FED, đừng đùa với rủi ro lãi suất
Formosa bị truy thu, truy hoàn thuế gần 2.000 tỉ đồng
Thêm 9 doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng cho Samsung
Năm 2016, Eximbank sẽ bán 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC
FPT Shop có thể bán cổ phần cho Alibaba?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-05-2016
- Cập nhật : 25/05/2016
Nhựa Đông Á kỳ vọng đánh bạt hàng Trung Quốc giá rẻ
Nhựa Đông Á kỳ vọng, sau khi hoàn thành dự án này, Công ty có thể vươn lên vị trí số 1 về sản xuất profile. Đặc biệt, với quyền lực trong việc chi phối sản phẩm thanh profile trên thị trường khi nhà máy này đi vào hoạt động, Nhựa Đông Á đặt kỳ vọng có thể đánh bạt hàng Trung Quốc giá rẻ, vốn là đối thủ cạnh tranh số 1 của doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng này.
Cửa nhựa có lõi thép gia cường với thành phần cốt yếu là thanh profile uPVC xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000. Thời điểm đầu, sản phẩm này hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ châu Âu và Trung Quốc. Sản phẩm cũng được phân chia làm nhiều loại theo chất lượng và giá cả.
Nhựa Đông Á đã nắm bắt khá nhanh nhu cầu thị trường và là một trong những doanh nghiệp trong nước đầu tiên đầu tư sản phẩm này và tiếp tục được định hướng là một sản phẩm chủ lực của Công ty.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc Nhựa Đông Á cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng. Theo đó, các sản phẩm nòng cốt của Công ty là thanh profile, cửa smart window, tấm mica và tấm PP công nghiệp...
Việc huy động các nguồn lực để dồn sức cho sản phẩm thanh profile đã được Nhựa Đông Á chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước. Hồi năm 2013, Công ty đã từng thực hiện thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi khá thành công cho đối tác chiến lược đến từ Nhật Bản là Quỹ đầu tư tài chính Japan South East Asia Growth Fund L.P (JSEAGF). Đây là một trong những quỹ đầu tư tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đợt phát hành này, Nhựa Đông Á đã phát hành 53,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó, 40 tỷ đồng được phát hành cho JSEAGF và 13,5 tỷ đồng còn lại được Nhựa Đông Á bán cho một đối tác trong nước là Công ty liên doanh Shide Việt Nam.
Số tiền thu từ đợt chào bán đã được Nhựa Đông Á đầu tư tăng năng lực sản xuất sản phẩm thanh profile lên gấp 2,5 lần so với thời điểm đó. Đến năm 2015, Nhựa Đông Á đã ký hợp đồng phân phối thanh nhựa uPVC thương hiệu Shide Profile. Theo đó, 4 đối tác sẽ tiêu thụ sản phẩm thanh profile từ Dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất thanh profile của Đông Á tại Hà Nam, tương đương 25% công suất sau mở rộng.
Trong năm 2015, Nhựa Đông Á tiếp tục thực hiện các đợt huy động vốn quy mô lớn, trong đó có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng với số lượng lên tới 20,9 triệu cổ phần. Trong đó, 1,9 triệu cổ phần được phát hành thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014, hơn 12,25 triệu cổ phần được phát hành cho cổ đông hiện hữu. Còn lại, một phần cổ phiếu do cổ đông hiệu hữu không thực hiện quyền mua đã được Công ty phân phối cho 10 nhà đầu tư cá nhân.
Mặc dù vậy, tham vọng của Nhựa Đông Á trong việc mở rộng quy mô chưa dừng lại, khi vẫn đang rốt ráo tìm kiếm đối tác chiến lược để tiếp tục bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại.
Cụ thể, công ty này đã có nhiều buổi làm việc, tiếp xúc đối tác ngoại. Hồi cuối năm 2015, RISA Partners Inc (Nhật Bản) đã đến làm việc, khảo sát và không che giấu mục đích trở thành cổ đông chiến lược. Đây là một tổ chức đầu tư của Nhật Bản, tập trung vào tài chính và bất động sản.
