Xuất khẩu gạo đang mất lợi thế cạnh tranh về giá bán
Quy trình, thủ tục xuất khẩu cây dó bầu
Không xử lý lại thuế mặt hàng bơ khan NK trước ngày 1-1-2016
Nhập hàng cho DN chế xuất, công ty cho thuê tài chính vẫn phải nộp thuế
Với TPP, mùi hương, âm thanh cũng phải bảo hộ
Tin kinh tế đọc nhanh 24-03-2016
- Cập nhật : 24/03/2016
Bộ Tài chính: Vay vốn ODA đang đắt gấp đôi
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 23/3, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chia sẻ nhiều về cái giá đắt đỏ khi đi vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và coi đó như một vấn đề mà ngân sách Nhà nước đang đối mặt.Ông cho biết, từ khi Việt Nam thành nước thu nhập trung bình, vốn ưu đãi cũng giảm theo. Chi phí vốn trước đây chỉ khoảng 1% thì nay gấp đôi, cỡ khoảng 2%. "Trước đây được vay 30-40 năm thì nay chỉ khoảng 20-25 năm, nhiều tài trợ thậm chí chỉ 15 năm".
Không chỉ chi phí vay đắt đỏ mà áp lực trả nợ đang tăng nhanh gấp đôi. Theo ông Long, điểm rơi trả nợ nhiều nhất của Việt Nam vào khoảng năm 2022-2025. Trước đây thời gian vay bình quân khoảng 40 năm nhưng hiện nay bình quân khoảng 12,5 năm. "Hiện Việt Nam có chương trình làm việc với WB đàm phán phương án hạn chế tác động trả nợ nhanh tới ngân sách Nhà nước và chủ dự án, tránh sốc", ông Long nói.
Những thay đổi trên theo ông Long đặt trong bối cảnh khi tới tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam, khiến việc huy động vốn thêm khó khăn. Sau WB, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác có thể sẽ chuyển dần dòng vốn vay và Việt Nam sẽ không còn tiếp cận vốn ODA ưu đãi như trước nữa.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay, trong khoản 15 tỷ USD vốn ODA dành cho địa phương, có tới 92,2% là cấp phát và chỉ 7,8% là khoản cho vay lại. Để khắc phục tình trạng vốn ODA như "cho không" các địa phương, sắp tới Bộ Tài chính sẽ chia các địa phương thành 5 nhóm với tỷ lệ vay lại ODA và được cấp phát rõ ràng.
Cụ thể, sẽ có 3 nhóm các địa phương còn khó khăn, phải nhận trợ cấp của Nhà nước và 2 nhóm các nơi có thể điều tiết lại ngân sách Nhà nước. Các tỉnh khó khăn nhất theo ông Long sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Một số địa phương khác "khá hơn" sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20-30%. Với địa phương dồi dào hơn thì có thể áp dụng cơ chế 50-50, tức là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%. Riêng với Hà Nội, Sài Gòn dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 80-20, đồng nghĩa Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%.
Khi người Đức bán lẻ trên xứ Việt
Chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Đức chọn một ngách khá riêng biệt khi kinh doanh 100% hàng hóa nhập khẩu từ Đức.
Chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Đức chọn một ngách khá riêng biệt khi kinh doanh 100% hàng hóa nhập khẩu từ Đức.
Sau mô hình chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng Nhật, tại Việt Nam đã xuất hiện mô hình chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sản xuất ở Ðức và đang thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở phía Bắc. Ðó là chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Ðức do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Lộc Hương, sáng lập.
Trong khi các chuỗi cửa hàng tiện lợi thông thường đang cạnh tranh giành khách ở từng ngã đường, chuỗi siêu thị Ngôi Nhà Đức lại chọn một ngách riêng khi kinh doanh 100% hàng hóa nhập khẩu từ Đức. Ðây có thể xem là một “đại dương xanh” do thị trường chưa xuất hiện đối thủ tương đồng, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng Made in Germany vẫn hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ người Việt từng sống, học tập và làm việc tại Đức và các nước Đông Âu.
Tại Ngôi Nhà Ðức, có thể dễ dàng tìm thấy những mặt hàng thân thuộc với người Việt từng xa quê như trứng cá muối, búp bê Maruska, lật đật, phô mai dây, vodka... Chuỗi bán lẻ này hiện có 80 chi nhánh, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Công ty Lộc Hương, đơn vị quản lý Ngôi Nhà Đức, hiện là đối tác của Ecco, Pelz, Maxima và FIT, những tập đoàn Ðức chuyên phân phối mỹ phẩm và hàng tiêu dùng.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương, trung bình doanh thu mỗi chi nhánh Ngôi Nhà Đức là 500 triệu đồng/tháng. Trong năm nay, bà đặt mục tiêu đưa chuỗi bán lẻ này Nam tiến. Tuy nhiên, chắc chắn đây sẽ không phải là một hành trình dễ dàng, giống như câu chuyện từng diễn ra với các hệ thống cửa hàng Nhật.
