IMF: Kinh tế cần cả giá dầu và lãi suất
Singapore: Dùng ngân sách hợp lý, tránh các gói kích thích lớn
Trung Quốc mời “anh em” Đông Nam Á vay 11,5 tỷ USD
Miễn tiền thuê đất 50 năm cho dự án 6.750 tỷ của Samsung
Nhà đầu tư Dubai tái khởi động dự án 550 triệu USD ở Hạ Long sau 9 năm trì hoãn
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Tổng cục thống kê: Lạm phát năm nay sẽ ở mức rất cao
Lạm phát được dự báo sẽ tăng quá mức giới hạn 5%. Một trong những yếu tố sẽ đẩy lạm phát tăng cao là vấn đề thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn, khiến việc trồng lúa bị ảnh hưởng và đẩy giá lương thực lên cao.
Lạm phát năm nay sẽ ở mức rất cao, và có thể vượt qua mức giới hạn 5% mà Chính phủ đề ra, đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, có 6 yếu tố sẽ tác động đến mức tăng cao của lạm phát, gồm:
- Tăng giá dịch vụ y tế lần 2 (dự kiến vào tháng 7), sau đợt tăng giá dịch vụ vào tháng 3 vừa qua.
- Tăng học phí vào năm học mới 2016 – 2017 vào tháng 9, sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối năm nay
- Xăng dầu thế giới hiện đã có hướng tăng trở lại. Xăng dầu mới đây đã có đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2016, nhưng kỳ tăng này chưa trùng với kỳ tính giá CPI nên chưa có tác động nhiều trong chỉ số lạm phát tháng 3. Từ tháng sau, giá xăng dầu dự kiến tăng và sẽ có tác động.
- Các mặt hàng tiêu dùng như sắt thép, mì chính (bột ngọt) cũng sẽ tăng giá. Bộ Công thương mới đây đã có quyết định về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ tạm thời đối với một số mặt hàng, qua đó tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng phôi thép, thép dài, mì chính.
Việc ban hành thuế tự vệ đối với thép và mì chính thời gian vừa qua vào các ngày đầu tháng (ngày 7 và 10/3), với độ trễ của tác động chính sách, việc áp dụng thuế này sẽ tác động vào CPI cả nước trong thời gian tới
- Nhu cầu về vốn cho nền kinh tế tăng có thể gây áp lực tăng về lãi suất, dẫn đến tăng giá tiêu dùng nói chung.
- Giá gạo đã tăng lên trong tháng vừa rồi do nhu cầu thu gom gạo cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thời gian qua có những đợt thiên tai như rét đậm rét hại, xâm nhập mặn … nên việc trồng lúa bị ảnh hưởng nhiều. Việc này ảnh hưởng đến cả năng suất lẫn sản lượng lúa nên giá lúa gạo thời gian tới sẽ tăng.
Đây là "vũ khí bí mật" giúp Zara bán hàng "đắt như tôm tươi"
Trong một bài phỏng vấn với Refinery 29 mới được đăng tải gần đây, CCO Jesús Echevarría của Inditex đã bật mí về “vũ khí bí mật” của Zara: một “trung tâm xử lý dữ liệu” chạy 24/7.
Hầu hết các nhà bán lẻ quần áo đều phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ nếu họ đặt mục tiêu bắt kịp với Zara – nhãn hiệu thời trang đã bùng nổ mạnh mẽ trong mấy năm trở lại đây. Zara có chuỗi cung ứng được ví là một “cỗ máy bán hàng” đáng sợ. liên tục tung ra những mẫu thiết kế giản dị nhưng không kém phần “sang chảnh” và được các khách hàng hào hứng đón nhận.
Công ty mẹ Inditex cũng được ca ngợi là có “mô hình kinh doanh tốt nhất trong lĩnh vực dệt may”. Các chuyên gia phân tích của Bernstein đã nhận định rằng trong 5 năm tới lợi nhuận của hãng sẽ tăng trưởng với tốc độ hai con số.
Bí quyết nào giúp Zara có được thành công như vậy?
Trong một bài phỏng vấn với Refinery 29 mới được đăng tải gần đây, CCO Jesús Echevarría của Inditex đã bật mí về “vũ khí bí mật” của Zara: một “trung tâm xử lý dữ liệu” chạy 24/7. Trung tâm này cho phép từng cửa hàng theo dõi các số liệu về doanh số mỗi ngày. Trung tâm này được mở ra cách đây 1,5 năm, được kết nối với tất cả các cửa hàng bán lẻ của hãng trên toàn cầu để xử lý số liệu theo thời gian thực.
Một nhóm khác sẽ theo dõi phản hồi của khách hàng, ngồi cùng tầng với nhóm thiết kế.