Tiếp đó, những tháng đầu năm 2016 cũng là thời kỳ cao điểm của Nhựa Đông Á trong việc tiếp cận đối tác. Hồi tháng 3, Nhựa Đông Á thông qua Công ty Chứng khoán Sài Gòn đã làm việc với 7 quỹ đầu tư, gồm Dragon Capital, Vietnam Holding, Vietfund Management, Korea Investment, Thien Viet Asset Management, Manulife Asset Management…
Ngoài ra, Công ty cũng đã làm việc với Quỹ đầu tư DBJ (Nhật Bản) và Tập đoàn Sankyo Tateyama - một tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Dự kiến, Tập đoàn Sankyo Tateyama sẽ triển khai các bước hợp tác chiến lược và hỗ trợ Nhựa Đông Á trong phát triển sản phẩm và đưa công nghệ mới từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Hàng công nghiệp châu Á giảm giá do lo ngại nhu cầu Nhật Bản, Trung Quốc
Hàng hóa công nghiệp châu Á, bao gồm thép, quặng sắt và cao su giảm phiên hôm thứ hai (23/5), do lo ngại về sức khỏe nền kinh tế của 2 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất khu vực, Trung Quốc và Nhật Bản, gia tăng lo ngại về nhu cầu đối với những nguyên liệu này.
Giá thép và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, mỗi mặt hàng giảm 6%, do nhu cầu nội địa suy giảm, gây áp lực dư cung trên thị trường thép toàn cầu.
Than luyện cốc và than cốc – nguyên liệu sản xuất thép – giảm 7% và các hàng hóa khác giao dịch tại Trung Quốc cũng giảm, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ổn định. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 giảm nhiều hơn dự kiến 1,8% so với cùng tháng năm ngoái, chính phủ cho biết hôm 8/5.
Giá cao su kỳ hạn tại Trung Quốc và Nhật Bản giảm 5,3% và 4,5% theo thứ tự lần lượt, sau báo cáo hôm thứ hai (23/5). Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4 giảm 10% so với cùng tháng năm ngoái và các đơn hàng sản xuất mới giảm xuống mức thấp nhất trong 41 tháng.
Nhu cầu mùa vụ đối với thép tại Trung Quốc đã qua và hiện tại thời tiết nóng khiến hoạt động xây dựng chậm chạp, Kevin Bai, nhà phân tích tại công ty tư vấn CRU, Bắc Kinh cho biết.
Thanh cốt thép được sử dụng trong xây dựng giảm tối đa 6% tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (ShFE), xuống mức thấp nhất trong phiên, ở mức 1.930 NDT (tương đương 295 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 7/3. Giá thanh cốt thép đóng cửa giảm 5,2%, xuống còn 1.947 NDT/tấn.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt cũng giảm 6%, xuống còn 350 NDT/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 4/3. Giá quặng sắt đóng cửa giảm 5% xuống còn 353,5 NDT/tấn.
Tồn kho thép Trung Quốc gia tăng
Giá thép và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm 30% từ mức đỉnh điểm trong tháng 4/2016. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi đặt cược rằng, nền kinh tế sẽ được cải thiện.
Giá thép và thanh cốt thép duy trì ổn định vào tuần trước, tăng trong tuần, sau 3 tuần giảm liên tiếp.
Chứng khoán Trung Quốc kết thúc trong ngày ở mức cao, nhưng chỉ số Composite Thượng Hải giảm 5 tuần liên tiếp, gia tăng lo ngại về nền kinh tế.
Dự trữ sản phẩm thép, bao gồm thanh cốt thép, được hỗ trợ bởi các thương nhân Trung Quốc tăng tuần thứ 3 liên tiếp, lên 9,55 triệu tấn trong tuần đến 20/5, Bai cho biết.
Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng lớn của Trung Quốc từ 1,6% so với tuần trước, lên 100,45 triệu tấn hôm 20/5, số liệu được dõi theo bởi công ty tư vấn công nghiệp SteelHome cho biết, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Giá than luyện cốc và giá than cốc tại Đại Liên mỗi mặt hàng giảm 7%, trước khi đóng cửa giảm 4,2% và 5,4% theo thứ tự lần lượt. Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải giảm 5,3%.