Còn nhớ, vào năm 2008, các hệ thống cửa hàng đồng giá của Nhật như Daiso, HachiHachi... đã bùng nổ và thu hút đông đảo người tiêu dùng. Nhưng sau một thời gian, sức hấp dẫn của các cửa hàng này đã giảm đi rõ rệt. Nguyên nhân được cho là bởi sản phẩm không đa dạng, lại bị cạnh tranh bởi hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi thông thường. Riêng HachiHachi đã phải thay đổi chiến lược từ cửa hàng đồng giá thành cửa hàng Nhật từ năm 2009.
Quay lại với hệ thống Ngôi Nhà Ðức. Có thể thấy tại thị trường miền Nam, các thương hiệu sản phẩm từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan hay Mỹ đã có sẵn thị trường và đang làm mưa làm gió trên kệ hàng tại nhiều siêu thị. Thế nên, việc sản phẩm Made in Germany có thể thu hút người tiêu dùng hay không, sẽ phải chờ vào khả năng tiếp cận của Công ty Lộc Hương.
Bên cạnh đó, công ty này cũng bắt đầu xuất những lô hàng nông sản của Việt Nam sang Đức. Sản phẩm chủ lực là trà táo mèo, do Lộc Hương kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và Viện máy IMI hợp tác sản xuất. Ðây là một hoạt động nhằm giúp giải quyết việc làm cho các chị em phụ nữ nghèo dân tộc miền núi.
Nga và Việt Nam ký thỏa thuận sản xuất ôtô
Bộ Công Thương Nga cho biết Việt Nam và Nga đã ký một thỏa thuận sản xuất ôtô của nước này tại Việt Nam.
Bộ Công Thương Nga cho biết Việt Nam và Nga đã ký một thỏa thuận sản xuất ôtô của nước này tại Việt Nam.
Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thương mại và hợp tác của 2 nước.
Chính phủ Nga cho biết các hãng sản xuất xe hơi tại Nga là Gaz, Kamaz và Sollers sẽ có hạn ngạch xuất khẩu miễn thuế ôtô và các phụ tùng ôtô sang Việt Nam.
Các nhà máy tại Việt Nam sẽ bắt đầu sản xuất xe buýt, xe tải, xe chuyên dụng, xe thương mại hạng nhẹ và xe chở khách sử dụng nguồn nguyên liệu này.
Bộ Công Thương Nga cho rằng thỏa thuận lần này sẽ giúp quốc gia này tăng kim ngạch xuất khẩu xe hơi và mở ra cơ hội cho các sản phẩm của Nga tiếp cận với thị trường ASEAN.
Theo dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu sang Việt Nam 2.550 xe trong 3 năm đầu và 13.500 phụ kiện trong 5 năm đầu. Cho tới năm 2025, việc nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam có thể đạt 40-50%. Trong năm 2016, Nga có thể sẽ xuất sang Việt Nam 800 chiếc xe hơi được miễn thuế.
Thỏa thuận này là dự án hợp tác đầu tiên trong khu vực thương mại tự do được ký kết năm 2015 giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Việt Nam.
Doanh nghiệp Trung Quốc thắng thầu đường nước sông Đà số 2
Theo Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex, doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu sau khi "trải qua một thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu và kiểm tra năng lực thực hiện, chứng chỉ sản xuất của các nhà thầu tham gia một cách thật trọng, cẩn thận và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về đấu thầu".
Rút kinh nghiệm từ những sự cố với đường ống số 1, Viwasupco quyết định lựa chọn vật liệu ống gang dẻo cho tuyến số 2 của giai đoạn hai Dự án nước sông Đà (đây là vật liệu truyền thống, thường được dùng trong ngành nước).
Đối với Gói thầu về Cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện (CCOG-09), là gói thầu quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tính quyết định lớn đến chất lượng và tiến độ, Công ty Viwasupco cho biết đã tiến hành đấu thầu rộng rãi quốc tế theo đúng quy định pháp luật hiện hành để tìm kiếm nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm nhằm cung cấp ống gang dẻo để triển khai Gói thầu CCOG-09.
Viwasupco cũng cho biế thêm, Xinxing là một công ty có uy tín trên thế giới và có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất các ống kích thước lớn, có năng lực tài chính tốt và đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tại Việt Nam, Công ty Xinxing cũng đã cung cấp các sản phẩm ống gang tại nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu… Đồng thời, qua những khảo sát với những khách hàng từng sử dụng dịch vụ của Công ty Xinxing, Công ty Viwasupco đều nhận được những phản hồi tích cực: sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt và chưa có bất kỳ phản hồi tiêu cực nào.