Rất nhiều nhà bán lẻ quần áo truyền thống như Banana Republic và J. Crew đã chứng kiến doanh thu sụt giảm trong năm ngoái, khi họ không còn được khách hàng ưa chuộng. Nhưng dường như Zara đã giải quyết được vấn đề này ngay cả trước khi nó bắt đầu.
Trong bài báo viết năm 2012, Suzy Hansen của tờ New York Times đã lưu ý rằng các cửa hàng của Zara không tích trữ quá nhiều hàng cho mỗi mẫu quần áo, và do đó không cần phải lo lắng nhiều về việc chạy đua để giải quyết hàng tồn kho.
Hansen cũng nhận thấy Zara rất lưu tâm đến phản ứng của khách hàng đến các mẫu sản phẩm khác nhau.
Cứ 3 căn nhà được bán ra ở Vancouver thì có 1 căn được mua bởi người Trung Quốc
Vancouver lâu nay vẫn là mục tiêu chỉ trích của các chuyên gia bất động sản Canada vì người nước ngoài mua nhà ở đây chỉ vì mục đích đầu tư và sau đó bỏ hoang chúng nhưng lại khiến giá tăng lên quá cao.
Theo số liệu từ National Bank of Canada, người Trung Quốc đang ồ ạt mua nhà ở Canada, đứng sau 1/3 số vụ mua bán nhà đất ở thị trường Vancouver trong năm 2015.
Tổng cộng các nhà đầu tư Trung Quốc đã chi khoảng 12,7 tỷ đôla Canada (tương đương 9,6 tỷ USD) cho các dự án bất động sản ở thành phố miền Tây Canada trong năm ngoái, tức 33% trong tổng số 38,5 tỷ đôla Canada của các vụ giao dịch trên thị trường này.
Ở một thành phố lớn khác là Toronto, người Trung Quốc cũng đã bỏ ra 9 tỷ đôla Canada để mua nhà đất, chiếm 14% tổng giá trị các giao dịch.
Vancouver lâu nay vẫn là mục tiêu chỉ trích của các chuyên gia bất động sản Canada vì người nước ngoài mua nhà ở đây chỉ vì mục đích đầu tư và sau đó bỏ hoang chúng nhưng lại khiến giá tăng lên quá cao. Người nước ngoài chính là một phần nguyên nhân tạo nên những “thị trấn ma” ở đây.
Giá một căn nhà biệt lập ở Vancouver đã tăng chóng mặt 30%, lên 1,8 triệu đôla Canada trong tháng 2 vừa qua. Số nhà bán ra cũng tăng 37%.
Lãnh đạo một công ty bao bì có thu nhập gần 600 triệu/tháng
Giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Nhựa Ngọc Nghĩa, ông La Văn Hoàng có thể thu nhập gần 600 triệu/tháng
Ngày 24/03, CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (mã: NNG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016.
Chủ tịch HĐQT lĩnh hơn nửa tỷ/tháng
Một trong những nội dung đáng chú ý tại đại hội lần này là tờ trình về thù lao HĐQT gồm Chủ tịch 280 triệu đồng/tháng, Phó Chủ tịch 18 triệu đồng/tháng và thành viên 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tất cả thành viên HĐQT sẽ được hưởng thêm tháng lương thứ 13.
Như vậy, tổng chi cho HĐQT là gần 4,2 tỷ đồng/năm. Nếu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả công việc của từng thành viên cao sẽ được thưởng thêm.
Đối với chức vụ Tổng giám đốc, NNG định ra mức lương gộp trong năm 2016 là 280 triệu đồng/tháng cộng với lương tháng 13 và các phúc lợi khác. Tổng giám đốc cũng có mức thưởng riêng căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2016.
ĐHCĐ đã thông qua việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc cho nhiệm kỳ 2016-2021. Như vậy, ông La Văn Hoàng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty sẽ có tổng thu nhập lên đến 560 triệu đồng/tháng.
Tăng vốn cho một loạt công ty con và niêm yết năm 2018
Năm 2015, NNG đạt doanh thu thuần 1.857 tỷ đồng - giảm 3% so với năm 2014. LNST đạt gần 56 tỷ - gấp gần 3 lần năm trước.
Theo kế hoạch, năm 2016, NNG sẽ tăng vốn cho Công ty THHH MTV Bao bì Quốc tế Ngọc Nghĩa từ 40 tỷ lên 360 tỷ đồng.
NNG cũng dự kiến tăng vốn đầu tư vào CTCP Thực phẩm Hồng Phú lên mức 1.600 tỷ đồng, nhằm giảm áp lực chi phí tài chính và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm ngành nước chấm và gia vị. Thực phẩm Hồng Phú đang có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó NNG sở hữu 40,5% vốn điều lệ, các công ty con của NNG gồm CTCP nhựa PET Việt Nam và CTCP PET Quốc tế sở hữu lần lượt 32% và 25% vốn.
