Bớt gánh nặng phí cho logistics
Doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng đất: Chưa hết âu lo
Doanh nghiệp còn “thờ ơ” với tên miền Việt Nam
Gia đình họ Phương sở hữu 8,54% vốn Ngân hàng Việt Á
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-07-2016
- Cập nhật : 16/07/2016
Brexit chưa tác động mạnh tới xuất khẩu gỗ
Dự kiến, trong khoảng 2 năm tới, sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) chưa gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc xuất khẩu đồ gỗ sang Anh nói riêng, EU nói chung, song về lâu dài điều này sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sụt giảm đáng kể.
Thông tin tại tọa đàm “Brexit và tác động tới ngành gỗ Việt Nam” diễn ra chiều ngày 14-7 tại Hà Nội, ông Trần Lê Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Bình Định cho biết: Các DN chế biến, xuất khẩu gỗ Bình Định xuất khẩu tới 85% là đồ gỗ ngoài trời. Trong khi đó, đồ gỗ ngoài trời cũng chiếm tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu đỗ gỗ sang Anh của toàn ngành.
Bởi vậy, ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu việc Anh rời khỏi EU vừa qua, hoạt động xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng. Thời điểm đó, nhà sản xuất tại Bình Định đang chào hàng, gửi hàng mẫu chốt giá… đã có trường hợp khách hàng từ Anh yêu cầu giảm giá khoảng 6-7%. Không chỉ vậy đã có những doanh nghiệp bị giảm cả đơn hàng xuất khẩu.
“Đối với các doanh nghiệp gỗ Bình Định, Anh là thị trường lớn thứ hai sau Đức. Đồng bảng Anh mất giá khiến cho các nhà phân phối, bán lẻ đồ gỗ tại Anh phải nhập khẩu hàng với giá cả đắt đỏ hơn trước nên nhu cầu nhập khẩu có thể bị giảm xuống, đồng thời họ cũng xem xét lại quy mô đơn hàng nhằm giảm thiểu rủi ro. Trong tương lai, các doanh nghiệp khá lo lắng khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Huy nói.
Mặc dù mặt hàng đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu sang Anh bị ảnh hưởng ngay sau khi Anh rời khỏi EU, tuy nhiên mặt bằng chung, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt chưa bị tác động nhiều bởi sự kiện này. Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends nhìn nhận: Trong khoảng 2 năm tới, xuất khẩu đồ gỗ sang Anh nói riêng và EU nói chung chưa có nhiều biến động.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu đồ gỗ sang EU, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Woodsland cũng cho biết: Thời điểm hiện tại, mọi hoạt động thương mại của doanh nghiệp với các đối tác EU vẫn bình thường. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ chỉ bị ảnh hưởng sau một khoảng thời gian dài nữa.
Theo ông Tô Xuân Phúc, sức mua từ Anh và các nước khác trong khối EU nói chung sụt giảm, đồng thời sự sụt giảm nhu cầu trong ngành công nghiệp xây dựng nhà cửa tại Anh sẽ có tác động trực tiếp đến ngành gỗ của Việt Nam. Dự kiến, nhu cầu đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Anh, bao gồm cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ giảm trong tương lai.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: Về lâu dài Brexit sẽ làm giảm khoảng 50% kim ngạch XK đồ gỗ sang thị trường Anh, tương đương khoảng 50 triệu USD/năm.
Về giá xuất khẩu đồ gỗ, ông Phúc phân tích: Anh là thị trường lớn nhất trong khối EU trong việc nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của ngành gỗ Việt Nam. Hiện tại đồng Bảng Anh đã mất giá so với đồng USD, kéo theo sự mất giá so với đồng Euro. Điều này gây tác động tiêu cực đến giá xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.
Khác với phán đoán tương đối tổng quát của ông Phúc, ông Quyền đưa ra nhận định cụ thể hơn: Hiện nay, giá xuất khẩu gỗ sang thị trường EU khoảng 1.200-1.800 USD/container (1 container khoảng 28-30 khối). Anh rời EU dự kiến sẽ làm giá xuất khẩu giảm 5-7% so với hiện tại. Đây là con số sụt giảm khá lớn, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Hiện tại còn rất nhiều điều chưa rõ ràng và chưa chắc chắn về việc Anh sẽ rời EU như thế nào, về các tác động của việc này đối với các chính sách của Anh nói riêng và mối quan hệ thương mại giữa Anh và các nước trong khối EU cũng như các nước khác nói chung.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo: Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần cập nhật thông tin và có những giải pháp ứng phó với các kịch bản thị trường khác nhau, bởi trong tương lai có thể sẽ có những thay đổi về thuế, những biến động về tỷ giá, thay đổi về thủ tục và phí hải quan, cũng như các thay đổi quy định và các tiêu chuẩn hiện đang được được EU áp dung. (HQ)
Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ nhiều nhất vào Anh (bên cạnh Indonesia và Malaysia). Trong EU, Anh là thị trường lớn nhất nhập khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm khoảng 35-36% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh liên tục tăng. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Anh đạt gần 270 triệu USD, tăng nhanh từ mức gần 181 triệu USD năm 2012.
