IEA đưa ra dự báo nghiêm trọng về thị trường dầu mỏ
Ai hưởng lợi khi ô tô Nga vào Việt Nam thuế 0%?
Thâu tóm xong Daewoo, chủ mỏ sắt xuống Hải Phòng mua cảng
“Nhà nước Hồi giáo” xuất dầu mỏ với giá chỉ 12 USD một thùng
Lợi nhuận “đại gia” dầu khí Trung Quốc thấp nhất 17 năm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-03-2016
- Cập nhật : 23/03/2016
Doanh nghiệp bất động sản 'chết' la liệt
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động, kinh doanh đã tăng 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 2 và 2 tháng đầu năm của Cục quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước có 16.471 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đã tăng 17,3%. Trong số này, có 7.220 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 50,6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể có 9.251 doanh nghiệp, tăng 0,05% so với cùng kỳ năm 2015. Chưa kể, so với cùng kỳ năm 2015/2014, doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25%.
Xét theo lĩnh vực hoạt động, tỷ lệ này tăng ở một số ngành như: nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 155,7%. Ngành kinh doanh bất động sản tăng 66,7%. Ngành thông tin và truyền thông tăng 62%. Ngành khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác tăng 50%. Ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cũng tăng đến 45,9%...
Trong khi đó, một số ngành có số doanh nghiệp tạm ngừng giảm so cùng kỳ năm 2015, như ngành khai khoáng giảm 41,7%, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 23%, ngành hoạt động dịch vụ khác và ngành xây dựng cũng giảm 10,7%...
Xét theo vùng lãnh thổ, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng có số doanh nghiệp giải thể tăng lần lượt là 65,3% (Đông Nam Bộ có 914 doanh nghiệp) và 7 % (Đồng bằng sông Hồng có 396 doanh nghiệp).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng, chiếm 92,6% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. So sánh với cùng kỳ của năm 2015 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đã giảm 1,5%.
Miền Tây 'khát' tôm nguyên liệu
Năm 2015, người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến chịu nhiều thiệt hại khi giá tôm liên tục đi xuống. Nhiều hộ nuôi buộc phải thu hẹp diện tích để cắt lỗ khiến nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến giảm. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm nay, lượng hàng cung ứng cho các nhà máy rất thấp.
Đại diện một công ty thủy sản ở Cà Mau cho biết, các hợp đồng mà công ty ký trước đó buộc phải lùi lại thời gian vì nguồn hàng thiếu hụt, công suất nhà máy giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đầu năm nay giá tôm xuất khẩu đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu vì bà con trong vùng thu hẹp diện tích nuôi, các tỉnh lân cận dường như chỉ dám nuôi với quy mô nhỏ. Nguyên nhân là do thời tiết thiếu thuận lợi”, đại diện công ty trên cho biết.
Là nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất ở Cà Mau, Công ty Minh Phú cũng cho hay, công suất chế biến của công ty thời gian qua giảm so với cùng kỳ vì thiếu hụt nguyên liệu. Công suất nhà máy chỉ đạt 80-90%.
“Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu nên tại Minh Phú tỷ lệ thiếu hụt không cao như các đơn vị kinh doanh khác. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài cũng ảnh hưởng đến hoạt động chế biến tôm”, đại diện công ty cho biết.
Không chỉ thiếu hụt tôm nguyên liệu, Công ty cổ phần thủy sản Sài Gòn Food cho biết, nguồn nguyên liệu thủy hải sản cho chế biến mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu. Sản lượng còn lại phải nhập từ Nhật Bản, Na Uy, Canada... khiến giá thành của sản phẩm chế biến luôn ở mức cao hơn so với nguồn hàng trong nước, dẫn đến khó tiêu thụ.
