Nếu giá dầu tiếp tục lao dốc, Việt Nam có nên ngừng khai thác mỏ?
Lạm phát tại Nhật Bản lại quay về mức zero
Reuters: Bất động sản Việt Nam hưởng lợi nhờ kiều hối
Bán không hết trái phiều kỳ hạn 5 năm
GDP quý I tăng 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại!
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán
Trước tình hình giá lúa gạo nội địa liên tục tăng cao, mới đây nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại để đủ bù đắp chi phí, qua đó, phần nào mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.
Lúa Đông Xuân tại xã Tân Hùng, huyện Trà Cú đã trổ bông nhưng bị lép hạt do thiếu nước ngọt. Ảnh: Duy Khương/TTXVN.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng giá chào bán loại gạo 5% tấm lên mức 380-390USD/tấn và 365-375USD/tấn đối với gạo 25% tấm. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu khác trong khu vực vẫn giữ nguyên giá chào bán.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đối với vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long và tác động từ nhu cầu tăng ở đường biên nên giá lúa gạo trong nước liên tục tăng trong thời gian qua.
Để bù đắp chi phí, các doanh nghiệp đã phải tăng giá chào bán xuất khẩu gạo các loại lên khoảng 5-10USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này lại cao hơn hẳn từ 10-20 USD/tấn so với mức giá đối tác có thể chấp nhận mua. So với đối thủ cạnh tranh chính, giá gạo Việt Nam cũng đang cao hơn so với Thái Lan từ 10-15 USD/tấn.
“Chúng tôi đang chào bán loại gạo 5% tấm với giá 390USD/tấn, nhưng không có đối tác hỏi mua. Trong khi đó, giá thu mua gạo nội địa cộng với chi phí vận chuyển, bảo quản… cũng đã không dưới 390USD/tấn. Đã 5 ngày nay doanh nghiệp ngừng thu mua gạo mới, vì không biết bán cho ai với mức giá này, còn nếu chỉ để lưu kho thì sau này giá lúa gạo giảm chúng tôi lại bị lỗ nặng,” ông Đôn cho biết thêm.
Mặc dù xuất khẩu gạo có những tín hiệu khả quan trong quý 1-2016, tuy nhiên ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cũng cho rằng so với mặt bằng chung giá thị trường thế giới thì chỉ có giá gạo Việt Nam tăng cao hơn hẳn nên các doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh về giá bán.
Hiện, giá lúa gạo trong nước đang cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Với diễn biến này, một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, doanh nghiệp khó có thể ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo mới với khối lượng lớn.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp chỉ lo thu gom đủ lượng gạo để cung cấp cho các hợp đồng đã ký trước đó. Một số doanh nghiệp đã “lỡ” ký nhiều hợp đồng mà chưa kịp thu gom lúa gạo thì giờ đang gặp phải tình trạng “mệt mỏi” và lỗ nặng.
Tính đến ngày 15-3-2016, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 1,1 triệu tấn, trị giá FOB 444 triệu USD, trị giá CIF 475 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu gạo tăng gấp đôi về sản lượng và trị giá.
Quy trình, thủ tục xuất khẩu cây dó bầu
Tổng cục Hải quan cho biết, mặt hàng “cây dó bầu” không thuộc danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm XK. Do đó, người khai hải quan không phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vào bộ hồ sơ hải quan XK khi thực hiện thủ tục hải quan.
Công ty TNHH Golden Wave (gọi tắt là DN) nêu vướng mắc về quy trình, thủ tục hải quan để XK cây dó bầu vào thị trường Nhật Bản. DN nhấn mạnh, cây dó bầu là loại cây được trồng tại các vườn ươm, là loại cây giống nhân tạo hoàn toàn.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, đối chiếu Quyết định số 69/2004/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT, mặt hàng “cây dó bầu” không thuộc danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm XK. Điều 3 Nghị định số 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc cấm XK, NK, tái XK, NK từ biển mẫu vật quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES vì mục đích thương mại. Đồng thời, Nghị định số 82/2006/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp phải có giấy phép CITES khi XK.
Cũng theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT thì cây và các bộ phận còn sống của cây phải thực hiện kiểm dịch khi XK. Tuy nhiên, người khai hải quan không phải nộp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật vào bộ hồ sơ hải quan XK khi thực hiện thủ tục hải quan theo hướng dẫn tại công văn số 8690/TCHQ-GSQL ngày 1-10-2015 của Tổng cục Hải quan.
Do đó, để nắm được quy định về XK mặt hàng, Tổng cục Hải quan đề nghị DN đối chiếu tên khoa học của mặt hàng “cây dó bầu” và quy định tại Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để thực hiện.
Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, DN thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Không xử lý lại thuế mặt hàng bơ khan NK trước ngày 1-1-2016
Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn Hải quan các tỉnh thành phố, đồng thời thông báo cho Hiệp hội các DN sữa Việt Nam về việc xử lý kiến nghị đối với mặt hàng “Anhydrous Milkfat”- dầu bơ khan.
Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Công văn 1049/VPCP-KTTH ngày 18-2-2016 về việc xử lý kiến nghị của một số DN NK sữa, theo đó, đối với các tờ khai hải quan NK mặt hàng Anhydrous Milkfat đăng ký trước ngày 1-1-2016 (ngày Thông tư 182/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực), có mã số và mức thuế suất theo khai báo của DN đã được thông quan thì không thực hiện xử lý lại thuế.
Đối với các tờ khai hải quan NK mặt hàng Anhydrous Milkfat đăng ký từ ngày 1-1-2016 thì thực hiện phân loại, tính thuế theo mức thuế suất quy định tại Thông tư 182/2015/TT-BTC.
Được biết, trước đây, tại Biểu thuế NK ưu đãi thì mặt hàng “Anhydrous Milkfat”- dầu bơ khan và “Anhydrous Butterfat”- chất béo của bơ là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số HS và thuế suất khác nhau.
Mặt hàng “Anhydrous Milkfat” thuộc nhóm 04.05 “Bơ và các chất béo và các loại dầu khác tách từ sữa, chất phết từ bơ sữa (dairy spreads)”, mã số 0405.90.90 “—loại khác”. Thuế suất thuế NK là 15%. Mặt hàng “Anhydrous Butterfat” thuộc mã số 0405.90.10 “- chất béo khan của bơ”. Thuế suất thuế NK 5%.
Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với các DN nhập khẩu mặt hàng khai báo “Anhydrous Milkfat”- và “Anhydrous Butterfat”
Tuy nhiên, phản hồi lại việc này, một số DN NK sữa cho rằng, quy định về mức thuế NK đối với mặt hàng Anhydrous Milkfat chưa hợp lý, thiếu tính minh bạch. Các sản phẩm có cùng thành phần cấu tạo, cùng công dụng, được sử dụng thay thế cho nhau lại có mức thuế NK khác nhau. Mức thuế 15% cho mặt hàng nguyên liệu sản xuất là cao và bất hợp lý so với sản phẩm sữa NK (mức thuế suất nhập khẩu từ 5-7%), sữa chua NK (thuế suất NK là 10%)”.
Tiếp thu những kiến nghị này, Bộ Tài chính đã chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của DN đã được cơ quan Hải quan chấp nhận để thông quan. Đồng thời Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế NK ưu đãi 5% đối với cả hai mặt hàng Anhydrous Milkfat và Anhydrous Butterfat, áp dụng trong Biểu thuế NK ưu đãi năm 2016 ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16-11-2015.(BHQ)
Nhập hàng cho DN chế xuất, công ty cho thuê tài chính vẫn phải nộp thuế
Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với Cục Hải quan Đồng Nai trong vướng mắc về chính sách thuế đối với hàng hóa NK của công ty cho thuê tài chính NK cho DN chế xuất thuê.
Công ty cho thuê tài chính NK hàng hóa cho DN chế xuất thì phải kê khai, nộp thuế NK theo quy định. Ảnh: T.Trang.
Tổng cục Hải quan cho biết, tại Nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 7-5-2014 không quy định chính sách thuế NK đối với hàng hóa của công ty cho thuê tài chính NK cho DN chế xuất. Vì vậy, trường hợp công ty cho thuê tài chính NK hàng hóa cho DN chế xuất thì phải kê khai, nộp thuế NK theo quy định.
Bên cạnh đó, hướng dẫn về loại hình đăng ký tờ khai, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Điều 17, 18 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê tài chính gồm: quyền sở hữu tài sản cho thuê trong suốt thời hạn cho thuê; mua, NK tài sản cho thuê theo thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Như vậy, máy móc NK thuộc quyền sở hữu của công ty cho thuê tài chính. Theo đó, khi làm thủ tục NK, DN không được sử dụng mã loại hình E13- Nhập tạo tài sản cố định của DN chế xuất. DN cần sử dụng mã loại hình phù hợp với hình thức XNK theo hướng dẫn tại công văn 2765/TCHQ-GSQL ngày 1-4-2015 của Tổng cục Hải quan.(BHQ)
Với TPP, mùi hương, âm thanh cũng phải bảo hộ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng mà các nước, khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải dành nhiều thời gian bàn luận và rất khó khăn khi đi đến kết luận cuối cùng.