Về kế hoạch kinh doanh cụ thể trong năm 2016, NNG đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.140 tỷ đồng, tăng 15% và lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, gấp 3 lần so với 2015.
Tại Đại hội, ông Hoàng cho biết NNG dự kiến sẽ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào năm 2018.
Tiếp tục điều chỉnh thuế ôtô nhập khẩu?
Các mức thuế suất mới dự kiến sẽ đồng loạt có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016...
Nhiều khả năng các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại ôtô nhập khẩu sẽ tiếp tục được điều chỉnh.
Giảm ít với xe nhỏ
Theo bản dự thảo mới nhất (ngày 17/3/2016) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu sẽ tiếp tục được điều chỉnh so với dự thảo lần trước.
Đáng chú ý là các mức thuế suất áp dụng trên các loại xe chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh động cơ nhỏ.
Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu chở người dưới 10 chỗ ngồi có dung tích xi-lanh động cơ từ 1.500 cm3 trở xuống sẽ giảm từ mức 45% hiện hành xuống còn 40% kể từ ngày 1/7/2016, sau đó giảm tiếp xuống còn 35% kể từ ngày 1/1/2018;
Thuế suất đối với xe có dung tích xi-lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 giữ nguyên mức 45% hiện hành đến ngày 31/12/2017, sau đó giảm xuống còn 40% kể từ ngày 1/1/2018;
Đối với các loại xe có dung tích xi-lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 sẽ không có bất kỳ điều chỉnh nào, tức là giữ nguyên mức 50% hiện hành.
Trong khi các loại xe có dung tích xi-lanh từ 2.000 cm3 trở xuống được điều chỉnh giảm từ các loại xe có dung tích xi-lanh trên 2.500 cm3 sẽ bắt đầu tăng lên.
Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe có dung tích xi-lanh trền 2.500 cm đến 3.000 cm3 sẽ tăng từ mức 50% hiện hành lên 55% kể từ ngày 1/7/2016, sau đó tăng tiếp lên 60% kể từ ngày 1/1/2018.
Mức thuế suất đối với các loại xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cm3 nêu tại dự thảo lần này không có thay đổi gì so với bản dự thảo trước, đồng nghĩa vẫn phải chịu tỷ lệ tăng rất mạnh so với hiện hành.
Chi tiết hơn, mức thuế 90% vẫn được duy trì như đề xuất ban đầu đối với xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3, tiếp theo là mức thuế suất 110% đối với xe có dung tích xi-lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3, 130% đối với xe có dung tích xi-lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 và 150% đối với xe có dung tích xi-lanh trên 6.000 cm3.
Các mức thuế suất mới dự kiến sẽ đồng loạt có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016. Tất cả các loại xe này hiện đều đang chịu chung mức thuế 60%.
Hỗ trợ công nghiệp ôtô trong nước
Về những điều chỉnh tại bản dự thảo mới, theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi tiến hành lấy ý kiến đóng góp về dự thảo luật trước đó, đã có nhiều ý kiến đề nghị không chia thành nhóm nhỏ đối với xe có dung tích xi-lanh động cơ dưới 2.000 cm3, không phân loại dung tích dưới 1.000 cm3 và đề nghị không giảm thuế quá sâu đối với dòng xe dưới 2.000 cm3.
Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc chia nhỏ và giảm thuế suất quá sâu đối với dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và chủ yếu ưu đãi cho xe nhập khẩu.
Đối với việc cắt bớt tỷ lệ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các loại xe có dung tích xi-lanh động cơ từ 2.000 cm3 trở xuống, theo báo cáo của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là nhằm tránh hiện tượng các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ để bán mà không chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp ôtô.
Quan điểm này xuất phát từ mục tiêu tập trung ưu tiên phát triển đối với phân nhóm dòng xe có dung tích xi-lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Báo cáo mới đây của Chính phủ cũng cho biết, trong giai đoạn 9 tháng năm 2015, số lượng ôtô có dung tích xi-lanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhập khẩu đạt khoảng 8.650 chiếc, chiếm đến 89% số lượng xe có dung tích xi-lanh từ 1.000 cm3 trở xuống tiêu thụ trên thị trường.
Đồng nghĩa, tỷ lệ xe cùng có dung tích xi-lanh động cơ tương tự được lắp ráp trong nước bán ra thị trường chỉ vào khoảng 11%.
Do đó, “tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không chia nhỏ dòng xe có dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3 như dự thảo luật. Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ôtô có dung tích xi-lanh dưới 2.000 cm3 mỗi năm giảm xuống 5% so với thuế suất hiện hành và bỏ lộ trình giảm trong năm 2019, điều chỉnh lại lộ trình tăng thuế suất đối với loại xe có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3”.