Trao đổi với VnExpress, ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, mấy tháng gần đây tình trạng thiếu nguyên liệu liên tục xảy ra ở Cà Mau dù nơi đây là vựa nuôi tôm lớn nhất cả nước. Nguồn hàng cung ứng chỉ đạt 37-38% công suất chế biến của nhà máy. Trong số 33 nhà máy chế biến của toàn tỉnh thì có 17 cơ sở thiếu nguyên liệu, chiếm gần 50% số lượng nhà máy đang hoạt động.
“Không chỉ tại Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng chỉ còn lác đác khu vực nuôi trồng. Thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến trên 3.000 ha đất nuôi tôm trái vụ ở Cà Mau mất trắng. Tình hình thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục xảy ra trong một vài tháng tới”, ông Lĩnh nói và cho biết, năm 2015 là một năm khó nhất đối với người nuôi tôm trong 10 năm qua vì giá bán tôm quá thấp khiến dân bị lỗ nên đến đầu 2016 khi có ý định nuôi lại thì gặp phải thời tiết bất thường, nắng nóng đột ngột dẫn đến phải dừng hẳn khiến lượng hàng cung ứng ra thị trường thấp.
Ngược lại, thị trường xuất khẩu tăng nhập hàng trở lại nên hiện tại cung không đủ cầu. Tình hình xuất khẩu 2 tháng của các doanh nghiệp Cà Mau đạt gần 130 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức này chưa đạt kỳ vọng vì các năm trước tỷ lệ xuất khẩu quá thấp.
Theo ông Lĩnh, để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, nhiều nhà máy đã mua nguyên liệu từ một số nước lân cận và các tỉnh khác về chế biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sát sao hơn trong việc thu mua hàng tại các hộ nông dân. Tuy nhiên, để nguồn nguyên liệu ổn định, các doanh nghiệp nên tự tạo cho mình một quy trình khép kín để từ đó sản phẩm bán ra luôn đảm bảo chất lượng, mà nguồn hàng ít phụ thuộc.
Chứng khoán châu Âu đỏ lửa vì nổ ở sân bay
Mở cửa phiên hôm nay, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,9% xuống 6.127 điểm. Tại eurozone, DAX (Đức) mất 1,4% và CAC 40 (Pháp) giảm 1,3%. Chỉ số Stoxx 600 chung cho thị trường châu Âu hiện mất 1,2%.
Cổ phiếu các hãng hàng không và công ty trong ngành vận tải - du lịch ở châu Âu cũng theo đó giảm mạnh. Tập đoàn du lịch - Thomas Cook mất 6,5%. Các hãng hàng không như Ryanair, Easyjet và IAG cũng ngập trong sắc đỏ. Cổ phiếu các hãng bán lẻ như Metro (Đức) hay Carrefour (Pháp) cũng đi xuống.
Trên AFP, Mike van Dulken - Giám đốc nghiên cứu tại Accendo Markets lý giải: "Các vụ nổ tại sân bay Brussels đã khiến tâm lý trên thị trường đi xuống".
Giới truyền thông Bỉ cho biết ít nhất hai tiếng nổ vang lên sáng sớm nay (giờ địa phương) tại sân bay Zaventem, thủ đô Brussels (Bỉ) làm nhiều người chết và bị thương. Một vụ nổ khác được thông báo xảy ra ở ga tàu điện ngầm Brusssels. Giới quan sát nhận định có thể đây là vụ tấn công khủng bố và thủ đô Brussels đang được cảnh báo cao.
Hôm nay, Markit công bố chỉ số sản xuất (PMI) của Pháp là 51,1 điểm trong tháng 3, tăng so với 49,3 hồi tháng 2. Trong khi đó, PMI của Đức là 54,1 - tương đương tháng trước. PMI trên 50 cho thấy sản xuất đang tăng trưởng. Nhà đầu tư hiện chờ báo cáo niềm tin doanh nghiệp của Đức, sẽ công bố hôm nay.
