Các ngành xuất khẩu chủ lực đều tăng không quá 7%
Kinh tế Mỹ nhiều tín hiệu tích cực, nhưng Fed chưa thể tăng lãi suất
Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu tôm vào Anh
Brexit và lưu ý cho ngành gỗ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Brexit ngăn cản sự tăng trưởng của eurozone
Các công ty nông lâm nghiệp lỗ nghìn tỷ, ăn mòn vào vốn
Tuy có tỷ trọng tài sản cao hơn, song các doanh nghiệp nông nghiệp lại đang có kết quả kinh doanh và tình hình nợ nần u ám hơn so với khối lâm nghiệp.
Câu chuyện làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn nêu lên tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015–2016; nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020, diễn ra sang 14/7.
Báo cáo của cơ quan quản lý cho thấy cả nước hiện có 254 công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118, trong đó có 120 công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp.Tính tới cuối tháng 12/2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty này là trên 40.500 tỷ đồng. Bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm (2012 – 2014) đạt gần 2.800 tỷ đồng, trong đó khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối lâm nghiệp.
Nhưng con số khiến Thứ trưởng Tuấn băn khoăn là hiện tổng số lỗ luỹ kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu. "Các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều công ty trong số này đã dừng hoạt động...", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận xét.
Lỗ luỹ kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp, với nhiều đơn vị lỗ trên 20 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV các phê Ia Châm lỗ 52 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Ea Tul 40 tỷ; Công ty TNHH MTV cà phê Chư Quynh 33 tỷ; Công ty THNN MTV cao su Mang Yang 39 tỷ… Trường hợp cá biệt là Tổng công ty 15 – Bộ Quốc phòng lỗ luỹ kế lên tới 334 tỷ.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, những công ty có số lỗ luỹ kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu sẽ đều thực hiện giải thể. Đến nay đã có 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp tiến hành giải thể.
Không chỉ lỗ "ăn mòn" vào vốn, tình hình công nợ của số doanh nghiệp này cũng không mấy sáng sủa. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ vay của các công ty nông, lâm nghiệp tại 96 tổ chức tín dụng đã lên tới gần 6.500 tỷ đồng (tính tới cuối tháng 3/2016), chủ yếu là dư nợ vay trung, dài hạn. Riêng dư nợ vay của các công ty nông nghiệp trên 5.400 tỷ đồng.
Nợ xấu của nhóm này là gần 39 tỷ đồng, trong đó nợ xấu của các công ty nông nghiệp chiếm gần hết, tới 38,2 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỷ đồng tại 23 công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thu nợ của nhóm này gặp nhiều khó khăn do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.
“Lợi nhuận của các công ty nông, lâm nghiệp không cao, thậm chí thua lỗ triền miên, mất vốn… nhưng hằng năm vẫn phải trả tiền thuê đất theo quy định, vì thế càng thêm khốn khó”, ông Tuấn lý giải.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp là một chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế triển khai lại chậm, chưa đạt yêu cầu.
Về việc vướng kinh phí cho hoạt động đo vẽ, cấp giấy chứng nhận, Phó thủ tướng cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ đã có, trong khi ngân sách trung ương chưa bố trí được thì các tỉnh nên chủ động bố trí ngân sách địa phương để ứng trước. “Trung ương không bao giờ nợ đâu, địa phương cứ ứng trước tài chính để triển khai, tránh chậm trễ như hiện nay”, Phó thủ tướng nói.
Băn khoăn nữa cũng được Phó thủ tướng nêu lên là một số đơn vị thua lỗ lớn do mất vốn Nhà nước, chậm chuyển đổi hoặc chưa chuyển đổi mô hình hoạt động… cũng là vướng mắc khiến quá trình sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp 2 năm qua còn chậm.
Đến 30/6/2016, Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới cho 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp). Thủ tướng đã phê duyệt cho 243 công ty (114 công ty nông nghiệp, 129 công ty lâm nghiệp). Có 14 công ty nông, lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được Thủ tướng phê duyệt.
