Microsoft bất ngờ chen chân vào thương vụ Yahoo bán mình giá 10 tỷ USD
Chỉ một thương vụ BigC Thái Lan đã gần bằng tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2015
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp chưa hiệu quả
Sau Nga, ô tô Belarus cũng sẽ hưởng thuế suất 0% khi về Việt Nam
Nhật Bản vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Gỡ vướng thủ tục XNK hàng thực phẩm cho doanh nghiệp Nhật Bản
Tại buổi họp “Liên lạc về thực phẩm” giữa đại diện các cơ quan ban ngành Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM tổ chức ngày 23-3, nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm của doanh nghiệp Nhật Bản đã được các cơ quan chức năng giải đáp cụ thể.
Tại buổi họp, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định, hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật phải bao gồm cả giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan kiểm dịch có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Ngoài ra, trong quy định danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch tại Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT, chứng nhận kiểm dịch còn được yêu cầu đối với cả thực phẩm chế biến có nguồn gốc thực vật.
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, yêu cầu này là không cần thiết, do mục đích của việc kiểm dịch là nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trong nước trước sự xâm nhập của sâu bệnh có hại. Tuy nhiên, các sản phẩm như bơ lạc, chè túi lọc, gluten… đều đã qua chế biến công nghệ cao nên sẽ không có nguy cơ nhiễm sâu bệnh.
Phản hồi ý kiến trên của các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Lê Sơn Hà, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo Thông tư 30 ban hành danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam và Quyết định 2515/QĐ-BNN-BVTV ban hành bảng mã số HS của danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã loại bỏ các vật thể không còn nguy cơ mang theo vi sinh vật gây hại, các loại thực phẩm đã chế biến sâu như bơ lạc, chè túi lọc đều không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Hà, riêng mặt hàng gluten vẫn sẽ phải thực hiện kiểm dịch thực vật do thực tế đã từng phát hiện có sản phẩm gluten có vi sinh vật gây hại. Nếu muốn được miễn thủ tục này, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin chi tiết về quá trình chế biến của sản phẩm.
Tại buổi họp, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng phản ánh tình trạng lệ phí, thời gian thẩm tra đối với thực phẩm chế biến và chất phụ gia không được áp dụng theo pháp luật. Nếu DN nộp phí cao thì được giải quyết nhanh.
“Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng của Việt Nam về việc hiện tại đã có thể xin phép trực tuyến do vậy không thể phát sinh các hành vi vi phạm, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản hồi rằng họ không biết việc có thể xin phép trực tuyến. Như vậy có thể nói là dịch vụ xin phép trực tuyến chưa được phổ biến tới các cơ quan liên quan”- đại diện doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, từ cuối năm 2014, Cục đã triển khai đăng ký khai báo sản phẩm theo phương thức trực tuyến, doanh nghiệp không phải tới cơ quan để nộp hồ sơ mà chỉ có thể nộp qua mạng. Việc nộp phí cũng được thực hiện qua mạng. “Toàn bộ quá trình làm các thủ tục trên, hoàn toàn không có sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với chuyên viên thì làm sao có thể phát sinh chi phí?” – ông Long đặt câu hỏi. Theo ông Long, có khả năng doanh nghiệp thuê công ty dịch vụ làm các thủ tục đăng ký khai báo sản phẩm, khiến cho chi phí bị đẩy lên cao.
Về vấn đề dịch vụ đăng ký trực tuyến chưa được phổ biến rộng rãi, ông Long cho hay, từ khi triển khai, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đăng tải thông tin trên website của ngành và các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, trong năm 2015 đã có hơn 30.000 sản phẩm được đăng ký khai báo qua mạng. Do đó, có thể nói thủ tục này đã được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.(BHQ)
Thép Việt bị áp thuế do "vạ lây" án thuế của TQ
Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vừa ban hành quyết định cuối cùng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Ngày 24-3, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA- Bộ Công thương), cho biết Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vừa ban hành quyết định cuối cùng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá ở mức 25,27% (mức ngang bằng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc đối với sản phẩm trên) cho các doannh nghiệp VN đã không trả lời đầy đủ bản câu hỏi, hoặc cung cấp thiếu thông tin.