Dễ vướng vòng lao lý
Tại cuộc tọa đàm về sở hữu trí tuệ trong TPP ngày 23-3, ông Khánh cho biết, quy định quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không khác xa so với Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ). Theo đó, tất cả những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TRIPS được giữ nguyên, chỉ có một số đối tượng mở rộng phạm vi.
Ví dụ, sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chúng ta đang bảo hộ nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng tập hợp chữ hoặc hình. Tuy nhiên, sau khi TPP có hiệu lực thì chúng ta sẽ phải bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, tức là sử dụng một đoạn nhạc, đoạn âm thanh như dấu hiệu bảo hộ nhãn hiệu. Thậm chí, chúng ta còn phải nỗ lực bảo hộ sở hữu trí tuệ với cả mùi hương.
Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, làm được những điều này không dễ nhưng Việt Nam cũng phải nỗ lực. Có những vấn đề bảo hộ như nhãn hiệu về vị, tuy không được đặt ra trong quy định cuối của TPP nhưng cũng hết sức khó, vì nó có tính cảm quan lớn.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, vấn đề thực thi trong TPP yêu cầu các nước phải nâng lên một bước cao hơn, trong đó đối với nhãn hiệu, quyền tác giả phải bảo vệ thực thi quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu trong môi trường số tương tự như trong môi trường hành chính; đồng thời đẩy những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiển nhiên như giả mạo thương hiệu, sao lậu bản quyền tác giả… bắt buộc phải xử lý bằng hình sự.
TPP cũng khuyến cáo các nước cố gắng xây dựng hệ thống dân sự để xử lý tranh chấp trong quyền sở hữu trí tuệ thay vì hiện nay chúng ta đang xử lý bằng hành chính. TPP không bắt chúng ta phải từ bỏ biện pháp hành chính như hiện nay nhưng TPP yêu cầu chúng ta phải đưa những thủ tục có ở trong các biện pháp dân sự vào trong biện pháp hành chính để xử lý”, ông Khánh nói.
Ông Lâm bổ sung thêm: “Cần phải nêu yêu cầu của TPP rất xác đáng để doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia quá trình kinh doanh sử dụng môi trường số, internet để chào bán sản phẩm, quảng cáo. Rất nhiều tình huống doanh nghiệp cố tình sử dụng nhãn hiệu của người khác hoặc chào bán xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu những quy định của TPP mà doanh nghiệp không rút ra kinh nghiệm, từ bỏ các hành vi đó thì sẽ vướng vào vòng lao lý. Khi đó biện pháp xử lý hình sự trong TPP sẽ được áp dụng”.
Phân tích rõ hơn, ông Khánh cho biết, trước đây chúng ta đã từng xử lý hình sự vấn đề sao chép một tác phẩm khi người sao chép có mục đích thương mại, vi phạm xảy ra ở quy mô lớn. Nhưng hiện nay, dưới sự phát triển của internet, đôi khi người vi phạm không có mục đích thương mại (như xem được một bộ phim tình cờ sao chép để chia sẻ trên internet) nhưng hành động này tình cờ gây thiệt hại cực kỳ lớn cho chủ sở hữu.
Do vậy, TPP đã thực hiện một việc rất đúng là kể cả khi không có động cơ thương mại, vô tình gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là vấn đề mà trước đây chúng ta mới chỉ xử lý hành chính.
Quan trọng là thực thi
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là cần phải làm gì để người dân, doanh nghiệp tuân thủ các cam kết trong TPP về sở hữu trí tuệ bởi lẽ hiện nay tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn khá phổ biến?
Trả lời cho câu hỏi này, vị đại diện của Bộ Công Thương nhấn mạnh đến 2 vấn đề là xây dựng khung khổ pháp lý và vấn đề thực thi.
Trên thực tế, việc xây dựng pháp luật không khó. Sắp tới, Chính phủ cũng như các bộ, ngành khác có lộ trình xây dựng pháp luật để trình Quốc hội thông qua và chúng ta có thời gian để thích nghi.
Việc quan trọng nhất hiện nay là vấn đề phải tăng cường năng lực thực thi. Chúng ta không bắt đầu từ con số 0 và luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ nhưng năng lực thực thi hiện nay chúng ta đang có vấn đề.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lâm cho hay, năng lực của cơ quan này không đủ đáp ứng nhu cầu đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đang tăng nhanh trong xã hội
Nguyên nhân là do hệ thống cơ quan thực thi pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này cũng mỏng và yếu; thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà…
Ví dụ, chúng ta chưa có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ nhưng nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… không có tòa chuyên ngành thụ lý, giải quyết. Tòa dân sự lại không có các thẩm phán chuyên trách về sở hữu trí tuệ nên chưa xử được các vụ tranh chấp này.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ có kiến nghị để tăng cường nguồn lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ”, ông Lâm nói.(BHQ)