Giá cao su tại Thượng Hải giảm 5,3%, giá bông tại Trịnh Châu giảm 3%; giá trứng tại Đại Liên giảm 1,2% và giá dầu đậu tương tại Đại Liên giảm 2,4%.
Giá cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm hơn 5%, xuống còn 154,3 yên (tương đương 1,41 USD)/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 29/2, trước khi đóng cửa giảm 4,5%, xuống còn 155,8 yên/kg.
Tại Sở giao dịch TOCOM, giá cao su làm lốp xe tại Đông Nam Á giảm hơn 20%, kể từ tháng 4, do lo ngại dư cung và nhu cầu tại khách mua hàng đầu – Trung Quốc.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp
Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng phòng Quản lý tiền chất, Cục hóa chất cho biết, hiện nay cả nước có 8 đơn vị được nhà nước cho phép sản xuất thuốc nổ và phụ kiện thuốc nổ. Tổng công suất các dây chuyền sản xuất vật liệu nổ công nghiệp khoảng 140.000 tấn/năm, đáp ứng đủ về số lượng nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong nước.
Trong đó, có hai đơn vị là Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET) và Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO), ngoài việc nhập khẩu để đáp ứng thị trường nội địa, đã bắt đầu có hoạt động xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn rất thấp, chiếm 3% tổng sản lượng trong nước.
Hiện nay, xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới đang phát triển một số sản phẩm mới theo công nghệ hiện đại và an toàn hơn như việc sử dụng kíp nổ điện tử, thuốc nổ phi tiêu chuẩn chuyên dụng trong khai thác hầm lò, mỏ vàng, kim loại… Mặt khác, thực tế khai thác trong nước như khai thác đá, hầm lò dần phải xuống các tầng sâu, nên yêu cầu các loại vật liệu nổ công nghiệp phải an toàn với khí, bụi nổ, chịu nước, giảm khói… Do đó, nếu các đơn vị sản xuất trong nước không cải tiến sản phẩm, công nghệ và phương pháp sử dụng thì sẽ tụt hậu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gặp một số khó khăn do các ngành sử dụng vật liệu nổ công nghiệp giảm nhu cầu khai thác. Do đó, các doanh nghiệp nên làm việc với Tập đoàn Hóa chất để tìm hiểu về nhu cầu tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp tại các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào, để chúng ta tăng xuất khẩu sang nước này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, làm sao để các sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Mặt khác, trong từng trường hợp cụ thể, các doanh nghiệp nên có sự hợp tác để phát triển bền vững.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 5/2016 sẽ duy trì vững
Bộ Công Thương và GE ký kết hợp tác phát triển điện gió
Lễ ký kết năm trong chương trình hợp tác thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Theo đó, mục tiêu chung của cả hai bên là phát triển tối thiểu 1.000MW điện từ các dự án điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam.
Theo thỏa thuận ký kết, GE sẽ tận dụng kinh nghiệm phát triển điện gió toàn cầu và làm việc với các đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất các thiết bị và linh kiện của tua-bin gió tại nhà máy GE Hải Phòng cũng như hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.
"Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Với mong muốn chung nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác lần này, chúng tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của GE trong việc phát triển nguồn năng lượng gió quan trọng này nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu" – ông Đặng Huy Cường - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh.
Ông Phạm Hồng Sơn - CEO của GE Việt Nam - đánh giá: "Với năng lực chuyên môn của GE trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào năng lượng gió trên toàn cầu, cùng những kinh nghiệm địa phương mà chúng tôi đã có được từ những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, GE hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam, nhằm phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả và bền vững".
Sự đa dạng về địa lý cùng khả năng phát triển điện gió, cộng thêm tài nguyên thủy điện rộng khắp đất nước, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai khi nhu cầu năng lượng phát sinh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tăng.
Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tuabin gió, với tổng công suất trên 99MW điện. Giai đoạn I của dự án đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2013.
Năm 2009, GE tăng cường đầu tư bằng việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng. Nhà máy đã tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu.