tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 16-07-2016

  • Cập nhật : 16/07/2016

Xuất khẩu điện thoại đạt gần 17 tỷ USD

Cả nước đã có 17 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 2 nhóm hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.
Biểu đồ trị giá 5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Biểu đồ: T.Bình.

Theo thông tin vừa được Tổng cục Hải quan cống bố, sơ bộ đết hết tháng 6, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 82,132 try USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó có 17 nhóm hàng hóa có trị giá xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là điện thoại và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 17 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ 2015, chiếm gần 20,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đứng ở vị trí thứ 2 là dệt may đạt gần 10,85 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ 2015; kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép các loại gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,5%; gỗ và sản phẩn gỗ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 1,4%...

Nhìn vào kết quả thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong khi hầu hết nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có sự tăng trưởng về kim ngạch thì có nhóm hàng “tỷ đô” bị sụt giám về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ 2015 là gạo; dầu thô; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện.

Trong đó, dầu thô giảm mạnh cả về lượng và trị giá với sản lượng xuất khẩu hết tháng 6 đạt 3,565 triệu tấn (giảm 23,1%), tổng giá trị kim ngạch đạt 1,125 tỷ USD (giảm 46,8%).

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt kim ngạch 1,157 tỷ USD, giảm 23,5%; gạo đạt 2,656 triệu tấn (giảm 11%), tổng giá trị kim ngạch đạt 1,197 tỷ USD (giảm 6,9%).(HQ)


Nguồn cung khu công nghiệp TPHCM tăng mạnh

Thêm một khu công nghiệp 300 ha vừa gia nhập thị trường TPHCM.

Công ty tư vấn và nghiên cứu Cushman & Wakefield cho biết, có một khu công nghiệp (KCN) mới ở huyện Bình Chánh mới gia nhập thị trường bất động sản KCN TPHCM, góp thêm hơn 300 ha vào thị trường.

Tỷ lệ lấp đầy thị trường KCN TPHCM trong quý II đạt 65%, giảm 6 điểm phần trăm theo quý lẫn theo năm, chủ yếu là do tỷ lệ lấp đầy thấp tại dự án mới.

Trong khi đó, giá thuê trung bình tăng 2% theo quý và theo năm, đạt khoảng 2,858 triệu đồng/m2/một kỳ hạn thuê, tương đương 128 USD. Sự gia tăng này chủ yếu là do giá chào thuê cao hơn của KCN mới. Giá thuê này cao hơn khoảng 2 lần so với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai.

Giá thuê nhà máy đã xây sẵn diện tích 2.000 - 3.000 m2 dao động từ 55.760 - 78.060 đồng/m2/tháng (2,5-3,5 USD).

Nhờ có thêm dự án mới, đến nay, có 19 khu công nghiệp đang hoạt động tại TPHCM với tổng diện tích gần 3.940 ha. Diện tích cho thuê được ước tính là khoảng 63% tổng diện tích đất, trong khi thời hạn cho quyền sử dụng đất trung bình còn lại là 35 năm.

Theo Cushman & Wakfield, quỹ đất công nghiệp tại TPHCM đến năm 2030 dự kiến tăng thêm khoảng 2.600 ha, đến từ 10 KCN mới, tăng 66% so với nguồn cung hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn các dự án tương lai vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và bồi thường, tiến độ xây dựng dự kiến sẽ kéo dài.

Với TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây, cùng với điều kiện kinh tế ổn định, các chính sách thuận lợi và giá lao động thấp, Việt Nam sẽ thu hút thêm đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài một khi họ di dời hoạt động đến Việt Nam. Với nhu cầu về đất công nghiệp gia tăng, phân khúc này vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, đơn vị nghiên cứu này nhận định.(NCĐT)


Tồn trữ cà phê Việt Nam giảm mạnh do giá lên

Mỗi khi chính trường Brazil có diễn biến mới, nông dân cà phê Việt Nam lại phải quyết định có nên bán ra cà phê hay không.

Sự sụt giảm lượng cà phê tồn trữ của Việt Nam - nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới - một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa đồng nội tệ real Brazil luôn biến động và xuất khẩu cà phê của Việt Nam - ở nửa kia bán cầu.

