Xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định
Xuất khẩu vải thiều: Hướng tới thị trường cao cấp
Xuất khẩu mực, bạch tuộc tiếp tục giảm
Ai Cập: Thị trường nhập khẩu chè nhiều tiềm năng
Kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý tăng trưởng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-05-2016
- Cập nhật : 24/05/2016
Nhóm G7 lo ngại Anh rời bỏ EU
Lo ngại việc Anh rời EU, Hội nghị G7 ra thông cáo nhấn mạnh việc rời bỏ này sẽ là một "cú sốc" đối với kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã bao trùm Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, kết thúc hôm 21-5.
Thông cáo của hội nghị nhấn mạnh việc Anh rời châu Âu sẽ là một "cú sốc" đối với kinh tế toàn cầu.
Thông cáo chung nêu rõ trong bối cảnh "bất ổn toàn cầu gia tăng, với các xung đột địa chính trị, nạn khủng bố và các làn sóng di dân quy mô lớn", cú sốc của viễn cảnh Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) làm tình hình kinh tế thế giới thêm phức tạp".
Bộ trưởng Tài chính Anh Georges Osborne cũng cảnh báo trong trường hợp Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Anh sẽ hết sức khó khăn trong việc thương lượng lại một Hiệp định Thương mại mới với châu Âu, cũng như với hàng chục quốc gia ngoài châu Âu có ràng buộc với Liên minh châu Âu thông qua một thỏa thuận.
Theo ông Osborne, việc rời khỏi Liên minh châu Âu cũng khiến các hộ gia đình Anh nghèo đi: “Các biện pháp can thiệp từ vài tuần qua từ QuỹTiền tệ Quốc tế đối với Ngân hàng trung ương Anh cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả về kinh tế của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Các gia đình tại Anh là những người phải gánh chịu khi mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt hại 4.300 bảng Anh. Rời liên minh châu Âu sẽ khiến nước Anh nghèo đi”.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khẳng định các quốc gia G7 hoàn toàn thống nhất trong việc muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu. Ông Sapin cho biết thêm, G7 đã không thảo luận về phương án B để đối phó với các hậu quả của viễn cảnh nước Anh rời Liên minh châu Âu, mà chỉ bàn về cách giúp Anh ở lại.
Cho dù nhất loạt khẳng định sự ủng hộ với Chính phủ Anh, 6 quốc gia còn lại của khối G7 cũng không làm gì nhiều để Anh ở lại.
Theo Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau, các nước thành viên G7 "rõ ràng là rất lo ngại về nguy cơ Brexit... nhưng không có biện pháp đặc biệt nào được bàn thảo.
Ông Morneau nói: "Chúng tôi không bàn về các biện pháp cụ thể để giúp Anh ở lại Liên minh châu Âu. Còn về phía Canada, quan điểm của chúng tôi là nước Anh sẽ mạnh hơn khi Anh là thành viên của Liên minh châu Âu. Điều đó tốt hơn cho Liên minh châu Âu, tốt hơn cho Canada khi chúng tôi là một đối tác thương mại của Anh”
Trước đó, ngày 20-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã cảnh báo rằng, nước nào ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chấp nhận việc bị coi là đứng ngoài cuộc. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ quan chức cấp cao Liên minh châu Âu này trước cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới ở Anh về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Tuyên bố cứng rắn trên của ông Giăng-cơ được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thuyết phục Anh ở lại Liên minh châu Âu nhân chuyến thăm nước này hồi tháng trước. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo những nguy cơ kinh tế nếu Anh rời Liên minh châu Âu.
Các cuộc thăm dò dư luận do Viện IPSOS-MORI của Anh công bố hôm 20/5 cho thấy, phe ủng hộ Anh ở lại chiếm 55% so với 37% phản đối. Tỷ lệ ủng hộ như vậy đã tăng vọt trong thời gian gần đây, cho thấy chiến dịch vận động của Thủ tướng Anh David Cameron dường như đã mang lại kết quả.
Theo kế hoạch, ngày 23-6, người dân Anh sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu. Quyết định đó sẽ dẫn tới những hệ quả lâu dài về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và ngoại giao của quốc gia này
GE hợp tác phát triển 1.000MW điện gió tại Việt Nam
Lễ ký kết đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam.