Không giảm thuế ôtô cỡ nhỏ quá sâu
- Thị trường ô tô Việt bết bát / Loạn giá tính thuế ôtô nhập khẩu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giải trình tiếp thu về luật sửa đổi một số điều của các luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, quản lý thuế và thuế giá trị gia tăng.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là biểu thuế dự kiến áp dụng với ôtô cỡ nhỏ, có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3.
Cụ thể, tại tờ trình mới nhất, với xe ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến dưới 2.000 cm3 mức thuế sẽ được giảm từ 45% như hiện tại xuống còn 40% từ năm 2018.
Loại có dung tích dưới 1.500 cm3 sẽ còn 40% từ 1/7/2016 và từ năm 2018 giảm tiếp thêm 5% (về mức 35%).
Như vậy, so với đề xuất ra Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, mức giảm trên chỉ còn một nửa. Tại thời điểm đó, tờ trình đề xuất sẽ giảm từ 45% xuống còn 20-25% vào năm 2018 cho xe dưới 2.000 cm3.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3. "Có ý kiến cho rằng, việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu", báo cáo nêu.
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 như dự thảo luật. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019.
Viện dẫn Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, cơ quan thường trực Quốc hội cho rằng, các chiến lược, quy hoạch này sẽ tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015, số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu bán ra trong nước khá lớn, khoảng 8.650 chiếc, chiếm khoảng 89% số lượng xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống tiêu thụ trên thị trường.
"Do đó, nếu quy định như dự thảo luật dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ để bán trong nước mà không chú trọng đầu tư phát triển như mục tiêu của Chiến lược”, báo cáo nhận định.
Cụ thể, dự thảo mới nhất như sau:
Dự thảo tháng 11/2015:
Dung tích xi lanh | Thuế suất hiện hành | Thuế suất sửa đổi |
Dưới 2.000 cm3 | 45% | 20-25% |
2.000-3.000 cm3 | 50% | 60% (*) |
3.000-4.000 cm3 | 60% | 90% |
4.000-5.000 cm3 | 60% | 110% |
5.000-6.000 cm3 | 60% | 130% |
Trên 6.000 cm3 | 60% | 150% |
(*) Giảm còn 55% từ năm 2018
Chưa đồng ý xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước
Nội dung xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước vẫn là điểm còn nhiều ý kiến khác biệt tại cáo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
Cơ quan thường trực của Quốc hội cho hay, có ý kiến đề nghị đưa xóa nợ thuế vào nghị quyết thay vì đưa vào luật nhưng nhiều ý kiến không đồng ý vì điều này dẫn đến không công bằng, không bình đẳng vì trong quá trình cổ phần hóa, việc mua - bán doanh nghiệp Nhà nước phải theo giá thị trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, quy định về xóa nợ thuế cho các công ty thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại là nội dung mang tính cá biệt nên không thể quy định trong luật. “Do vậy, Thường vụ Quốc hội đề xuất cho phép bỏ nội dung này trong dự thảo luật. Khi Chính phủ thấy cần thiết xóa nợ sẽ trình Quốc hội xem xét đối với các trường hợp cụ thể, đảm bảo công bằng, minh bạch theo quy định của pháp luật”, báo cáo nêu.
Tại kỳ họp hồi tháng 11 năm ngoái, khi thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều phản đối đề xuất này vì cho rằng như vậy sẽ là bất công cho những doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác lẫn cho chính doanh nghiệp Nhà nước đã nộp thuế đầy đủ.
Thậm chí nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo tiền lệ xấu và gây ra sự chây ỳ trong nộp thuế thời gian tới ở khối doanh nghiệp quốc doanh.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, có khoảng 254 doanh nghiệp thuộc ba đối tượng trên và tổng số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp vào khoảng 1.082 tỷ đồng.
Trước đó, tại tờ trình, Chính phủ cho rằng quy định xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế như trên sẽ giúp giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ. Qua đó sẽ giúp tháo gỡ gánh nặng cho các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan thuế; tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.