Lượng cà phê tồn trữ của nông dân Việt Nam đã giảm 50% so với mức bình quân hàng năm do xuất khẩu trong nửa đầu năm nay tăng mạnh, theo số liệu thống kê của các nhà xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Năm tăng mạnh khi nông dân tận dụng cơ hội real Brazil tăng giá do đồn đoán về cáo buộc đối với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Lượng cà phê tồn trữ của nông dân Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 10% sản lượng niên vụ 2015-2016, thấp hơn so với 20% cùng kỳ năm ngoái, theo ông Lê Hùng Anh, giám đốc điều hành Công ty Anh Minh Coffee Co., tại tỉnh Đăk Lăk.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2015-2016, kết thúc vào tháng 9/2016, đạt khoảng 1,758 triệu tấn. Với mức giá hiện nay, 10% sản lượng nêu trên tương đương khoảng 323 triệu USD.

Tồn trữ cà phê giảm mạnh chủ yếu do xuất khẩu trong nửa đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu niên vụ, giá cà phê thấp khiến nông dân tăng tích trữ, nhưng vài tháng qua, lượng bán ra tăng mạnh khi giá cà phê được cải thiện.

Bất chấp lượng bán ra tăng, giá cà phê Robusta trên thị trường London đã lên cao nhất một năm qua. Giá hợp đồng cà phê trong tháng 6 đã tăng 12% và tính từ đầu năm đến nay tăng 22%, chủ yếu do real Brazil tăng giá so với USD trong năm nay do đồn đoán Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ bị buộc tội cùng với việc giới đầu cơ đổ nhiều tiền hơn vào hàng hóa, theo giới phân tích.

Trên thị trường vật chất, giá cà phê tăng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa đồng nội tệ Brazil luôn biến động với quyết định của nông dân và thương nhân cà phê tại Việt Nam.

Brazil hiện là nước sản xuất Arabica lớn nhất thế giới và sản xuất Robusta lớn thứ 2 thế giới, do vậy, tỷ giá giữa real Brazil và USD có thể đẩy tăng hoặc kéo giảm xuất khẩu cà phê của nước này, khiến giá cà phê thế giới tăng hoặc giảm.

Năm 2015, việc real Brazil giảm hơn 30% so với USD đã có tác động tiêu cực, khiến nông dân Việt Nam tăng cường tồn trữ cà phê, đẩy giá cộng thêm cà phê Việt Nam lên cao hơn hàng trăm USD so với giá tham chiếu trên sàn London, thậm chí khiến nhiều nông dân bỏ cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu để có thu nhập tốt hơn.

Ngoài yếu tố tiền tệ, thời tiết khô hạn, nhất là tại vùng sản xuất cà phê chủ chốt của Brazil - bang Espirito Santo - và dòng tiền của giới đầu cơ đổ vào hàng hóa, theo các nhà phân tích.


PVTex lỗ lũy kế đã hơn 3.000 tỷ đồng

Tại thời điểm 30/6/2016, Công ty Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã lỗ lũy kế 3.080 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 823,1 tỷ đồng

Theo nguồn tin của Báo Baodautu.vn, trong 6 tháng đầu năm 2016, PVTex đã xuất bán được 1.467 tấn xơ sợ, kinh doanh được 13.290 tấn đạm ure và 300 tấn PP. Nguồn vốn sở hữu của PVTex ngày càng sụt giảm do lỗ trong sản xuất kinh doanh.

Trước đó, PVTex đã dừng vận hành từ ngày 17/9/2015 do khó khăn về tài chính. Tồn kho tới thời điểm 1/7/2015 là 267 tấn.

Vào đầu năm 2016, PVTex đã lên kế hoạch hoạt động trở lại trong quý I/2016. Tuy nhiên tới nay Nhà máy này vẫn đang bất động.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ của PVTex do PVN nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng). Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.

Tháng 11/2015, khi trả lời Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi đó cho hay, với Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, do áp dụng công nghệ hiện đại, lần đầu thực hiện tại Việt Nam, nên năng lực vận hành còn hạn chế, chưa phát huy hết công suất, chưa ra được sản phẩm chất lượng cao tương ứng.

