Kỳ vọng tăng xuất khẩu hạt điều sau chuyến thăm của ông Obama
Xuất khẩu Nhật lao dốc vì đồng Yên mạnh
Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 7,5 tỷ USD trong tháng Tư
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm
Tăng trưởng kinh doanh khu vực eurozone trong tháng 5 bất ngờ xuống mức thấp 16 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh 24-05-2016
- Cập nhật : 24/05/2016
Rót thêm 3 triệu USD, Vinamilk sở hữu hoàn toàn một công ty sữa Mỹ
Vinamilk rót thêm 3 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư vào Driftwood (Mỹ) lên 10 triệu USD.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM) vừa cho biết đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài về việc tăng vốn đầu tư của Vinamilk vào Công ty Driftwood vào ngày 19/5.
Theo đó, Vinamilk được phép đầu tư thêm 3 triệu USD vào Driftwood, nâng tổng vốn đầu tư vào công ty này lên 10 triệu USD. Tỷ lệ sở hữu cũng tăng lên từ 70% lên 100%.
Vinamilk chính thức nắm 70% cổ phần Driftwoof từ tháng 12/2013.
Theo Vinamilk, Driftwood là một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường ở Nam California (Mỹ) với sản phẩm chủ lực là sữa tươi và nước trái cây bán vào các trường học. Ngoài ra, Driftwood cũng bán sản phẩm vào nhà hàng khách sạn, nhà phân phối tại đây.
Năm 2015, tổng doanh thu Driftwood đạt 119 triệu USD, tương đương hơn 2.600 tỷ đồng, góp 6,5% vào doanh thu hợp nhất của Vinamilk.
Ngoài Driftwood, Vinamilk hiện còn đang góp vốn vào 3 công ty con, công ty liên kết và chi nhánh ở nước ngoài. Trong đó, đại gia ngành sữa này đang sở hữu 100% một công ty tại Ba Lan, góp 51% vốn thành lập công ty Angkor Dairy Products tại Campuchia và sở hữu 22,81% công ty Miraka Limited tại New Zealand
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga lập kỷ lục mới
Nga đã trở thành nước cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc tháng thứ 2 liên tiếp, khi vượt Arab Saudi trong tháng 4.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 4/2016 tăng 52,4% so với tháng 4/2015 lên 1,17 triệu thùng/ngày, cao hơn kỷ lục trước đó 1,13 triệu thùng/ngày ghi nhận hồi tháng 12/2015.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Arab Saudi trong tháng 4 giảm 21,8% so với cùng kỳ xuống 1 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn cao hơn so với 936.500 thùng/ngày trong tháng 3.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga lập kỷ lục mới chủ yếu do các nhà máy lọc dầu độc lập tăng cường mua vào.
Unipec, đơn vị thương mại thuộc công ty lọc dầu Sinopec, cũng mua khối lượng lớn dầu thô ESP của Nga, giao vào tháng 4/2016.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với dầu thô của Nga được dự đoán sẽ giảm trong tháng 6 do giá dầu hồi phục, kéo giảm lợi nhuận của các cơ sở lọc dầu.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga sẽ vẫn ổn định trong tháng 5, nhưng có thể giảm trong tháng 6 khi các cơ sở lọc dầu độc lập giảm lượng mua vào khi giá dầu tăng trong tháng 4, một hãng thương mại dầu thô trụ sở tại Bắc Kinh cho hay.
Trong tháng 4, Saudi Aramco đã bán lô dầu đầu tiên cho các teapot của Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang nỗ lực mở rộng thị phần tại Trung Quốc.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Iran trong tháng 4/2016 giảm 5,13% so với cùng kỷ năm ngoái xuống 671.176 thùng/ngày so với 590.830 thùng/ngày trong tháng 3.
Xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc trong tháng 5 dự báo tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Iran sẽ không đóng băng sản lượng trước phiên họp OPEC
Iran, sẽ nhóm họp với OPEC ngày 2/6, không có ý định đóng băng sản lượng cho đến khi đạt được mức trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt.
Xuất khẩu dầu thô của quốc gia Vùng Vịnh này có thể vượt 2,2 triệu thùng/ngày vào giữa mùa hè này, Rokneddin Javadi, giám đốc điều hành National Iranian Oil Co, phát biểu với hãng thông tấn Mehr.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã đạt ngưỡng này trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt liên quan đến chương trình hạt nhân 4 năm trước. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua và các quan chức Iran cho biết sẽ không thảo luận bất kỳ thỏa thuận đóng băng sản lượng nào trước khi đạt được ngưỡng xuất khẩu thời trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt.
Ông Javadi cho biết, chính phủ Iran chưa có bất kỳ kế hoạch nào về thời gian đóng băng sản lượng hoặc ngừng tăng sản lượng cũng như xuất khẩu dầu thô.
