Do giá bán xăng, dầu thành phẩm giảm mạnh theo giá dầu thô nên doanh thu của Petrolimex đã giảm 60 nghìn tỷ (-30%) xuống còn xấp xỉ 147.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vốn giảm gần 66 nghìn tỷ khiến cho lãi gộp của Petrolimex tăng vọt từ 7.200 tỷ lên trên 12.400 tỷ đồng. Tỷ suất lãi gộp trên doanh thu của năm 2015 lên tới 8,5%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù liên tục điều chỉnh giảm giá xăng nhưng số liệu trên cho thấy, tốc độ giảm giá bán chậm hơn rất nhiều so với mức độ giảm giá đầu vào khiến cho lợi nhuận của Petrolimex tăng vọt.
Do chi phí tài chính tăng 1.000 tỷ so với năm 2014, nếu không lợi nhuận của Petrolimex đã cao hơn nhiều.
Cách đây ít ngày, hãng tin Nikkei cho hay, Tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy sẽ khoảng 177 triệu USD để mua 10% cổ phần của Petrolimex. Như vậy giá trị của Petrolimex sẽ ở mức 1,77 tỷ USD, tương đương gần 40.000 tỷ đồng.
Phát hiện gần 4.700 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá
Gần 4.700 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết đã được ngành thuế “khui” ra trong năm 2015.
Theo báo cáo của Tổng cục thuế tại hội nghị trực tuyến ngày 26/2, năm 2015 cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra được 79.297 doanh nghiệp, qua đó tăng thu hơn 12.350 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ là hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014; số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 74%.
Riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, năm 2015 cơ quan thuếđã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 4.751 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 10.050,17 tỷ đồng. Trong số, riêng vụ việc Metro Cash & Carry bị "vạch" mặt chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, truy thu hơn 507 tỷ đồng được coi là vụ việc điển hình trong đấu tranh chống chuyển giá.
Ngành thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.062,74 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 302,91 tỷ đồng. Tổng số tiền cơ quan thuế và cơ quan công an đã xử lý thu hồi vào ngân sách Nhà nước (NSNN) là 16,89 tỷ đồng.
Cho rằng ngành thuế đã rất nỗ lực để “khui” ra những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, song Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, ngành thuế cần đánh giá đầy đủ và toàn diện, nêu ra “địa chỉ” cụ thể những địa phương có số thu lớn, địa phương nào, cơ quan nào chưa đạt chỉ tiêu để phân bổ, đánh giá cho phù hợp.
Cũng theo báo cáo ngành thuế, năm 2015 cơ quan quản lý thuế thu đạt 806.378 tỷ đồng, bằng 110,2% dự toán (tương ứng vượt 74.778 tỷ đồng), bằng 117,7% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, do giá dầu giảm “sốc” trong năm 2015 đã khiến nguồn thu từ dầu thô “hụt” nặng, chỉ đạt 67.510 tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán. Số thu hụt từ dầu thô tương ứng hụt 25.490 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do thu nội địa đạt 738.868 tỷ đồng, bằng 115,7% dự toán (tương ứng vượt 100.268 tỷ đồng), tăng 26,2% so với thực hiện năm 2014, đã giúp ngành thuế “về đích” trong thu ngân sách năm 2015.
Trong số 63 địa phương hoàn thành dự toán pháp lệnh, duy nhất có 2 địa phương không hoàn thành là Quảng Ngãi và Bà Rịa – Vũng tàu. Chỉ ra nguyên nhân, lãnh đạo Tổng cục Thuế thừa nhận, do giá dầu, khí giảm so với dự kiến dự toán (giảm 50% so với dự toán ban đầu) đã khiến 2 tỉnh này không hoàn thành nhiệm vụ thu thuế được giao.
Có 59/63 địa phương có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, còn 4/63 địa phương thấp hơn so với cùng kỳ là Gia Lai, Bạc Liêu, Kon Tum, Đắc Nông.
Chính phủ giao, dự toán số thu là 809.500 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 54.500 tỷ đồng, thu nội địa là 755.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh giá dầu thô được dự báo vẫn tiếp đà giảm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các Cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế đưa ra giải pháp cụ thể hơn để tránh “hụt” thu, hoàn thành nhiệm vụ thu thuế trong năm 2016.
“Số thu của ngành thuế phải đạt tối thiểu 21-22% GDP, thu từ thuế, phí phải đạt 20-21% GDP; thu nội địa tăng trên 80% (tăng gần 10% so với bình quân 5 năm qua). Do đó, cần phải cơ cấu lại nguồn thu để đảm bảo bội chi ngân sách không quá 4%GDP và nợ công không quá 65%GDP”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chốt lại.
Trung Quốc chấp nhận thâm hụt ngân sách tương đương 4% GDP
Một quan chức của Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa cho biết nước này có thể chấp nhận mức thâm hụt ngân sách tăng lên tương đương 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc cao hơn nữa, để hỗ trợ cho việc cải cách trên diện rộng.
Sheng Songcheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và thống kê thuộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, được tờ Nhật báo kinh tế dẫn lời cho hay việc nâng mức thâm hụt ngân sách sẽ không gây ra rủi ro lớn đối với chính phủ của nước này.
Thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đã tăng lên mức tương đương 2,3% GDP năm 2015, so với 2,1% GDP năm 2014. Theo Hiệp ước Maastricht năm 1992 của Liên minh châu Âu, mức thâm hụt ngân sách 3% GDP thường được coi là giới hạn đỏ không nên vượt qua.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, mức tăng thấp nhất trong 25 năm qua. Điều này đã làm dấy lên những lời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phải hành động nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Đầu tháng này, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cho biết Bắc Kinh chấp nhận để mức thâm hụt ngân sách tăng cao dần, tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ và đưa ra giới hạn nợ mới cho các chính quyền địa phương./.