Theo thỏa thuận ký kết, GE sẽ tận dụng kinh nghiệm phát triển điện gió toàn cầu và làm việc với các đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất các thiết bị và linh kiện của tua-bin gió tại nhà máy GE Hải Phòng và hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.
"Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của Chính phủ để giải quyết những thách thức năng lượng nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam. Với mong muốn chung nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thông qua sự hợp tác lần này, chúng tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của GE trong việc phát triển nguồn năng lượng gió quan trọng này nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu", ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết.
Về phía mình, ông Phạm Hồng Sơn, CEO của GE Việt Nam nhấn mạnh, với năng lực chuyên môn của GE trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư vào năng lượng gió trên toàn cầu, cùng với những kinh nghiệm địa phương mà chúng tôi đã có được từ những dự án điện gió đầu tiên tại Việt Nam, GE hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương và sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam nhằm phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả và bền vững.
Việt Nam là một quốc gia được ưu ái với nguồn tài nguyên năng lượng gió dồi dào phân bố trên khắp cả nước. Sự đa dạng về địa lý cùng khả năng phát triển điện gió, cộng thêm tài nguyên thủy điện rộng khắp đất nước, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai khi nhu cầu năng lượng phát sinh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tăng.
GE là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tuabin gió, với tổng công suất trên 99MW điện. Giai đoạn I của dự án đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6 năm 2013.
Năm 2009, GE tăng cường đầu tư bằng việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng. Nhà máy đã tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu.
Tại Việt Nam, GE đã thiết lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1993 và văn phòng tiếp theo tại TP. HCM vào năm 2001. Năm 2003, GE thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam, 100% vốn của GE, chuyên cung cấp các dịch vụ hậu mãi đa ngành trong các lĩnh vực thiết bị y tế, điện và năng lượng. Từ năm 2015, sau khi sáp nhập hai mảng kinh doanh Năng lượng và Truyền tải điện của Alstom, GE trở thành một công ty chuyên biệt hơn, thúc đẩy quá trình phát triển thành một công ty công nghiệp kỹ thuật số. GE Việt Nam hiện có hơn 900 nhân viên và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực Power (năng lượng), Energy Connections (truyền tải điện), Renewable Energy (năng lượng tái tạo), Oil & Gas (dầu khí), Healthcare (thiết bị y tế) và Aviation (hàng không).
Hội doanh nghiệp mới Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng
Tại buổi tiếp, các thành viên JNB đều bày tỏ ấn tượng với sự phát triển nhanh của Đà Nẵng và mong muốn mở rộng quan hệ giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tácđầu tư tại TP Đà Nẵng.
Theo ông Fukazawa Eiji, JNB chính thức hoạt động tư năm 1989, có 4.000 doanh nghiệp thành viên trên 47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Các thành viên của Hiệp hội JNB chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty khởi nghiệp, các công ty đầu tư mạo hiểm, hiện đang nỗ lực khai phá đầu tư ở các nước ASEAN.
Đoàn Hiệp hội doanh nghiệp mới Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TP Đà Nẵng sau buổi làm việc.
Ông Fukazawa Eiji cũng cho biết thêm, nhu cầu nhân lực ở Nhật Bản rất cao, đặc biệt là các ngành điều dưỡng, nhà trẻ và kỹ sư công nghệ thông tin. Vì vậy, Hiệp hội mong muốn được tiếp nhận lao động của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ hợp tác của chính quyền Thành phố.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, hiện nay, Nhật Bản xếp thứ 5 về tổng số đầu tư trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng, với tổng số vốn đầu tư gần 400 triệu USD.
Về số dự án, Nhật Bản đứng đầu với 105 dự án, quy mô trung bình mỗi dự án gần 4 triệu USD, tập trung hầu hết vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo, xây dựng và công nghệ thông tin
Đà Nẵng có nhiều trường Đại học, Cao đẳng có thể hợp tác với Nhật Bản đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, điều dưỡng và giáo dục mầm non theo nhu cầu khan hiếm lạo động của Nhật hiện nay.