Hàng loạt thương hiệu hàng đầu Đài Loan sẽ được trưng bày tại Việt Nam
Hàng loạt thương hiệu hàng đầu của Đài Loan ở nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin, phương tiện đi lại, sản phẩm gia dụng, thiết bị chăm sóc sức khỏe, dụng cụ thể thao… của đời sống sẽ góp mặt tại chiến dịch Taiwan Excellence 2016 lần thứ 7 tại Việt Nam.
Ca sỹ Minh Hằng cùng Trưởng Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam bấm nút khai trương Lễ Phát động. Ảnh: Đức Hoàng
Thông tin này được đưa ra tại Lễ khởi động chiến dịch Taiwan Excellence 2016. Đây là chiến dịch quốc tế do Cục Thương mại Đài Loan và Hội đồng phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAIRA) tổ chức ngày 14-7 nhằm quảng bá những sản phẩm hàng đầu của Đài Loan tại Hà Nội.
Sự kiện đầu tiên của chuỗi sự kiện trải nghiệm này sẽ diễn ra tại trung tâm thương mại Aeon Mall (27 đường Cổ Linh, Hà Nội) từ 15 đến 17- 7, và đến với TP. Hồ Chí Minh tại Crescent Mall (101 Tôn Dật Tiên, Tân Phú) từ 30- 9 đến 2- 10.
Đến chuỗi sự kiện này, ngoài cơ hội trải nghiệm những sản phẩm chất lượng cao đến từ Đài Loan, khách tham quan cũng có thể tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm đặc sắc, cùng nhiều tiết mục giải trí, giao lưu với đại sứ hình ảnh của Taiwan Excellence 2016 là ca sỹ diễn viên Minh Hằng và cơ hội bốc thăm trúng thưởng những phần quà hấp dẫn.
Phát biểu tại triển lãm, ông Tô Quốc Tuấn- Tổng thư ký Ủy ban công tác Đài Loan nhấn mạnh, đây là hoạt động mở màn cho chiến dịch quảng bá các sản phẩm do đó đề nghị phía Đài Loan mở rộng triển lãm sang nhiều vùng, địa phương trên cả nước Việt Nam để nhiều sản phẩm này cạnh tranh trên thị trường.
Còn ông Richard R.C.Shih-Trưởng Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho rằng, Triển lãm Taiwan Excellence 2016 mang đến những sản phẩm chất lượng cao trong đó với 150 sản phẩm của 43 thương hiệu ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, sức khỏe, sản phẩm gia dụng, phương tiện đi lại để có chất lượng cuộc sống cao hơn.
Hiện Đài Loan có 2.476 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,4 tỷ USD. Hiện, Đài Loan đang xếp thứ tư trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Xu hướng tăng cường đầu tư, mở rộng quan hệ này hứa hẹn tạo động lực quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 bên.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Singapore
Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore (VSBF) được tổ chức vào các năm 2011, 2013 và 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức VSBF 2016 vào ngày 20-7 tại TP.HCM.
Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, VSBF 2016 là sự kiện quan trọng góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt là sau khi hai nước thống nhất nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong năm 2013. Đây cũng là hoạt động xúc tiến kinh doanh và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế thiết thực trong bối cảnh mới khi cả hai nước đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Tương tự các sự kiện đã được tổ chức thành công trước đây, diễn đàn này sẽ giúp kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nền kinh tế. Ngoài ra, VSBF 2016 sẽ tập trung nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, với sự tham gia dự kiến của lãnh đạo Thành uỷ và UBND của một số tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam.
VSBF 2016 dự kiến sẽ chào đón khoảng 200 diễn giả và đại biểu tham dự là các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia đầu ngành, các nhà xây dựng và hoạch định chính sách và quan chức Chính phủ từ Singapore và Việt Nam. Tại diễn đàn, doanh nghiệp sẽ được cập nhật các thông tin về tình hình thu hút vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam, các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam và Singapore sau khi tham gia TPP và AEC.