Thể hiện quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu đổi mới, sắp xếp lại số công ty này vào quý II/2017, Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đưa ra cơ chế tài chính đặc thù để gỡ vướng mắc về vốn đối với các công ty nông, lâm nghiệp.(VNEX)
Phải vào được chuỗi cung ứng toàn cầu
Dù là nước sản xuất giày dép xuất khẩu đứng thứ ba thế giới nhưng Việt Nam vẫn ở thế bị động trong các chuỗi sản xuất toàn cầu
Năm 2016, mục tiêu xuất khẩu của ngành giày dép, túi xách Việt Nam là 17,4 tỉ USD. Mỗi năm, ngành da giày Việt Nam sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày, trong đó hơn 800 triệu đôi để xuất khẩu và thị trường châu Âu (EU) chiếm thị phần lớn nhất. Do đó, việc suy thoái kinh tế của EU và các khu vực khác đang ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu của ngành khoảng 8 tỉ USD, chỉ tăng trưởng bình quân hơn 7%, thấp hơn nhiều mức 14% của năm ngoái.
Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, cho biết ngay từ năm ngoái, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn với thị trường EU do các hàng rào phi thuế quan được lập nên nhiều hơn, thay đổi tiêu chuẩn về môi trường… Lúc này, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ giúp xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5%-57,4% về 0%, giúp ngành da giày xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới. Đây không chỉ là cú hích mà còn là cơ hội vàng cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giày 2016 ngày 14-7 ở TP HCM, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày, túi xách Việt Nam muốn tận dụng được lợi thế từ các FTA thì cần phát triển các chuỗi liên kết nội địa, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn. Mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam lên tới 54 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 1,8 lần nhưng để có được giá trị gia tăng nhiều hơn, các DN cần đi vào những sản phẩm có giá trị cao thay vì sản phẩm căn bản như trước. Một số nước như Campuchia, Bangladesh, Myanmar đang sản xuất những dòng giày dép cơ bản có khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi từ Mỹ và sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Việt Nam.
Việt Nam dù nằm trong nhóm các nước sản xuất, xuất khẩu giày dép, túi xách hàng đầu thế giới nhưng tới 65%-70% thị phần xuất khẩu do DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nắm giữ. Trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu sản xuất giày dép lớn thế giới như Nike, Adidas… DN Việt phần lớn ở thế bị động do làm gia công, phụ thuộc vào sự chỉ định của nhà nhập khẩu. Ngược lại, các DN FDI lại làm rất tốt trong chuỗi cung ứng do hệ thống nhà máy của họ cung cấp từ nguyên phụ liệu, sản xuất rồi phân phối. Họ biết cách lấy nguồn nguyên phụ liệu ở đâu tốt nhất, hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất và giá thành cũng cạnh tranh.
Theo Lefaso, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam phải phấn đấu lên mức 60% để đáp ứng được tất cả điều kiện về quy tắc xuất xứ đối với các FTA đã ký, giúp giảm các chi phí logistics, vận chuyển và nâng cao sự chủ động của DN Việt. Cơ hội từ FTA rất lớn nhưng không mặc nhiên DN được hưởng mà phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, xuất xứ và môi trường, nhất là khi EU đang nâng cấp tiêu chuẩn môi trường. “Quan trọng là phải phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các thương hiệu lớn thế giới” - ông Kiệt nói.
Xe đầu kéo, sơmi rơmooc chủ yếu nhập từ Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu xe đầu kéo và sơmi rơmooc tăng mạnh trong hai năm qua. Và điều đáng quan tâm là hai loại xe này chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Cụ thể, trong năm 2014, chúng ta đã chi 322 triệu USD để nhập xe đầu kéo. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 236 triệu USD, chiếm 73% tổng lượng nhập khẩu.
Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu xe đầu kéo tăng mạnh, đạt 675 triệu USD, riêng xe nhập từ Trung Quốc có trị giá 427 triệu USD, chiếm 63% tổng lượng nhập khẩu. Trong đó, riêng lượng xe đầu kéo cũ nhập khẩu đạt khoảng 157 triệu USD, chiếm 23% tổng lượng nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Mexico, Mỹ, Hàn Quốc.