Đà Nẵng cũng đang nỗ lực phát triển thành một thành phố khởi nghiệp của Việt Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, sắp tới đường bay trực tiếp Đà Nẵng và TP Osaka (Nhật Bản) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch giữa Đà Nẵng và các địa phương Nhật Bản.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Đà Nẵng và bày tỏ mong muốn thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng để phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố cùng phát triển với các hình thức hợp tác có thể xem xét như đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ hoặc đào tạo nguồn nhân lực.
Đạm Ninh Bình chờ giá lên cứu lỗ?
Công nghệ G7, thiết bị Trung Quốc
Theo báo cáo của Công ty Đạm Ninh Bình, từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) tới nay, Công ty lỗ triền miên. Năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 và 2015 lỗ lần lượt là 500 tỷ đồng và 370 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến nay khoảng 1.600 tỷ đồng.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, công suất 560.000 tấn/năm, có vốn đầu tư 10.673 tỷ đồng (tương đương 667 triệu USD) sử dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ khí hóa của Shell (Hà Lan), công nghệ tinh chế khí của Linder (Đức), công nghệ tổng hợp amoniac của Topsoe (Đan Mạch), công nghệ phân ly không khí của Air liquide (Pháp)…
Do làm ăn thua lỗ, sản phẩm không bán được, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải tạm ngừng sản xuất. Ảnh: Đ.T
Dự án được xây dựng theo hình thức tổng thầu EPC do nhà thầu China Huanqiu Contracting & Engineer Corp (Trung Quốc) thực hiện, với trị giá hợp đồng là 88,88 triệu USD; 17,512 triệu euro; 2,552 triệu nhân dân tệ và 752,55 tỷ đồng.
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2008, Dự án đã khởi công xây dựng vào tháng 5/2008, với kế hoạch hoàn thành xây dựng sau 42 tháng thi công.
Theo tính toán, sau khi hoàn thành vào giữa năm 2011, Nhà máy sẽ đạt sản lượng 1.760 tấn urea/ngày, nhưng đến ngày 30/3/2012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urea đầu tiên và vận hành thương mại từ ngày 15/10/2012.
Năm 2014, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) khi báo cáo về những khó khăn của Đạm Ninh Bình đã hé lộ thực tế là, dù Nhà máy đã vận hành ổn định, nhưng do đây là công trình hóa chất quy mô lớn, dây chuyền máy móc, thiết bị chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng ở mức trung bình, nên thường xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên khó chủ động sản xuất, tiêu hao định mức chưa đạt thiết kế.
Một nguyên nhân khác cũng góp phần khiến Đạm Ninh Bình lỗ là than đầu vào. Dù phụ thuộc vào công nghệ khí hóa than để sản xuất phân đạm, nhưng chất lượng than và giá than đầu vào của Đạm Ninh Bình cũng không như tính toán. Than cám 4a được sử dụng có chất lượng thấp hơn than được mô tả trong dự án, nên không đáp ứng được yêu cầu công nghệ, dẫn tới chi phí tiêu hao cao, máy móc, thiết bị nhanh bị ăn mòn, công nghệ không ổn định. Nếu đảm bảo đúng thiết kế, Đạm Ninh Bình phải sử dụng than cám 3c để đảm bảo công nghệ, kéo theo chi phí sản xuất tăng thêm 42 tỷ đồng/năm.
Chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án và chất lượng than giảm là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất urea tăng cao.
“Hiện mỗi năm, Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Chúng tôi khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phân bón của công ty khác trong nước có giá thành rẻ hơn. Nhà máy hiện còn tồn hơn 50.000 tấn hàng”, đại diện này cho biết.
Trước thực trạng làm ăn thua lỗ, hàng hóa không bán được, một tháng qua, Nhà máy đã phải tạm ngừng sản xuất. Khoảng 400 trong tổng số 1.000 công nhân cũng tạm thời bị nghỉ việc và chỉ được nhận mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán, nếu tiêu thụ được một nửa số phân đạm đang tồn kho trong tháng 5 thì Nhà máy mới có thể sản xuất trở lại.