Riêng 3 doanh nghiệp khác của VN có hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra đã không bị áp mức thuế nói trên do được Thổ Nhĩ Kỳ kết luận “không có hành vi lẩn tránh thuế”.
Trước đó, tháng 12-2014, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ VN, do nghi ngờ có hiện tượng lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang được Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với Trung Quốc từ năm 2006.
Doanh nghiệp Mỹ mong VN cải thiện hạ tầng
Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hiện có hơn 50 công ty Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Gặp gỡ Hoa Kỳ” tổ chức ở Hà Nội chiều 23-3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tích cực và đang ở thời điểm rất thuận lợi để mở rộng quy mô hợp tác kinh tế.
Theo ông Trung, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp nhận vốn, công nghệ và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu từ các dự án đầu tư của Hoa Kỳ.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng.
Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hiện có hơn 50 công ty Hoa Kỳ đang đầu tư tại Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 45 tỉ USD năm 2015.
Cảng Đà Nẵng chuẩn bị gia nhập sân chơi UPCoM
66 triệu cổ phiếu CDN của Cảng Đà Nẵng đã được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM.
Ngày 22/3, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã có quyết định chấp thuận cho CTCP Cảng Đà Nẵng (mã chứng khoán CDN) được đăng ký giao dịch 66 triệu cổ phiếu phổ thông mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM. Cảng Đà Nẵng có trách nhiệm công bố thông tin theo đúng quy định.
Cảng Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Đà Nẵng, được bao bọc bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà, kín gió và có bờ đê dài rất thuận tiện cho việc neo đậu tàu thuyền. Khu cảng chính hiện nay là Bến cảng Tiên Sa. Ngoài việc là một cảng hàng hóa, Cảng Đà Nẵng còn có lợi thế là một cảng du lịch nổi tiếng với hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm.
Cảng Đà Nẵng được cổ phần hóa vào tháng 6/2014 với vốn điều lệ ban đầu 660 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Tính đến ngày 22/10/2015, Cảng Đà Nẵng có 603 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông lớn chiếm 86,76% vốn điều lệ công ty. Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 75% vốn điều lệ.
Hiện Cảng Đà Nẵng đang nắm cổ phần chi phối tại 3 công ty con là CTCP Logistic Cảng Đà Nẵng (DNL); CTCP Xây dựng và Thương mại Cảng Đà Nẵng; CTCP Tàu lai Cảng Đà Nẵng.
Doanh thu của công ty chủ yếu từ hoạt động bốc xếp, giao nhận, lưu kho bãi, lai dắt tàu, cầu bến. Năm 2015 được xem là năm đầu cổ phần hóa, Công ty đạt 573 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ gần 125 tỷ đồng.
Hậu gói 30.000 tỷ, tiền giải ngân cho người nghèo mua nhà sẽ theo kịch bản nào?
Ngày 1/6 tới, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02 sẽ chính thức dừng giải ngân. NHNN đang xin Chính phủ gia hạn gói tín dụng này.
Sau kiến nghị của Hiệp hội bất động sản, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi đến Chính phủ đề xuất sau thời điểm 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết gói 30 nghìn tỷ đồng thì tiếp tục kéo dài thời hạn giải ngân.
Tính đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng này đã giải ngân 85%, dự báo với những yếu tố đột biến thì trong 3 tháng cho đến thời điểm ngày 1/6/2016 sẽ phải tiếp tục giải ngân tiếp 15% còn lại. Câu hỏi đặt ra là làm sao để giải ngân xong hết 15% này?
Theo một số chuyên gia tại buổi Tọa đàm "Hậu gói 30.000 tỷ đồng và dòng tiền cho BĐS" tại TP.HCM sáng nay, kế hoạch giải ngân này có hai phần. Theo đó, phần 1 là giải ngân cho doanh nghiệp 9.000 tỷ đồng, hiện nay chỉ mới có khoảng 86% ký hợp đồng.
Tuy nhiên theo tiến độ đến tháng 6/2016 doanh nghiệp mới chỉ được giải ngân thực tế khoản 50% vì ít doanh nghiệp đăng ký tham gia nhà ở xã hội. Phần quan trọng là giải ngân đối với khách hàng cá nhân, theo tiến độ tháng 3/2016 tiến độ giải ngân lên 85% nhưng dự kiến đến lúc "đóng" gói tín dụng sẽ cán mốc 93%. Như vậy số lượng còn rất ít khoảng 7%.
Ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty Luật ATIM, cho rằng Nghị quyết 02 đề cập đến nội dung ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp, còn đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư là lãi suất hợp lý. Nhưng Nghị quyết 02 cũng không nói về thời hạn vay vốn. Sau đó là sự ra đời của Thông tư 11 có đưa ra nhưng cũng cũng không nói về việc khoản vay sau ngày 1/6 sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi.
Về phía ngân hàng cho vay, bên cạnh một số ngân hàng có ghi rõ ràng về thời hạn áp dụng lãi suất ưu đãi nhưng cũng có một số hợp đồng ngân hàng không nói rõ về lãi suất ưu đãi không áp dụng cho những khoảng giải sau ngày 1/6. Ông Hiền nhận định đứng ở góc độ người thu nhập thấp đi vay thì người vay không được tư vấn kỹ, không thể hiểu được ngôn ngữ hợp đồng nên dẫn đến hiểu không rõ là điều khó tránh khỏi.
"Ngay cả bản thân tôi là luật sư nhưng khi tìm hiểu về gói 30.000 tỷ cũng phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản luật, phải quay về các văn bản gốc. Nhất là thông tư 02/2013 của NHNN. Bên cạnh đó, các văn bản ban hành của ngân hàng nhà nước có cụm từ “tái cấp vốn” khiến một số người chưa thực sự hiểu về nguồn tiền NHNN cấp cho các Ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi", Ls. Hiền phân tích thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), có ba kịch bản đặt ra hiện nay. Kịch bản thứ nhất là Nhà nước mở hết van cho giải ngân 7% còn lại như đã phân tích ở trên. Thứ hai là doanh nghiệp và người dân bắt tay nhau tăng tốc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân và tiến độ thực hiện dự án. Thứ ba là doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho người dân phần chênh lệch lãi suất. Ví dụ lãi suất là 5%/năm sau đó bị biến động thì doanh nghiệp sẽ bù vào trong suốt thời gian vay.
"Dù vậy giải pháp thứ 3 sẽ hạn chế về sau vì nếu các doanh nghiệp không đủ sức hỗ trợ thêm thì người mua nhà lại tiếp tục lao đao.Như vậy giải pháp tối ưu nhất vẫn là là sự hỗ trợ của NHNN, với số tiền không lớn cho 7% còn lại nhưng mà là sự hỗ trợ này sẽ trọn vẹn hơn", ông Đực nói.
Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, không thể trách chung hết các ngân hàng vì đã thực sự đã có ngân hàng giải thích rõ ràng, nhưng trong thực tế vẫn còn một số tổ chức tín dụng sử dụng từ ngữ khó hiểu nên người dân bình thường không hiểu hết được.
Theo quan điểm của TS. Hiếu có hai trường hợp. Thứ nhất khi NHNN tái cấp vốn với lãi suất 3,5%/năm tức các NHTM được hưởng chênh lệch 1,5%. Nếu trong trường hơp NHNN phải dựa vào nguồn vốn khác để tái cấp vốn thì các ngân hàng sẽ áp dụng thời hạn vay phải khớp nhau. Còn nếu NHNN có nguồn lực tài chính để tái cấp vốn thì có thể tiếp tục tái để gia hạn cho đến lúc giải ngân hết gói tín dụng
"Tôi được biết theo thông lệ quốc tế thì các hợp đồng tín dụng đã được ký sẽ được áp dụng lãi suất cho món vay này trong suốt thời gian vay chứ không thể hủy ngang. Lãi suất chỉ được điều chỉnh khi món vay không được giải ngân", TS. nói thêm.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty BĐS Lê Thành cũng cho biết cần kết thúc gói 30 nghìn tỷ đồng sau khi chúng ta giải ngân hết cho những người đã ký kết nếu nó thực sự mang lại hiệu quả. Nếu không, chúng ta không cần phải kéo dài thêm vài tháng làm gì vì người mua đang cố tìm cách giải ngân trước thời hạn. Điều này vô cùng nguy hiểm, khi chủ đầu tư ôm tiền và nếu tiến độ không được đảm bảo thì rất nguy hiểm.