“Dự án được nghiệm thu từ tháng 3/2014, đến tháng 9 đi vào vận hành nhưng chỉ đạt 48% công suất. Sản phẩm làm ra có lúc chất lượng chưa đạt, giá thành cao, nên không cạnh tranh được. Điều này khiến Nhà máy lỗ hơn 1.000 tỷ đồng riêng trong năm 2014”, nguyên Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Một số nguyên nhân khác khiến Nhà máy thua lỗ là định mức chi phí, vận hành khi đi vào thực hiện đã cao hơn nhiều so với lúc lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng từng khẳng định, đã chỉ đạo chủ đầu tư là PVN tìm biện pháp khắc phục, rà soát máy móc - công nghệ, nâng cao tay nghề cán bộ vận hành cũng như kỳ vọng việc đàm phán với Tập đoàn Dệt may Việt Nam về việc mua 50% sản phẩm có thể giúp doanh nghiệp này giảm lỗ, dù thừa nhận giá bán vẫn kém cạnh tranh.

Mục tiêu được Bộ Công thương đặt ra trong cuối năm 2015 là, số lỗ của PVTex sẽ giảm còn 600 tỷ đồng năm 2015 và năm 2016 sẽ cân bằng tài chính khi thực hiện nhiều giải pháp như trên cùng với kiến nghị Chính phủ cho hưởng một số ưu đãi.

Tuy nhiên với tình hình thực tế hiện nay, con đường cho PVTex hồi sinh xem ra không dễ dàng.


Trái cây gắn mác nhập khẩu: Nhập nhằng xuất xứ

Trái cây nhập khẩu được bán trên thị trường có giá rất cao, nhiều loại có giá 700.000- 800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán của trái cây nhập khẩu hiện chênh nhau hàng trăm nghìn đồng mỗi kg với cùng một loại quả, cùng xuất xứ tại các hệ thống cửa hàng khác nhau. Việc chênh giá khá lớn này cộng với việc khó đánh giá về xuất xứ khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng của mặt hàng đắt đỏ này.

thi truong noi dia dang ngay cang co nhieu loai trai cay nhap khau. anh: quang tan

Thị trường nội địa đang ngày càng có nhiều loại trái cây nhập khẩu. Ảnh: Quang Tấn

Loạn giá

Những năm gần đây, trái cây nhập khẩu đã chiếm lĩnh một phần lớn tại thị trường Việt Nam. Một số loại trái cây còn tạo ra “cơn sốt” đối với người tiêu dùng. Hiện thị trường đang ưa chuộng những loại quả như: Nho xanh không hạt, táo có xuất xứ từ Mỹ; cam của Nam Phi; quả mâm xôi, việt quất của Úc; cherry, dâu của New Zealand và gần đây là mận Mỹ (có mức giá lên đến 600.000 đồng/kg).

Theo khảo sát của phóng viên tại trung tâm thương mại BigC, siêu thị Hapro Food, hệ thống cửa hàng Klever Fruit, hoa quả nhập khẩu có hàng chục loại với nhiều sản phẩm khá lạ lẫm với người tiêu dùng trong nước như: Dưa Sapo, Lê Nashi, Táo Rubi, Lê Forelee… Chỉ riêng tại hệ thống siêu thị BigC, theo khảo sát của phóng viên mặt hàng táo đã có đến 7 loại (táo xanh, Tagg, Kiki, Gala, Fuji, Sonya, Rose), có giá dao động từ 69.900  – 103.900 đồng/kg.

Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại và nguồn gốc xuất xứ, điều mà người tiêu dùng không khỏi bối rối mỗi khi tìm mua là có sự chênh lệch giá cả với cùng một loại quả, cùng xuất xứ. Tại siêu thị BigC (chi nhánh Trần Duy Hưng, Hà Nội), sản phẩm Kiwi vàng New Zealand có giá 118.000 đồng/kg; siêu thị Hapro Food (đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) có giá 134.000 đồng/kg; cửa hàng Klever Fruit (chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội) có giá 199.000 đồng/kg. Sản phẩm Cam xuất xứ tại Nam Phi bán tại Hapro Food có giá 55.000 đồng/kg, còn tại Big C có giá 49.000 đồng/kg. Táo Envy xuất xứ Mỹ tại Big C có giá 195.000 đồng/kg trong khi tại Klever Fruit có giá 299.000 đồng/kg.

Nếu như trái cây nhập khẩu trước đây chỉ được bán tại siêu thị, cửa hàng lớn thì nay tại các chợ truyền thống cũng thường xuyên xuất hiện các mặt hàng này. Tại chợ Xanh (phố Phạm Ngọc Thạch – Hà Nội), khi phóng viên hỏi mua táo Mỹ đỏ, loại trong BigC chỉ bán 69.000 đồng/kg, một chủ cửa hàng trả lời: “Ở đây không bán loại táo rẻ đó, chỉ bán táo Mỹ loại từ 150.000/kg trở lên, nếu muốn mua thì vào siêu thị mà mua”. Quan sát mỗi quả táo đều có tem nhãn rõ ràng, phóng viên đồng ý mua với mức giá trên nhưng khi hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì chủ quán bức xúc, đuổi khách hàng và không bán nữa với lý do: “Cửa hàng bán lẻ không có giấy tờ xuất xứ!?”. Bà Nguyễn Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Người Việt Nam biết hoa quả nhập khẩu bán ngoài đường phơi nắng phơi mưa, cân thiếu, bị trộn hàng Trung Quốc nhưng vẫn mua vì sính ngoại. Táo được gọi là có xuất xứ Mỹ mua ở chợ có hình thức đẹp nhưng ăn vừa bở, vừa nhạt".

Riêng đối với mận Mỹ, sản phẩm gây sốt trên thị trường thời gian gần đây cũng đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Theo tìm hiểu của phóng viên trên các cửa hàng hoa quả nhập khẩu online và các cửa hàng Klever Fruit, mận Mỹ chia ra làm 3 loại chính, rẻ nhất là mận đường có giá khoảng 400.000 đồng/kg, mận xanh Mỹ có giá khoảng 500.000 đồng/kg, mận đỏ Mỹ có giá 600.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ để mua mận Mỹ ở các cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu luôn tươi sạch tại số 2xx đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và Trái cây nhập khẩu tại địa chỉ số 10xx đường Láng Hạ, các cửa hàng này luôn luôn trong tình trạng hết hàng. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, tại các “shop online” mận Mỹ vẫn được chào bán với giá bán khuyến mãi chỉ 149.000 đồng/kg, chỗ khác lại dao động từ 250.000 đồng đến 349.000 đồng/kg.

Dễ “dính” trái cây Trung Quốc

Với giá chênh lệch lớn và nguồn gốc khó được kiểm chứng, người tiêu dùng "thượng lưu" đang bị lạc trong "ma trận" của các mặt hàng trái cây nhập khẩu. Theo ông Phạm Khắc Diến – Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: “Thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng dán mác ‘ngoại xịn’ để đánh lừa người tiêu dùng”.

Đánh giá về chất lượng trái cây nhập khẩu hiện nay, ông Phạm Khắc Diến cho biết: “Thực tế vẫn có một lượng trái cây được nhập khẩu từ phương Tây nhưng không đáng kể. Tình trạng  trái cây gắn nhãn mác giá nhập ngoại hiện nay được bày bán nhiều trên thị trường làm cho người tiêu dùng lo ngại vì không phân biệt được thật giả. Hơn thế, chỉ vì tâm lý sính ngoại, tin tưởng rằng trái cây nhập khẩu từ phương Tây có quy trình sản xuất sạch, không sử dụng các loại dư lượng, hóa chất độc hại, có hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đảm bảo sức khỏe nên ngày càng nhiều người tiêu dùng đổ xô mua trái cây ngoại nhưng vô tình bị móc túi bởi trái cây Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, công tác quản lý nguồn gốc các loại trái cây nhập khẩu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng sản phẩm. Các cơ quan quản lý muốn xác định có đúng trái cây Trung Quốc dán nhãn mác ngoại hay không thì phải kiểm tra giấy tờ, chứng nhận, thậm chí truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là chúng ta vẫn chưa thực hiện được việc bắt buộc phải có chứng nhận nguồn gốc đối với hoa quả nhập khẩu, mặc dù đã có quy định nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát được. Trong khi nhìn bằng mắt thường thì không thể biết đâu là táo Mỹ, New Zealand, Trung Quốc cũng như chất lượng có đảm bảo hay không. (HQ)


Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-07-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-07-2016

    Xuất khẩu dăm gỗ “tuột dốc”
    Phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu hàng cấm trị giá hơn 6 tỷ đồng
    Tăng thu gần 1 tỷ đồng từ mặt hàng trà nhập khẩu
    Thái Lan điều trần vụ chống bán phá giá thép không gỉ nhập từ Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-07-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-07-2016

    Chi tới 13 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị
    Điểm tên ngân hàng đạt lợi nhuận khủng
    Áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội thế nào?
    Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải ký quỹ 10 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh 17-07-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 17-07-2016

    Các ngành xuất khẩu chủ lực đều tăng không quá 7%
    Kinh tế Mỹ nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Fed chưa thể tăng lãi suất
    Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu tôm vào Anh
    Brexit và lưu ý cho ngành gỗ

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-07-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-07-2016

    'Cú đẩy' bất ngờ làm tăng gánh nặng nợ công
    Ngân hàng Trung ương Anh bất ngờ giữ nguyên lãi suất bất chấp Brexit
    Thao túng giá cổ phiếu TNT, một cá nhân bị phạt hơn 1 tỷ đồng
    Thêm tín dụng đen hợp sức giết chết nhiều doanh nghiệp Việt
    Ngân hàng lo thanh khoản sớm

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-07-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-07-2016

    Đại gia Việt thâu tóm DN phụ trợ nước ngoài: Thức thời
    Bất ổn kinh tế vĩ mô: Có sai lầm khi nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng
    Thống đốc FED: Tối đa 2 lần tăng lãi suất trong năm nay
    Ngân hàng Xây dựng được được cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng
    ACB quyết thu ngàn tỷ nợ từ 6 công ty của bầu Kiên

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-07-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-07-2016

    Brexit chưa tác động mạnh tới xuất khẩu gỗ
    Hàng loạt thương hiệu hàng đầu Đài Loan sẽ được trưng bày tại Việt Nam
    Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Singapore
    Sản phẩm sữa đặc của Vinamilk đã có mặt ở Mỹ
    Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong nửa đầu 2016, vượt mức dự báo

  • Tin kinh tế đọc nhanh 16-07-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 16-07-2016

    Điều gì xảy ra khi các NH dừng hoạt động?
    Tập đoàn Sun Group hợp tác chiến lược với Hòa Bình Corp
    Savills đẩy mạnh hoạt động kinh doanh BĐS tại khu vực miền Trung
    NHTW Anh giữ nguyên lãi suất, song dự kiến sẽ hành động vào tháng 8
    Beige Book: Áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn yếu

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-07-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-07-2016

    Brexit ngăn cản sự tăng trưởng của eurozone
    Các công ty nông lâm nghiệp lỗ nghìn tỷ, ăn mòn vào vốn
    Phải vào được chuỗi cung ứng toàn cầu
    Xe đầu kéo, sơmi rơmooc chủ yếu nhập từ Trung Quốc
    Chủ động các giải pháp phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-07-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-07-2016

    Da giày bỏ lỏng sân nhà
    USD giảm khi giới đầu tư chờ chính sách nới lỏng tiền tệ
    Doanh nghiệp cà phê tiếp tục được vay vốn ngoại tệ
    Cổ phiếu lên cao nhất gần 10 năm, vốn hóa Vinamilk tiến sát 8 tỷ USD
    46 triệu người Mỹ mua hàng trên Amazon dịp Prime Day

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-07-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-07-2016

    BoE cắt giảm lãi suất giúp tăng cường niềm tin của giới đầu tư
    Malaysia lần đầu tiên trong bảy năm qua hạ lãi suất cơ bản
    Dự báo sản lượng thép thô Nhật Bản trong quý III/2016 sẽ tăng
    Thủy sản xuất khẩu vào Montenegro phải đáp ứng yêu cầu như vào EU
    Người giàu nhất Trung Quốc muốn thâu tóm đại gia Hollywood