Đâu là lối thoát?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia ngành hóa chất am hiểu câu chuyện Đạm Ninh Bình cho hay, với khoản lãi vốn vay 800 tỷ đồng và khấu hao cỡ 680 tỷ đồng mỗi năm, nếu có giải pháp thực tế sẽ giúp doanh nghiệp thoát cảnh khó khăn trước mắt, tạo cơ hội đứng vững lâu dài.
“Nếu được hoãn trả lãi vay ngân hàng hay cho phép không trích khấu hao trong 1 năm, doanh nghiệp sẽ thay đổi tình trạng ngay lập tức”, vị này nói, nhưng cũng thừa nhận, đây chỉ là giải pháp khẩn cấp và nếu có áp dụng thì cũng chỉ làm trong 1 - 2 năm. Khi doanh nghiệp đã tự đứng vững thì sẽ có các nhà đầu tư quan tâm và nên tiến hành cổ phần hóa.
Về lâu dài, chuyên gia này cho rằng, Đạm Ninh Bình muốn hoạt động hiệu quả, thoát lỗ phải chờ vào giá phân đạm thế giới tăng trở lại.
Với thực tế urea ngoài được sản xuất từ khí hóa than, còn được sản xuất từ khí tự nhiên, nên chịu tác động của giá dầu mỏ thế giới xuống thấp thời gian qua, khiến giá phân đạm giảm theo.
Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Công thương) cho hay, giá phân đạm thế giới quý I/2016 ở mức 194 - 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với quý I/2015. Do giá đạm thế giới thấp, nên lượng phân đạm nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh. Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 15/5/2016, đã có 165.875 tấn urea được nhập khẩu, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ có 59.845 tấn urea được nhập khẩu.
Đáng nói là, lượng phân đạm sản xuất trong nước hiện đã vượt so với nhu cầu hiện có. Năng lực sản lượng phân đạm của các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc hiện là 2,66 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu 2,2 - 2,3 triệu tấn urea tiêu thụ hàng năm. Đó là chưa kể, năm nay, do hạn mặn và khô hạn, diện tích nông nghiệp giảm, dẫn tới nhu cầu phân đạm cũng bị ảnh hưởng giảm theo.
Giá urea thế giới tháng 4/2016 bình quân là 235 USD/tấn, nhưng sang tháng 5/2016 đã nhích lên mức 246 USD/tấn. “Nếu giá đạm thế giới tăng lên trên 300 USD/tấn, thì sản xuất của Đạm Ninh Bình sẽ có lãi và thậm chí có thể nhanh chóng xóa khoản lỗ lũy kế”, vị chuyên gia trên nhận xét.(BĐT)
Thu giữ 1 triệu chiếc kính giả
Trong tháng 4-2016, Hải quan Brazil đã triển khai một hoạt động với tên gọi “Blind 3” nhằm truy quét nạn kinh doanh trái phép đối với mặt hàng kính mắt và kính râm, cũng như việc buôn lậu các sản phẩm hàng giả, hàng nhái và trốn thuế.
Tên gọi hoạt động này đề cập đến mối nguy hại mà kính giả gây ra cho mắt người sử dụng bởi chúng không cản được tia cực tím.
Trong hoạt động truy quét, công chức Hải quan Brazil đã thu giữ được khoảng 1 triệu sản phẩm kính tại một khu trung tâm mua sắm nổi tiếng tại Sao Paulo. Đây là vụ thu giữ kính lớn nhất Hải quan Brazil thực hiện tại thành phố này.
Tại thời điểm kiểm tra hàng hóa tại 35 cửa hàng nhỏ chuyên kinh doanh kính, lực lượng Hải quan đã thu giữ số lượng lớn sản phẩm kính đều là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Đồng thời, công chức Hải quan còn phát hiện kính giả còn được dán mác các nhãn hiệu nổi tiếng.
Bên cạnh đó, một số trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nhập khẩu kính, do đó công chức Hải quan Brazil nghi ngờ rằng số kính đó có thể đã được nhập lậu vào Brazil.
Các mẫu kính sẽ được gửi tới cho đại diện của các nhãn hiệu để xác định tính xác thực của sản phẩm. Tất cả các sản phẩm kính giả sẽ bị tiêu hủy theo quy định.