Đối với xe sơmi rơmooc, trong năm 2015, Việt Nam đã bỏ ra 261 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này. Và tới 98% khoản tiền này là trả cho xe nhập từ thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) về tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo, xe sơmi romooc nguyên chiếc, Bộ Tài chính khẳng định không thể tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Bởi mức thuế suất đang áp dụng đã kịch trần cam kết WTO.
Được biết, hồi tháng 3 vừa qua, trong kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính, VAMI cho biết hiện nay thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc, xe sơmi rơmooc thấp hơn so với nhập linh kiện. Cụ thể: thuế nhập khẩu của xe đầu kéo nguyên chiếc cả mới và đã qua sử dụng đều thấp hơn 2,5-7,5% so với nhập linh kiện, xe sơmi rơmooc thấp hơn 12,5-20% so với nhập linh kiện. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp kinh doanh nhập nguyên chiếc và doanh nghiệp kinh doanh nhập linh kiện lắp ráp.
Để tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh ôtô trong nước, VAMI kiến nghị Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu đối với xe đầu kéo mới lên gấp 4 lần, tức là từ 5% lên 20%, còn đối với xe đầu kéo đã qua sử dụng thì cần tăng thuế gấp 2,5 lần, từ 20% lên 50%.
Đối với thuế nhập khẩu xe sơmi rơmooc nguyên chiếc tăng lên 50%. Hiện nay thuế nhập khẩu của chủng loại xe này từ các nước ASEAN, Trung Quốc và các nước khác thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0%.
Trước kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc, Bộ Tài chính cho biết thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe đầu kéo nguyên chiếc là 5% và xe sơmi rơmooc là 20%, đang áp bằng cam kết WTO. Do vậy kiến nghị tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc từ 5% lên 20% và xe sơmi rơmooc từ 20% lên 50% không phù hợp với cam kết WTO.
Chủ động các giải pháp phát triển ngành hàng cá tra Việt Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Thông báo số 5735/TB-BNN-VP về ý kiến Kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Ngày 22/6/2016, Hội nghị “Định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra trước yêu cầu hội nhập quốc tế” đã diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp. Sau khi nghe các báo cáo, tham luận và ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực, là thế mạnh của ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn đang bị cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, những cách ứng phó về sản phẩm cá tra của chúng ta vẫn chưa hiệu quả, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thay vì tăng cường đảm bảo chất lượng thì chỉ chú trọng cạnh tranh về giá.
Nhằm bảo vệ hình ảnh của cá tra Việt Nam, đồng thời tiếp tục duy trì, thúc đẩy sản xuất trong nước trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện, tham mưu để Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP trong tháng 7/2016.
Giao Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hoàn thiện và trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh trong tháng 7/2016 để triển khai ngay khi Nghị định sửa đổi Nghị định 36 có hiệu lực thi hành. Đồng thời, tham mưu cho Bộ tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng cá da trơn xuất khẩu vào Hoa Kỳ theo đề nghị của VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam).
Về lâu dài, giao Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện, trình phê duyệt lại Đề án khung sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn”. Đề án này cần gắn kết với việc thực hiện Nghị định sửa đổi Nghị định 36, xây dựng thương hiệu và sản phẩm cá tra chất lượng cao. Các dự án, đề tài khoa học công nghệ của Đề án cần tập trung nghiên cứu giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Vụ pháp chế và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách đối với ngành hàng cá tra để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh Đồng Tháp, An Giang tổng kết mô hình “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cá tra” và đề xuất chính sách, giải pháp phát triển mô hình liên kết chuỗi, trong đó, chú ý chính sách ưu đãi tín dụng.
Đề nghị VASEP vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển dòng sản phẩm cá tra chất lượng cao nhằm khôi phục uy tín, xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường nội địa và xuất khẩu, giữ vững các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, đề nghị các Hội, Hiệp hội phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường liên kết, hợp tác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên; phối hợp với các bên liên quan kiểm soát tốt chất lượng và an toàn thực phẩm để nâng cao uy tín cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam.(ĐCS)