HNX: Doanh nghiệp công nghiệp vẫn ăn nên làm ra nhất
Thách thức sau 1 tỷ USD xuất siêu
Vietjet muốn thành “Emirates châu Á”
Đối tác Nhật thành cổ đông chiến lược của Eurowindow
G20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Warren Buffett vẫn thắng lớn trong năm 2015
Dù hiệu quả đầu tư cổ phiếu không cao nhưng kết quả kinh doanh của Berkshire Hathaway vẫn khả quan. Ảnh: Bloomberg.
Kết quả kinh doanh của Công ty Berkshire Hathaway vừa được tỷ phú Warren Buffett tiết lộ trong lá thư gửi cổ đông năm 2015 công bố cuối tuần này. Theo đó, lợi nhuận của công ty này tăng 32% trong cả năm và đạt mức kỷ lục 5,48 tỷ USD. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) là 2.843 USD thay vì 2.814 USD như các chuyên gia dự đoán ban đầu. Riêng quý IV, EPS lên tới 3.333 USD, vượt mức dự đoán chỉ 2.259 USD của Wall Street.
Kết quả này cũng cho thấy tổng tài sản ròng của công ty này trong năm qua là 15,4 tỷ USD. Giá cổ phiếu trên sổ sách tăng 19,2%.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận 2015 là một năm khó khăn của cổ phiếu Berkshire khi giá cổ phiếu giảm 12%, thấp hơn mức giảm 0,7% của chỉ số S&P 500. Đây cũng là năm kém nhất của cổ phiếu này kể từ năm 2009. Điều này khiến nhiều tờ báo nhận định 2015 là năm đáng quên của tỷ phú 85 tuổi này.
Mặc dù vậy, sang đầu năm 2016, Berkshire có mức tăng ấn tượng hơn khi đến cuối tuần này, cổ phiếu của họ tăng 0,2% lên 198,191 USD. Trong lá thư năm nay gửi cổ đông, Buffett cũng không quên khoe rằng BNSF, công ty vận tải lớn do Berkshire vận hành, đã "phục hồi mạnh mẽ" so với năm 2014. Ông cho biết năm qua, Berkshire đã phải bỏ 5,8 tỷ USD chi phí vốn để cải thiện các dịch vụ. Berkshire hiện đầu tư vào cổ phiếu của 4 công ty lớn như American Express, Well Fargo, Coca-Cola và IBM.
NHNN đang có quá nhiều mục tiêu
Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện vừa công bố, Việt Nam cẩn giảm việc giao cho NHNN phải đạt quá nhiều mục tiêu.
Để làm được điều này, các cơ quan có thẩm quyền có thể lựa chọn hướng NHNN quản lý chặt tỷ giá hay là tập trung vào mục tiêu lạm phát. Cả hai phương án đều đáng được xem xét nghiêm túc và đều cần dựa trên nhiệm vụ rõ ràng của NHNN về ổn định giá cả.
Báo cáo chỉ ra, Chi-lê, Hàn Quốc, Nam Phi và Thái Lan theo đuổi chiến lược lạm phát mục tiêu truyền thống, thì Singapore lại duy trì được lạm phát thấp và ổn định bằng cách quản lý chặt tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa. Ngân hàng trung ương của các quốc gia đó được giao nhiệm vụ chính là ổn định giá cả; các nhà hoạch định chính sách chịu trách nhiệm giải trình với Chính phủ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và họ sử dụng các phân tích kinh tế và tiền tệ dựa trên những mô hình thích hợp để đánh giá tính hình thực thi chính sách và truyền thông về các quyết định của mình.
Đồng thời phải tăng cường năng lực phân tích và nghiệp vụ của cán bộ NHNN. NHNN có thể giao nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ cho một Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) hoạt động độc lập. Một loạt các vấn đề về tổ chức và năng lực phân tích cần được giải quyết để MPC hoạt động hiệu quả. Đó là điều kiện bổ nhiệm thành viên, tần suất họp, các yêu cầu về báo cáo, hình thức tranh luận chính sách và công bố thông tin của MPC.
Khi tiếp tục phát triển các nghiệp vụ tiền tệ, cần lựa chọn mục tiêu tác nghiệp phù hợp với chiến lược chính sách tiền tệ. Các công cụ tiền tệ cần theo định hướng thị trường và có hiệu lực để đạt được mục tiêu đó. Một khung khổ lành mạnh cho quản lý thanh khoản và dự báo các khoản mục trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo hiệu quả tác nghiệp.
Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị NHNN có thể thực hiện chức năng ổn định giá cả để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nếu NHNN có sự độc lập trong hoạt động. Tuy nhiên, tính tự chủ của ngân hàng trung ương luôn gắn liền với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cần luật hóa nghĩa vụ thường xuyên công bố cho các cơ quan chính sách liên quan và công chúng để đảm bảo trách nhiệm giải trình của NHNN trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, một biện pháp cụ thể đảm bảo chính sách tiền tệ được thực thi mà không phải quan ngại về sự lấn át của chính sách tài khoá là NHNN không được tham gia vào các nghiệp vụ có tính chất ngân sách.
Vì vậy, theo báo cáo, Việt Nam cần giảm việc giao cho NHNN phải đạt quá nhiều mục tiêu; đồng thời tăng cường khả năng điều hành và nghiên cứu của NHNN. Môi trường lạm phát thấp trên toàn cầu là cơ hội để đưa ra sự lựa chọn và xử lý thích hợp khung khổ chính sách tiền tệ trước khi các điều kiện về tiền tệ trên toàn cầu trở nên chặt chẽ hơn về sau.
Đề nghị xóa 13.064 tỉ đồng nợ thuế cho doanh nghiệp
Trong Báo cáo vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị xóa là 13.064 tỉ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, đây là tiền nợ thuế của của các doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan; tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, do chết, mất tích mà không còn khả năng thu.
Cụ thể, theo bộ Tài chính, hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt tính đến cuối năm 2013 là lớn nhất, ước khoảng 9.110 tỷ đồng.
Để được xóa các loại nợ liên quan đến thuế, Bộ Tài chính cho rằng chỉ áp dụng với hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định việc xóa nợ sau khi các cơ quan Thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh… xác nhận hộ kinh doanh đã bỏ kinh doanh, xác nhận không còn tài sản, vốn.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền mà doanh nghiệp chậm nộp do những nguyên nhân khách quan trong thời điểm kinh tế suy giảm từ năm 2013 trở về trước ước khoảng 1.690 tỉ đồng.
Những nguyên nhân khách quan khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nợ thuế là bị đối tác phá bỏ hợp đồng; doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao trên 13,5%/ năm. Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất kinh doanh bị kéo dài, bị tăng chi phí do điều chỉnh các nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước. Đây là biện pháp để góp phần hỗ trợ người nộp thuế tiếp tục có cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, để được xóa nợ tiền thuế mà doanh nghiệp chậm nộp, Bộ Tài chính cũng đề nghị chỉ áp dụng với những đơn vị nộp đủ số thuế nợ trước ngày 31-12 năm nay. Riêng những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được xoá nợ tiền chậm nộp thuế.
Hơn 150 tấn nhãn Edor xuất sang Mỹ
Sau khi được cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng, hơn 150 tấn nhãn Edor đã được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thông tin được ông Trương Văn Rồi, giám đốc HTX nhãn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), cung cấp.
Ngoài ra, một số đối tác đã đến khảo sát để cấp giấy chứng nhận xuất sang các thị trường khó tính khác như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản...
“Để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đòi hỏi vùng nhãn nguyên liệu phải được sản xuất theo quy trình VietGAP có ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón...”- ông Rồi cho biết.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, diện tích nhãn Edor trên địa bàn hiện hơn 800ha, năng suất trên 30 tấn/ha.
Bộ Công Thương nói gì sau khi lãnh đạo Liên kết Việt bị bắt?
Ngày 19-2, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố và tạm giam một số lãnh đạo và nhân viên Công ty Đa cấp Liên kết Việt để điều tra về những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có ông Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế Bộ Quốc phòng, Chủ Tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt).
Đặc biệt, từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015, ban lãnh đạo Liên kết Việt đã phát triển hệ thống đa cấp với hơn 60.000 người tham gia, tổng số tiền thu trên 1.900 tỉ đồng.
Dư luận đặt câu hỏi suốt một thời gian dài như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) ở đâu khi để xảy ra hàng loạt sai phạm như trên. Chiều 28-2, Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.
Liên kết Việt cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết Công ty Liên kết Việt được Sở Công Thương TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp vào ngày 10-12-2014. Sau khi Nghị định 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực 1-7-2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh).
Nghị định 42 đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định 42 không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động. Đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện đều được đăng ký hoạt động.
Ngày 21-10-2014, Công ty Liên kết Việt nộp hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Cục Quản lý cạnh tranh theo quy định. Sau khi thẩm định hồ sơ, Công ty Liên kết Việt đáp ứng được các quy định tại Nghị định 42, Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên kết Việt vào ngày 22-12-2014.
Theo ông Mừng, sau khi Công ty Liên kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của công ty vào 15-7-2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể, công ty này đã vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/TP; nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia; cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm.
Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng của doanh nghiệp. Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.