Trước đó, ngày 7/10/2015, Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã khởi công xây dựng đường ống nước sạch sông Đà số 2 tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Giai đoạn hai của dự án có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có và đi vay ngân hàng thương mại. Thời gian thi công dự kiến trong 48 tháng, tức đến hết năm 2019. Sau khi hoàn thành, tuyến ống có tổng chiều dài 47,6 km sẽ nâng tổng công suất cấp nước lên 600.000 m3/ngày đêm.
Nhà đất thổ cư ngoại thành đang tăng giá
Tại khu vực An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội sau những năm bất động sản (BĐS) phát triển nóng đặc biệt là việc phát triển của khu đô thị Nam An Khánh, giá đất nơi đây đã tăng đột biến.
Tuy nhiên, sau cơn khủng hoảng, nhiều dự án trở nên hoang tàn, nhà ở cũ nát khiến giá BĐS khu vực này trượt dốc không phanh, từ ngưỡng trung bình khoảng 40 triệu đồng/m2 giảm xuống một nửa chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, một hai năm qua thị trường BĐS khởi sắc, nhiều dự án đã khởi động trở lại, đặc biệt là những dự án chung cư giá trung bình được xây dựng rầm rộ. Có nhiều chung cư đã và đang hoàn thiện bàn giao cho cư dân. Người dân đổ về khu vực dự án sinh sống.
Điều này khiến giá trị thương mại của đất thổ cư tại khu vực ngoại thành đang tăng lên trông thấy nhờ các hoạt động mua bán, cho thuê tấp nập trở lại. Giá đất thổ cư vì thế đang tăng lên từng ngày, người dân khu vực này cũng vui hơn thời khủng hoảng.
“Từ khi chung cư được xây dựng thì mọi sinh hoạt ở đây đều nhộn nhịp hơn và đời sống người dân cũng cao hơn nhất là giá BĐS ở đây nó cũng tăng lên vài ba giá chứ không như 2 năm trước đây. Đất mặt đường khu An Khánh khoảng 30 triệu đồng/m2, trong đường làng khoảng 25-28 triệu đồng/m2. Nhiều người đang chờ giá lên như trước đây họ mới bán", ông Nguyễn Đình Đáng-sống tại Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ
Giá đất phụ thuộc khá nhiều vào hạ tầng của khu vực. Với nhiều dự án chung cư đang triển khai ở khu An Khánh như Thăng Long Victory, Gemek Tower, The Golde An Khánh…khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ về hạ tầng trong khu vực. Do đó, nhiều người cho rằng giá đất ở đây sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo ông Lại Văn Tư, Giám đốc Sàn BĐS Phúc Hà, khi các tổ hợp chung cư đi vào hoạt động, đồng nghĩa các tiện ích như siêu thị, nhà trẻ, khu thể thao, khu vui chơi dành cho trẻ em, công viên cây xanh cũng sẽ hình thành.
Cũng theo ông Tư hoạt động kinh doanh thương mại ở xung quanh các dự án này sẽ tấp nập hơn, nên giá đất xung quanh các dự án sẽ tăng theo. Bởi mục đích dùng đất khu vực này trước đây chỉ để ở thì giờ có thể là kinh doanh. Do đó, giá trị BĐS cũng tăng theo là một điều dễ hiểu.
Hạ tầng đồng bộ, chung cư xây dựng rầm rộ, người dân nhộn nhịp kinh doanh đang khiến giá đất thổ cư tăng lên ở khu vực ngoại thành.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, cho rằng những dự án chung cư được phát triển đồng bộ về cảnh quan, quy hoạch sẽ tạo sự đồng bộ cho khu vực đó. Vì vậy rõ ràng nó sẽ đóng góp vào việc định hướng không gian cảnh quan cũng như về giá trị của BĐS trong khu vực và xác lập mặt bằng giá của các khu xung quanh.
Các chung cư ngoại thành rầm rộ mọc lên tạo nên một cộng đồng dân cư sầm uất hơn cho khu vực xung quanh dự án, và đương nhiên người dân khu vực này cũng được hưởng lợi nhờ giá đất tăng lên, cũng như sử dụng các dịch vụ và tiện ích.
Bà Hoàng Thị Mai, sống ở khu An Khánh, Hoài Đức chia sẻ: “Thời điểm nóng nhiều lô đất được trả giá tới 50 triệu đồng/m2 nhưng nhiều người không bán, nhưng sau đó khủng hoáng giá đất rớt thảm, khiến nhiều người thấy buồn. Nay, dự án xây dựng trở lại, không còn để hoang nên giờ nhiều người đợi giá đất tăng lên mới bán cho dù hiện đã tăng lên đến trên 30 triệu đồng/m2.
Với những diễn biến của thị trường BĐS như hiện nay cùng với sự phát triển mạnh mẽ của những dự án chung cư ra các khu vực ngoại thành. Khu dân cư mới trở nên sầm uất, giá đất thổ cư tăng lên đáng kể, điều này đang tạo ra một tâm lý chờ đợi của nhiều người dân khi từng ngày mong ngóng giá đất tăng cao.