Iran đang tái thiết ngành năng lượng và khôi phục hoạt động bán dầu thô sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Tháng trước, Iran đã từ chối tham gia phiên họp thảo luận việc đóng băng sản lượng tại Doha, Qatar. Cuộc họp này đã kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra sau khi Arab Saudi từ chối hạn chế sản lượng nếu không có sự tham gia của các nước thành viên OPEC, kể cả Iran.
OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 2/6 tới tại Vienna.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm 12/5, sản lượng dầu thô của Iran tháng 4/2016 đã tăng lên bằng mức trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt ở 3,56 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô của nước này tăng 40% lên 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Chỉ mua vàng... sau khi điều này xảy ra
Thời điểm an toàn để mua vào vàng là sau khi Fed nâng lãi suất, Dennis Gartman, biên tập viên và nhà xuất bản The Gartman Letter, khuyến nghị.
Một vài điều kỳ lạ đang diễn ra trên thị trường vàng và đã khiến nhà đầu tư hàng hóa Dennis Gartman có xu hướng thận trọng.
Giá vàng chốt phiên cuối tuần 20/5 với mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 2 tháng qua và ghi nhận tuần thứ 3 giảm liên tiếp. Trái lại, USD lại đánh dấu tuần thứ 3 tăng liên tiếp sau bình luận của Chủ tịch Fed New York William Dudley rằng thị trường đang đánh giá không đúng mức khả năng nâng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Gartman cho rằng, lực bán ra sẽ tăng mạnh khi giá vàng giao ngay ở 1.270-1.285 USD/ounce và điều này sẽ diễn ra cho đến khi Fed nâng lãi suất.
Nếu phải giao dịch vàng, hãy đừng giao dịch bằng USD, Gartman - biên tập viên và nhà xuất bản The Gartman Letter - khuyến nghị. Tuy ông Gartman yêu thích khái niệm sở hữu vàng bằng ngoại tệ phi USD, nhất là bằng yên và euro, song ông cũng cảm thấy đà tăng của đồng bạc xanh sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá vàng.
Ông Gartman cho biết, hiện ông rất hạn chế nắm giữ vàng giao dịch bằng USD do đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào mùa hè này và rằng thị trường vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh sau khi biên bản họp chính sách tháng 4 của Fed được công bố.
Vậy khi nào nên mua vào vàng? Gartman cảm thấy thời điểm nên lạc quan về giá vàng sẽ là sau khi Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm nay. Với giả định lãi suất rốt cuộc sẽ tăng trong năm nay, Gartman đang thúc giục các nhà đầu tư tránh mua vào vàng trong ngắn hạn vì ông cho rằng thị trường sẽ tích cực hơn sau khi Fed hành động.
VinaCapital thoái vốn khỏi sân golf Đà Nẵng, thu về hơn 12 triệu USD
Thương vụ này nằm trong chiến lược thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản của VinaCapital.
Quỹ đầu tư VOF do VinaCapital quản lý mới đây ra thông báo đã thoái vốn toàn bộ khỏi dự án sân golf Đà Nẵng.
Thông báo của VinaCapital cho biết, quỹ đầu tư này đã bán toàn bộ cổ phần cho Công Ty TNHH Thương mại Đầu tư Xuất Nhập khẩu An Phú, với mức giá cao hơn 2% so với lúc được định giá tại thời điểm ngày 28/2/2016.
Giao dịch này đem về 12,2 triệu USD tiền mặt cho VinaCapital, trong đó 11 triệu USD đã được thanh toán, phần còn lại dự kiến sẽ được thanh toán trước tháng 7 năm nay.
Sân golf Đà Nẵng là dự án được VinaCapital mua lại vào năm 2006. Theo VinaCapital cho biết, dự án có diện tích khoảng 219,8 ha, bao gồm một sân golf 18 lỗ đã hoàn thành, và còn khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng. Hiện dự án đã được duyệt một kế hoạch tổng thể để phát triển trong tương lai.
Mới đây, hai quỹ VOF và Vinaland Limited thuộc VinaCapital cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi dự án khu dân cư Thế kỷ 21 cho Công ty Bất động sản Khải Hưng và thu về 28,7 triệu USD. Sau thương vụ này, tỷ trọng ngành bất động sản trong cơ cấu NAV của VOF giảm từ 12% xuống còn 8,4%.
VinaCapital gần đây đã đầu tư vào Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và chi 9 triệu USD mua cổ phần bệnh viện Thái Hòa (Đồng Tháp). Cũng theo ông Andy, các khoản đầu tư vốn tư nhân của VOF cho đến nay đã đạt mức lợi suất hàng năm (IRR) trên 20%.(NCĐT)