Trong phần thảo luận, các diễn giả sẽ tập trung trao đổi về 4 chủ đề chính với sự chủ trì của các chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành cũng như các quan chức Chính phủ, bao gồm dịch vụ tài chính, chế biến và sản xuất, phát triển bất động sản và du lịch - khách sạn. Đại biểu tham dự còn có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh qua việc tham quan khu triển lãm diễn ra song song trong khuôn khổ diễn đàn.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Singapore có 50 dự án FDI cấp mới và 23 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đạt hơn 730 triệu USD. Lũy kế đến tháng 4 năm 2016, Singapore xếp thứ 3/114 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 1.600 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 36,28 tỷ USD.
Điển hình trong số các dự án của Singapore tại Việt Nam là Công ty liên doanh Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam- Singapore (VSIP). Hiện Việt Nam đã có 7 KCN VSIP được đầu tư tại 6 tỉnh, bao gồm: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An.
Sản phẩm sữa đặc của Vinamilk đã có mặt ở Mỹ
Đây là lần đầu tiên Vinamilk tham dự hội chợ này, cùng với 11 doanh nghiệp Việt Nam khác. Tại đây, Vinamilk cùng với đại diện từ Driftwood Dairy Inc. – công ty với 100% vốn sở hữu của Vinamilk, đã giới thiệu hai sản phẩm sữa đặc và creamer đặc thương hiệu Driftwood được sản xuất tại nhà máy của Vinamilk tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Sản phẩm sữa đặc có đường và creamer đặc có đường - Driftwood nhận được nhiều sự quan tâm của các khách hàng tham quan hội chợ, mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm sữa đặc của Vinamilk. Sau khi vượt qua các rào cản khó khăn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành thực phẩm nói chung và ngành hàng sữa nói riêng, sản phẩm của Vinamilk đã được FDA và USDA công nhận chất lượng và cấp giấy phép nhập khẩu.
Sự kiện này mang ý nghĩa khẳng định vị thế của Vinamilk - công ty sữa hàng đầu Việt Nam, thương hiệu Quốc gia Việt Nam bước chân mạnh mẽ ra thị trường quốc tế với các sản phẩm chất lượng cao.
Bên cạnh hai sản phẩm mới là sữa đặc có đường và creamer đặc có đường, Driftwood của Vinamilk còn mang tới hội chợ các sản phẩm truyền thống là sữa tươi thanh trùng Driftwood với sự đa dạng về bao bì sản phẩm.
Vinamilk tham dự hội chợ Summer Fancy Food với mục đích giới thiệu công ty Vinamilk – Driftwood, đồng thời tìm kiếm các đối tác phân phối, hướng tới mục tiêu là cung cấp các sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh vào các chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ. Ngay sau hội chợ, sản phẩm sản phẩm sữa đặc và creamer đặc do Vinamilk sản xuấtbắt đầu được bày bán tại các siêu thị ở 2 bang Arizona và California.
Hội chợ Fancy Food Show tổ chức định kì 2 lần trong năm được biết tới như một trong những hội chợ lớn nhất về ngành thực phẩm tại Mỹ, quy tụ hàng ngàn doanh nghiệp uy tín trong linh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ khắp nới trên thế giới. Năm 2016, hội chợ thu hút gần 3.000 doanh nghiệp tham dự trưng bày và quảng bá sản phẩm tại Summer Fancy Food Show tại trung tâm triển lãm Jacob Javits Center - New York. Hội chợ cũng thu hút hơn 47.000 chuyên gia trong ngành thực phẩm tới tham quan. Fancy Food Show đã từ lâu là kênh kết nối các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm tới các nhà phân phối ở khu vực Châu Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong nửa đầu 2016, vượt mức dự báo
Con số trên cao hơn so với dự báo 6,6% của các chuyên gia kinh tế trong một khảo sát của Reuters trước đó.
Cục thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng trong quý 2 bằng với quý 1, đều đạt mức 6,7% (so với cùng kỳ năm trước). Ngành công nghiệp tăng trưởng 6,1%, còn ngành dịch vụ tăng 7,5%.
So với quý 1, GDP của Trung Quốc đã tăng 1,8%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng tốt hơn dự đoán đôi chút được coi là hệ quả của một loạt các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư tư nhân giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy sự yếu kém và có thể gây áp lực buộc chính phủ phải triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hơn nữa tương lai.
Đầu tư tài sản cố định đã có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 6, mặc dù đây từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế ở những tháng trước đó.
Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới tăng trưởng ở mức 6,5-7% trong năm nay - tốc độ chậm hơn so với những gì nền kinh tế này vẫn thường được biết đến trong hơn 2 thập kỷ qua. Trung Quốc đang dần dần chuyển sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng thay vì sản xuất như trước đây, nhưng việc chuyển đổi này đã không được thuận buồm xuôi gió. Trong năm 2015, chính quyền Bắc Kinh chỉ đạt mức tăng trưởng 6,9%, tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm.